Mua bán ngoại tệ qua mạng: Phải có phép
Buôn vàng và ngoại tệ qua mạng là hình thức kinh doanh mới xuất hiện ở Việt Nam. Nhiều nhà đầu tư cá nhân tham gia “trò chơi” mua bán và phục vụ họ cũng có nhiều công ty môi giới.
Hoạt động này khá rầm rộ và ảnh hưởng đến những nhà đầu tư lớn đến mức các cơ quan chức năng phải nhảy vào để điều tra. Liệu đây là hình thức kinh doanh hợp pháp...?
“Chợ” ngoại tệ giao dịch qua mạng chính là nơi làm việc của D. D là nhân viên mua bán ngoại tệ của một công ty X hiện đang là đại lý ở Việt Nam của một công ty chuyên kinh doanh ngoại tệ mẹ ở Hoa Kỳ. D được cấp cho một mã số và tài khoản 5.000 USD. Hàng ngày D phải theo dõi những biến động giá cả ở thị trường thế giới và quan tâm rất nhiều thứ từ chuyện giá xăng dầu đến những cuộc chiến ở Trung Đông để dự đoán giá USD sẽ tăng hay giảm trong ngày và từ đó sẽ bán hay mua USD.
Kiếm lời từ việc hưởng chênh lệch
Hình thức mua bán này đang trở nên phổ biến ở Tp.HCM không chỉ đối với ngoại tệ mà cả bằng vàng thông qua chợ ảo.
Nhiều công ty tham gia làm dịch vụ đại lý cho các công ty ở nước ngoài thường được gọi là nhà cái. Nhà đầu tư được xem như những người chơi. Họ có thể tự chơi khi đăng ký và mở tài khoản thông qua một công ty được nhà cái ủy nhiệm tại Việt Nam mà hiện nay theo giới đầu tư là rất nhiều. Người chơi cũng có thể nhờ đại lý chơi hộ.
Mua bán ngoại tệ hay vàng qua mạng là việc mua bán sự chênh lệch của giá mua và bán của ngoại tệ hoặc vàng. Chính vì vậy việc chung chi là việc thanh toán sự chênh lệch của giá mua bán chứ không phải là giá trị của vàng hay trị giá ngoại tệ. Hình thức này được ví như trò đánh bạc hơn là kinh doanh ngoại tệ, vàng.
Ông Hà Tôn Vinh, Giáo sư Đại học Hawaii, cho biết mua bán ngoại tệ hay vàng qua mạng là hình thức rất phổ biến ở các nước. Nhà đầu tư cá nhân có thể mở tài khoản và thông qua mạng có thể tự mua bán để kiếm lời. Ở nước ngoài, công ty kinh doanh ngoại tệ hoặc vàng rất nhiều và cả các công ty môi giới làm đại lý cho các công ty này được mở khắp nơi trên thế giới.
Công nghệ Internet tốc độ cao xuất hiện đã kéo theo nhiều dịch vụ kinh doanh vào Việt Nam. Kinh doanh ngoại tệ, vàng qua mạng cũng vào Việt Nam nhờ sự phát triển công nghệ này. Thực sự mua bán ngoại tệ, vàng không mới ở Việt Nam nhưng có lẽ nó nở rộ hơn trong thời gian gần đây.
Các nhà đầu tư kêu cứu
Tham gia vào hoạt động môi giới mua bán ngoại tệ, vàng hiện nay được cho là có khoảng 20 công ty đang hoạt động tại Việt Nam. Nhiều nhà đầu tư xem đây là kênh đầu tư tài chính mới nhiều lợi nhuận nhưng cũng nhiều rủi ro.
Hình thức chung của các công ty này là các nhà đầu tư mở tài khoản giao dịch tối thiểu là 10.000 USD và thanh toán dịch vụ phí cho các công ty môi giới. Dịch vụ phí bao gồm phí giao dịch thành công của một phi vụ mua bán và phí rút tiền, ngoài ra còn có những dịch vụ phí khác.
