Quốc hội Đức thông qua gói cứu trợ 148 tỷ EUR
(Vietstock) - Quốc hội Đức hôm Thứ Sáu 21/05 thông qua khoản đóng góp của mình trong gói giải cứu 1,000 tỷ USD nhằm bình ổn đồng EUR giữa bối cảnh thị trường tràn ngập bởi mối lo sợ rằng khủng hoảng nợ châu Âu và các quy định tài chính nghiêm ngặt hơn có thể “bóp nghẹt” đà phục hồi kinh tế toàn cầu.
>> Hạ viện Đức phê chuẩn gói cứu trợ 148 tỷ EUR
Cả Hạ viện và Thượng viện của Đức đều đã phê chuẩn phần đóng góp 148 tỷ EUR (tương đương 183.8 tỷ USD) dưới hình thức các khoản vay đảm bảo. Trước đó, Đức đã đóng góp vào gói giải cứu riêng dành cho Hy Lạp 22.4 tỷ USD dưới dạng các khoản vay song phương.
Hạ viện Đức đã thông qua dự luật với 319 phiếu thuận, 73 phiếu chống và 195 người vắng mặt sau khi Đảng Dân chủ Xã hội và Đảng Xanh của Đức bỏ phiếu trắng, còn 10 thành viên trong liên minh cầm quyền của Thủ tướng Đức Angela Merkel chống đối. Điều này nhấn mạnh những áp lực trong nước mà Thủ tướng Merkel đang gánh chịu.
Kết quả cuộc bỏ phiếu đã không đủ sức nâng đỡ thị trường chứng khoán châu Âu khi các chỉ số chính của khu vực tiếp tục giảm nhẹ. Trong khi đó, Wall Street tìm lại sắc xanh nhờ sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu ngân hàng sau khi Thượng viện Mỹ tán thành dự luật cải cách tài chính.
Theo nhận định của bà Merkel thì việc bỏ phiếu của Đức là thông điệp rõ ràng cho thấy sự ủng hộ của quốc gia này đối với châu Âu. Tuy nhiên, bà Merkel đã không thể nhận được sự ủng hộ sâu rộng khi bà tìm kiếm các biện pháp nhằm làm giảm sự tức giận của công chúng về gói giải cứu dành cho các quốc gia châu Âu bất chấp lệnh cấm bán khống công bố hôm Thứ Tư.
Động thái cấm bán khống đầy bất ngờ của Đức đối với trái phiếu chính phủ khu vực và nhóm cổ phiếu tài chính đã khiến đồng EUR lao dốc trong tuần này. Đồng thời, lệnh cấm này cũng nhận được rất nhiều lời chỉ trích từ các thành viên EU, kể cả liên minh thân cận là Pháp.
Các bộ trưởng tài EU đồng ý với lời kêu gọi của Đức
Trong khuôn khổ cuộc họp tại Bỉ, các bộ trưởng tài chính EU đã thảo luận về các biện pháp thắt chặt quy định ngân sách và tăng cường sự phối hợp giữa các quốc gia trong khu vực cũng như rút ra các bài học từ cuộc khủng hoảng Hy Lạp.
Như dự đoán chung, cuộc họp này chưa đưa ra bất kỳ quyết định nào nhưng các bộ trưởng tài EU đã ủng hộ lời kêu gọi của Đức về việc áp dụng các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc hơn đối với những quốc gia vi phạm các quy định về ngân sách của khu vực trong thời gian tới.
Mục đích của các biện pháp này là ngăn chặn sự tái diễn của cuộc khủng hoảng nợ Hy Lạp và tránh được tình trạng EU và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) phải ra tay cứu giúp.
Các quan chức châu Âu bảy tỏ sự vui mừng khi cam kết cắt giảm thâm hụt ngân sách mà không ảnh hưởng đến đà phục hồi vẫn còn yếu ớt của nền kinh tế thế giới. Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Jean-Claude Trichet trấn an thị trường khi tuyên bố rằng đồng EUR chưa rơi vào tình trạng nguy kịch.
Với sự liên quan ngày càng nhiều của Mỹ vào việc ngăn chặn khủng hoảng nợ eurozone, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner tuần tới sẽ thăm châu Âu và sẽ có cuộc họp với Chủ tịch ECB và người đồng cấp tại Đức.
Được biết ông Geithner đang thăm Trung Quốc trong khuôn khổ cuộc Đối thoại Kinh tế và Chiến lược Mỹ-Trung. Tại cuộc đối thoại này, chính quyền Bắc Kinh cảnh báo khủng hoảng nợ có thể gây ra sự bất ổn trên toàn cầu.
Phạm Thị Phước (Theo Reuters)