Một số nét chính về Cty CP Bông Bạch Tuyết
Ngày 29/10/2003, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã cấp Giấy phép phát hành số 29/GPPH cho phép Công ty cổ phần Bông Bạch Tuyết đăng ký lại cổ phiếu để niêm yết. Như vậy, Công ty cổ phần Bông Bạch Tuyết đã trở thành công ty thứ 23 niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Để giúp quý độc giả có thêm thông tin về công ty, Bản Tin Thị trường Chứng khoán xin giới thiệu một số nét chính về lịch sử thành lập, quá trình hoạt động và những kết quả kinh doanh đáng chú ý của Công ty cổ phần Bông Bạch Tuyết để quý độc giả tham khảo.Giới thiệu chung về Công ty
Công ty cổ phần Bông Bạch Tuyết tiền thân là nhà máy Cobovina Bạch Tuyết, được thành lập năm 1960. Đây là nhà máy sản xuất các sản phẩm bông y tế và băng vệ sinh phụ nữ. Sau ngày 30/4/1975, nhà máy Cobovina Bạch Tuyết được Nhà nước quốc hữu hoá và trực thuộc Liên hiệp Xí nghiệp Dệt Hồng Gấm. Sau đó nhà máy được đổi tên thành Xí nghiệp Quốc doanh Bông Bạch Tuyết vào năm 1979 . Năm 1992, Xí nghiệp Quốc doanh Bông Bạch Tuyết đã tiến hành đăng ký Doanh nghiệp Nhà nước theo Nghị định số 388 của Hội đồng Bộ trưởng và được đổi tên thành Công ty Bông Bạch Tuyết theo Quyết định số 194/QĐ-UB ngày 9/12/1992 của Ủy ban nhân dân TP.HCM. Năm 1997, Ủy ban nhân dân TP.HCM cho phép chuyển thể Công ty Bông Bạch Tuyết thành Công ty Cổ phần Bông Bạch Tuyết theo Quyết định số 6630/QĐ-UB-KT ngày 20/11/1997, với Vốn điều lệ ban đầu là 11,4 tỷ đồng Nhà nước nắm giữ 30% Vốn cổ phần.
Ngày 10/3/2002, Công ty đã tăng VĐL từ 11,4 tỷ đồng lên 68,4 tỷ đồng được chia thành 6.840.000 cổ phần. Trong đó:
Nhà nước: 2.052.000 cổ phần 30%.
Cổ đông nội bộ: 2.850.228 cổ phần 41,67% với 180 cổ đông.
Cổ đông bên ngoài: 1.937.772 cổ phần 28,33% với 102 cổ đông.
Cổ đông sáng lập: Gồm Nhà nước và Cổ đông nội bộ, có 181 cổ đông, chiếm71,67% vốn cổ phần.
Theo điều lệ hiện nay của Công ty, mỗi cổ đông là tổ chức pháp nhân được quyền nắm giữ không quá 10% giá trị VĐL ngoại trừ cổ đông Nhà nước đang nắm giữ 30% VĐL ban đầu và mỗi cổ đông là thể nhân không quá 5%.
Lĩnh vực kinh doanh chủ yếu của Công ty : bông, băng y tế; băng vệ sinh phụ nữ và các sản phẩm khác từ bông, băng.
Liên tục trong 7 năm liền 1997-2002, Công ty được người tiêu dùng bình chọn danh hiệu Hàng Việt Nam Chất Lượng Cao.
Tình hình thị trường
Việt Nam là một trong những quốc gia đông dân nhất thế giới, đây là một thị trường lớn và còn nhiều tiềm năng phát triển đối với các sản phẩm bông y tế, băng vệ sinh phụ nữ,… Hiện nay, nhu cầu các sản phẩm bông y tế vào khoảng 810 tấn/năm, nhu cầu các sản phẩm băng vệ sinh vào khoảng 155 triệu gói/năm, còn nhu cầu khác từ bông, băng khoảng 85 tấn/năm. Mỗi năm Công ty Bông Bạch Tuyết cung cấp cho thị trường khoảng 727 tấn bông y tế chỉ mới đáp ứng được khoảng 89,7% nhu cầu thị trường và 41,5 triệu gói băng vệ sinh đáp ứng chỉ khoảng 29,6% nhu cầu thị trường.
Theo số liệu điều tra của Công ty, các sản phẩm y tế của Công ty chiếm đến 90% tổng thị phần toàn quốc. Các sản phẩm băng vệ sinh của công ty rất nổi tiếng và phổ biến tại thị trường phía Nam, đặc biệt tại các tỉnh Nam Bộ thị phần tại khu vực này khoảng 50%-55%, tuy nhiên sản phẩm của Công ty còn chưa quen thuộc với người tiêu dùng ở các tỉnh, thành phía Bắc thị phần ở đây chỉ khoảng 5% nên thị phần tính trên cả nước hiện nay chỉ ở mức 30%.
