Tuần 04/01 - 09/01/2010
Một tuần giao dịch kịch tính, thanh khoản thị trường tăng mạnh
(Vietstock) – Khối lượng và giá trị giao dịch trong tuần tăng mạnh. Khối lượng lệnh đặt mua càng về những ngày cuối tuần càng tăng cho thấy nhà đầu tư khá hưng phấn trong việc tham gia vào thị trường. Chúng tôi cho rằng trong những phiên giao dịch đầu tuần tới thị trường có thể tiếp tục điều chỉnh, tuy nhiên mức điều chỉnh có thể sẽ không mạnh. Lực mua mạnh cùng với sự hưng phấn của các nhà đầu tư sẽ hỗ trợ tốt cho thị trường. Trong những phiên cuối tuần thị trường có khả năng sẽ tăng trở lại. Như vậy, nhà đầu tư cần trọng trong việc lựa chọn cổ phiếu để đầu tư vào thời điểm này. Việc nắm giữ một tỷ trọng cổ phiếu cao (trên 70%) trong danh mục vào thời điểm này không phải là một lựa chọn hoàn hảo.
A. KINH TẾ TÀI CHÍNH THẾ GIỚI VÀ TRONG NƯỚC
KINH TẾ TÀI CHÍNH THẾ GIỚI
Tuần giao dịch đầu tiên của năm 2010, chứng khoán thế giới tiếp tục khởi sắc. Những chỉ số kinh tế thế giới được công bố ngày càng có dấu hiệu cải thiện. Tuy nhiên, cho đến nay phần lớn các nhà kinh tế vẫn chưa thể khẳng định là kinh tế thế giới đã thực sự phục hồi hay chưa.
Trong bài phát biểu mới nhất tại hội nghị kinh tế ở Atlanta, Ông Paul Krugman, người đoạt giải Nobel kinh tế năm 2008, cho rằng xác suất kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái lần hai ở thời điểm nửa sau năm 2010, khi việc kích cầu thông qua chính sách tài khóa và tiền tệ của chính phủ Mỹ kết thúc, là khoảng 30%.
Trong khi đó, giá dầu thô và vàng tăng sau khi đồng USD mất giá so với một số đồng tiền khác.
Kinh tế Mỹ thể hiện sự phục hồi thận trọng
Những chỉ số về kinh tế Mỹ được công bố trong tuần cho thấy kinh tế nước này đang có những chuyển biến tích cực. Ngày 04/01/2010, Viện Quản lý Nguồn cung (ISM) cho biết, chỉ số ngành sản xuất tháng 12/09 đã tăng lên 55.9 điểm, từ mức 53.6 tháng trước và cao hơn so với mức dự báo của giới phân tích là 54.3 điểm. Cũng theo ISM chỉ số chỉ số ISM ngành dịch vụ tháng 12/09 cũng đã tăng lên mức 50.1, cao hơn mức 48.7 của tháng trước. Chỉ số này lớn hơn 50 cho thấy ngành dịch vụ và sản xuất của Mỹ tăng trưởng dương. Đặc biệt, ngành sản xuất đang thể hiện sự phục hồi mạnh mẽ.
Những tin tức liên quan đến việc làm cũng cho thấy dấu hiệu khả quan. Theo ADP Employer Services, trong tháng 12/2009, giới chủ tư nhân ở Mỹ đã cắt giảm 84,000 việc làm, giảm mạnh so với con số 145,000 việc làm bị cắt giảm trong tháng 11 và đây cũng là mức thấp nhất kể từ tháng 3/2008. Số người xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần kết thúc 02/01/2010 chỉ còn 434,000 giảm 1,000 người so vớ tuần trước đó. Tổng số người nhận trợ cấp thất nghiệp tính đến 16/12/2009 tại Mỹ khoảng 4.8 triệu người. Vào tối nay lúc 20h30 (giờ Việt Nam), số liệu về tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 12 của Mỹ được công bố Theo giới phân tích dự báo, thất nghiệp tại Mỹ tháng này tiếp tục tăng lên mức 10.1%, từ mức 10% của tháng 11. Nếu tỷ lệ thất nghiệp đạt mức 10.1% hoặc cao hơn thì đây là tỷ lệ cao nhất trong vòng hơn 20 năm qua tại Mỹ.
