Tin tức
Sacombank đã sẵn sàng niêm yết

Sacombank đã sẵn sàng niêm yết

23/03/2005

Banner PHS

Sacombank đã sẵn sàng niêm yết

“Nếu không có gì thay đổi, cổ phiếu của Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) sẽ chính thức lên niêm yết tại sàn giao dịch của Trung tâm giao dịch chứng khoán Tp.HCM vào quý III năm nay”, ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch HĐQT Sacombank xác nhận...

“Nếu không có gì thay đổi, cổ phiếu của Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) sẽ chính thức lên niêm yết tại sàn giao dịch của Trung tâm giao dịch chứng khoán Tp.HCM vào quý III năm nay”, ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch HĐQT Sacombank xác nhận.

 

Xin ông cho biết tại sao Sacombank lại chọn thời điểm này để niêm yết?

 

Sacombank là một trong những đơn vị đầu tiên chính thức nộp hồ sơ niêm yết lên Uỷ ban chứng khoán Nhà nước (UBCKNN). Hồ sơ của chúng tôi cũng đã được hoàn thiện và nộp lên UBCKNN xem xét, chỉ còn chờ văn bản chấp thuận từ phía cơ quan này.

Theo tôi, đây là thời điểm thích hợp nhất để niêm yết vì sau hơn 4 năm đi vào hoạt động, thị trường chứng khoán Việt Nam (TTCKVN) đã có những bước phát triển ổn định. Các nhà đầu tư sau thời gian thử thách cũng đã đúc kết được những kinh nghiệm cho bản thân và đã trở nên chuyên nghiệp hơn.

 

Ngoài việc được hưởng những ưu đãi khi lên niêm yết, chúng tôi nhận thấy rằng việc niêm yết cổ phiếu ngân hàng là điều tất yếu để phát triển và cũng là quy luật tất yếu của nền kinh tế thị trường. Hơn nữa, đây là giai đoạn TTCK nhận được sự hỗ trợ tích cực từ phía Chính phủ, các cơ quan quản lý, do đó đây là thời điểm khá hợp lý để lên sàn.

 

Như vậy, việc lên niêm yết của Sacombank là do quy luật và nhu cầu phát triển chứ không phải do áp lực của cổ đông hay vì muốn tận dụng một kênh huy động vốn mới và có hiệu quả hơn thông qua TTCK?

 

Tôi không cho rằng niêm yết để huy động vốn là động cơ chính của Sacombank bởi vì thực tế vài năm trở lại đây, việc huy động thêm vốn để phục vụ cho nhu cầu phát triển đối với Sacombank không phải là khó.

 

Việc niêm yết của Sacombank cũng hoàn toàn không vì áp lực của cổ đông mà xuất phát từ chiến lược phát triển của Sacombank nhằm tạo ra thanh khoản tốt, tạo ra môi trường giao dịch cổ phiếu thuận lợi cho các cổ đông.

 

Mặt khác, thông qua niêm yết, chúng tôi muốn tạo ra ý thức và động lực trong toàn Ngân hàng về việc nâng cao chuẩn mực và hiệu quả điều hành, hoạt động để có thể đứng vững khi hội nhập trong một vài năm tới.

 

Hoạt động ngân hàng là một lĩnh vực khá nhạy cảm, khi lên niêm yết, song song với những lợi ích mà TTCK đem lại thì những rủi ro từ đó cũng không ít. Sacombank có lường trước những rủi ro này?

 

Bất cứ lĩnh vực nào cũng có những đơn vị kinh doanh rủi ro chứ không riêng lĩnh vực ngân hàng. Tôi nghĩ rằng đã dám lên niêm yết thì phải dám đối mặt với rủi ro. Sacombank đã chuẩn bị rất kỹ cho công tác rủi ro này.

 

Theo tôi, cần phải tự tin trong vấn đề này. Chúng tôi vừa đầu tư 4 triệu USD để thành lập Uỷ ban chống khủng hoảng. Mặt khác, theo tôi, sau hơn 4 năm đi vào hoạt động, các nhà đầu tư đã phần nào hiểu hơn sự biến động giá cả trên thị trường. Việc cơ cấu lại của ngành ngân hàng trong những năm gần đây, tôi nghĩ, lo ngại đó không còn là vấn đề lớn.

