Tin tức
Năm của phục hồi và tăng trưởng kinh tế

Năm của phục hồi và tăng trưởng kinh tế

03/04/2023

Banner PHS

Năm của phục hồi và tăng trưởng kinh tế

Trước thềm năm mới, Báo Thanh Niên đã có cuộc trò chuyện với PGS-TS Trần Đình Thiên (ảnh), nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, xung quanh chủ đề Việt Nam viết tiếp câu chuyện tăng trưởng kinh tế trong năm 2022.

Năm của phục hồi và tăng trưởng kinh tế - ảnh 1

Sự đảo chiều không khó đoán

* GDP quý 4/2021 đã có sự đảo chiều ngoạn mục khi chúng ta mở cửa kinh tế trở lại sau thời gian giãn cách xã hội kéo dài trước đó, đó có thể là cái “trớn” để kinh tế lấy đà phục hồi và tăng trưởng trong năm nay không, thưa ông?

- Sau 2 năm chống chọi với đại dịch, lại thêm biến thể Delta khiến chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng nặng nề thì việc duy trì được tốc độ tăng trưởng GDP dương, đối với một nền kinh tế có độ mở cao bậc nhất thế giới như Việt Nam, thực sự là một kết quả có giá trị khích lệ quan trọng.

Tuy nhiên, sự đảo chiều tăng trưởng ở quý 4/2021 không khó đoán. Trong suốt 2 năm dồn lực chống dịch, đã có rất nhiều cái chốt được đặt ra, làm hạn chế lưu thông hàng hóa, nguồn lực, lao động… Giờ đây, khi mọi điều kiện cấm cản được bãi bỏ, chốt tháo thì lò xo ắt sẽ bung. Đây là nguyên lý, cũng là điều kiện cần thiết để nền kinh tế trỗi dậy, phát huy được hết năng lực.

Song, cần nhìn nhận thấu đáo vấn đề rằng tháo chốt không đồng nghĩa sẽ có sự phục hồi như mong đợi. Động lực của ngành kinh tế là khối doanh nghiệp (DN) đang rất yếu. Chỉ cần một cú choáng nhẹ, có thể bị hạ bất cứ lúc nào. Do đó, mong chờ một sự khởi sắc thì phải cần một chương trình hồi phục và phát triển đúng tầm, đủ quy mô và đúng lúc. Nếu chương trình này chậm trễ thì khái niệm tháo chốt cũng sẽ trở nên ít ý nghĩa.

* Vậy thế nào là “một chương trình đúng tầm và đủ quy mô” như ông vừa nói?

- Hiện nay, Chính phủ vẫn chưa có thông báo chính thức về quy mô của gói hỗ trợ, nhưng cần xác định rằng đây không còn chỉ là động thái “hà hơi tiếp sức” mà phải tạo được nền tảng cho xu hướng bứt phá trong thời gian tới. Cần có một chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, chứ không phải chỉ gói gọn trong mỗi vấn đề ứng cứu như những gói hỗ trợ trước đây.

Vì là một chương trình tổng thể nên nó sẽ diễn ra trong dài hạn, không phải một thao tác trong mấy tháng hay vài tuần mà phải kéo dài trong ít nhất 2 năm để các nguồn lực có đủ thời gian phục hồi, tạo lập những nền tảng. Chương trình này cũng sẽ trợ lực để nền kinh tế đứng dậy và phát triển ở một tư thế khác, mà chúng ta hay nói là “bình thường mới”.

Cần tập trung tháo gỡ khó khăn cho ngành hàng không. Đậu Tiến Đạt

Gói hỗ trợ ít nhất phải bằng 10% GDP

* Cụ thể theo ông, quy mô của gói hỗ trợ này như thế nào để “nền kinh tế đứng dậy”?

- Tôi cho rằng ít nhất phải bằng 10% GDP. So với thế giới, đây là ở mức dưới trung bình. Những gói hỗ trợ tính bằng 1 - 2% GDP chỉ có thể mang tính chữa cháy, cấp cứu, giúp nền kinh tế đứng vững, giúp cho một số lực lượng, DN cụ thể qua được giai đoạn nguy cấp.

Tính một gói hỗ trợ căn cơ hơn, có khả năng bảo đảm cho nền kinh tế phục hồi vững chắc thì ít nhất phải 5%/năm. Nhưng yếu tố quan trọng nhất của chương trình này phải là sự quyết liệt. Tính quyết liệt phải đặt ra trong định hướng và tư duy rằng: Tình huống bất thường phải có những giải pháp khác thường. Đã đưa ra thì phải hành động thật sự.