Một thông tin khả quan khác cho kinh tế Mỹ đến từ số đợt đặt hàng của nước này. Theo Bộ Thương mại Mỹ, tháng 11/2009, số đơn đặt hàng tại các nhà máy đã tăng 1.1%, cao gấp đôi con số dự báo của giới phân tích. Cũng trong tháng này số đơn đặt hàng lâu bền đã tăng 0.2%, từ mức giảm 0.7% trong tháng 10. Số đơn đặt hàng không thuộc nhóm hàng lâu bền tăng 1.8%, thấp hơn mức 2.2% của tháng trước.
Bên cạnh những thông tin tích cực đó, kinh tế Mỹ trong tuần này lại đón nhận những thông tin không mấy tích cực từ thị trường nhà đất. Theo đó, chỉ số đo lường về số hợp đồng mua nhà trong tháng 11 giảm 16%, xuống 96 điểm. Đây là tháng đầu tiên chỉ số này giảm sau 9 tháng tăng liên tiếp. Tuy nhiên, nếu so với cùng kỳ năm trước chỉ số này vẫn tăng 15.5%. Cũng liên quan đến lĩnh vực xây dựng, nhà đất, theo Bộ Thương mại Mỹ, chi tiêu trong lĩnh vực xây dựng trong tháng 11/2009 đã giảm 0.6% xuống 900.1 tỷ USD, giảm 0.5% so với tháng 10 và đây là mức thấp nhất kể từ tháng 7/2003.
Trong tuần tới những số liệu về cán cân thương mại, doanh số bán lẻ và chỉ số giá tiêu dùng Mỹ sẽ được công bố. Đây đều là những chỉ báo quan trọng đối với nền kinh tế. Theo dự báo của giới phân tích, cán cân thương mại trong tháng 12 sẽ thâm hụt 36.4 tỷ USD, cao hơn mức 32.9 tỷ của tháng trước, doanh số bán lẻ của nước này dự báo chỉ tăng 0.4%, thấp hơn mức 1.3% của tháng trước, chỉ số giá tiêu dùng tăng 0.1%, thấp hơn mức 0.4% tháng 11/2009.
Tăng trưởng GDP châu Âu đạt mức 0.4%, tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 10%
Kinh tế châu Âu cũng đang thể hiện sự phục hồi. Theo con số công bố mới nhất, GDP quý 3 của Liên minh châu Âu (Euro Zone) tăng 0.4%. Như vậy, đây là lần đầu tiên sau 5 quý GDP của khu vực này tăng trưởng dương. Tuy vậy, tính theo năm thì GDP của khu vực này vẫn giảm 4%. Thông tin không mấy tích cực là tỷ lệ thất nghiệp Euro Zone tháng 11, lên lên mức 10%. cao mức 9.8% của tháng trước.
Liên quan đến chính sách tiền tệ, một số dự đoán cho rằng Ngân hàng Trung ương châu Âu sẽ tiếp tục giữ mức lãi suất 1% trong năm 2010. Điều này như là một sự cam kết mạnh mẽ của châu Âu trong việc quyết tâm hỗ trợ nền kinh tế khu vực. Trước đó vào ngày 07/01, Ngân hàng trung ương Anh quyết định giữ nguyên mức lãi suất 0.5% và cam kết tiếp tục bơm tiền ra nền kinh tế.
Tại Anh, chỉ số lĩnh vực dịch vụ đã tăng trưởng được 6 quý liên tiếp. Số lượng người mất việc giảm với tốc độ chậm nhất trong 1 năm rưỡi qua. Dự kiến GDP Quý 4/2009 của nước này bắt đầu tăng trưởng dương. Tỷ lệ thất nghiệp tính đến tháng 11 của Anh vẫn đang ở mức 7.9%, đây cũng là mức cao nhất trong nhiều năm qua.
Tại Đức, kinh tế nước này cũng tiếp tục thể hiện sự phục hồi. GDP bắt đầu tăng trưởng dương từ Quý 2/2009. Tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 11 giảm xuống còn 8.1%, thấp hơn mức 8.2% của tháng trước.
