Tin tức
Ngành kim cương đánh mất hào quang (phần 1): Làn sóng nhân tạo từ Trung Quốc

Ngành kim cương đánh mất hào quang (phần 1): Làn sóng nhân tạo từ Trung Quốc

26/07/2025

Banner PHS

Ngành kim cương đánh mất hào quang (phần 1): Làn sóng nhân tạo từ Trung Quốc

Làn sóng kim cương nhân tạo xuất xứ từ Trung Quốc đang thực sự khuấy đảo ngành công nghiệp này, buộc những tên tuổi kỳ cựu phải chật vật tìm cách giữ vững vị thế trên thị trường.

Công nhân kiểm tra thiết bị tại nhà máy kim cương Jiaruifu ở Trịnh Châu, Trung Quốc. Ông Feng Canjun, nhà sáng lập Jiaruifu, trưng bày một số viên kim cương nhân tạo trong phòng trưng bày của mình - Ảnh: Andrea Verdelli/FT

Cơn địa chấn mang tên kim cương nhân tạo

Nếu trái đất cần tới hơn 1 tỷ năm để tạo nên một viên kim cương, thì Feng Canjun chỉ cần đúng một tuần.

Dưới cái nóng oi ả của một buổi chiều tại Trịnh Châu, thủ phủ tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, không khí trong nhà máy kim cương Jiaruifu của ông Feng luôn rộn ràng. Bên trong, 600 cỗ máy đồ sộ hoạt động liên tục, tái hiện sức ép địa chất khổng lồ và nhiệt độ bỏng rát từ sâu lòng đất, nơi kim cương tự nhiên hình thành. Chỉ trong 7 ngày, những cỗ máy này đã có thể cho ra đời viên kim cương 3 carat, kích cỡ tương đương một chiếc nhẫn đính hôn cỡ lớn.

“Chúng tôi hoàn toàn có thể sản xuất kim cương quy mô lớn”, ông Feng tự hào chia sẻ, ánh mắt không rời khỏi dãy máy móc khổng lồ trước mặt. Hiện tại, ông còn sở hữu thêm 2 nhà máy khác cũng hoạt động suốt ngày đêm. “Bây giờ, tôi sản xuất khoảng 100,000 carat mỗi tháng”, ông nói thêm.

Hơn 70% lượng kim cương nhân tạo phục vụ ngành trang sức trên thế giới, phần lớn được các cặp đôi đính hôn lựa chọn, đều xuất phát từ các nhà máy tại Trung Quốc, với Hà Nam giữ vai trò trung tâm của ngành công nghiệp này.

“Có thể nói, chúng tôi đang thống lĩnh toàn bộ thị trường”, Feng, một kỹ sư vật liệu hàng không vũ trụ trong bộ vest đen chỉnh tề, khẳng định. Duy chỉ chiếc đồng hồ đính kim cương lấp lánh trên cổ tay ông mới phần nào hé lộ về lĩnh vực mà ông đang theo đuổi.

Sự trỗi dậy mạnh mẽ của các nhà máy như của Feng đang gây ra cơn địa chấn lớn với ngành kim cương tự nhiên. Làn sóng kim cương tổng hợp bùng nổ trên thị trường trang sức toàn cầu đúng lúc nhu cầu suy giảm, khiến giá kim cương tự nhiên loại nhỏ rơi xuống mức thấp nhất trong một thập kỷ.

Ông Marty Hurwitz, Chủ tịch Tổ chức Giao dịch Kim cương Nhân tạo, nhận xét: “Kim cương nhân tạo đã tạo ra sự đứt gãy chưa từng có. Ban đầu, người trong ngành không tin, sau đó lại không thể chấp nhận thực tế này”.

“Đây là lần đầu tiên kim cương tự nhiên phải đối mặt với một đối thủ cạnh tranh thực sự”.

Năm nay, tương lai của thị trường kim cương tự nhiên đang bị đặt trước thử thách lớn khi Tập đoàn De Beers, gã khổng lồ trứ danh do Cecil Rhodes sáng lập, được Anglo American (tập đoàn niêm yết tại London) đem ra rao bán. Dù trong sổ sách, Anglo American vẫn ghi nhận giá trị bộ phận này ở mức 4.9 tỷ USD, nhưng do doanh số liên tục lao dốc, mức giá thực tế khi giao dịch có thể sẽ thấp hơn rất nhiều. Đợt đấu giá đầu tiên dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 8.

Năm ngoái, doanh thu của De Beers đã giảm tới một nửa so với năm 2022. Các ông lớn khác trong lĩnh vực khai thác kim cương như Alrosa, Rio Tinto hay Petra Diamonds cũng chứng kiến mức sụt giảm tương tự ở mảng kinh doanh này.

