Tin tức
Ngành thép tìm cách khai thông bế tắc

Ngành thép tìm cách khai thông bế tắc

08/02/2006

Banner PHS

Ngành thép tìm cách khai thông bế tắc

Ông Đậu Văn Hùng, Tổng giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam (VSC) nói về những giải pháp thoát khỏi khó khăn mà VSC đang thực hiện sau một năm ngành thép làm ăn thất bát...

Ông Đậu Văn Hùng, Tổng giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam (VSC) nói về những giải pháp thoát khỏi khó khăn mà VSC đang thực hiện sau một năm ngành thép làm ăn thất bát.

 

Thưa ông, tổng kết năm 2005, doanh thu của VSC chỉ đạt 87% kế hoạch và lợi nhuận đạt 81,2% kế hoạch, giảm 87,3% so với 2004. Đâu là nguyên nhân của tình trạng này?

 

Trong điều kiện ngành thép cả nước vô cùng khó khăn, hầu hết các doanh nghiệp quốc doanh, liên doanh và tư nhân đều lỗ, VSC vừa phải đảm nhiệm chức năng bình ổn giá và cung ứng đủ thép cho thị trường vừa phải kinh doanh có lãi là điều không đơn giản.

 

Vấn đề doanh thu và lợi nhuận của VSC bị giảm sút so với 2004 và không đạt kế hoạch là xuất phát từ 2 lý do. Thứ nhất, mặc dù sản lượng của VSC có tăng nhưng phải kìm chế bán giá thấp để bình ổn nên doanh thu tiêu thụ bị thấp.

 

Thứ 2, trong điều kiện chúng tôi đang tiến hành sắp xếp, cổ phần hoá các đơn vị trực thuộc, phần hạch toán của những doanh nghiệp này không đưa vào doanh thu của Tổng công ty nên ảnh hưởng tới doanh thu chung.

 

Nhưng một số ý kiến lại cho rằng: doanh thu, lợi nhuận của VSC bị giảm còn do VSC chưa tiết giảm tối đa các yếu tố chi phí đầu vào. Ý kiến của ông như thế nào, thưa ông?

 

Năm 2005, toàn Tổng công ty đã triển khai có hiệu quả chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, giảm giá thành tại các đơn vị. Kết quả năm 2005, các khoản chi phí đều giảm so với 2004. Cụ thể: chi phí bán hàng giảm 24,2%; chi phí quản lý giảm 30%.

 

Trong rất nhiều chi phí mà VSC có thể tiết giảm như chi phí quản lý, bán hàng, hội họp, xăng dầu, điện nước thì chi phí tài chính rất khó cắt giảm bởi lãi suất và tỷ giá ngân hàng tăng quá cao. Trong khi đó, nhu cầu vốn lưu động tăng hơn trước rất nhiều nên không đủ vốn cho sản xuất kinh doanh với số lượng lớn. 

 

Năm 2005, chúng tôi tiết kiệm các loại chi phí được khoảng 140 tỷ đồng thì chi phí tài chính đã vượt quá 150 tỷ đồng.

 

Là doanh nghiệp nắm giữ nguồn vốn Nhà nước rất lớn, vậy công tác huy động và bảo toàn vốn của VSC hiện tại ra sao, thưa ông?

 

Năm 2005, VSC tiếp tục đẩy mạnh công tác huy động vốn cho sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển. Trong đó, bảo lãnh đầu tư 1.006,5 tỷ đồng, bảo lãnh nhập khẩu 46,5 triệu USD, bão lãnh vay vốn 510 tỷ đồng..., đảm bảo cấp đủ vốn cho dự án Nhà máy Thép cán nguội Phú Mỹ và Nhà máy cán thép 25 vạn tấn/năm của Thép Đà Nẵng theo đúng tiến độ.

 

Tỷ lệ vốn không tham gia sản xuất kinh doanh đến thời điểm 31/12/2005 là 189,4 tỷ đồng, chiếm 11,7% vốn kinh doanh, tăng 4,68% so với đầu năm do lỗ luỹ kế và thu hồi nợ chậm. Số công nợ khó đòi đến 31/12/2005 là 145,7 tỷ đồng, tăng 46,3% so với đầu năm do việc phân loại tuổi nợ theo quy định mới tại Thông tư số 33/2005/TT-BTC.

 

Năm 2006, VSC đề ra mục tiêu doanh thu sản xuất công nghiệp tăng 23,1% so với 2005. Trong bối cảnh thị trường thép vẫn trầm lắng, liệu mục tiêu nói trên có trở thành hiện thực?

 

Chúng tôi tiếp tục nâng cao năng lực nghiên cứu, phân tích thị trường thép trong nước và thế giới, đưa ra các dự báo chuẩn xác ngắn hạn, dài hạn về biến động của thị trường; tăng cường hoạt động marketing, xúc tiến thương mại và phát triển hệ thống mạng lưới tiêu thụ.

 

Tiếp theo, chúng tôi sẽ chỉ đạo quyết liệt bảo đảm đưa dự án Nhà máy Thép Phú Mỹ đi vào hoạt động trong quý II/2006; chỉ đạo Công ty Gang thép Thái Nguyên triển khai dự án mở rộng sản xuất giai đoạn II, đôn đốc Công ty Thép Đà Nẵng tiếp tục triển khai dự án Nhà máy cán thép 25 vạn tấn/năm.

 

Ngoài ra, nhằm chủ động nguồn phôi, Bộ Công nghiệp, VSC và UBND tỉnh Hà Tĩnh đang gấp rút thành lập Ban chỉ đạo thống nhất và tổ công tác để giúp việc và tìm kiếm đối tác để lập báo cáo khả thi đối với dự án mỏ sắt Thạch Khê.
 
Để khai thông những bế tắc mà ngành thép đang gặp phải, theo ông cần có những giải pháp gì, thưa ông?

 

Giải pháp thì nhiều nhưng rõ ràng phải đồng bộ và xuất phát từ 2 phía: doanh nghiệp và cơ quan quản lý. Theo tôi, có mấy vấn đề chính cần tập trung giải quyết đó là phải có chính sách kích cầu hợp lý để tăng tiêu thụ thép, vấn đề này liên quan đến công tác điều hành vĩ mô.

 

Tiếp theo, phải thay thế những dây chuyền sản xuất nhỏ cũ, lạc hậu bằng những dây chuyền sản xuất mới và lớn hơn để tiết kiệm chi phí năng lượng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp phải tối đa hoá tiết giảm các chi phí đầu vào sản xuất để giá bán dễ được thị trường chấp nhận.

 

Tuy nhiên, do chi phí lãi vay hiện nay đã tăng 52,5%, nên đây là một áp lực lớn không chỉ đối với VSC mà còn đối với các doanh nghiệp khác trong quá trình tiết giảm các yếu tố đầu vào.

TBKTVN

Banner PHS
Logo PHS

Trụ sở: Tầng 21, Phú Mỹ Hưng Tower, 08 Hoàng Văn Thái, Phường Tân Mỹ, Thành phố Hồ Chí Minh
(cũ: Phường Tân Phú, Quận 7)

(Giờ làm việc: 8h00 - 17h00 hàng ngày - trừ thứ 7, chủ nhật và các ngày lễ) 

1900 25 23 58
support@phs.vn
Kết nối với chúng tôi:

Đăng ký nhận tin

Tải app PHS-Mobile Trading

Công ty Cổ phần Chứng khoán Phú HưngCông ty Cổ phần Chứng khoán Phú Hưng