Ông Nguyễn Vũ (tên được thay đổi theo yêu cầu của nguồn tin), một nhà đầu tư mở tài khoản giao dịch với đại lý môi giới Vietsec ở quận 3, Tp.HCM, cho biết phí giao dịch mua bán cho một lần là 120 USD bất kể thắng hay thua. Khi rút tiền khỏi tài khoản, nhà đầu tư phải chịu mất 50USD cho một đợt không tính giá trị tiền rút là bao nhiêu. Còn nếu ủy thác cho đại lý kinh doanh hộ, nhà đầu tư phải chia 5% trên tiền lời cho công ty môi giới.
Sau ba tuần chơi, ông Vũ đã vội vàng rút tiền khỏi tài khoản vì cho rằng mình bị công ty này lừa (?). Ông nói rằng lúc mới chơi thì thấy thắng nhưng sau đó thì chỉ toàn là thua lỗ và kết quả là 10.000 USD mở tài khoản ban đầu khi thu về chỉ hơn 6.000 USD sau ba tuần.
Theo ông Vũ, tiền thua không chỉ do “đánh bạc” kém mà còn vì các dịch vụ phí “cắt cổ”.
Nhiều nhà đầu tư khác cũng kêu cứu vì trò “cờ gian bạc lận” của các công ty môi giới mặc dù khi bắt đầu tham gia họ tìm hiểu kỹ. Các công ty môi giới là các văn phòng đại diện và cả liên doanh. Các nhà đầu tư tham gia mở tài khoản từ vài chục ngàn đến vài trăm ngàn USD và thắng thua đều xảy ra đối với các tài khoản cá nhân.
Hồi đầu tháng 11 vừa qua, nhiều nhà đầu tư đã đổ xô truy tìm những nhà lãnh đạo của công ty Golden Rock vì ông trưởng đại diện cao chạy xa bay cùng với số tiền 10 triệu USD của họ. Đây là văn phòng đại diện của công ty nước ngoài nhưng tham gia vào hoạt đông môi giới mua bán ngoại tệ và vàng. Các nhà đầu tư tham gia mở tài khoản mua bán cả vàng và ngoại tệ với Công ty Golden Portfolio Management Corporation (GPMC) ở nước ngoài thông qua văn phòng đại diện Golden Rock tại Việt Nam.
Sau một năm tham gia, các nhà đầu tư đã không lấy lại được tiền vốn nói gì đến lãi từ Golden Rock.
Các nhà quản lý vào cuộc
Ông Hồ Hữu Hạnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp.HCM, cho biết Tp.HCM xuất hiện các công ty mua bán ngoại tệ và vàng mà theo ông là không được phép.
“Các đơn vị chỉ được phép hoạt động trong lĩnh vực này khi được Ngân hàng Nhà nước cấp phép vì đây là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện. Nếu công ty nào tham gia vào hoạt động này mà không được phép của ngân hàng xem như là vi phạm pháp luật”, ông nói. Theo ông Hạnh, trên địa bàn Tp.HCM chỉ có tám ngân hàng và công ty tài chính được phép giao dịch ngoại tệ và vàng trên tài khoản nước ngoài.
Hồi đầu tuần Ủy ban Nhân dân Tp.HCM đã chỉ đạo thành lập đoàn thanh tra đối với công ty Vietsec, một trong những công ty hiện nay có nhiều phản ứng từ các nhà đầu tư. Ông Lương Văn Lý, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Tp.HCM, Trưởng đoàn thanh tra bao gồm Sở Kế hoạch Đầu tư, Sở Thương mại và một số đại diện của các cơ quan khác, cho biết đoàn bước đầu đã tiến hành thanh tra Công ty Vietsec, một công ty liên doanh giữa Công ty Cổ phần Xây dựng và Thương mại Nam Long và Công ty Somerset & Morgan, về hoạt động của công ty này đối với giấy phép được cấp.
Tuy nhiên, ông từ chối tiết lộ kết quả thanh tra trước khi báo cáo với chính quyền thành phố có hay không môi giới, tư vấn mua bán vàng, ngoại tệ qua mạng là vi phạm...
TBKTVN