Tin tức
Những nhà băng Thụy Sỹ

Những nhà băng Thụy Sỹ

10/09/2005

Banner PHS

Những nhà băng Thụy Sỹ

“Có thể mở tài khoản “ẩn danh” (anonymous account) ở ngân hàng Thụy Sỹ không?”. Ông James Nason, phụ trách đối ngoại của Hiệp hội Ngân hàng Thụy Sỹ, cười hóm hỉnh khi nghe câu hỏi.

“Có thể mở tài khoản “ẩn danh” (anonymous account) ở ngân hàng Thụy Sỹ không?”. Ông James Nason, phụ trách đối ngoại của Hiệp hội Ngân hàng Thụy Sỹ, cười hóm hỉnh khi nghe câu hỏi.

 

“Không có chuyện ấy đâu. Theo luật Thụy Sỹ, ngân hàng cần phải biết bạn là ai trước khi chấp thuận mở tài khoản. Tài khoản ẩn danh ở nhà băng Thụy Sỹ chỉ tồn tại trong trí tưởng tượng của các nhà văn trinh thám”. Rồi ông nheo nheo mắt: “Nhưng tài khoản số (numbered account) thì có đấy.

 

Thay vì mang tên khách hàng, tài khoản mang số nào đó. Tài khoản số hạn chế sự hiểu biết về chủ nhân của nó trong phạm vi một nhóm nhỏ nhân viên ngân hàng. Ngoài điều này, tài khoản số không có ưu đãi gì khác trong việc đảm bảo bí mật so với tài khoản thông thường”. 

 

Không biết có bao nhiêu tài khoản số ở các nhà băng nhưng đảm bảo bí mật khách hàng và những giao dịch của họ đã trở thành một trong hai nguyên do chủ yếu dẫn đến sự thành công và uy tín của các ngân hàng Thụy Sỹ từ hàng trăm năm nay. Mọi sự can thiệp đến tài khoản khách hàng, nếu có, phải theo đúng luật, còn bình thường thông tin về tài khoản chỉ chủ nhân, những người thụ hưởng và ngân hàng có quyền được biết.

 

“Tuy nhiên, đảm bảo bí mật ở đây không phải là tuyệt đối”, ông James Nason khẳng định.

Thụy Sỹ có luật chống rửa tiền và các ngân hàng không tham gia chuyển ngân lậu hay có liên quan đến tội phạm. Dẫu vậy, xì căng đan về tài khoản bí mật của các nhà độc tài thế giới, của một số tổng thống bị truất quyền, về những hoạt động rửa tiền, thậm chí của cả tội phạm chiến tranh trước đây ở một vài nhà băng Thụy Sỹ vẫn thỉnh thoảng được báo chí nước ngoài nhắc đến.

 

Và điều này ít nhiều tạo sức ép lên Thụy Sỹ. Tuy nhiên, người dân Thụy Sỹ lại tỏ ra kiên định. Những cuộc thăm dò ý kiến hàng năm kể từ năm 2000 đến nay cho thấy đa số người Thụy Sỹ ủng hộ việc đảm bảo bí mật khách hàng của ngân hàng. Con số ủng hộ năm 2003 lên tới 80% và năm ngoái, số người ủng hộ thấp hơn song cũng ở mức 76%. Người Thụy Sỹ, như nhận xét của ông James Nason, không bảo thủ, nhưng giữ nguyên tắc bí mật khách hàng như chìa khóa làm ăn đã trở thành truyền thống. 

 

Có lẽ ít nơi nào trên thế giới có mật độ ngân hàng dày đặc như ở Thụy Sỹ. Ngân hàng hiện diện ở mỗi góc phố, mỗi làng quê. Quảng trường trung tâm trước tòa nhà quốc hội ở Bern buổi tối thu hút khá nhiều khách du lịch đến ngắm nhìn những cột nước đủ màu, năm phút lại phun lên một lần từ các lỗ nhỏ trên mặt đất. Sáng ra, ngước nhìn ba hướng xung quanh, ba tòa nhà khác là ba ngân hàng bao bọc quảng trường, trong đó có Crédit Suisse.

 

Uy tín của ngân hàng tầm cỡ nhất Thụy Sỹ này thật… kinh khủng! Có một câu chuyện: một doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam đến ngân hàng nọ vay vài chục triệu Đôla Mỹ. Họ đang trong giai đoạn khó khăn nên ngân hàng từ chối. Ấy vậy mà khi doanh nghiệp có trong tay bảo lãnh của Crédit Suisse, tiền vay được giải ngân ngay, thậm chí lãi suất còn được giảm. Cùng với UBS (union de Banques Suisses), Crédit Suisse được mệnh danh là một trong hai “Big Banks” của Thụy Sỹ. 

