Tin tức
Năm 2005, giá có biến động?

Năm 2005, giá có biến động?

04/01/2005

Banner PHS

Năm 2005, giá có biến động?

“…Nếu chúng ta không chú trọng để dịch cúm gia cầm tái phát lại thì diễn biến giá cao như năm 2004 là khó tránh khỏi. Con số mà Quốc hội thông qua chỉ tiêu nghị quyết năm 2005 tăng không quá 6,5% cũng cho thấy khả năng khó tránh khỏi sự tăng giá”...

Phỏng vấn PGS.TS Ngô Trí Long, Phó viện trưởng Viện NCKH thị trường - giá cả

“…Nếu chúng ta không chú trọng để dịch cúm gia cầm tái phát lại thì diễn biến giá cao như năm 2004 là khó tránh khỏi. Con số mà Quốc hội thông qua chỉ tiêu nghị quyết năm 2005 tăng không quá 6,5% cũng cho thấy khả năng khó tránh khỏi sự tăng giá”.

 

Năm 2004 có thể coi là năm có những cơn sốt giá liên tục, bất thường. Nhất là thị trường vàng thì nằm ngoài dự đoán của giới kinh doanh và các chuyên gia kinh tế. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến sự tăng giá một cách đột biến này, thưa ông?

 

Đúng. Năm 2004 là năm có giá cả biến động tăng cao nhất từ 9 năm trở lại đây. Ngoài việc căn cứ vào tỷ số giá tiêu dùng, thì giá vàng cũng diễn biến theo chiều hướng tăng như vậy. Theo số liệu của Cục thống kê thì chỉ số giá tiêu dùng năm 2004 tăng là 9,5%.

Về nguyên nhân của nó thì rất nhiều cơ quan thông tin đại chúng cũng như báo cáo của cơ quan chức năng và Chính phủ đã nêu rất rõ. Riêng cá nhân tôi cho rằng có hai nguyên nhân cơ bản: khách quan và chủ quan. Nguyên nhân khách quan cơ bản là do giá vật tư nhập khẩu đầu vào tăng rất mạnh và dịch cúm gia cầm.

 

Nguyên nhân chủ quan mà tôi thấy ít người đề cập thì đóng vai trò rất quan trọng vì để phục vụ tốt công tác điều hành trong những năm tới thì cần phải phân tích rõ những nguyên nhân chủ quan này. Đó là cần phải xem xét lại công tác quản lý thị trường, công tác về điều hành giá cả và những giải pháp về chính sách vĩ mô phải kịp thời.

Giá vàng có thể nói là tăng cao nhất trong vòng 16 năm trở lại đây. Như nhiều chuyên gia đã phân tích thì nguyên nhân cơ bản là do đồng Đôla Mỹ mất giá, chính trị khủng hoảng, bất ổn ở khu vực nên tạo cho người dân tâm lý mua vàng tích trữ. Theo các nhà kinh tế dự báo thì giá vàng có thể lên tới 50 USD/ounce. Hiện nay, giá vàng trong nước hoàn toàn phụ thuộc vào giá vàng thế giới.

 

Theo đánh giá của ông thì tốc độ tăng giá như hiện nay đã ở mức nguy hiểm chưa? Tại sao?

 

Phải thừa nhận rằng nó đã tăng rất cao so với trong vòng 10 năm trở lại đây. Còn đánh giá mức độ nguy hiểm thì cũng phải khẳng định như thế này: giá cả tăng thì nó ảnh hưởng tới toàn bộ nền kinh tế, tới sản xuất, tiêu dùng, tới đời sống, tới các cân đối kinh tế vi mô. Điều quan trọng là còn ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng và cân đối thu chi ngân sách.

 

Xét cho cùng thì tăng giá ảnh hưởng một cách toàn diện của đời sống - xã hội. Và biểu hiện của sự tăng giá trên thực tế là không tốt. Nhưng chúng ta không nên đặt vấn đề đã đến mức nguy hiểm hay chưa. Bởi trên thực tế, chúng ta mới lạm phát ở mức một con số và chủ yếu là do nguyên nhân khách quan. Vả lại, mấy năm trở lại đây, giá tăng rất chậm, nhưng tốc độ tăng trưởng không cao. Riêng năm nay thì dù giá có tăng cao nhưng bù lại, tốc độ tăng trưởng cũng tăng hơn những năm trước.

 

Như vậy, phải chăng tốc độ tăng giá là nhân tố tạo điều kiện để tăng trưởng tăng cao?!