Nhật Bản muốn đồng Yên yếu, Trung Quốc tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ
Nhật Bản đang lo ngại đồng Yên tăng giá sẽ ảnh hưởng đến sự phục hồi của kinh tế nước này. Vì vậy Nhật Bản đang thực hiện nhiều biện pháp để giảm giá đồng Yên, hỗ trợ cho sự phục hồi của nền kinh tế. Phát biểu trong cuộc họp báo đầu tiên, tân Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản cho biết ông sẽ phối hợp với Ngân hàng Nhật Bản để đồng Yên điều chỉnh đến một "mức thích hợp".
Trung Quốc tiếp tục có những động thái thắt chặt chính sách tiền tệ. Chính phủ Trung Quốc quyết định tăng lãi trái phiếu chính phủ cho kỳ hạn 3 tháng. Những động thái này của Trung Quốc nhằm kiểm soát việc tăng trưởng nóng của tín dụng để chống lạm phát. Nhiều nhận định còn cho rằng nhiều khả năng Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc sẽ tăng lãi suất trong thời gian tới.
Giá vàng và dầu tăng trước sự suy yếu của đồng USD
Mặc dù đã điều chỉnh giảm trong 2 phiên gần đây nhưng hiện tại giá dầu thô vẫn trên 82 USD/thùng. Giá dầu đạt mức thấp nhất vào ngày 11/12/2009 với mức 69 USD/thùng, sau đó liên tục tăng mạnh trong những ngày vừa qua. Giá dầu thô đạt mức đỉnh 83.5 USD/thùng vào ngày 07/01. Hiện tại giá dầu vẫn ở mức 81.15 USD/thùng. Sự tăng mạnh của giá dầu, ngoài việc do đồng USD suy yếu nhẹ, còn do nhu cầu tiêu thụ dầu đang tăng mạnh tại những khu vực có mùa đông lạnh giá.
Giá vàng, trong những ngày vừa qua cũng phục hồi khá mạnh. Từ mức đáy 1,091.45 USD/oz ngày 13/12/09, hiện tại giá vàng đang ở mức 1,124.82 USD/oz. Mức này vẫn còn thấp hơn 100 USD/oz so với mức cao nhất đầu tháng 12/2009.
Chứng khoán khởi sắc trong tuần đầu năm mới
Hầu hết các chứng khoán trên thế giới đều có một tuần tăng điểm. Tại Mỹ, những tin tức tích cực được công bố trong tuần làm chứng khoán nước này tăng trên 2%.
Tại châu Âu, giao dịch trong tuần diễn ra khá giằng co, ngoại trừ hôm thứ 2 thì hầu hết các chỉ số chứng khoán nước này tăng giảm nhẹ trong những phiên giao dịch còn lại. Với 4 phiên giao dịch đầu tuần, chỉ số FTSE 100 của Anh và CAC 40 của Pháp tăng xấp xỉ 2%.
Tại châu Á, ngoài 2 thị trường Trung Quốc và Ấn Độ giảm điểm, các thị trường chủ chốt khác đều tăng điểm.
Biến động một số chỉ số chứng khoán trong tuần
KINH TẾ TÀI CHÍNH TRONG NƯỚC
Ngân hàng Nhà nước bơm tiền vào hệ thống ngân hàng
Ngày 06/01/2010, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã bơm 15,000 tỷ đồng vào hệ thống ngân hàng thông qua thị trường mở. Biện pháp can thiệp này của NHNN đã làm cho lãi suất trên thị trường liên ngân hàng hạ nhiệt. Lãi suất các kỳ hạn ngắn đã giảm xuống dưới 12%, đặc biệt lãi suất qua đêm giảm xuống chỉ còn 8.5%, từ mức trên 12% trước đó.
Trước tình hình tăng trưởng tín dụng nóng, những tháng cuối năm 2009, NHNN đã kìm hãm tăng trưởng tín dụng bằng cách hạn chế cung tiền qua thị trưởng mở. Tuy vậy, năm 2009 tăng trưởng tín dụng vẫn lên tới 37.74%, đây là mức cao hơn rất nhiều so với mục tiêu đầu năm của NHNN. Mức tăng trưởng tín dụng này đang gây áp lực lên lạm phát cho những tháng đầu năm 2010.
