Phiên vấp ngã thứ bảy của CK Châu Á
Mối quan ngại này càng có cơ sở khi Hàn Quốc công bố GDP quý IV tăng trưởng chậm hơn dự đoán, với tốc độ 0.2% do sự suy yếu của lĩnh vực sản xuất, xây dựng và xuất khẩu. Qua đó làm xuất hiện nghi ngờ về nhu cầu tiêu thụ của nền kinh tế lớn thứ tư Châu Á này.
Tại Mỹ, dưới sức ép từ khoản thâm hụt ngân sách khổng lồ; Tổng thống Barack Obama có kế hoạch thắt chặt các khoản chi tiêu nội địa thuộc ngân sách 2011 trong ba năm liên tiếp, nhằm tiết kiệm khoảng 250 tỷ USD vào năm 2020.
Mặc dù các thị trường tài chính khu vực sẽ đón nhận những nỗ lực kiểm soát nợ dài hạn của Mỹ, nhưng một số quốc gia lại lo ngại rằng việc đóng băng chi tiêu trong thời điểm hiện nay có thể cướp mất đà tăng trưởng mà Mỹ mới tạo dựng sau khi thoát khỏi suy thoái.
Tâm lý thị trường càng trì trệ thêm sau nguồn tin cho hay động thái yêu cầu các ngân hàng nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc thêm 0.5 % của Trung Quốc sẽ chính thức có hiệu lực trong ngày hôm nay.
Nhu cầu mạnh mẽ từ Trung Quốc là động lực cho đà phục hồi của nền kinh tế toàn cầu nói chung và Châu Á nói riêng. Do đó, thị trường lo sợ rằng những hành động quá mạnh tay của ngân hàng trung ương nước này có thể khiến kinh tế phục hồi chậm, làm giảm nhu cầu hàng hóa và các mặt hàng nhập khẩu khác.
Các chỉ số chính đánh mất ít nhất 1.5% trong khi giá dầu trượt xuống dưới mức 75 USD/thùng với lo sợ rằng nhu cầu dầu thô sẽ suy yếu theo đà phục hồi kinh tế. Đồng USD tăng so với đồng EUR và giảm so với đồng JPY.
Theo nhà chiến lược Linus Yip thuộc Công ty Chứng khoán First Shanghai tại Hồng Kông, những bất ổn xung quanh các biện pháp thắt chặt tín dụng và hạ nhiệt đà phát triển của lĩnh vực bất động sản từ chính phủ Trung Quốc là nguyên nhân khiến nhà đầu tư khu vực mạnh tay xả hàng.
Ông nói: “Bức tranh toàn cảnh tại thời điểm này vẫn chưa rõ ràng nên nhà đầu tư cũng không biết phải kỳ vọng vào điều gì. Hơn nữa, một khi các chính sách không rõ ràng thì đa số thành viên tham gia thị trường đều tranh nhau chốt lời.”
Sự thận trọng của nhà đầu tư về lợi nhuận doanh nghiệp trong nước và các chỉ báo kinh tế quan trọng của Mỹ trong tuần này đã khiến chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm mạnh 187.41 điểm (1.8%) xuống 10,325.28 điểm. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc hạ 32.86 điểm (2%) còn 1,637.34 điểm.
Tại Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite rớt 75.02 điểm (2.4%) xuống 3,019.39 điểm; chỉ số Hang Seng của Hồng Kông chìm 489.22 điểm (2.4%) đóng cửa tại 20,109.33 điểm. Chỉ số Taiex của Đài Loan lao dốc 3.5%.
Tại Singapore, chỉ số Straits Times đánh mất 2.54%; chỉ số SET của Thái Lan lùi 0.6%. Hai thị trường Australia và chỉ số Sensex của Ấn Độ đóng cửa nghỉ lễ.
Giá dầu tại Châu Á suy giảm, hợp đồng giao dầu Tháng 3 hạ 83 cent xuống 74.42 USD/thùng. Trên thị trường tiền tệ, đồng EUR giảm từ 1.4149 USD/EUR xuống 1.4094 USD/EUR. Đồng USD suy yếu từ 90.24 JPY/USD xuống 89.90 JPY/USD.
Trong phiên giao dịch buổi sáng tại Châu Âu, chỉ số FTSE 100 của Anh giảm 0.7%, hai chỉ số DAX của Đức và CAC 40 của Pháp đồng loạt mất 0.8%. Thị trường tương lai Mỹ ra dấu cho phiên mở cửa giảm điểm. Chỉ số S&P 500 tương lai rớt 7.3 điểm (0.6%) xuống 1,086 điểm.
Phạm Thị Phước (Theo Reuters, AP)