Quốc hội xem xét sửa đổi đồng loạt 7 luật để gỡ điểm nghẽn đầu tư, thúc đẩy đổi mới sáng tạo
Dự thảo luật sửa đổi 7 luật trọng yếu đang được Quốc hội thảo luận nhằm khơi thông nguồn lực phát triển, thúc đẩy chuyển đổi số, cải thiện môi trường đầu tư và phân cấp quản lý hiệu quả hơn.
![]() Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trình bày Dự thảo Luật tại phiên họp - Ảnh: VGP
|
Ngày 17/05, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 7 luật gồm: Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP); Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công và Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
Dự thảo được xây dựng với mục tiêu đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư, tài chính, ngân sách. Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, việc hoàn thiện pháp luật về các lĩnh vực này đang được Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ quan tâm, chỉ đạo sát sao để phục vụ công tác sắp xếp, tổ chức bộ máy chính quyền địa phương.
Cũng theo ông Thắng, việc sửa đổi nhằm tạo động lực phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Những mục tiêu này đã được đề ra trong nhiều văn kiện quan trọng như Nghị quyết số 18-NQ/TW, 27-NQ/TW, 57-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 60-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, với kỳ vọng đạt tăng trưởng 8% trong năm 2025 và tăng trưởng hai con số trong các năm tiếp theo.
"Trước sự thay đổi của tình hình kinh tế - xã hội, các văn bản pháp luật về đầu tư, tài chính, ngân sách đã phát sinh nhiều vướng mắc trong quá trình thực hiện nên cần được rà soát, sửa đổi. Chính phủ đã xác định 7 luật cần được sửa đổi, bổ sung để phù hợp với yêu cầu thực tiễn và tạo động lực cho các lĩnh vực ưu tiên", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh.
Dự thảo luật đặt mục tiêu thể chế hóa đầy đủ các chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; tổ chức lại bộ máy nhà nước và thúc đẩy phân quyền, cải cách hành chính trong đầu tư - tài chính. Đồng thời, việc sửa đổi được kỳ vọng sẽ tháo gỡ kịp thời các rào cản, khơi thông và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển kinh tế, đảm bảo tính đồng bộ pháp lý, cải thiện môi trường kinh doanh.
Báo cáo thẩm tra dự thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi cho biết, Ủy ban thống nhất với sự cần thiết sửa đổi trên cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ.
Tuy nhiên, Ủy ban đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan tiếp tục rà soát thận trọng, tập trung sửa đổi những nội dung cấp thiết để tháo gỡ vướng mắc, nhất là trong lĩnh vực khoa học, công nghệ. Việc sửa đổi phải đi đôi với bảo đảm thủ tục thông thoáng cho doanh nghiệp nhưng vẫn đảm bảo quản lý chặt chẽ, cơ chế hậu kiểm minh bạch, hiệu quả, tránh kẽ hở chính sách.
Cụ thể, về Luật Đấu thầu, cơ quan thẩm tra đề nghị cân nhắc việc cho phép chủ đầu tư lựa chọn hình thức chỉ định thầu căn cứ vào quy mô, tính chất dự án. Dù điều này có thể rút ngắn thời gian triển khai, song cũng có nguy cơ tạo cơ chế “xin-cho”, phát sinh tình trạng chỉ định thầu cho doanh nghiệp thân hữu, làm khó doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận đấu thầu công.
Về Luật PPP, Ủy ban đề nghị cân nhắc kỹ việc bãi bỏ quy định cấm áp dụng hợp đồng thu phí trực tiếp từ người sử dụng. Việc này cần đánh giá đầy đủ tác động, đặc biệt trong các dự án cải tạo, mở rộng hạ tầng giao thông hiện hữu, để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
Đối với Luật Đầu tư công, đa số thành viên Ủy ban đồng thuận bổ sung hai nội dung mới gồm chính sách với các dự án đầu tư công đặc biệt và nhiệm vụ chuẩn bị giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, cần có hướng dẫn chi tiết để đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Với các luật còn lại như Luật Hải quan, Luật Thuế xuất nhập khẩu, Luật Đầu tư, Luật Quản lý tài sản công, Ủy ban thống nhất về mặt chủ trương nhưng đề nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát chặt chẽ các quy định liên quan đến ưu đãi đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, nhằm tránh bị lợi dụng. Cơ chế giám sát, hậu kiểm và xử lý rủi ro cần được tăng cường để đảm bảo tính minh bạch, hiệu quả trong thực thi.
Tùng Phong