Những biện pháp thắt chặt cung tiền của NHNN trong thời gian qua góp phần gây ra căng thẳng thanh khoản trong hệ thống ngân hàng. Nhiều ngân hàng phải tăng lãi suất huy động thực tế cao hơn cả mức lãi suất trần cho vay theo quy định. Hiện tại, lãi suất huy động thực tế tại nhiều ngân hàng từ đang ở mức 12-14%, lãi suất cho vay thực tế đã lên tới 15-17%, thậm chí lãi suất cao nhất có thể lên tới 20%. Nhu cầu vay vốn vào giai đoạn cuối năm thương tăng cao. Việc khan hiếm tín dụng cùng với lãi suất tăng đã ảnh hưởng khá nhiều đến tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.
Biện pháp pháp bơm tiền của NHNN là một biện pháp cần thiết để giải tỏa khó khăn trước mắt cho hệ thống ngân hàng. Nhiều ý kiến cho rằng bước sang năm 2010, với mục tiêu tăng trưởng tín dụng mới NHNN sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ hơn, dòng tiền lại trở lại với thị trường và đây là những động thái đầu tiên thể hiện điều đó.
Tuy vậy, chúng tôi cho rằng, năm 2010, Việt Nam vẫn ưu tiên hơn cho ổn định kinh tế vĩ mô. Mức tăng trưởng tín dụng mục tiêu 25% trong năm nay, vì vậy, sẽ được NHNN thực thi một cách nghiêm ngặt hơn. Do vậy, tình huống cung tiền được tung ra một cách ồ ạt như năm 2009 khó có khả năng diễn ra.
Kiều hối năm 2009 vẫn khả quan
Vừa qua NHNN thông báo, trong năm 2009 kiều hối chuyển về nước đạt 6.28 tỉ USD, giảm 12.8% so với năm 2008. Mặc dù lượng kiều hối chuyển về giảm so với năm 2008 nhưng con số giảm này vẫn cao hơn nhiều so với dự báo trước đó.
Kiều hối vào Việt Nam chủ yếu do kiều bào và lao động của Việt Nam ở nước ngoài gửi về. Năm 2009, trước tình trạng khó khăn chung của kinh tế thế giới, tiền kiều hối chuyển về từ 2 nguồn này đều giảm.
Trong suốt những năm qua, kiều hối luôn đóng vai trò quan trọng trong cán cân thanh toán của Việt Nam. Kinh tế Việt Nam phát triển mạnh nhờ một phần rất lớn vào vốn đầu tư nước ngoài và dòng kiếu hối. Với mức nhập siêu hàng năm lên tới trên 10% (thậm chí 20% GDP năm 2008), kiều hối có ý nghĩa quan trọng trong sự phát triển kinh tế của đất nước.
Năm 2009, Việt Nam xuất khẩu lao động khoảng 75,000 người, chỉ bằng 83% kế hoạch của năm. Lao động của Việt Nam tại một số thị trường truyền thống như Malaysia, khu vực Trung Đông đã giảm mạnh. Đánh giá triển vọng thị trường xuất khẩu lao động năm 2010, nhiều người cho rằng đây sẽ là năm khả quan đối với xuất khẩu lao động, khi kinh tế thế giới đang trên đà phục hồi.
B. THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM
Tuần đầu tiên năm 2010, thị trường chứng khoán có những phiên giao dịch sôi động bất ngờ đầy kịch tính. Dường như dòng tiền đang đổ mạnh vào thị trường để đón đầu cơ hội phục hồi trong năm mới. Tính thanh khoản của thị trường tăng mạnh trên cả 2 sàn. Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng trên trên sàn HoSE, nhưng lại mua ròng khá mạnh trên HNX.
VN-Index đảo chiều vào cuối tuần, giao dịch diễn ra kịch tính
Phiên đầu tuần và cũng là phiên mở đầu của năm 2010, thị trường có phiên giao dịch trong sự hưng phấn của nhà đầu tư. Gần như đồng loạt các cổ phiếu đều tăng kịch trần, số lượng cổ phiếu đặt mua trong phiên gấp đôi số lượng cổ phiếu đặt bán. Kết thúc phiên Thứ 2, VN-Index đã tăng 4.5%, gần mức kịch trần 5%.