Tại nhà máy Jiaruifu ở Trịnh Châu, Feng Canjun, với chiếc đồng hồ nạm kim cương lấp lánh trên cổ tay, tự hào chia sẻ: “Hiện tại, tôi sản xuất khoảng 100,000 carat mỗi tháng” - Ảnh: Andrea Verdelli/FT

Xu hướng thay đổi từ công nghệ

Kim cương nhân tạo bắt đầu xuất hiện trong ngành trang sức từ hơn một thập kỷ trước. Dù công nghệ chế tạo kim cương đã được con người biết đến từ những năm 1950, nhưng chỉ đến gần đây, nhờ những bước tiến công nghệ, việc sản xuất những viên kim cương hoàn hảo, có thành phần hóa học giống hệt kim cương tự nhiên, mới trở nên rẻ hơn rất nhiều.

Hiện tại, một viên kim cương nhân tạo 3 carat chỉ có giá bằng khoảng 7% so với kim cương khai thác tự nhiên cùng kích cỡ, theo phân tích của chuyên gia Paul Zimnisky.

Thị phần kim cương nhân tạo trên thị trường bán lẻ Mỹ cũng tăng trưởng mạnh mẽ, chiếm tới 17% tổng số lượng giao dịch, so với mức chỉ 3% vào năm 2020, theo dữ liệu từ Tenoris. Ở phân khúc nhẫn cầu hôn, tỷ lệ này thậm chí còn cao hơn: khảo sát của The Knot cho thấy hơn một nửa số người tham gia cho biết họ đã chọn nhẫn gắn kim cương nhân tạo. Nhiều chuyên gia trong ngành nhận định xu hướng này sẽ còn tiếp tục tăng.

Ben Davis, chuyên gia phân tích khai khoáng của RBC, cho rằng: “Dường như đây sẽ là sự thay thế lâu dài cho các công ty kinh doanh kim cương tự nhiên”. Với những doanh nghiệp từng vượt qua các cuộc chiến thương mại, chiến tranh thực sự, khủng hoảng kinh tế và cả đại dịch, thì kim cương tổng hợp đang trở thành thách thức nghiêm trọng nhất từ trước tới nay.

“Đối với thị trường kim cương tự nhiên truyền thống, đây thực sự là một cơn ác mộng”, Fei Liu - nghệ nhân kim hoàn nổi tiếng tại Anh, người đồng thời sử dụng cả kim cương tự nhiên lẫn kim cương nhân tạo nhận định.

Feng không ngần ngại khoe những viên kim cương nhân tạo do mình chế tác ngay tại nhà máy ở Hà Nam, nơi được xem là trung tâm của ngành kim cương tổng hợp. “Chúng tôi đang thống lĩnh thị trường này”, Feng khẳng định - Ảnh: Andrea Verdelli/FT

Ban đầu, bản thân Liu cũng khá e dè với kim cương nhân tạo: “Với tư cách là một nhà thiết kế trang sức cao cấp, tôi từng nghĩ ‘không, tôi không quan tâm’”. Thế nhưng, mức chênh lệch giá giữa hai loại kim cương lớn đến mức khiến anh không khỏi sửng sốt.

Khi bắt đầu đưa kim cương nhân tạo vào các thiết kế của mình từ 18 tháng trước, Liu đã rất ngạc nhiên trước phản hồi tích cực từ phía khách hàng, nhất là giới trẻ. “Với những người trong độ tuổi 30, 40, nguồn gốc kim cương giờ đây không còn là vấn đề; thậm chí họ còn ưu tiên lựa chọn kim cương nhân tạo hơn”, ông chia sẻ.

Cội nguồn trở thành trung tâm kim cương tổng hợp

Trung Quốc bước vào ngành kim cương không phải vì nhu cầu trang sức, mà xuất phát từ địa chính trị. Đầu những năm 1960, khi Liên Xô bất ngờ cắt đứt nguồn cung kim cương công nghiệp vốn rất quan trọng với lĩnh vực quân sự, Trung Quốc lúc đó không sở hữu các mỏ kim cương tự nhiên lớn, buộc phải tìm lối đi mới. Trung Quốc đã lựa chọn hướng đi tổng hợp, cho ra lò viên kim cương nhân tạo đầu tiên vào năm 1963.

Đến thập niên 1980, ngành kim cương tổng hợp bắt đầu bén rễ tại tỉnh Hà Nam. Một kỹ sư tiên phong đã đặt nền móng cho nhà máy đầu tiên ở Zhecheng, thời đó chỉ là một thị trấn chuyên trồng ớt, và từng bước biến nơi này trở thành trung tâm sản xuất kim cương của Trung Quốc.

Kim cương vốn nổi bật nhờ tính chất vật lý đặc biệt: được cấu tạo từ carbon tinh khiết, là một trong những vật liệu cứng nhất thế giới.

Suốt nhiều năm, các nhà máy tại Zhecheng chủ yếu sản xuất kim cương phục vụ mục đích công nghiệp như chế tạo mũi khoan, lưỡi cắt... “Trung Quốc đã là nhà sản xuất kim cương tổng hợp lớn nhất toàn cầu cho ngành vật liệu mài mòn suốt nhiều thập kỷ”, chuyên gia Zimnisky cho biết.

Chỉ trong thập kỷ qua, những cái tên như Jiaruifu mới mạnh dạn chuyển hướng sang mảng trang sức, lĩnh vực giàu tiềm năng lợi nhuận hơn.

