Ngày 2/2: Thị trường tiếp tục nuôi dưỡng hy vọng
(Vietstock) - Sự khó khăn của TTCK khu vực cùng với tính thanh khoản suy giảm mạnh kể từ đầu năm đã thiêu đốt cơ hội cho một đợt sóng tăng mạnh trước Tết Nguyên đán như nhiều năm qua. Tuy nhiên, VN-Index sáng nay dù nhọc nhằn nhưng vẫn duy trì tiếp phiên tăng điểm thứ 3 liên tiếp để nuôi dưỡng hy vọng vượt trên 500 điểm trước khi bước qua năm mới.
Kịch bản VN-Index tăng dần về cuối phiên hôm trước cùng với việc TTCK Mỹ bật lên khá mạnh mẽ khi Dow Jones rơi sát về ngưỡng 10,000 điểm đã hỗ trợ một phần cho tâm lý nhà đầu tư trong nước. Cả Dow Jones và S&P 500 đều bay cao (tăng hơn 1.1%) bất kể chính sách thuế mới của Obama sẽ tước đi tham vọng của người giàu. Điều này cho thấy ngưỡng hỗ trợ của các chỉ số chứng khoán Mỹ vẫn đang rất mạnh và nhờ đó các TTCK châu Á sáng nay đều mở cửa đầy lạc quan.
Chỉ số VN-Index của TTCK Việt Nam cũng mở cửa khá tích cực khi sớm tăng 2.67 điểm (+0.55%) lên 489.62 điểm. Thanh khoản của thị trường cải thiện rất đáng kể khi tăng hơn gấp đôi so với phiên trước, đạt 2.47 triệu chứng khoán trị giá 103 tỷ đồng trong đợt khớp đầu tiên. Tuy nhiên, các cổ phiếu chủ lực ngành tài chính, dầu khí đều chỉ ngập ngừng quanh giá tham chiếu đã khiến nhiều nhà đầu tư hồ nghi khả năng lên mạnh. Từ đó, các lệnh bán chận ở các mức giá cao xuất hiện nhiều hơn và kìm hãm cơ hội vượt mốc 490 điểm.
Sự chú ý của giới đầu tư dồn vào EIB bởi mã này tiếp tục phải thử thách sự cân bằng sau khi nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) đã mua hết room (từ khi lên sàn, EIB phụ thuộc khá nhiều vào cầu ngoại và là mã được NĐTNN mua ròng nhiều nhất trong cả năm qua). Và việc EIB luôn giữ được giá từ tham chiếu trở lên giúp ích khá nhiều cho niềm tin của thị trường. Nhờ đó, bất kể STB, CTG, SSI, PVF… nhiều lúc bị mất điểm và đối diện khả năng bị “đánh xuống” thì thị trường vẫn giữ được sự ổn định. Đến cuối phiên, EIB khớp lệnh tổng cộng 1.42 triệu cổ phiếu và dẫn đầu về thị phần khối lượng, vượt hơn 40% so với hai mã xếp sau là STB (khớp 1.03 triệu cp) và HPG (khớp 1 triệu cp).
Chỉ số VN-Index cuối đợt 2 đạt 489.21 điểm, chỉ tăng 2.26 điểm (+0.46%) so với phiên trước dù có lúc đã tiến sát đến mốc 491 điểm cho thấy lực cản tạm thời tại 490-500 điểm vẫn đang lớn hơn lực cầu hiện tại. Phân tích kỹ thuật của Vietstock khẳng định VN-Index đang test lại vùng cản trên lần thứ ba và kết quả test có ảnh hưởng khá quan trọng đến xu hướng trung hạn của thị trường.
Và có lẽ giới đầu tư vẫn chưa chuẩn bị cho đợt test sớm trong phiên cũng như đa phần không muốn mạo hiểm với lực cầu chưa đủ mạnh nên số lệnh bán ra với mục tiêu “đè” thị trường thể hiện khá rõ đầu đợt khớp lệnh thứ 3. SSI, STB, PVF được “thả” lệnh bán ATC khoảng trăm ngàn đơn vị mỗi loại. Tuy nhiên, bên mua cũng ôm hàng trở lại và nhờ đó VN-Index lúc đóng cửa tiếp tục tăng 0.98 điểm (+0.2%) lên 487.93 điểm dù chỉ có 71 mã tăng giá so với 96 mã giảm. Đây là phiên tăng điểm thứ 3 liên tiếp của chỉ số này và từ đó hy vọng vượt trên mốc 500 điểm trước Tết được nuôi dưỡng trở lại trong niềm tin của nhiều nhà đầu tư. Tổng khối lượng khớp lệnh toàn phiên đạt hơn 24 triệu chứng khoán, tương ứng giá trị giao dịch 1,012.65 tỷ đồng.
Trong phiên, các cổ phiếu ngành bất động sản, khoáng sản, cao su hạ nhiệt nhưng nhóm cổ phiếu ngành vận tải bất ngờ tạo sóng tăng. DDM, VST lên giá trần trong khi các mã PJT, VIP, VNL, VNS, VSG cùng tăng giá. Dù vậy, phần lớn điểm số tăng của thị trường nhờ vào sự đóng góp của bộ ba FPT, HPG và VNM. Cả 3 mã này đều tăng điểm khá tốt từ một vài phiên qua nhờ vào sức mua của khối ngoại. Hôm nay, các NĐTNN mua vào hơn nửa triệu VNM (trong 713,690 cp VNM khớp lệnh), 165 ngàn cp FPT và 121 ngàn HPG.
Tại Hà Nội, HNX-Index không giữ được sự tích cực như VN-Index. Chỉ số này giảm nhẹ 0.32 điểm (-0.2%) xuống 160.91 điểm với 85 mã tăng giá, 36 mã đứng giá và 130 mã giảm. Khối lượng giao dịch báo giá đạt 14.1 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch 458.25 tỷ đồng. Mã DBC (đang có Chủ tịch HĐQT đăng ký mua số lượng lớn), các cổ phiếu ngành than như NBC, TC6, THT, TCN… và một số mã Sông Đà, Vinaconex tăng giá tốt nhất thị trường. Tuy nhiên, ngoài than thì các ngành khác đều có sự đan xen và hiện tượng lên giá đồng loạt không xảy ra trong phiên.
Thiên Tường