Tin tức
Ngân hàng SCB làm trái pháp luật, ép doanh nghiệp

Ngân hàng SCB làm trái pháp luật, ép doanh nghiệp

01/02/2010

Banner PHS

Ngân hàng SCB làm trái pháp luật, ép doanh nghiệp

Điều hành tài chính tiền tệ trong bối cảnh khủng hoảng toàn cầu, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã liên tục có nhiều quy định cấm "các tổ chức tín dụng không được thực hiện bất kỳ hình thức nào làm tăng chi phí vốn vay thực tế của khách hàng, ngoài lãi suất cho vay theo cơ chế lãi suất cơ bản hiện hành".

Thế nhưng, bất chấp các quy định đó và không hề "thương cảm" doanh nghiệp, Ngân hàng Thương mại cổ phần (NHTMCP) SCB đã thu phí trái pháp luật của một DN ở thành phố Đà Nẵng số tiền lên đến trên 10,3 tỉ đồng chỉ trong một hợp đồng vay vốn.

Điều 15 "cắt cổ" khách hàng...

Ngân hàng TMCP SCB chi nhánh Đà Nẵng (bên A) đã ký hợp đồng số 52 ngày 31.12.2008 với Cty cổ phần Tập đoàn Hà Bách Khoa (bên B), cho Cty này vay số tiền 194 tỉ đồng (trong bài viết này chỉ lấy số tròn - PV). Tại hợp đồng tín dụng này có điều 15 nội dung như sau: "Trường hợp bên B không thực hiện nghĩa vụ trả nợ đúng hạn mà bên A phải yêu cầu toà án giải quyết thu nợ thì bên B phải chịu thêm khoản tiền phạt là 5% trên số dư nợ gốc và lãi". Và trên thực tế, điều 15 này đã tạo cho NH SCB một khoản thu trên 10,3 tỉ đồng từ bên B khi thu hồi vốn và lãi vay; ngày 13.5.2009, SCB đã thu khoản tiền phạt 5% nói trên đối với bên B.

Vì sao NH SCB thu thêm khoản tiền khổng lồ sau khi đã thu đầy đủ gốc và lãi rồi, góp phần đẩy DN vào đường cùng như vậy? PV Lao Động đã phát hiện được câu trả lời từ chính NH này: "Mục đích của khoản phạt 5% theo Điều 15 là một biện pháp chế tài dân sự để SCB bù đắp chi phí thi hành án (THA) khi yêu cầu cơ quan THA thu hồi nợ" (công văn số 1045 do ông Diệp Bảo Châu - Phó TGĐ SCB ký ngày 21.8.2008). Nhưng, khoản nợ của bên B nói trên thì NH SCB đã thu hồi mà không phải thông qua cơ quan THA.

Đó là chưa kể, theo quy định của pháp luật, chi phí THA phải do bên được THA chịu, chứ hà cớ làm sao lại bắt người vay tiền phải chịu. Điều này cũng đã được TAND thành phố Đà Nẵng khẳng định: "Việc quy định thêm khoản phạt 5% do không trả nợ đúng hạn nhằm mục đích bù đắp chi phí THA là tăng thêm trách nhiệm của bên vay tiền một cách không chính đáng, gây bất lợi cho bên vay tiền.

Trong thực tế, đối với khoản vay của (bên B), NH SCB thu nợ thông qua thoả thuận ba bên chuyển nhượng tài sản thế chấp để trả nợ NH. Việc thu nợ của NH không phải qua cơ quan THA nên không phát sinh chi phí THA. Do vậy NH SCB thu của (bên B) khoản tiền phạt vi phạm 5% tương đương 10,3 tỉ đồng là không hợp lý" (bản án số 63 ngày 16.12.2009).

Thu lãi vượt trần trên 4,6 tỉ đồng

Mở rộng tìm hiểu từ thương vụ cho vay ép khách hàng này, PV Lao Động phát hiện thêm hành vi vi phạm hợp đồng của phía NH SCB. Tại mục 4, Điều 3 của hợp đồng tín dụng số 52 quy định: "Lãi suất cho vay (nêu trên) được thả nổi và tự động điều chỉnh 3 tháng 1 lần kể từ ngày giải ngân đầu tiên theo thông báo lãi suất cho vay đang áp dụng của bên A và bên vay sẽ được thông báo bằng văn bản".

Thế nhưng trong suốt cả quá trình vay, trả nợ của bên B, NH SCB đã tính lãi vay, phạt quá hạn đối với bên vay đều với lãi suất 27%/năm. Theo hợp đồng và thực tế giải ngân thì kỳ điều chỉnh lãi suất tiếp theo là ngày 31.1.2009. Thời điểm này, Ngân hàng Nhà nước VN công bố lãi suất cơ bản là 8,5%/năm, như vậy lãi suất trần chỉ còn là 12,75%/năm, cộng thêm cả lãi phạt (bằng 150% lãi suất trong hạn) thì khách hàng vay vốn cũng chỉ phải trả lãi tổng cộng là 19,13%/năm.

Cũng theo hợp đồng tín dụng số 52 nói trên, kỳ điều chỉnh lãi suất tiếp theo là vào ngày 30.4.2009; lãi suất cơ bản do NHNN công bố lúc này là 7%/năm, lãi suất trong hạn đã giảm xuống mức trần là 10,5%/năm. Cũng với cách tính lãi phạt như trên, lúc này bên vay phải chịu lãi phạt là 15,75%/năm.

Ngân hàng SCB đã thực thu tổng số tiền lãi từ thương vụ cho vay này là 19,4 tỉ đồng, trong đó đã thu tiền lãi với mức 27%/năm đối với bên vay trong suốt thời gian bên vay nợ quá hạn. Tuy nhiên, nếu áp dụng đúng hợp đồng về việc điều chỉnh lãi suất 3 tháng 1 lần thì tổng số lãi mà bên vay phải trả chỉ là 14,8 tỉ đồng. Như vậy, NHTMCP Sài Gòn SCB đã thu lãi vượt lên thêm trên 4,6 tỉ đồng.

Lâm Chí Công

Lao động

Banner PHS
Logo PHS

Trụ sở: Tầng 21, Phú Mỹ Hưng Tower, 08 Hoàng Văn Thái, Phường Tân Phú, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh 

(Giờ làm việc: 8h00 - 17h00 hàng ngày - trừ thứ 7, chủ nhật và các ngày lễ) 

1900 25 23 58
support@phs.vn
Kết nối với chúng tôi:

Đăng ký nhận tin

Tải app PHS-Mobile Trading

Công ty Cổ phần Chứng khoán Phú HưngCông ty Cổ phần Chứng khoán Phú Hưng