Mua vào chứng khoán: Nên kiên nhẫn!
Đó là nhận định của ông Ken Tai Chee Ming - CMT, chuyên gia Phân tích kỹ thuật của Tập đoàn Chứng khoán Kim Eng. Ông cho rằng, Nhà đầu tư dài hạn không nên hấp tấp ở thời điểm này và đây vẫn chưa phải là thời điểm để mua vào.
Trong buổi giao lưu với nhà đầu tư được tổ chức thường kỳ vào lúc 10h30 sáng Thứ Hai hàng tuần tại công ty Kim Eng, ông Ken Tai cho rằng, nhà đầu tư dài hạn không nên hấp tấp ở thời điểm này và đây vẫn chưa phải là thời điểm để mua vào. Thời điểm mua vào có thể sẽ đến khi chỉ số VN-Index giảm về lại mức từ 220 điểm đến 234 điểm. Ông nói: “tôi cũng khuyến nghị rằng, nhà đầu tư dài hạn không nhất thiết phải mua tại đáy thì mới có thể tạo ra lợi nhuận cao mà có thể chờ đến khi đáy hoàn thành xong và mua vào thì sẽ an toàn hơn rất nhiều mà lợi nhuận không mất đi là bao nhiêu.”
Việc đầu tư ngắn hạn vào thời điểm này thì lợi nhuận đạt được sẽ thấp trong khi đó mức độ rủi ro cao. Vì thế ông Ken Tai nói: “Nhà đầu tư ngắn hạn cần cẩn trọng và chỉ nên mua vào các lệnh có tỷ lệ vừa phải trên vốn đầu tư của mình”.
Tại thời điểm thị trường đang đi lên như hiện nay, nhiều nhà đầu tư đang lưỡng lự giữa việc chốt lời hoặc tiếp tục giữ để đạt các mức lợi nhuận cao hơn hoặc tiếp tục vào thị trường. Ông Ken Tai cho rằng, mức kháng cự ở 258 điểm đóng vai trò quan trọng trên chỉ số VN-Index. Khi ngưỡng này đã được vượt qua thì ở thời điểm hiện tại nhà đầu tư có thể kỳ vọng chốt lời ở mức tiếp theo nằm tại 275 điểm. Trên HaSTC, nhà đầu tư có thể kỳ vọng vào vùng từ 95 điểm đến 96 điểm để chốt lời.
Đợt tăng trên TTCK Mỹ vào cuối tuần trước diễn ra các thông tin về doanh số bán lẻ và số lượng thất nghiệp mới đều xấu hơn so với kỳ trước. Đây có vẻ là một tín hiệu lạc quan. Trên quan điểm phân tích kỹ thuật, chỉ số DJIA đang nằm trong 1 kênh xu hướng tăng và nhiều khả năng sẽ tiếp tục đi lên trong ngắn hạn. 2 mức kháng cự mạnh trên chỉ số này đang nằm tại 7.400 điểm và 8.000 điểm. Ông Ken Tai nói, chỉ khi nào mức kháng cự 8.000 điểm bị phá vỡ thì mới có cơ hội để chỉ số này đi lên trong dài hạn chứ còn bây giờ thì chưa.
Theo ông Ken Tai, các kế hoạch giải cứu nền kinh tế cũng như các gói cứu trợ được chính phủ các nước đưa ra thì nhiều nhưng có nhiều những hành động và kế hoạch cụ thể để triển khai chúng, vì thế cũng đừng nên quá trông chờ vào cuộc họp lần này sẽ có thể đem lại kết quả gì mới để có thể vực dậy nền kinh tế thế giới. Ngoài ra, hiện Trung Quốc - quốc gia đang được kỳ vọng là nước hồi phục đầu tiên sau khủng hoảng - cũng đang nằm trong tình trạng đáng lo ngại vì nếu Mỹ tiếp tục lún sâu vào suy thoái thì Trung Quốc với vai trò là chủ nợ lớn nhất của Mỹ cũng sẽ bị thiệt hại đáng kể từ các khoản đầu tư của mình.
Diễn đàn Doanh nghiệp