Hiện nay, phần lớn kim cương tổng hợp tại Trung Quốc được nuôi cấy nhờ công nghệ “áp suất cao, nhiệt độ cao”. Đặc biệt, ngày càng nhiều doanh nghiệp chuyển sang áp dụng kỹ thuật “lắng hơi hóa học” để tạo ra những viên kim cương lớn hơn, được hình thành từng lớp trong buồng vi sóng.

Sau khi trải qua khâu cắt gọt sơ bộ, kim cương sẽ được chuyển đến Surat (Ấn Độ), nơi được mệnh danh là thủ phủ đánh bóng kim cương của thế giới nhờ chi phí nhân công rẻ hơn đáng kể. Feng tiết lộ, chi phí đánh bóng 1 carat tại Trung Quốc lên tới 400 nhân dân tệ (tương đương 56 USD), cao hơn cả chi phí sản xuất, trong khi thực hiện tại Ấn Độ chỉ mất 86 nhân dân tệ.

Sau đó, kim cương được vận chuyển đến các trung tâm giao dịch lớn như Antwerp hay Dubai trước khi đến tay người tiêu dùng cuối cùng.

Ít ai biết rằng Trung Quốc mới thực sự là mắt xích chủ chốt của chuỗi cung ứng toàn cầu, bởi lẽ hải quan thường chỉ ghi nguồn gốc xuất xứ dựa vào quốc gia đánh bóng, thay vì nơi viên kim cương được sản xuất hay khai thác.

Không chỉ đóng vai trò trung tâm thương mại, ngành kim cương của Trung Quốc còn mang ý nghĩa chiến lược quan trọng nhờ ứng dụng trong lĩnh vực quốc phòng. Tập đoàn công nghiệp quốc phòng Norinco hiện sở hữu cả mảng kim cương nhân tạo lẫn thương hiệu trang sức riêng biệt.

Nhờ đặc tính siêu cứng, dẫn nhiệt tốt và trơ về mặt hóa học, kim cương ngày càng phát huy vai trò trong nhiều ngành công nghệ cao như laser, quang học, nhiệt hạch hay sản xuất bán dẫn.

Dù nhiều ứng dụng vẫn còn ở giai đoạn sơ khai, song giới chuyên môn dự báo nhu cầu sử dụng kim cương tổng hợp trong lĩnh vực công nghệ sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới.

Lợi thế lớn của Trung Quốc hiện nay chính là khả năng tự chủ công nghệ và nguồn năng lượng để vận hành hệ thống máy móc đồ sộ, tiêu tốn nhiều điện năng. Các cỗ máy sản xuất kim cương của ông Feng, được phát triển cùng doanh nghiệp nội địa, hiện chỉ có giá khoảng 2 triệu nhân dân tệ (tức 280,000 USD), rẻ hơn đáng kể so với các nước khác.

Chuyên gia tư vấn đá quý Robert Wake-Walker nhận định: “Trung Quốc thực sự đang nắm lợi thế công nghệ trong sản xuất kim cương và liên tục cải tiến quy trình sản xuất. Công nghệ chính là yếu tố sống còn quyết định sự thành công trong ngành này”.

Tuy nhiên, loại thiết bị công nghệ này lại được xếp vào nhóm “công nghệ lưỡng dụng” và bị cấm xuất khẩu, đồng nghĩa chỉ các doanh nghiệp trong nước mới có thể tận dụng lợi thế của chuỗi cung ứng công nghiệp tinh vi do Trung Quốc kiểm soát.

Sự phát triển công nghệ chính là chìa khóa thành công; đây đã và đang là yếu tố số một quyết định mức độ lợi nhuận mà doanh nghiệp có thể đạt được.

Bên cạnh đó, chi phí điện cũng là một yếu tố đáng kể trong quá trình sản xuất kim cương. Giá điện công nghiệp tại Trung Quốc không chỉ thấp hơn so với châu Âu, mà thậm chí còn rẻ hơn cả ở Mỹ, đặc biệt khi có sự hỗ trợ từ Chính phủ.

Nhà máy của ông Feng hiện đang sử dụng điện năng lượng mặt trời và được hưởng các chính sách trợ giá từ chính phủ, nhờ đó chi phí tiền điện đã giảm một nửa từ 0.9 xuống chỉ còn 0.4 nhân dân tệ cho mỗi kWh.

Quốc An (Theo FT)

FILI - 18:00:00 26/07/2025

Banner PHS
Logo PHS

Trụ sở: Tầng 21, Phú Mỹ Hưng Tower, 08 Hoàng Văn Thái, Phường Tân Mỹ, Thành phố Hồ Chí Minh
(cũ: Phường Tân Phú, Quận 7)

(Giờ làm việc: 8h00 - 17h00 hàng ngày - trừ thứ 7, chủ nhật và các ngày lễ) 

1900 25 23 58
support@phs.vn
Kết nối với chúng tôi:

Đăng ký nhận tin

Tải app PHS-Mobile Trading

Công ty Cổ phần Chứng khoán Phú HưngCông ty Cổ phần Chứng khoán Phú Hưng