Nhịp đập Thị trường 13/07: Khớp lệnh ảm đạm, thỏa thuận tăng vọt
(Vietstock) – Giao dịch thỏa thuận tại HOSE trong phiên 13/07 tiếp tục được đẩy mạnh. Bên cạnh đó, giao dịch khớp lệnh của STB, SSI, REE, EIB, SSC… ở mức khá cao đã nâng thanh khoản toàn sàn lên mức cao so với hai phiên đầu tuần. Tại sàn HNX, giao dịch vẫn duy trì ở mức thấp.
Nỗ lực đánh lên xuất phát từ cuối phiên trước ở HNX đã không thể duy trì đến hết phiên này, khi các chỉ số lần lượt hạ nhiệt và thậm chí HNX-Index quay đầu giảm điểm từ rất sớm.
Có lẽ điểm sáng là lực cầu vẫn còn giữ được cho nhiều mã cổ phiếu duy trì sắc xanh cho đến hết phiên, giúp các nhóm cổ phiếu duy trì mức tăng điểm. Cụ thể, VS 100 tăng 0.25%, Large Cap tăng 0.31%, Micro Cap cộng 0.33%, Mid Cap thêm 0.28% và Small Cap nhích nhẹ 0.09%.
Tại HOSE với 114 mã tăng giá, 83 mã giảm giá và 80 mã đứng giá giúp chỉ số VN-Index xanh nhẹ 0.93 điểm, tức 0.22% lên 418.18 điểm.
Những cổ phiếu vốn hóa lớn giữ được mức tăng nhẹ trong phiên gồm MSN, SSI,DPM, ITA, HAG, HSG, VPL, FPT… Trong khi những mã ngân hàng như STB, CTG, EIB, VCB đều chốt tại mức giá tham chiếu.
Xét về thanh khoản, toàn phiên sàn HOSE đạt 40.37 triệu đơn vị, trị giá gần 560 tỷ đồng. Trong đó, 23.1 triệu đơn vị và 242 tỷ đồng giao dịch thỏa thuận với một số mã có khối lượng khủng như VFMVFA (10.7 triệu đơn vị); HVG (3.23 triệu đơn vị); VSH (3.2 triệu đơn vị), (STB 1.25 triệu đơn vị) hay SSC (1.15 triệu đơn vị). Ngoài ra còn có CTI, HQC, QCG, VRC… với khối lượng giao dịch hàng trăm ngàn đơn vị mỗi mã.
Ở sàn Hà Nội, chỉ số HNX-Index giảm 0.33 điểm, tương ứng 0.46% xuống còn 71.91 điểm bất chấp việc 157 mã cổ phiếu tăng giá, trong đó có KLS, VND, PVX, SHN, SCR, PVX, VCG, BVS…
Khối lượng giao dịch lẫn giá trị của sàn này mặc dù thấp hơn so với HOSE khi đạt gần 20 triệu cổ phiếu, tương đương 282.84 tỷ đồng, nhưng giao dịch khớp lệnh chiếm tỷ trọng chủ yếu, bỏ xa so với lượng khớp lệnh tại HNX do chủ yếu các giao dịch tại sàn này do các nhà đầu tư nhỏ lẻ thực hiện, ít các giao dịch có khối lượng lớn.
10h30: Tính đến cuối đợt khớp lệnh liên tục tại HOSE, diễn biến các chỉ số trên cả hai sàn tiếp tục trái chiều nhau mặc dù cổ phiếu tăng giá luôn chiếm tỷ trọng lớn. Tuy nhiên, lượng cung cần trên thị trường đều yếu.
Các giao dịch lớn chuyển sang thỏa thuận làm cho thanh khoản dù tăng mạnh nhưng thiếu thực chất, và không hưởng đến giá cổ phiếu.
VN-Index nỗ lực tăng 1.51 điểm vào cuối đợt khớp lệnh thứ hai, tương ứng 0.36 điểm lên 418.76 điểm. Tổng khối lượng chuyển nhượng đến lúc này là 34 triệu đơn vị, trị gia1 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận chiếm hơn 20 triệu đơn vị, tương đương 200 tỷ đồng.
Lúc này bảng điện có 106 mã tăng giá, 70 mã giảm giá và 78 mã đứng giá.
Những cổ phiếu tăng giá tiêu biếu như EVE, SRC, RDP, HLG hay LM8.
Tại HNX, mặc dù có đến 132 mã tăng giá, nhưng HNX-index vẫn giảm 0.21 điểm, tức 0.29% xuống 72.07 điểm. Còn lại là 72 mã giảm và 183 mã đứng giá hoặc chưa có giao dịch.
