Tin tức
Ngân hàng cổ phần và khoảng trống tỉnh lẻ

Ngân hàng cổ phần và khoảng trống tỉnh lẻ

07/02/2006

Banner PHS

Ngân hàng cổ phần và khoảng trống tỉnh lẻ

Các ngân hàng cổ phần co cụm tại các thành phố lớn. Ngân hàng mạnh nhất mới chỉ vươn tới 18 tỉnh thành, trên 40 “điểm trắng” còn lại vẫn đầy tiềm năng…

Các ngân hàng cổ phần co cụm tại các thành phố lớn. Ngân hàng mạnh nhất mới chỉ vươn tới 18 tỉnh thành, trên 40 “điểm trắng” còn lại vẫn đầy tiềm năng…

 

Cách đây một năm, quyết định lập chi nhánh tại Điện Biên của Ngân hàng Quân đội (MB) được xem là một sự kiện đáng chú ý. Đây là ngân hàng cổ phần đầu tiên vượt núi để đến với địa bàn khá xa xôi này.

 

Trong thời gian tới, một ngân hàng cổ phần khác cũng sẽ lập chi nhánh tại Quảng Bình, một tỉnh nghèo miền Trung. Có thể coi đây là điểm nhấn thứ hai trên xu hướng “về quê” của khối ngân hàng này. Nhưng, vẫn còn nhiều lực cản trong xu hướng đó.

 

Vị thế của ngân hàng quốc doanh quá lớn

 

Thống trị các địa bàn tỉnh lẻ, đến tận huyện là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank). Ngân hàng “bạn nhà nông” này có tới trên 2.200 chi nhánh và phòng giao dịch, đủ lực để phủ khắp 64 tỉnh thành trên cả nước.

 

Kế đến là Ngân hàng Công thương (Incombank) và Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) theo chân các công trình và ngành hàng về với thôn xóm. Vài năm gần đây là sự có mặt của Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) khi bắt đầu có những chi nhánh đầu tiên tại các tỉnh xa…

 

Trước hết, với những địa bàn tỉnh lẻ, đối tượng khách hàng phần lớn là người nông dân và nhu cầu chính là vay vốn sản xuất, chăn nuôi. Điều này giải thích vì sao Agribank lại là ngân hàng gần dân nhất. Nhu cầu đó cũng đặt ra yêu cầu phải là một ngân hàng vốn lớn.

 

Tính bình quân trong số 5 ngân hàng quốc doanh hiện nay, vốn điều lệ của mỗi ngân hàng cũng đã có thể “xé lẻ” thành khoảng 20 ngân hàng cổ phần cỡ trung bình. Vốn dày, mạng lưới có điều kiện phát triển rộng, tạo thuận lợi trong giao dịch. Các ngân hàng cổ phần hiện mới chỉ có bình quân từ 30 – 50 chi nhánh, phòng giao dịch, chưa thể đáp ứng được yêu cầu thuận lợi đó.

 

Một thế mạnh khác, các ngân hàng quốc doanh là doanh nghiệp Nhà nước. Yếu tố này có ý nghĩa lớn trong việc đảm bảo tâm lý nhiều người dân, nhất là trong lĩnh vực nhạy cảm như ngân hàng – tài chính. Trong khi đó, yếu tố cổ phần vẫn còn khá xa lạ ở khu vực nông thôn. Khi nhập cuộc, khối ngân hàng cổ phần sẽ phải mất khá nhiều thời gian để vượt qua khó khăn tâm lý này.

 

Có thể phải mất tới 10 năm

 

Hiện tại, Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đang là ngân hàng cổ phần có sức vươn mạnh nhất khi đã thiết lập sự hiển diện tại 18 tỉnh thành. Được biết trong năm nay, Sacombank sẽ tiếp tục vươn tới một số địa phương khác, thậm chí là cả tỉnh nghèo. Đây cũng là ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất trong khối ngân hàng cổ phần.

 

Vốn tỷ lệ thuận với mạng lưới chi nhánh. Theo Quyết định 888 của Ngân hàng Nhà nước, từ tháng 6/2006, mỗi ngân hàng muốn mở một chi nhánh mới phải có được 20 tỷ đồng vốn tương ứng. Vốn bình quân của khối ngân hàng cổ phần khoảng 400 tỷ, ngoài vốn pháp định ít nhất 70 tỷ đồng, có thể được lập nhiều nhất là 16 chi nhánh, một con số còn xa so với trên 40 “điểm trắng” ngân hàng cổ phần hiện nay.

 

Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước đang cân nhắc lại khả năng điều chỉnh Quyết định 888 theo hướng tạo thuận lợi cho các ngân hàng tiếp cận các địa bàn nông thôn, tỉnh lẻ. Số vốn 20 tỷ đồng tương ứng với mỗi chi nhánh mới có thể được giảm xuống và đó sẽ là một thuận lợi đáng kể. Mặt khác, trong lộ trình tăng vốn từ nay đến năm 2010, mốc 1.000 tỷ đồng đang là khả năng tiếp cận của nhiều ngân hàng cổ phần.

 

Đại diện một số ngân hàng cổ phần cho rằng khi tăng vốn, mở rộng địa bàn hoạt động là tất yếu. Và khi về các tỉnh lẻ, lợi thế của họ không phải là không có. Đó là những mức lãi suất hấp dẫn, luôn có sự chênh lệch cạnh tranh với các ngân hàng quốc doanh. Trong những năm gần đây, nhiều ngân hàng cổ phần cũng đã khẳng định được uy tín của mình với người dân…

 

“Về quê” là hướng đi tất yếu. Nhưng nhanh cũng phải mất 5 năm nữa, xa hơn là 10 năm. Khi đó, ở Việt Nam, người dân có thể “ra ngõ gặp ngân hàng”, trong đó có không ít thành viên thuộc khối ngân hàng cổ phần.

TBKTVN

Banner PHS
Logo PHS

Trụ sở: Tầng 21, Phú Mỹ Hưng Tower, 08 Hoàng Văn Thái, Phường Tân Phú, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh 

(Giờ làm việc: 8h00 - 17h00 hàng ngày - trừ thứ 7, chủ nhật và các ngày lễ) 

1900 25 23 58
support@phs.vn
Kết nối với chúng tôi:

Đăng ký nhận tin

Tải app PHS-Mobile Trading

Công ty Cổ phần Chứng khoán Phú HưngCông ty Cổ phần Chứng khoán Phú Hưng