Vào phiên giao dịch ngày thứ 3, tâm lý lạc quan, hưng phấn vẫn bao trùm thị trường vào thời gian đầu của phiên giao dịch. Kịch bản phiên giao dịch cũng lặp lại tương tự phiên ngày Thứ 2. Tuy nhiên, càng về cuối phiên áp lực bán càng mạnh, nhiều cổ phiếu không còn giữ được mức tăng mạnh mẽ đầu phiên. Kết thúc phiên ngày Thứ 3, VN-Index chỉ tăng được 2.99%. Vào những phiên giao dịch tiếp theo giao dịch diễn ra giằng co quyết liệt. Đặc biệt, phiên giao dịch ngày thứ 6, thị trường mở đầu với mức tăng điểm khá mạnh, nhiều cổ phiếu tăng trần nhưng sau đó giảm mạnh vào cuối phiên. VN-Index đã phải giảm 2.33% vào phiên này.
Kết thúc tuần, VN-Index đóng cửa ở mức 520.90 điểm, tăng 26.3 điểm, tương ứng 5.28% so với cuối tuần trước. Khối lượng giao dịch mỗi phiên trong tuần đạt trung bình 68.54 triệu đơn vị, tương ứng giá trị 3,108.36 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi về giá trị và khối lượng giao dịch so với những phiên trước đây. Trung bình khối lượng đặt mua mỗi phiên đạt 113.63 triệu và khối lượng đặt bán đạt 88.33 triệu đơn vị.
Kết quả giao dịch trên HOSE trong tuần
HNX-Index tăng 6.89% và thanh khoản cũng tăng mạnh
Chỉ số HNX-Index cũng có 3 phiên tăng và 2 phiên giảm, tính thanh khoản trên thị trường cũng tăng mạnh cùng với mức tăng của thị trường. Giao dịch tuần này trên HNX có sự phân hóa khá lớn giữa các nhóm cổ phiếu.
Kết thúc tuần, HNX-Index đóng cửa ở mức 179.76 điểm, tăng 11.59 điểm, tương đương 6.89% so với cuối tuần trước. Trung bình, khối lượng giao dịch mỗi phiên đạt 37.24 triệu đơn vị, giá trị đạt 1,363.77 tỷ đồng, tăng gấp đôi về giá trị và khối lượng so với những phiên của tuần trước.
Kết quả giao dịch trên sàn HNX trong tuần
Nhóm cổ phiếu tăng chiếm phần lớn trên thị trường
Trong tuần, trên HoSE, có đến 169 cổ phiếu tăng giá, chiếm 84% cổ phiếu được niêm yết trên sàn, trong đó có 56 mã tăng trên 10%, trong đó có 7 mã tăng trên 20%. Mã cổ phiếu tăng nhiều nhất trong tuần là TIE với mức tăng 26.29%, tiếp theo là NKD và RDP với mức tăng trên 25%.
Mã cổ phiếu TIE của CTCP TIE mới được niêm yết ngày 11/12/2009. Sau khi lên sàn cổ phiếu này liên tục giảm cùng với đợt điều chỉnh của thị trường. Tuần nay, TIE đã có sự phục hồi mạnh mẽ trở thành mã cổ phiếu tăng mạnh nhất trên HoSE. BAS cũng năm trong nhóm 10 mã cổ phiếu tăng mạnh nhất với mức tăng 25.88%. Đây cũng là một trong những mã cổ phiếu có biến động mạnh, kịch bản liên tục tăng trần rồi giảm sàn thường xuyên lặp lại.
Trong nhóm cổ phiếu giảm đứng đầu là IMP giảm 9.47%, tiếp theo là các mã SSC và SCD với mức giảm lần lượt là 8.44 và 8.18%.
