Tin tức
Ngân hàng ngoại sẽ vẫn khó mua cổ phần ngân hàng nội

Ngân hàng ngoại sẽ vẫn khó mua cổ phần ngân hàng nội

30/12/2005

Banner PHS

Ngân hàng ngoại sẽ vẫn khó mua cổ phần ngân hàng nội

Khả năng Ngân hàng ANZ hay HSBC mua thêm cổ phần của Sacombank và Techcombank trong thời gian tới là không nhiều. Cơ chế cho hoạt động đầu tư này sẽ vẫn còn nhiều ràng buộc...

Khả năng Ngân hàng ANZ hay HSBC mua thêm cổ phần của Sacombank và Techcombank trong thời gian tới là không nhiều. Cơ chế cho hoạt động đầu tư này sẽ vẫn còn nhiều ràng buộc.

 

Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (Vafi) vừa gửi bản góp ý, về Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế Tổ chức tín dụng nước ngoài được mua cổ phần của các ngân hàng thương mại Việt Nam, lên Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và các ban ngành liên quan.

 

Đọc bản góp ý này, nhiều nhà quản lý chắc hẳn sẽ phải “nhíu mày” bởi trong đó có nhiều khẳng định mà có lẽ các nhà xây dựng dự thảo phải xem xét lại.

 

Vafi cho biết bản dự thảo nói trên đã được tiến hành xây dựng hơn 6 tháng qua nhưng “cộng đồng doanh nghiệp và các nhà đầu tư, các ngân hàng cổ phần, Vafi không được biết đến, không được Ngân hàng Nhà nước gửi văn bản lấy ý kiến”. Từ đây Vafi “có cảm tưởng rằng sự nghiệp phát triển hệ thống ngân hàng là chỉ dành cho cơ quan quản lý chứ không phải là sự nghiệp của doanh nghiệp, của nhà đầu tư”.

 

Trở lại với những khẳng định của Vafi trong bản góp ý, nổi cộm vẫn là những quy định trong tỷ lệ sở hữu cổ phần, điều kiện đối với ngân hàng bán cổ phần và đối với tổ chức tín dụng muốn mua cổ phần đó; đặc biệt là những rào cản về mặt hành chính.

 

“Cơ quan quản lý nhà nước không thể quyết định thay cho doanh nghiệp”

 

Đây là khẳng định thứ nhất của Vafi khi đề cập đến thẩm quyền chấp thuận việc tổ chức tín dụng nước ngoài mua cổ phần của ngân hàng Việt Nam.

 

Dự thảo nêu: “Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chấp thuận việc tổ chức tín dụng nước ngoài mua cổ phần của ngân hàng thương mại cổ phần”. Nhưng Vafi cho rằng “cơ quan quản lý nhà nước không thể sáng suốt tư vấn và quyết định thay cho doanh nghiệp. Các nhà hành chính không thể là các nhà quản trị doanh nghiệp giỏi, mặt khác quy định như vậy là không đủ thẩm quyền, can thiệp vào hoạt động quản trị doanh nghiệp”.

 

“Quy định này sẽ cản trở việc mua cổ phần của tổ chức tín dụng nước ngoài trên thị trường chứng khoán đối với ngân hàng niêm yết”, Vafi dự báo, vì cửa ải hành chính có thể làm mất cơ hội của họ trước sự “nhanh tay” của các nhà đầu tư nước ngoài khác.

 

Theo đó, Vafi kiến nghị chỉ nên xin phép Ngân hàng Nhà nước trong những trường hợp đặc biệt như cổ phần đó thuộc ngân hàng liên tục thua lỗ, vốn điều lệ dưới 100 tỷ đồng. Còn những ngân hàng hoạt động hiệu quả thì Đại hội cổ đông và hội đồng quản trị đủ sáng suốt để lựa chọn nhà đầu tư cho mình.

 

Những điều kiện bất hợp lý?

 

Điều kiện trong dự thảo nói trên tập trung ở hai đối tượng mua và bán cổ phần. Tuy nhiên, hầu hết các điều kiện đều không thuyết phục được các nhà đầu tư, nếu xét Vafi là đại diện của họ. Thậm chí, Vafi còn cho rằng những nội dung “mù mờ” (về điều kiện) sẽ là những rào cản về thủ tục hành chính; hậu quả là doanh nghiệp dễ bị hành.

 

Cụ thể, điều kiện đối với ngân hàng Việt Nam bán cổ phần cho tổ chức tín dụng nước ngoài. Dự thảo đưa ra điều kiện dự kiến là phải có vốn điều lệ tối thiểu đạt 500 tỷ đồng, tình hình tài chính lành mạnh, bộ máy quản trị, kiểm soát nội bộ hiệu quả và không vi phạm các quy định về an toàn trong hoạt động ngân hàng.