 

Theo tôi thì khi giá tăng ít nhất phải ở mức lạm phát, siêu lạm phát tới 3 con số trở lên thì khi đó mới là nguy hiểm. Còn với tốc độ như hiện nay thì theo tôi là vẫn chấp nhận được vì khả năng Nhà nước ta vẫn còn kiểm soát được. Nhà nước cũng đã có những biện pháp rất tích cực, nên đã kiềm chế được giá.

 

Đâu là giải pháp mà chúng ta chưa khai thác, để cập đến trong việc bình ổn giá cả thị trường, thưa ông?

 

Khi để kiềm chế, hạn chế tốc độ tăng giá thì Nhà nước đã dùng đến một hệ thống giải pháp đồng bộ. Mặc dầu không phải do nguyên nhân từ chính sách tài chính tiền tệ nhưng Nhà nước cũng coi đó là một trong những giải pháp hết sức quan trọng để kiểm soát nó. Có nghĩa là Nhà nước đã xét đến các giải pháp một cách toàn diện. Nhưng hiệu quả của nhiều biện pháp đó thì thực sự chưa đi vào cuộc sống. Ví dụ như về mặt tổ chức quản lý thị trường thì đôi lúc làm còn nửa vời. Hay đặc biệt là cơ chế, chế tài về quản lý giá, đặc biệt cái pháp lệnh giá thì thực sự chưa đi vào cuộc sống.

 

Năm 2004, chỉ số giá tiêu dùng ở mức 9,5%. Ông có bình luận gì về con số này? Liệu năm 2005 giá cả có tiếp tục biến động theo chiều hướng tăng?

 

Trong điều kiện của Việt Nam năm 2004 mà Nhà nước đã có những biện pháp kiềm chế được giá như hiện nay cũng là đáng ghi nhận. Nói như vậy nhưng chúng ta cũng không nên đề cao những thành tích đó quá mà nên xem xét những nguyên nhân chủ quan mà mình chưa kiểm soát được vì chính những nguyên nhân chủ quan đó tác động rất lớn tới sự tăng giá đó.

 

Tôi cho rằng những người làm công tác điều hành quản lý cũng cần phải coi trọng nguyên nhân chủ quan. Phải phân tích, xem xét những nguyên nhân đó một cách khoa học, từ đó tìm ra biện pháp để khắc phục trong thời gian tới.Vấn đề đặt ra là nền kinh tế của ta phụ thuộc vào nền kinh tế thế giới. Do vậy, mỗi sự biến động dù rất nhỏ của thế giới cũng ảnh hưởng đến giá cả trong nước.

 

Nhưng ngược lại, cũng trong mặt bằng giá thế giới như vậy, một số nước lại có chỉ số lạm phát tăng thấp. Theo suy nghĩ của cá nhân tôi thì phải chăng hiệu quả của nền kinh tế Việt Nam còn chưa cao, dẫn đến khả năng cạnh tranh của nền kinh tế cũng như của các doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế. Vì vậy, chúng ta phải nâng cao khả năng cạnh tranh, nâng cao hiệu quả của nền kinh tế cũng như hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp làm sao phấn đấu giảm thấp chi phí sản xuất, hạn chế đến mức tối đa tác động từ bên ngoài vào.

 

Năm 2005, mặt bằng giá thế giới đã dần đến đỉnh điểm cao, khó có thể vượt qua ngưỡng đó được nữa cho nên tác động về giá cũng ít hơn năm 2004. Nhưng nếu chúng ta không chú trọng để dịch cúm gia cầm tái phát lại thì diễn biến giá cao như năm 2004 là khó tránh khỏi.

 

Con số mà Quốc hội thông qua chỉ tiêu nghị quyết năm 2005 tăng không quá 6,5% cũng cho thấy khả năng khó tránh khỏi sự tăng giá.

TBKTVN

Banner PHS
Logo PHS

Trụ sở: Tầng 21, Phú Mỹ Hưng Tower, 08 Hoàng Văn Thái, Phường Tân Phú, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh 

(Giờ làm việc: 8h00 - 17h00 hàng ngày - trừ thứ 7, chủ nhật và các ngày lễ) 

1900 25 23 58
support@phs.vn
Kết nối với chúng tôi:

Đăng ký nhận tin

Tải app PHS-Mobile Trading

Công ty Cổ phần Chứng khoán Phú HưngCông ty Cổ phần Chứng khoán Phú Hưng