Mỹ có đang xuất khẩu "lạm phát" ra toàn thế giới?
Chuyên san của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ (CFR) số ra mới đây đăng bài viết của tác giả Lee Hudson Teslik với nhan đề "Giữa Lạm phát và Tình thế khó khăn", phân tích tác động của việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vừa cắt giảm mức lãi suất liên ngân hàng đối với hoạt động ngân hàng toàn cầu, mà một trong những hậu quả của nó là dẫn đến tình trạng lạm phát lan rộng trên phạm vi toàn thế giới.
Bài viết có nội dung chính như sau:
Quyết định mang tính cấp bách mới đây của FED trong việc cắt giảm lãi suất cho vay ngắn hạn giữa các ngân hàng từ 4,25% xuống 3,5% nhằm cứu vãn nền kinh tế Mỹ đang trên bờ vực suy thoái đã được nhiều nhà đầu tư hân hoan đón nhận. Tuy nhiên, các ngân hàng trên thế giới lại phản ứng theo các cách khác nhau đối với động thái tích cực này của FED. Sau khi cân nhắc lượng dự trữ, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) Jean-Claude Trichet cho biết ECB "có thể sẽ theo chân" của FED. Tuy nhiên, với tỷ lệ biểu quyết 8/1, Ủy ban chuyên trách về lãi suất thuộc Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) đã quyết định giữ nguyên mức lãi suất hiện đang áp dụng. Còn các phương tiện truyền thông ở Ôxtrâylia thì đưa tin ngân hàng trung ương nước này "có thể sẽ tăng lãi suất vào tháng tới". Các phản ứng trên có thể được giải thích một cách dễ dàng: Đơn giản chỉ vì nỗi lo lạm phát.
Ngân hàng trung ương các nước trên thế giới đang phải đối mặt với tình trạng tín dụng căng thẳng và thị trường chao đảo, trong đó nhiều ngân hàng quan tâm đến sự tăng vọt của giá cả tiêu dùng. Ngày 23/1 vừa qua, Ôxtrâylia thông báo tỷ lệ lạm phát của nước này hiện đứng ở mức cao chưa từng có trong 16 năm qua. Trong khi đó, theo ước tính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Dimbabue có tỷ lệ lạm phát hàng năm lên tới 150.000%.
Nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới cũng đang gặp phải sức ép ngày càng tăng từ việc giá cả tiêu dùng leo thang. Theo báo cáo của chuyên san kinh tế Economist, tính đến tháng 11/07, tỷ lệ lạm phát toàn cầu là 4,8%, tăng so với 2,8% năm 2006. Tại khu vực các nước sử dụng đồng euro, tỷ lệ này đang đứng ở mức cao nhất kể từ khi đồng euro được đưa vào lưu hành, còn ở Mỹ con số này là 1,6%.
Ở các nước đang phát triển, bức tranh toàn cảnh về lạm phát được thấy rõ ràng hơn. Trong năm 2007, Vênêxuêla phải vật lộn với tỷ lệ lạm phát 20%; trong khi Áchentina và Bôlivia cũng phải đối mặt với tình hình tương tự. Số liệu chính thức cho biết tỷ lệ lạm phát của Nga trong năm 2007 là 12%, và ở một số nước Arâp vùng Vịnh là hơn 10%. Với tỷ lệ lạm phát 7% trong năm 2007, Trung quốc cho biết đây là mức lạm phát cao nhất ở nước này trong hơn một thập niên qua.
Chính sách tiền tệ quốc tế đã thực sự làm phức tạp thêm nỗ lực giải quyết khó khăn ở Trung Quốc và các nước khác. Tại cuộc họp mới đây, ông Fellow Benn Steil, quan chức cao cấp của CFR cho rằng "Mỹ đang xuất khẩu lạm phát ra toàn thế giới" - với ngụ ý là sang Trung Quốc và các nước Trung Đông, nơi chịu sự chi phối mạnh mẽ của đồng USD cũng như chính sách tiền tệ của Mỹ.
Vậy lạm phát đang tăng cao có thực sự là một vấn đề đáng quan tâm không? Các nhà kinh tế cho rằng "thực sự là có", đặc biệt là khi các ngân hàng trung ương phải đối mặt với sự lựa chọn khốc liệt liên quan đến lãi suất cho vay. Sự bất ổn về giá cả tiêu dùng không thể giải quyết được vấn đề kinh tế và triển vọng đáng lo ngại của tình trạng lạm phát, hạn chế phạm vi mà các ngân hàng trung ương muốn khi áp dụng chính sách tiền tệ để thúc đẩy hoạt động của mình. Nhiều ngân hàng cho biết họ đang ở trong tình trạng rối ren do tín dụng eo hẹp.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng sự bất ổn trong bức tranh kinh tế chung đưa ra những thông điệp khác nhau cho các nhà hoạch định chính sách tiền tệ Mỹ. Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Địa-Kinh tế Greenberg thuộc CFR cho biết có nhiều yếu tố, trong đó có việc giá nhiên liệu tăng cao và đồng USD sụt giá đã gây sức ép ngày càng lớn đối với Mỹ. Trong cuộc họp của CFR hôm 24/1, ông Laurence Meyer, chuyên gia kinh tế trưởng thuộc ngân hàng Bank of America và là cựu chủ tịch FED, cho biết nếu FED sử dụng biện pháp giảm mạnh lãi suất cho vay nhằm giảm nguy cơ rủi ro của thị trường cho vay ngắn hạn thì FED cũng phải nhanh chóng tăng lãi suất trở lại một khi các nguy cơ ban đầu đã được ngăn chặn. Nếu FED không làm như vậy, nguy cơ lạm phát sẽ ở mức cao. Và nếu cắt giảm lãi suất quá lớn, FED cũng sẽ không thể kiểm soát nổi tình hình. Và khi đó sẽ tái diễn tình trạng của những năm 1970, những nỗ lực nhằm cứu vãn tình trạng kinh tế khó khăn được thực hiện thông qua chính sách kích thích tiền tệ đã gây ra tình trạng lạm phát cao.
ttxvn