Tập trung thay đổi cấu trúc kinh tế

* Dù GDP tăng trưởng thấp nhất trong 1 thập niên, nhưng kinh tế năm 2021 đã cán đích với khá nhiều chỉ số ấn tượng như kim ngạch xuất khẩu đạt kỷ lục, thu hút vốn FDI vẫn tăng trưởng và đặc biệt là một nền tảng vĩ mô ổn định, ông đánh giá thế nào về cơ hội phục hồi và tăng trưởng kinh tế trong năm nay?

- Những điểm sáng kể trên là tiền đề rất tốt cho những bước hồi phục tiếp theo. Chúng ta có năng lực tăng trưởng rất tốt, nếu mở ra một cách đúng nghĩa thì chắc chắn sẽ có những tăng trưởng mạnh mẽ và tôi chưa bao giờ bi quan với cơ hội của Việt Nam. Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, những yếu tố tiêu cực còn mạnh, tính bất định còn cao, sự hồi phục của kinh tế thế giới nói chung còn mong manh nên quan trọng nhất của 2022 là phục hồi kinh tế chứ chưa phải thời điểm dốc sức để tạo những đột phá.

Tôi cho rằng 2022 là năm Việt Nam phải tập trung thay đổi cấu trúc kinh tế, cải cách cơ chế làm sao để khối DN tư nhân hấp thụ được nhanh nhất, tốt nhất nguồn vốn hỗ trợ. Ví dụ chúng ta bàn câu chuyện đầu tư công, nhưng không phải chỉ là đẩy vốn ra để làm vốn mồi kích hoạt tăng trưởng mà cần chú trọng đến cơ hội nhìn ra những điểm yếu về cơ chế trong quá trình giải ngân để tháo gỡ. Một khi đã nhận diện đúng các điểm yếu và tháo gỡ chúng thì đây sẽ là tiền đề cơ bản để hình thành môi trường đầu tư bền vững. Từ đó, mở ra nhiều cơ hội thật sự cho tăng trưởng.

* Trong bối cảnh nguồn lực có hạn, theo ông cần ưu tiên cho lĩnh vực nào, vùng nào để một đồng vốn bỏ ra đạt hiệu quả cao nhất, có tính lan tỏa mạnh nhất?

- Muốn tốc độ tăng trưởng nhanh thì phải tập trung cho những tọa độ ưu tiên. Tọa độ ở đây được hiểu là các trung tâm tăng trưởng hoặc các chuỗi ngành quan trọng.

Theo tôi, có 3 tọa độ ưu tiên cần tập trung gỡ khó: Thứ nhất là vùng miền Đông Nam bộ lấy trung tâm là TP.HCM. Đây là khu vực còn tiềm năng phát triển rất lớn và có tầm quan trọng đối với khu vực kinh tế trọng điểm phía nam cũng như cả nước. Thứ hai là hàng không và du lịch. Hàng không đã có màn trình diễn tốt trong khoảng một thập niên gần đây. Nếu sớm tranh thủ được cơ hội thì hoàn toàn có thể trở thành một thế lực của hàng không thế giới khi nhu cầu thị trường bùng nổ trở lại. Tương tự, thế giới đang có xu hướng mở cửa, “thả” tất cả những trói buộc sau sức nén của mấy năm Covid-19. Lúc này, du lịch có rất nhiều cơ hội hội nhập quốc tế.

Tọa độ đột phá thứ ba là hướng tới thay máu cho nền kinh tế thông qua khu vực khởi nghiệp sáng tạo. Đang có xu hướng những DN khởi nghiệp sáng tạo rất tuyệt vời tại Việt Nam chạy ra nước ngoài đăng ký, vì thủ tục trong nước quá lằng nhằng. Như thế, nguồn lực đầu tư tốt nhất của Việt Nam có khuynh hướng đi ra nước ngoài, trong khi Việt Nam lại ra sức thu hút đầu tư nước ngoài nhưng không phải chất lượng cao nhất. Đây là nghịch lý cần thật sự quan tâm.

Nếu đẩy nhanh, mạnh được 3 tọa độ ưu tiên này sẽ tạo ra một nhịp tiến rất khác cho Việt Nam trong quá trình phục hồi, tăng trưởng sắp tới.

Mục tiêu GDP tăng trưởng 6 - 6,5% trong năm 2022 là khả thi

Năm 2022, tình hình kiểm soát dịch bệnh được dự báo không quá xấu. Việt Nam đã ban hành Nghị định 128 theo tinh thần chung là thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh. Đây là những triển vọng bước đầu cho một môi trường kinh doanh không quá nhiều biến động.

