Nghịch lý bán - mua
Về bản chất, thị trường nào cũng có người đầu cơ và người đầu tư, vấn đề là cơ chế điều tiết cho sự đầu cơ ấy.
Những phản ứng thị trường…
Giá cổ phiếu DDM của Công ty Hàng hải Đông Đô sau khi chào sàn HOSE đã có bước nhảy vọt thần tốc, tăng 31 phiên liên tục hết biên độ cho phép. Từ mức giá 16.800 đồng/CP ngày 22/7, DDM đã lên tới 48.800 đồng/CP vào ngày 4/9. Trong suốt quá trình DDM tăng giá, luôn có khối lượng đặt mua rất lớn, trung bình từ nửa triệu đến cả triệu cổ phiếu mỗi phiên, trong khi đó lượng cung hết sức nhỏ giọt. Cá biệt có nhiều phiên, DDM chỉ khớp đúng một lô - 10 cổ phiếu - lấy giá tham chiếu cho ngày hôm sau.
Bản cáo bạch của DDM cho biết, vào thời điểm cuối tháng 5, Công ty có gần 600 cổ đông cá nhân nắm giữ 3,628 triệu cổ phiếu, chiếm xấp xỉ 41% trong số gần 9 triệu cổ phiếu đang lưu hành. Khó có thể lý giải cho sự kém thanh khoản của DDM nếu nhìn vào cơ cấu cổ đông này. Đánh giá thuần tuý kết quả kinh doanh, DDM cũng để lại một vài ấn tượng. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2008, Công ty đạt 131,079 tỷ đồng doanh thu, tăng 41,01% so với cùng kỳ năm 2007; lợi nhuận đạt 49,968 tỷ đồng, tăng 238,52% so với cùng kỳ năm 2007, vượt 7,76% so với kế hoạch cả năm, lãi cơ bản trên mỗi cổ phiếu đạt 5.602 đồng. Tuy nhiên, giải trình từ hoạt động sản xuất - kinh doanh của Công ty cho thấy, DDM có khoản lợi nhuận đột biến 43,3 tỷ đồng từ việc bán tàu Đông Sơn cuối quý II/2008. Việc này được thực hiện theo kế hoạch từ đầu năm và thông tin đã được công bố rộng rãi. Khó có thể coi đây là lý do bất ngờ gây nên cơn sốt tăng giá.
Sang tháng 9, khi thị trường chính thức bước vào giai đoạn điều chỉnh rộng, trong 16 phiên giao dịch đầu tháng, DDM có 14 phiên giảm sàn và 2 phiên tăng trần. Hai phiên tăng trần của DDM cũng trùng hợp với thời điểm thị trường quay đầu, 100% cổ phiếu trên HOSE tăng giá. Tuy nhiên, nếu như trong quá trình đi lên, mỗi phiên cổ phiếu DDM được đặt mua với khối lượng khổng lồ thì trong quá trình đi xuống, DDM lại nhận được sự thờ ơ của NĐT. Chẳng hạn phiên 24/9, DDM có 16 lệnh mua, khớp 6.690 đơn vị trong tổng số gần 200 ngàn đơn vị đặt bán. Hình ảnh trái ngược hoàn toàn với cách đây một tháng, dù hoạt động sản xuất - kinh doanh của công ty này vẫn bình thường.
Không chỉ những cổ phiếu nhỏ đôi khi rơi vào kém thanh khoản, khó mua và khó bán. Những cổ phiếu trước đây luôn nằm trong "top ten" về thanh khoản như REE và SJS cũng có những giai đoạn không ai bán và sau đó là bán không ai mua. Sau khi thực hiện chia 40% cổ phiếu thưởng vào ngày 13/8, REE được điều chỉnh kỹ thuật xuống 27.200 đồng/CP. Sau đó là sự lên giá đầy ngạc nhiên, REE đột nhiên thành hàng hiếm trong thời gian 16 phiên tăng trần liên tục, tăng lên mức giá gần gấp đôi. Tương tự, cổ phiếu SJS cũng có những phiên chỉ giao dịch nhỏ giọt vài ngàn đơn vị với khối lượng đặt mua cả triệu cổ phiếu khi tăng giá vào giữa tháng 8. Điều này hoàn toàn khác biệt với mức giao dịch trung bình vài trăm ngàn cổ phiếu SJS theo thường lệ. Khi thị trường đảo chiều đi xuống, các cổ phiếu trên có giá giảm từ 20 - 30%, nhưng vẫn nhận được sự quan tâm dè dặt của các NĐT… Diễn biến thị trường trong nhiều thời điểm cũng phản án rõ điều này. Sau phiên tăng điểm đạt giao dịch kỷ lục gần 40 triệu cổ phiếu ngày 23/9, ngay hôm sau thị trường giảm giá, khối lượng giao dịch lập tức sụt giảm chỉ còn 1/3. Chỉ mua theo đà khi thị trường tăng và ngừng ngay lại khi thị trường trở nên nhạy cảm là cách làm ưa thích của nhiều NĐT.
Những câu hỏi…
Diễn biến thị trường như trên không phải lần đầu tiên và chắc cũng không phải cuối cùng. Vấn đề đáng quan tâm của TTCK Việt Nam là phần lớn NĐT cá nhân không có ý định đầu tư lâu dài. NĐT trong nước luôn bị chi phối bởi yếu tố tâm lý, khi giá chứng khoán lên thì tranh nhau mua vào khi giá hạ thì lại tranh bán ra. Điều này giải thích tại sao thị trường liên tục trải qua các trồi sụt và dao động mạnh. Về bản chất, thị trường nào cũng có người đầu cơ và người đầu tư, vấn đề là cơ chế điều tiết cho sự đầu cơ ấy. Đầu cơ không hẳn là xấu, mà còn tạo ra tính thanh khoản cho thị trường. Khi khung pháp lý điều tiết thị trường chưa hoàn chỉnh, thiếu các công cụ phái sinh và ít định chế tài chính - bộ khung của TTCK thì thị trường còn trải qua các biến động mạnh âu cũng là điều dễ hiểu. NĐT đã có các phản ứng thay thế thích nghi với các biến động này. Một NĐT với mục tiêu lãi 100% trong 3 năm hoàn toàn có phản ứng thông thường và chính đáng để chốt lãi khi diễn biến thị trường cho phép họ đạt được con số mơ ước đó trong ba tháng. Tuy nhiên, điều này lại đặt ra những vấn đề về điều tiết và ổn định thị trường với các cấp quản lý.
đtck