Ngân hàng đua lập chi nhánh
Ồ ạt lập chi nhánh mà không quản lý được chất lượng hoạt động đồng nghĩa với việc tạo thêm những rủi ro. “Đẻ” chi nhánh nhưng không “nuôi” nổi cũng là gánh nặng nếu kéo dài...
Ồ ạt lập chi nhánh mà không quản lý được chất lượng hoạt động đồng nghĩa với việc tạo thêm những rủi ro. “Đẻ” chi nhánh nhưng không “nuôi” nổi cũng là gánh nặng nếu kéo dài.
Đó là cảnh báo được lãnh đạo một số ngân hàng đưa ra mới đây, khi mà sự phát triển mạng lưới chi nhánh của các ngân hàng đang trong bối cảnh nóng.
Mỗi tháng một chi nhánh!
Đó là mục tiêu bất thành văn của một ngân hàng có hội sở chính tại Hà Nội. Tính tổng cộng cả năm, mục tiêu đó mang lại cho ngân hàng này chí ít cũng gần chục chi nhánh phát triển mới.
Đầu bảng phát triển chi nhánh và có nhiều chi nhánh hiện nay là Ngân hàng Nông nghiệp (Agribank) với con số trên 2.200. Đây cũng là ngân hàng gần dân nhất nhờ thế mạnh đó. Kế đến là các ngân hàng quốc doanh còn lại như Ngân hàng Đầu tư (BIDV), Ngân hàng Công thương (Incombank), Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank).
Trong khối ngân hàng cổ phần, Techcombank vẫn được biết đến nhiều hơn cả trong nỗ lực thiết lập sự hiển diện của mình. Ở Hà Nội, nếu thấy một trung tâm thương mại mới, một cao ốc, khu văn phòng mới khánh thành thì y như rằng có thể tìm thấy một chi nhánh mới của ngân hàng này.
Gần đây, trong khối ngân hàng cổ phần nổi lên “nhân vật” Ngân hàng Quân đội (MB). Ngân hàng này có thể khai trương loạt 3 chi nhánh chỉ trong thời gian một tuần và hiện đang tích cực tiến về các địa bàn cơ sở. Rồi đến Ngân hàng Đông Á (EAB), VPBank, VIB Bank…
Các ngân hàng khác, dù muốn hay không, mở rộng mạng lưới vẫn là yêu cầu bắt buộc. Thậm chí đó là một cuộc đua đang ngày một nóng và bộc lộ rõ.
Tại Hà Nội, giới ngân hàng vẫn truyền miệng câu: “Ở đâu có Vietcombank, ở đó có Techcombank”. Tuy câu nói này không chính xác tuyệt đối song cũng đủ thấy sự trùng hợp “ngẫu nhiên” giữa hai ngân hàng này tại nhiều điểm giao dịch. Có thể hiểu đó là một sự cạnh tranh riêng và ngầm.
Khi tìm hiểu thông tin để thực hiện bài viết này, phóng viên VnEconomy nhận ra một điểm chung giữa các câu trả lời là nhiều nhân viên ngân hàng, thậm chí là lãnh đạo ngân hàng, không thể nhớ nổi “nhà mình” có bao nhiêu chi nhánh, phòng giao dịch… “Nhiều quá, nhớ không nổi”, hoặc “chưa kịp cập nhật nên chỉ áng chừng”.
Lợi nhiều, nguy cơ cũng lắm
Có nhiều lý do rất hợp lý để các ngân hàng tăng cường mở rộng mạng lưới. Theo ông Lê Đắc Sơn, Tổng giám đốc VPBank, trước hết là xuất phát từ tâm lý của người dân: gần - tiện - lợi. Thứ hai là trước ngưỡng cửa WTO, các ngân hàng cần nhanh chóng tạo dựng lợi thế sân nhà bằng địa bàn và khách hàng trước khi các ngân hàng nước ngoài vào.
“Ngân hàng nước ngoài thường có thế mạnh về quản lý, công nghệ, tiềm lực tài chính… Còn thế mạnh của ngân hàng Việt
Rõ ràng, có thêm chi nhánh mới, người dân có thêm thuận lợi mới, ngân hàng có cơ hội hút khách về mình, phát triển tên tuổi… Nhưng, tại một hội nghị ngành ngân hàng mới đây, một số chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo tình trạng ồ ạt lập chi nhánh mà không nuôi nổi, không đảm bảo yêu cầu quản lý và chất lượng phục vụ.
“Nhân lực ngành ngân hàng không nhiều, không dễ đào tạo theo kiểu nóng vội nên để đáp ứng yêu cầu của một chi nhánh tốt ngân hàng phải mất khá nhiều thời gian chuẩn bị. Đó là chưa kể tới năng lực tài chính và khả năng quản lý”, một chuyên gia nói.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Agribank chi nhánh Hà Nội, khẳng định: Một trong điều kiện tiên quyết của Agribank khi lập chi nhánh, mở phòng giao dịch là phải đảm bảo doanh thu, phải tự nuôi mình sau thời gian “bao cấp” ban đầu. Và hiện Agribank Hà Nội không có trường hợp nào lệch khỏi điều kiện này. Đặc biệt, chất lượng của các chi nhánh, phòng giao dịch đó phải luôn đảm bảo với uy tín chung của cả ngân hàng.
Một số lãnh đạo ngân hàng cũng cho rằng cần cảnh giác với tác động xấu từ chất lượng của những chi nhánh được thành lập vội vàng. Đội ngũ nhân viên chưa ổn, dịch vụ chưa ổn, cơ sở hạ tầng chưa ổn đều có thể làm giảm uy tín chung. Đó cũng là một rủi ro vô hình.
“Từ trước tới này rủi ro vẫn thường tập trung ở mạng lưới chi nhánh. Đó là khả năng thẩm định các khoản vay, khả năng quản lý hạn chế nếu không có sự chuẩn bị chắc chắn”, ông Sơn cho biết. “Với nhiều ngân hàng cổ phần, rủi ro đó lớn hơn khi hệ thống công nghệ chưa kết nối với nhau, sự giám sát và quản lý trực tiếp khá khó khăn”.
Một số lãnh đạo ngân hàng khác cũng thừa nhận rằng phát triển mạng lưới chi nhánh là một áp lực và phải chấp nhận rủi ro, hoạt động ngân hàng vốn vẫn phải sống chung với rủi ro. Nhưng, mỗi ngân hàng nên cân nhắc tới khả năng của mình, tới bài toán hiệu quả, chi phí và nhân lực. Và cũng có thể đề cao quan điểm tiến chậm nhưng vững chắc.
TBKTVN