 

Khi đi qua miền Trung Thụy Sỹ, dọc theo những sườn đồi, nằm lẫn giữa các thị trấn đặc trưng bởi những ngôi nhà gỗ là những ngân hàng nho nhỏ. Nếu không có treo bảng “Bank” đằng trước, nhiều người sẽ lầm tưởng là nhà dân. Đấy là những ngân hàng kiểu hợp tác xã tín dụng của tập đoàn Raiffeisen.

 

Reiffeisen Group hiện có 470 ngân hàng, kinh doanh theo triết lý của nhà sáng lập người Đức vào thế kỷ 18 Friedrich W. Raiffeisen, cung ứng dịch vụ tín dụng cho khoảng hai triệu nông dân địa phương. Raiffeisen cũng có mặt ở các thành phố, bên cạnh những ngân hàng cấp vùng, cấp canton (gần giống như các bang) và ngân hàng nước ngoài.

 

Theo thống kê của Hiệp hội Ngân hàng Thụy Sỹ, đất nước này có 338 ngân hàng các loại thì có148 là của nước ngoài. Hầu như tất cả những ngân hàng lớn của thế giới đều có chi nhánh, văn phòng đại diện ở Zurich, Bern, Geneva hay Lugano. Một buổi sáng, khi trò chuyện với một người dân, nhà ở sát nách ngân hàng ở thị trấn Interlaken, ông nửa đùa nửa thật bảo tôi: “Mọi ngân hàng đều có xuất xứ từ Thụy Sỹ!!!”.

 

Có lẽ người Thụy Sỹ không thể tưởng tượng đất nước họ ra sao nếu không có ngân hàng! Đơn giản bởi vai trò của ngân hàng quá lớn và những ngân hàng của Thụy Sỹ quá ổi tiếng. Ngân hàng đóng góp 11% GDP của quốc gia này và tạo công ăn việc làm cho hơn 100.000 người.

 

Trong số các chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam chưa thấy có ngân hàng Thụy Sỹ. Những năm gần đây, Thụy Sỹ tích cực giúp đỡ Việt Nam thông qua các dự án mang tính xã hội, bảo vệ môi trường, đào tạo nhân lực, song chưa có một dự án cụ thể nào liên quan đến ngân hàng. Có thể khoảng cách quá xa về công nghệ, nhân lực trong lĩnh vực tài chính đã khiến các ngân hàng Thụy Sỹ ít chú ý đến Việt Nam

 

Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Bern, ông Nguyễn Ngọc Sơn, cho biết Việt Nam hiện nằm trong số 26 nước ưu tiên nhận viện trợ phát triển của Thụy Sỹ và quan hệ thương mại giữa hai bên đang có những cải thiện đáng kể. Năm ngoái Việt Nam xuất sang Thụy Sỹ 170 triệu franc (1 franc tương đương 12.500 đồng) chủ yếu là các mặt hàng giày dép, dệt may, nông sản và nhập máy móc, dược phẩm, hóa chất, dụng cụ y tế trị giá khoảng 133 triệu franc (nguồn: State Secretariat for Economic Affairs Thụy Sỹ).

 

Ông Sơn nói rằng trong các cuộc tiếp xúc với các nhà lãnh đạo và doanh nghiệp Thụy Sỹ tới đây, ông sẽ chú ý đề cập đến vấn đề hợp tác trong lĩnh vực ngân hàng. Giúp Việt Nam đào tạo cán bộ tài chính, ngân hàng là khả năng trong tầm tay của các nhà băng Thụy Sỹ. 

 

Nếu đảm bảo bí mật khách hàng là chìa khóa thứ nhất, thì hiệu quả là chìa khóa thứ hai mang lại danh tiếng cho các ngân hàng Thụy Sỹ. Hiệu quả kinh doanh được xác định bởi hai yếu tố: nguồn vốn rẻ, ổn định và con người. Muốn tìm việc làm ở một ngân hàng Thụy Sỹ, ứng cử viên phải qua các trường đào tạo chính quy và các sinh viên mới tốt nghiệp bao giờ cũng bắt đầu từ những vị trí thấp nhất để làm quen với môi trường làm việc. Nhờ đó nhân viên ngân hàng thông thạo nghiệp vụ và tích lũy kinh nghiệm.