Bên cạnh đó, tuy kinh tế Việt Nam đang gặp rất nhiều khó khăn, nhưng về cơ bản, hạ tầng kinh tế chung vẫn ổn định, nền tảng của nền tài chính tương đối tốt. Các DN đầu đàn ở từng lĩnh vực vẫn bám trụ được qua đại dịch. Ngoại trừ du lịch có nhiều gãy đổ, hoạt động của các ngành khác vẫn duy trì và đang có dấu hiệu phục hồi, nhất là trong quý 4 vừa qua. Sắp tới, các quyết định quan trọng liên quan cải cách môi trường đầu tư, ban hành gói hỗ trợ và tín dụng lớn nhất lịch sử sau khi được thông qua tại kỳ họp Quốc hội bất thường cũng sẽ trở thành đòn bẩy cho sự phục hồi, vực dậy mạnh mẽ của kinh tế Việt Nam trong 2022. Theo đó, hàng loạt dự án hạ tầng đầu tư công, đặc biệt là các đường cao tốc phía đông sẽ kéo theo tác động lan tỏa; Đầu tàu kinh tế TP.HCM dự báo cũng sẽ phục hồi với mức độ tăng trưởng 6 - 6,5%... Với những triển vọng như vậy, mục tiêu tăng trưởng GDP 6 - 6,5% trong 2022 là hoàn toàn khả thi.

Yếu tố quan trọng nhất là gỡ bằng được các nút thắt của môi trường đầu tư, kinh doanh liên quan đến vấn đề đất đai, xây dựng… Đồng thời, xác định đúng quy mô, độ lớn và độ chính xác của gói hỗ trợ, kích thích nền kinh tế.

TS Trần Du Lịch (Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế TP.HCM)

(Hà Khanh ghi)

DN đã thích ứng linh hoạt với đại dịch

Trong 2 năm 2020 - 2021 nền kinh tế đã gặp nhiều khó khăn, nhưng cơ bản các DN đã biết và thích ứng linh hoạt với đại dịch. Vì vậy, nhiều đơn vị dệt may như May 10 cũng đã về đích cho cả năm 2021, có tăng nhẹ so với năm 2020. Hiện công ty đã có đơn hàng xuất khẩu đến trong quý 2/2022 và thị trường trong nước cũng dần dần hồi phục. Nhưng các khó khăn vẫn còn đó, dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp; đứt gãy chuỗi logistics như thiếu container, giá cước vận tải tăng cao chưa có dấu hiệu giảm… sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam.

Về cơ bản, Chính phủ đã thay đổi phương án phòng chống dịch và tiếp tục đi theo hướng sống chung, đảm bảo duy trì hoạt động sản xuất. Đồng thời các chính sách kích thích kinh tế, hỗ trợ cho cả các DN, người lao động từ Chính phủ sẽ thúc đẩy kinh tế trong năm mới hồi phục mạnh và đi lên. Cùng với nỗ lực của chính các DN thì kỳ vọng kinh tế sẽ tăng trưởng mạnh hơn.

Ông Thân Đức Việt (Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần May 10)

Kinh tế sẽ khởi sắc hơn

Tôi nghĩ rằng kinh tế Việt Nam năm 2022 sẽ khởi sắc hơn, không chỉ so với năm 2021 mà còn lấy lại được đà tăng trưởng lúc trước đại dịch. Điều này có được trên cơ sở các hoạt động kinh doanh, sản xuất đã bắt đầu hồi phục khá rõ trong quý 4/2021. Đầu tư của nền kinh tế đang tăng trở lại, nhất là đầu tư tư nhân. Bên cạnh các công ty đã ngừng hoạt động thì vẫn có nhiều đơn vị mới ra đời, cho thấy các DN đã nhìn ra được cơ hội trong thách thức và đây là nền tảng cho sự phục hồi kinh tế. Hay các dự án có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam vẫn tiếp tục mở rộng quy mô, gia tăng vốn đã mở ra triển vọng phát triển nhanh hơn.