9h55: Trong lúc giao dịch khớp lệnh trên thị trường bị bế tắc, giao dịch thỏa thuận tiếp tục được các nhà đầu tư lớn tận dụng để giao dịch mà không làm ảnh hưởng đến giá cổ phiếu trên thị trường.
Đặc biệt tại HOSE lúc 9h55, khối lượng đã tăng vọt lên hơn 28 triệu đơn vị, riêng thỏa thuận đã chiếm trên 19 triệu đơn vị, trị giá 180 tỷ đồng. Chỉ số VN-Index chỉ còn tăng nhẹ 0.55 điểm lên 418 điểm.
Theo đó, chứng chỉ quỹ VFMVFA được chuyển nhượng với khối lượng lên đến 10.7 triệu đơn vị, HVG với hơn 3.23 triệu cổ phiếu, VSH 3.2 triệu cổ phiếu và SSC với 1.15 triệu cổ phiếu. Tất cả đều được giao dịch thỏa thuận với giá sàn.
Giao dịch thỏa thuận tại HOSE |
Sau 9h00: Đà tăng của thị trường mau chóng hạ nhiệt, đặc biệt tại sàn HNX khi chỉ số quay đầu giảm điểm ngay từ lúc 9h00. Chỉ số tại HOSE chỉ còn tăng dưới 1% và thanh khoản trở lại lình xình như các phiên trước đó.
9h10: Bất chấp thị trường có 106 mã tăng giá, trong đó có các mã tiêu biểu như KLS, VND, PVX, SHN, BVS… tuy nhiên biên độ tăng giá của phiên này thấp hơn so với mức độ giảm giá của phiên trước làm cho HNX-Index giảm 0.27 điểm, tương ứng 0.37% và lùi về 72.01 điểm. Khối lượng giao dịch chưa đến 4.5 triệu cổ phiếu, trị giá 48.61 tỷ đồng.
Trong khi đó, chỉ số VN-Index tăng nhẹ 3.94 điểm, tức khoảng 0.94% lên 421.19 điểm. Khối lượng giao dịch mới đạt 3.3 triệu đơn vị, tương ứng 61.42 tỷ đồng. Số lượng cổ phiếu tăng giá 91 mã, còn lại là 28 mã, và 61 mã đứng giá.
Các mã vốn hóa lớn không còn tăng kịch trần như ít phút trước, chỉ còn một số mã duy trì mức tăng nhẹ như STB, BVH, MSN, VCB, SSI…
Mở cửa: Sau đợt tăng nhẹ của HNX trong những phút cuối phiên trước, thị trường mở cửa phiên sáng nay trong sắc xanh trên cả hai sàn. Các nhóm cổ phiếu đều ghi nhận mức tăng khác mạnh. Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng đà tăng chỉ mang tính kỹ thuật sau nhiều phiên liên tiếp lình xình và đi xuống.
Sự tăng điểm của thị trường không đi kèm với đà tăng trưởng của thanh khoản mà vẫn duy trì ở mức trung bình.
Tại HOSE, nhóm Large Cap tăng mạnh đã góp phần hỗ trợ cho VN-IndeX. Đánh chú ý là BVH, SSI, KBC tăng kịch trần ngay phút đầu mở cửa. Tương tự một số mã vốn hóa lớn cũng tăng khác mạnh như MSN, CTG… Tuy vậy, một vài phút sau đó đà tăng này có phần hạ nhiệt.
Thời điểm kết thúc đợt khớp lệnh thứ nhất, VN-Index tăng 4.92 điểm, tương ứng 1.18% lên 422.17 điểm. Khối lượng giao dịch đạt 847,810 đơn vị, trị giá 15.4 tỷ đồng. Lúc này thị trường có 66 mã tăng giá, 17 mã giảm giá và 36 mã đứng giá. Có biên độ tăng mạnh nhất là PXL, SRC, VIP, MPC và DMC… Trong khi đó, ACC, HDG, OPC, HQC, PHT… tiếp tục là những mã bị bán sàn nhiều nhất.
Ở sàn Hà Nội, chỉ số HNX-Index tăng nhẹ 0.19 điểm, tương đương 0.26% lên 72.47 điểm. Thanh khoản ở mức 2 triệu cổ phiếu và 22.51 tỷ đồng. Hầu hết các mã vốn hớn lớn đều tăng giá như KLS, VND, THV, SHN, PVX… Ngoài ra còn có SD5, SD6, TSB, PVA, NDN…
Viết Vinh