 

Một ưu thế khác của các nhân viên ngân hàng là ngôn ngữ. Ông James Nason so sánh: “Nhân viên ngân hàng của chúng tôi giao dịch bằng bốn thứ tiếng. Ngoài tiếng Anh thông dụng, họ có thể nói cả ba thứ tiếng là ngôn ngữ chính của Thụy Sỹ: tiếng Đức, tiếng Pháp, tiếng Ý”.

 

Nhận xét của ông James Nason là chính xác. Chẳng cứ nhân viên ngân hàng, ở đâu người Thụy Sỹ cũng thông thạo ba, bốn ngoại ngữ. Trong một nhà hàng, khi thấy tôi ngơ ngác không hiểu gì, người phục vụ đã ngay lập tức chuyển từ tiếng Đức sang tiếng Pháp và sau đó, ông trả lời vị khách bàn bên cạnh bằng tiếng Anh. Lợi thế ngôn ngữ này chắc chỉ người Thụy Sỹ mới có.

 

Bà Danielle Fretz, đại diện của Tổ chức Presence Switzerland, kể chuyện không ít ngôi sao nghệ thuật châu Âu đã định cư ở Thụy Sỹ, chẳng hạn diễn viên điện ảnh Pháp Alain Delon đang sống ở Geneva. Bà giải thích thêm về sức hấp dẫn của môi trường sống Thụy Sỹ, trong đó có hệ thống thuế minh bạch và dễ chịu.

 

Nói một cách nôm na, thì thuế thu nhập của Thụy Sỹ thấp hơn nhiều nước châu Âu khác. Tỷ lệ tiết kiệm cao của dân cư và chính sách thuế hấp dẫn đã giúp Thụy Sỹ thu hút dòng vốn nước ngoài. Nhờ vậy các nhà băng Thụy Sỹ có thể tài trợ cho khách hàng với lãi suất thấp.

 

Tuy nhiên, giống như những quốc gia phát triển, những khoản lãi từ tiền gửi ngân hàng ở Thụy Sỹ phải đóng thuế 35%. Người nước ngoài khi gửi tiền ở ngân hàng Thụy Sỹ, vì thế, thường yêu cầu được hoàn thuế ở đất nước họ nếu những nước này có ký hiệp định tránh đánh thuế hai lần với Thụy Sỹ.

 

Ông James Nason hỏi tôi có muốn mở tài khoản cá nhân ở một nhà băng Thụy Sỹ. Tôi không có nhu cầu. Nhưng rất nhiều khách nước ngoài đã giao dịch hay mở tài khoản ở ngân hàng khi đi du lịch Thụy Sỹ. Họ không thể mở tài khoản ở nhà băng Thụy Sỹ từ nước họ, còn mở tài khoản qua mạng Internet thì phải chờ thẩm định khá lâu. Các nhà băng Thụy Sỹ yêu cầu khách hàng phải đến tận ngân hàng, mang theo chứng minh thư hoặc hộ chiếu nếu muốn sở hữu một tài khoản. Có những ngân hàng yêu cầu số tiền tối thiểu để mở và duy trì tài khoản, nhưng những ngân hàng khác chẳng đòi hỏi như vậy.

 

Bạn có thể gửi vào tài khoản bao nhiêu tùy ý và bằng bất cứ ngoại tệ chuyển đổi nào, không bắt buộc phải là đồng franc Thụy Sỹ. Ở đây nhiều ngân hàng chấp nhận mở tài khoản bằng baht Thái Lan, ringgit Malaysia, nhưng đồng Việt Nam thì chưa. “Họ có thể sẽ chấp nhận trong tương lai khi đồng tiền Việt Nam chuyển đổi được”, tôi nghĩ thầm với niềm hy vọng!  

TBKTSG

Banner PHS
Logo PHS

Trụ sở: Tầng 21, Phú Mỹ Hưng Tower, 08 Hoàng Văn Thái, Phường Tân Phú, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh 

(Giờ làm việc: 8h00 - 17h00 hàng ngày - trừ thứ 7, chủ nhật và các ngày lễ) 

1900 25 23 58
support@phs.vn
Kết nối với chúng tôi:

Đăng ký nhận tin

Tải app PHS-Mobile Trading

Công ty Cổ phần Chứng khoán Phú HưngCông ty Cổ phần Chứng khoán Phú Hưng