Những mục tiêu kinh tế đầy tham vọng của EU
Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã tái xác nhận quyết tâm vực dậy nền kinh tế ốm yếu của khối này cho dù đã có những lo ngại rằng những biện pháp cải cách của EU chỉ làm cho viễn cảnh kinh tế càng thêm u ám.
Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã tái xác nhận quyết tâm vực dậy nền kinh tế ốm yếu của khối này cho dù đã có những lo ngại rằng những biện pháp cải cách của EU chỉ làm cho viễn cảnh kinh tế càng thêm u ám.
Tại hội nghị thượng đỉnh mùa xuân bàn về các vấn đề kinh tế diễn ra trong hai ngày 22 và 23/3/2005 vừa qua tại Brussels, ban lãnh đạo EU đã ủng hộ một mục tiêu đầy tham vọng được đưa ra 5 năm trước tại hội nghị Lisbon; đó là từ nay đến năm 2010 đưa châu Âu trở thành nền kinh tế có sức cạnh tranh cao nhất thế giới. Lần này tại Brussels, các nhà lãnh đạo EU đã thông qua hiệp ước ổn định và tăng trưởng sửa đổi, trong đó có việc nới lỏng những quy định tiền tệ và thâm hụt tài chính trước đây của khối. Động thái trên đã gây ra những phản ứng trái ngược nhau. Trong khi Uỷ ban châu Âu (EC), Pháp và Đức hoan nghênh thì Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) lại tỏ ra thận trọng trước nguy cơ sự thay đổi này sẽ ảnh hưởng đến lòng tin của người dân dành cho khung tài chính của EU cũng như khả năng ổn định tài chính công của các nước thành viên trong liên minh. Các nhà kinh tế dự đoán, việc nới lỏng một số quy định tiền tệ của EU có thể buộc ECB phải tăng lãi suất.
Theo chương trình nghị sự, kinh tế EU phải đạt mức tăng khoảng 3,6%/ năm. Dẫu vậy mức tăng trưởng của EU trong năm nay dự đoán chỉ vào khoảng 1,6% so với 3,6% của Mỹ.
Cũng tại hội nghị này, lãnh đạo Liên minh châu Âu đã nhất trí xem xét các biện pháp mở rộng lĩnh vực dịch vụ (chiếm tới 70% tỷ trọng kinh tế EU) trước khi chúng trở thành vấn đề quyết định tại cuộc trưng cầu dân ý về hiến pháp EU ở Pháp. Thủ tướng Luxembourg Jean-Claude Juncker cho biết, lãnh đạo EU nhất trí rằng thị trường dịch vụ nội địa phải sẵn sàng hoạt động nhưng toàn bộ việc mở rộng lĩnh vực này phải tuân thủ mô hình của châu Âu và phải tạo ra một thị trường dịch vụ riêng. Tuy nhiên, nhiều quốc gia châu Âu e ngại một thị trường dịch vụ như thế sẽ có thể khiến tỷ lệ thất nghiệp gia tăng và cáo chung cho những phúc lợi xã hội có được trong nhiều năm qua.
TBTC