Tuy vậy, về bản thân mình, chúng tôi cũng đã chuẩn bị kỹ về mặt pháp lý cũng như tâm lý cho các cổ đông, đặc biệt về mặt điều hành và dự trữ thanh khoản, đủ điều kiện để giải quyết những vấn đề phát sinh.

 

Vì là ngân hàng đầu tiên tham gia niêm yết, nên chúng tôi ý thức được rằng, phải chuẩn bị thật tốt, thậm chí cả việc xử lý những tình huống mới có thể xảy ra với một ngân hàng sau khi niêm yết.

 

Về đối ngoại, chúng tôi cũng sẽ cố gắng thông tin kịp thời ra thị trường và đến người đầu tư theo đúng quy định. Sắp tới đây, ngân hàng Nhà nước cũng bắt buộc các ngân hàng phải nộp cáo bạch hàng tháng, hàng quý, điều này tạo điều kiện cho việc công bố thông tin của ngân hàng dần dần đi vào chuẩn mực niêm yết, tạo tính bền vững, ổn định cao. Do đó khi lên niêm yết, vấn đề công bố thông tin không còn là khúc mắc của các ngân hàng nữa.

 

Được biết Sacombank vừa bố cáo tăng vốn điều lệ từ 740 tỷ đồng lên 1.250 tỷ đồng vào tháng 10 tới? Tại sao Sacombank không đợi khi lên sàn để huy động tăng vốn điều lệ mà lại làm vào thời điểm trước khi niêm yết?

 

Quan điểm của chúng tôi là phải hoàn tất mọi thủ tục, giải quyết tất cả những quyền lợi cho cổ đông trước khi lên niêm yết, trong đó việc tăng vốn điều lệ là quan trọng nhất. Vì sau 14 năm hoạt động và đi đến thành công như hiện nay nhờ vào sự đóng góp, cống hiến rất nhiều của các cổ đông, nhất là các cổ đông đã gắn bó với ngân hàng từ những thời điểm đầu.

 

Sacombank đã điều hành thị trường OTC từ 10 năm nay, chúng tôi bắt đầu vượt qua ngưỡng cửa 72 tỷ của năm 1995 và đến năm 1997 mới hoàn tất, từ việc cho, tặng đến chuyển nhượng. Do đó, trước khi lên sàn chúng tôi muốn thể hiện trách nhiệm của mình đối với họ thông qua việc huy động để tăng vốn điều lệ, bằng cách bán cổ phiếu với giá ưu đãi cho các cổ đông hiện hữu, những cổ đông đã gắn bó với Sacombank, do đó chúng tôi phải làm hết trách nhiệm của mình đối với họ trước khi lên sàn. Lúc đó quyền lợi bình đẳng.

 

Định hướng phát triển của Sacombank sau khi lên niêm yết?

 

Chúng tôi đã đề ra cho mình một chiến lược 10 năm, từ năm 2001 - 2010. Chúng tôi đang chuẩn bị kết thúc 5 năm lần thứ 1. Trong kế hoạch 5 năm lần thứ 2, từ 2006 - 2010, về vốn, dự kiến Sacombank sẽ tăng vốn điều lệ từ 3.000 - 3.500 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu tăng lên 5.000 tỷ đồng.

Về mạng lưới, Sacombank sẽ có mặt ở 64 tỉnh thành, 300 điểm giao dịch (hiện tại là 100 điểm giao dịch).

TBKTVN

Banner PHS
Logo PHS

Trụ sở: Tầng 21, Phú Mỹ Hưng Tower, 08 Hoàng Văn Thái, Phường Tân Mỹ, Thành phố Hồ Chí Minh
(cũ: Phường Tân Phú, Quận 7)

(Giờ làm việc: 8h00 - 17h00 hàng ngày - trừ thứ 7, chủ nhật và các ngày lễ) 

1900 25 23 58
support@phs.vn
Kết nối với chúng tôi:

Đăng ký nhận tin

Tải app PHS-Mobile Trading

Công ty Cổ phần Chứng khoán Phú HưngCông ty Cổ phần Chứng khoán Phú Hưng