Song song đó, những cam kết đầu tư từ các tập đoàn lớn nước ngoài sau các chuyến thăm, trao đổi của lãnh đạo cấp cao của Chính phủ, nhà nước Việt Nam gần đây cũng sẽ cho thấy dòng vốn đầu tư có cơ hội gia tăng hơn. Đặc biệt, Chính phủ đang đẩy nhanh việc giải ngân đầu tư công và nếu tiếp tục thúc đẩy mạnh hơn nữa việc này thì sẽ tạo ra sự lan tỏa, kích cầu cho nền kinh tế. Ngoài ra, trong năm 2021 bất chấp khó khăn thì kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đã đạt kỷ lục. Bước sang năm 2022, các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như Mỹ, châu Âu đều đang hồi phục mạnh và khả năng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam còn có thể phá vỡ kỷ lục của năm 2021. Từ đó góp phần thúc đẩy các DN mở rộng nhà máy, gia tăng sản xuất…

Nhưng để kinh tế khôi phục nhanh như kỳ vọng, Chính phủ phải đưa ra các chính sách tài khóa, tiền tệ cởi mở hơn nhằm hỗ trợ DN. Đồng thời, chính sách an sinh xã hội vẫn tiếp tục thực hiện để giúp gia tăng thu nhập cho người lao động, từ đó cũng góp phần gia tăng sức cầu của thị trường, tạo động lực phát triển cho nền kinh tế. Nếu Chính phủ còn quá thận trọng trong các chính sách tài khóa thì sẽ bị bỏ lỡ cơ hội và quá trình hồi phục, phát triển kinh tế của Việt Nam sẽ bị chậm hơn.

TS Đỗ Thiên Anh Tuấn (Trường ĐH Fulbright Việt Nam)

(Mai Phương ghi)

Khu vực dịch vụ có cơ hội bung mạnh

Năm 2022, bức tranh kinh tế chắc chắn sáng hơn năm qua. Chính phủ đưa kế hoạch tăng trưởng 6 - 6,5%, tuy nhiên tôi nghĩ phải cao hơn, trên dưới 8%. Lý do là tăng trưởng dựa trên mức nền thấp của năm nay thì tỷ lệ 8% là không cao và trong khả năng. Cứ thử tính thế này, năm 2019 tăng trưởng 6,8%, năm 2020 tăng 2,9%, năm 2021 tăng 2,6%. Cộng cả 3 năm thì mức trung bình cũng mới chỉ 4,1%.

Có nhiều cơ sở để đưa ra mức tăng trưởng nói trên. Mũi vắc xin thứ 3 đang được triển khai trên toàn quốc và dự kiến sẽ hoàn tất trong tháng đầu năm mới. Người dân trong nước đã tiêm phủ 2 - 3 mũi vắc xin, du lịch công nhận hộ chiếu vắc xin rồi thì trong năm tới, kinh doanh dịch vụ du lịch, nhà hàng, khách sạn sẽ có cơ hội bung mạnh. Bên cạnh đó, xuất nhập khẩu vẫn tiếp tục đà tăng trưởng tốt, đặc biệt DN bắt nhịp khá tốt với các thị trường Việt Nam đang ký kết FTA.

PGS-TS Nguyễn Đức Độ (Viện trưởng Viện Kinh tế tài chính)

Chúng ta có cơ sở để lạc quan

Chính sách sống chung với dịch và nỗ lực khống chế dịch của Việt Nam đã có hiệu ứng tốt trong 3 tháng cuối năm. Với đà này, cho dù có biến thể Omicron mà thế giới đang đánh giá mức nguy hại không cao bằng chủng Delta, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để lạc quan. Nhiều ý kiến cho rằng xuất khẩu vẫn gặp khó khăn vì logistics, nhưng không hẳn bởi DN xuất khẩu các mặt hàng lớn đã có hướng xuất hàng rời, không “chơi” hàng container nữa. Xuất khẩu nông sản vẫn đang giữ phong độ tốt. Chi phí xuất hàng rời nay thấp hơn, nên không có chuyện khó tìm container ảnh hưởng đến xuất khẩu đâu.

Ngoài ra, nền kinh tế năm nay kỳ vọng vào sự đột phá từ thu dịch vụ. Sau 2 năm bị “nén” vì đóng cửa chống dịch, ngành dịch vụ du lịch, khách sạn, hàng không, nhà hàng… sẽ bắt nhịp lại trong năm tới, tuy nhiên tăng ổn định phải tính từ quý 2/2022. Riêng thị trường nội địa có thể tăng khiêm tốn hơn nếu cứ so với năm trước dịch, nhưng so với năm 2021 chắc chắn tăng 2 con số.

Ông Đỗ Hà Nam (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Intimex Group)

Nguyên Nga ghi

Hà Mai

Thanh niên

Banner PHS
Logo PHS

Trụ sở: Tầng 21, Phú Mỹ Hưng Tower, 08 Hoàng Văn Thái, Phường Tân Phú, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh 

1900 25 23 58
support@phs.vn
Kết nối với chúng tôi:

Đăng ký nhận tin

Tải app PHS-Mobile Trading

Công ty Cổ phần Chứng khoán Phú HưngCông ty Cổ phần Chứng khoán Phú Hưng