Thị phần và đối thủ cạnh tranh:
Đối với sản phẩm bông y tế, với khoảng 90% thị phần trên cả nước, Công ty là nhà sản xuất và phân phối dẫn đầu, chi phối hoàn toàn thị trường, không có đối thủ cạnh tranh nào đáng kể do sản phẩm đạt được những tiêu chuẩn nghiêm ngặt được yêu cầu trong y khoa. 10% thị phần bông y tế còn lại do những Công ty khác chia nhau nắm giữ như Bảo Thạch, Thành Tín…
Đối với các sản phẩm băng vệ sinh phụ nữ, Công ty chiếm khoảng 30% thị phần trên toàn quốc. Trong đó, thị trường chủ yếu hiện nay của Công ty là các tỉnh phía Nam từ Quảng Bình trở vào, gồm: miền Trung, Tây Nguyên, miền Đông Nam Bộ, TP.HCM và các tỉnh miền Tây. Đối thủ cạnh tranh chủ yếu bao gồm: Kimberly Clark, P&G, Diatco, Đông Hòa, Kao,…
Các nhân tố rủi ro ảnh hưởng đến giá cổ phiếu
Rủi ro về kinh tế:
Do Công ty chỉ chuyên sản xuất và kinh doanh các chủng loại sản phẩm bông y tế, băng vệ sinh, bông vệ sinh tai,… vốn là những sản phẩm có mức tiêu thụ gần như không phụ thuộc vào tình hình kinh tế trong nước, khu vực cũng như toàn cầu nên cho dù kinh tế có tăng trưởng hay giảm sút đều không ảnh hưởng nhiều đến sản lượng, doanh số và lợi nhuận của Công ty. Ngay cả trong hoàn cảnh chi phí tiêu dùng của toàn xã hội giảm đáng kể thì phần chi phí cho các loại sản phẩm thiết yếu, có giá trị thấp như bông, băng,… vẫn ổn định.
Kết quả hoạt động kinh doanh trong các năm gần đây
Stt |
Chỉ tiêu |
Năm 2001 |
Năm 2002 |
1 |
Tổng Doanh thu |
79.142.612.336 |
71.299.198.550 |
2 |
Lợi nhuận trước thuế |
28.498.162.048 |
21.640.441.684 |
3 |
Lợi nhuận sau thuế |
17.866.800.770 |
14.715.500.345 |
4 |
Cổ tức (%) |
24% |
24% |
5 |
Tỷ lệ lợi nhuận trả cổ tức |
15,31% |
18,59% |
6 |
Tổng giá trị tài sản |
87.801.033.335 |
102.373.285.760 |
7 |
Nguồn vốn chủ sở hữu |
70.329.823.456 |
80.588.169.513 |
Rủi ro về tỷ giá
Đối với Công ty, do hầu hết máy móc, thiết bị, nguyên liệu bông xơ, bột giấy,… phục vụ cho sản xuất đều được nhập khẩu từ nước ngoài nên nếu đồng Việt Nam mất giá sẽ làm tăng giá thành sản phẩm, ảnh hưởng đến lợi nhuận của Công ty. Tuy nhiên, việc nhập khẩu nguyên liệu cho sản xuất là tình hình chung đối với tất cả các Công ty trong ngành này, vì nguyên liệu, vật liệu trong nước không đủ cho nhu cầu, hơn nữa giá lại cao hơn nhiều nguyên liệu, vật liệu nhập khẩu.
Để hạn chế rủi ro tỷ giá, hàng năm Công ty còn trích một phần lợi nhuận vào khoản mục dự phòng tài chính. Đầu năm 2003, Nhà nước ta cho triển khai thí điểm nghiệp vụ quyền lựa chọn mua/bán ngoại tệ taiïi Eximbank, Công ty có thể sẽ sử dụng dịch vụ này để hạn chế rủi ro tỷ giá.
Ngoài ra Công ty còn chịu các rủi ro về nguyên vật liệu do Công ty phải nhập khẩu nguyên liệu chính để sản xuất, rủi ro do pháp luật, chính sách của Nhà nước như chính sách di dời vào khu công nghiệp…
Kế hoạch sản xuất kinh doanh ngắn và dài hạn của Công ty:
Kế hoạch doanh thu và lợi nhuận giai đoạn 2003-2005
Chỉ tiêu |
Năm 2003 |
Năm 2004 |
Năm 2005 |
Doanh thu thuần |
80.011.000 |
104.528.778 |
115.205.778 |
Lợi nhuận sau thuế |
12.885.500 |
17.000.500 |
19.998.500 |
Tỷ lệ LN sau thuế/DT thuần |
16,10% |
16,26% |
17,36% |
Tỷ lệ LN sau thuế/Vốn CSH |
18,84% |
24,85% |
29,24% |
Cổ tức (%) |
10% |
10% |
10% |
Kế hoạch sản xuất kinh doanh ngắn hạn
Tập trung thực hiện có hiệu quả dự án đầu tư xây dựng nhà máy mới tại Khu công nghiệp Vĩnh Lộc có diện tích sử dụng 16.000 m2 với dây chuyền công nghệ hiện đại của Châu Âu, tổng vốn đầu tư là 100.868.000.000 VND.
Xây dựng, củng cố kênh phân phối hiện có, thiết lập chi nhánh hoặc văn phòng đại diện ở miền Bắc, nâng cao thị phần, tăng khả năng cạnh tranh.
Tiếp thị quảng bá thương hiệu sang các nước trong khu vực để mở rộng thị trường tiêu thụ nhất là thị truờng Lào, Campuchia và các tỉnh biên giới Trung Quốc.
Kế hoạch SXKD dài hạn:
Tiếp tục phát triển ngành nghề truyền thống
Phát triển thêm những ngành sản xuất sản phẩm phục vụ ngành y tế, sản phẩm phục vụ nữ giới và trẻ em.
Nâng cao vị thế cạnh tranh ngang tầm thế giới.
TTGDCK