Nhóm cổ phiếu biến động nhiều nhất trên sàn HOSE và HNX
Trên sàn HNX, nhóm mã cổ phiếu tăng điểm cũng chiếm tỷ lệ áp đảo. Có tới 205 trong số 262 niêm yết tăng và có tới 76 mã tăng trên 10%. SHN trở thành mã cổ phiếu tăng nhiều nhất với mức tăng 38.98%, tiếp theo là DZM tăng 36.52%. Đứng đầu nhóm cổ phiếu giảm giá là DNC, với mức giảm 20.31%, tiếp theo DBT giảm 15.36%.
Khối ngoại bán ròng trên HoSE, mua ròng trên HNX
Trên HoSE, sau khi mua ròng khá mạnh trong những phiên trước, tuần này khối ngoại đã bán ròng 4 trong 5 phiên giao dịch. Tổng giá trị bán ròng của khối ngoại trong tuần lên tới 131.80 tỷ đồng. Phiên bán ròng nhiều nhất của khối ngoại vào thứ 2 với giá trị 76 tỷ đồng.
Trong năm 2009, mặc dù theo thông báo của NHNN vốn FPI rút khỏi Việt Nam hơn 500 triệu USD, nhưng giá trị mua ròng của khối ngoại trên cả hai sàn đạt hơn 4,000 tỷ đồng.
Giao dịch của NĐTNN trên HOSE
Trong nhóm mã cổ phiếu được mua ròng nhiều nhất đứng đầu là EIB với giá mua ròng 73 tỷ đồng. Như vậy, kể từ khi được niêm yết đến nay EIB liên tục được khối ngoại mua ròng với giá trị khá lớn. Mã đứng tiếp theo trong nhóm được mua ròng là KBC và PVD. Trong nhóm mã cổ phiếu bị bán ròng, ITC đứng đầu danh sách với mức bán ròng lên tới 168.7 tỷ đồng. Trong tuần, ITC tăng gần 17% và đây cũng là một trong những mã cổ phiếu tăng mạnh nhất trong đợt phục hồi vừa qua.
Cổ phiếu mua/bán ròng nhiều nhất trong tuần trên HoSE
Trên sàn HNX, tuần này khối ngoại mua ròng 61 tỷ đồng trong tổng giá trị giao dịch gần 140 tỷ đồng. Khối ngoại mua ròng liên tiếp suốt 5 phiên giao dịch trong tuần. Mã cổ phiếu được mua ròng nhiều nhất là NTP với giá trị 10.52 tỷ, tiếp theo là VCG với 10.61 tỷ. Trong khi đó cổ phiếu được bán ròng nhiều nhất là là PVS với giá trị bán ròng hơn 10 tỷ đồng, tiếp theo là DBC với 4.5 tỷ đồng.
Trong thời gian qua, khối ngoại liên tục bán ròng và mua ròng cùng một số cổ phiếu nhất định trong giai đoạn khác nhau của thị trường. Động thái này cho thấy khối ngoại cũng đang lướt sóng cùng với những nhà đầu tư nội trên thị trường.
C. PHÂN TÍCH KỸ THUẬT VN-INDEX
VN-Index – Converging Zone đã tạo thành vùng resistance mạnh
Nếu như không có phiên giảm điểm nhẹ ngày hôm qua thì có lẽ VN-Index đã hình thành mẫu hình nến Dark Cloud Cover(*). Tuy nhiên, với phiên giảm điểm vào cuối tuần đã được báo hiệu trước bởi bearish divergence của các chỉ số dao động như STO, PS LSSL, Williams’ %R… cũng như các vạch thời gian của Fibonacci Zones. Mặt khác, sau khi đạt được mức giá mục tiêu của Wedge Pattern (tương đương 530 điểm), thị trường cần một thời gian “nghỉ ngơi” và tích luỹ cho một chu kỳ mới.
(*)Dark Cloud Cover hay “Đám mây đen bao phủ” là một mẫu đảo chiều giảm giá sau một xu hướng lên với một thân trắng dài. Giá mở của candle kế tiếp gần bằng giá cao của nến này và sau đó đóng bên dưới điểm giữa của thân nến đầu.
Vùng hội tụ được tạo thành bởi ba yếu tố kháng cự mạnh là Fibonacci Retracement 23.6% dài hạn, Internal Trendline và Simple Moving Average 100-days đã tạo thành vùng kháng cự mạnh kìm hãm đà tăng giá trong ngắn hạn của VN-Index.