 

“Quy định này hết sức vô lý” - khẳng định thứ hai của Vafi. Những ngân hàng không hội đủ các điều kiện trên cần phải được đổi mới, cần phải có điều kiện dễ dàng để thu hút vốn, công nghệ, trình độ quản lý… từ các ngân hàng nước ngoài. Nhưng, những điều kiện trên đã “vô tình kìm hãm sự đổi mới của họ”.

 

Trong cuộc hội thảo xúc tiến đầu tư nước ngoài vào ngân hàng tổ chức vào giữa năm 2005 vừa qua, một số nhà đầu tư cũng đã đề cập đến vấn đề này. Theo họ, một số ngân hàng cổ phần Việt Nam đang ở trong vòng luẩn quẩn: muốn phát triển cần có vốn đầu tư bên ngoài, đặc biệt là kinh nghiệm quản lý và công nghệ từ ngân hàng nước ngoài, nhưng để đón được nguồn lực đó lại phải phát triển trước.

 

Một nguồn lực sẽ trở nên có ý nghĩa hơn trong khó khăn.

 

Về điều kiện tổ chức tín dụng nước ngoài được mua cổ phần ngân hàng Việt Nam, dự thảo quy định là phải thuộc 500 ngân hàng hàng đầu thế giới, có kinh nghiệm hoạt động quốc tế trong lĩnh vực ngân hàng và được các tổ chức xếp loại tín nhiệm quốc tế xếp hạng tín dụng từ mức ổn định từ mức độ ổn định trở lên…

 

Vafi cho rằng các ngân hàng vừa và nhỏ của Việt Nam sẽ khó có thể thu hút được các ngân hàng hội đủ các điều kiện như trên.

 

“Quy định như trên cũng không rõ ràng, không có căn cứ” - khẳng định thứ ba của Vafi. Danh sách 500 ngân hàng hàng đầu thế giới do ai xếp hạng? Vào thời gian nào? Bị tụt hạng thì sao? Những câu hỏi này vẫn chưa có câu trả lời, mà theo Vafi, đó là một nguyên nhân gây “mù mờ” trong nội dung quản lý, cụ thể là trong thủ tục hành chính, doanh nghiệp dễ bị hành.

 

Có nên nâng tỷ lệ sở hữu?

 

Đây là câu hỏi, đúng ra là một yêu cầu, được đặt ra tại hàng chục cuộc hội thảo, kiến nghị trong thời gian qua. Và một lần nữa, câu trả lời trong dự thảo quy chế nói trên lại trở thành điểm nóng của những… thất vọng.

 

Dự thảo đưa ra những quy định về tỷ lệ sở hữu cổ phần của tổ chức tín dụng nước ngoài trong ngân hàng Việt Nam như sau: Tỷ lệ sở hữu cổ phần của 1 tổ chức tín dụng nước ngoài tại ngân hàng Việt Nam tối đa bằng 10% vốn điều lệ (mức mà ANZ và HSBC đã mua được từ Sacombank và Techcombank); tổ chức đó là nhà đầu tư chiến lược được sở hữu tối đa bằng 20% và tổng giá trị cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài nói chung tối đa không vượt quá 30%.

 

Những quy định trên không phù hợp với văn bản số 238/2005/QĐ-TTg ngày 29/9/2005 về cho phép các nhà đầu tư nước ngoài được mua không quá 49% vốn điều lệ tại các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán. Dự kiến, trong năm 2006, một số ngân hàng sẽ tiến hành niêm yết, sự chồng chéo này sẽ giải quyết thế nào?

 

Tất nhiên, các nhà soạn thảo dự thảo có lý do của mình khi quy định những tỷ lệ trên. Nhưng, Vafi vẫn kiến nghị nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong ngân hàng thương mại nhà nước thực hiện cổ phần hóa là 35%; tỷ lệ cao nhất của 1 nhà đầu tư nước ngoài là 25%; với ngân hàng cổ phần là 49% và 30%.

 

Kiến nghị có thể sẽ vẫn là kiến nghị, như đã có từ trước đến nay. Khả năng hiện thực của những tỷ lệ kiến nghị đó có lẽ còn khá xa, cũng như cơ hội đầu tư vào các ngân hàng nội của ngân hàng ngoại sẽ vẫn chưa được như mong đợi.

TBKTVN

Banner PHS
Logo PHS

Trụ sở: Tầng 21, Phú Mỹ Hưng Tower, 08 Hoàng Văn Thái, Phường Tân Phú, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh 

(Giờ làm việc: 8h00 - 17h00 hàng ngày - trừ thứ 7, chủ nhật và các ngày lễ) 

1900 25 23 58
support@phs.vn
Kết nối với chúng tôi:

Đăng ký nhận tin

Tải app PHS-Mobile Trading

Công ty Cổ phần Chứng khoán Phú HưngCông ty Cổ phần Chứng khoán Phú Hưng