Về mặt kỹ thuật, mức hỗ trợ gần nhất là 500 điểm. Nếu thực sự VN-Index đã đi vào xu hướng tăng dài hạn thì có khả năng sẽ dừng lại tích luỹ tại ngưỡng này. Tuy nhiên, có một điều cần lưu ý là chúng ta vẫn còn một sóng C nhỏ phía trước, SMA 50-days chưa thực sự đảo chiều và tín hiệu mua của nó với SMA 25-days vẫn chưa xảy ra. Điều đó cho thấy xu hướng xuống chưa hẳn đã hoàn toàn chấm dứt. Vì vậy, chúng tôi cho rằng nắm giữ một tỷ trọng cổ phiếu cao (trên 70%) trong danh mục vào thời điểm này không phải là một lựa chọn hoàn hảo.
D. NHẬN ĐỊNH TUẦN SAU
Những chỉ số kinh tế vĩ mô các khu vực trên thế giới tiếp tục cho thấy những tín hiệu tích cực. Kinh tế Mỹ đang trên đà hồi phục thể hiện qua chỉ số sản xuất, số đơn đặt hàng đều tăng mạnh so với kỳ trước. Tại châu Âu, kinh tế khu vực này bắt đầu tăng trưởng dương. Tuy vậy, điều cần theo dõi thêm những tín hiệu khác vì hiện tại tỷ lệ thất nghiệp vẫn chưa giảm.
Trong tuần, giá dầu thô tiếp tục tăng lên khá mạnh. Tuy nhiên giá dầu hiện nay cũng được xem là mức hợp lý, tương ứng với sự phục hồi của nền kinh tế. Nhiều khả năng giá dầu sẽ không còn tăng mạnh trong thời gian tới, thậm chí giảm.
Trở lại với kinh tế trong nước, động thái bơm tiền ra của NHNN là một tín hiệu tích cực với thị trường chứng khoán. Ngoài ra, thông tin Ủy ban Chứng khoán sắp cho phép giao dịch thanh toán T+2 đã giúp thị trường thêm hưng phấn. Tình hình tỷ giá trong tuần cũng không còn căng thẳng, mặc dù mức chênh lệnh giữa tỷ giá chính thức và phi chính thức còn khá cao.
Quan sát thị trường trong tuần chúng tôi nhận thấy, dường như có một luồng tiền lớn đang đổ vào thị trường. Khối lượng và giá trị giao dịch trong tuần tăng mạnh. Khối lượng lệnh đặt mua càng về những ngày cuối tuần càng tăng cho thấy nhà đầu tư khá hưng phấn trong việc tham gia vào thị trường. Giao dịch cổ phiếu trong tuần qua cũng có sự phân hóa mạnh. Những mã tăng mạnh hầu hết là những mã cổ phiếu nhỏ, trong khi những mã lớn trên sàn chỉ tăng nhẹ, hoặc giảm.
Xét về mặt phân tích kỹ thuật, VN-Index 4 lần test không thành công ở vùng 535 – 540 điểm. Đây là vùng hội tụ được tạo thành bởi ba yếu tố kháng cự mạnh là Fibonacci Retracement 23.6% dài hạn, Internal Trendline và Simple Moving Average 100-days. Thị trường cần một lực mạnh mẽ mới vượt qua được vùng này.
Từ những phân tích ở trên chúng tôi cho rằng trong những phiên giao dịch đầu tuần tới thị trường có thể tiếp tục điều chỉnh, tuy nhiên mức điều chỉnh sẽ không mạnh. Lực mua mạnh cùng với sự hưng phấn của các nhà đầu tư sẽ hỗ trợ tốt cho thị trường. Trong những phiên cuối tuần thị trường có khả năng sẽ tăng trở lại. Như vậy, nhà đầu tư cần trọng trong việc lựa chọn cổ phiếu để đầu tư vào thời điểm này. Việc nắm giữ một tỷ trọng cổ phiếu cao (trên 70%) trong danh mục vào thời điểm này không phải là một lựa chọn hoàn hảo.
Hồ Bá Tình – Nguyễn Quang Minh