Sàn Thượng Hải tiến lên tầm cao quốc tế
Thông báo trên đồng nghĩa với việc lần đầu tiên nhà đầu tư tại Trung Quốc có nhiều sự lựa chọn hơn ngoài việc chỉ mua và bán các cổ phiếu ưa thích. Theo đó, họ sẽ sớm có thể đầu tư vào các chỉ số chứng khoán (hay khái quát hơn là bộ các chỉ số chứng khoán) và vay mượn tiền để thực hiện các giao dịch có sử dụng đòn bẩy.
Ngoài ra, nhà đầu tư cũng có thể tham gia loại hình giao dịch bán khống bằng việc đưa ra các dự đoán rằng giá cổ phiếu sẽ giảm.
Giáo sư tài chính Chang Chun thuộc Trường Kinh doanh Quốc tế Trung Quốc và Châu Âu (CEIBS) tại Thượng Hải cho biết: “Đây là một bước tiến đáng kể đối với các thị trường tài chính Trung Quốc và Chính phủ đã nghiên cứu vấn đề này trong một thời gian dài.”
Trên website của mình hôm Thứ Sáu, Ủy ban Chứng khoán Trung Quốc (CSRC) thông báo thời gian để hoàn thiện các khâu chuẩn bị công cụ đầu tư mới cho đến khi chính thức được áp dụng là 3 tháng. Khi ra đời, hệ thống mới này sẽ cải thiện được sự phát triển lành mạnh và ổn định của các thị trường tài chính.
Thông qua việc phê chuẩn các công cụ mới, Chính phủ nước này hy vọng sẽ đạt được một số mục đích như gia tăng uy tín của thị trường tài chính Thượng Hải và khuyến khích nhiều người dân Trung Quốc đầu tư vào chứng khoán. Tại thời điểm này nhiều hộ gia đình vẫn còn nắm giữ một lượng lớn tiền tiết kiệm của mình trong những tài khoản lãi suất thấp tại các ngân hàng quốc doanh.
Tuy nhiên, giới đầu tư tại Trung Quốc lại không tỏ ra bất ngờ trước thông tin trên và xuất hiện lời đồn đoán rằng chính thông báo này đã giúp tâm lý nhà đầu tư phấn chấn trong những ngày gần đây.
Được biết, chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc đã tăng gấp đôi trong năm 2007 sau đó lao dốc 65% trong năm 2008 và giành lại đến 80% giá trị trong năm 2009.
Trước đó vào năm 2006, chính quyền Bắc Kinh đã thành lập Sở Giao dịch Chứng khoán Tương lai Trung Quốc (China Financial Futures Exchange) ở Thượng Hải. Kể từ thời điểm này, các nhà điều hành bắt đầu thử nghiệm hoạt động mua bán chứng khoán tương lai, bán khống và giao dịch có sử dụng đòn bẩy.
Thế nhưng giới phân tích cho biết các nhà điều hành đã trì hoãn việc chấp thuận các nguyên tắc giao dịch trên do cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và mối quan ngại rằng các loại hình giao dịch mới có thể khiến hai sàn chứng khoán vốn đã dễ biến động ở Thượng Hải và Thẩm Quyến sụp đổ.
Chính quyền Trung Quốc cũng bày tỏ lo lắng hình thức giao dịch bán khống và sử dụng đòn bẩy có thể bị nhà đầu tư lạm dụng và gia tăng đầu cơ cũng như biến động trên thị trường.
Giao dịch bán khống và các hợp đồng phái sinh đã trải qua quá trình giám sát chặt chẽ tại Mỹ cũng như các nơi khác bởi mối lo sợ tương tự rằng liệu hoạt động này có giúp thị trường cải thiện hay tồi tệ hơn. Vào năm 2008, Mỹ và một số quốc gia khác cũng áp đặt lệnh cấm tạm thời đối với việc bán khống chứng khoán nhưng lệnh này được dỡ bỏ sau đó vài tháng.
Sàn chứng khoán Thượng Hải và Thẩm Quyến chỉ bắt đầu được hình thành vào đầu thập kỷ 1990 khi Bắc Kinh thúc đẩy việc phát triển một hệ thống tài chính mới. Trong khi đó, các sàn giao dịch tại Hồng Kông, trước kia là lãnh thổ của Anh và được Trung Quốc chính thức nắm quyền kiểm soát vào năm 1997, đã cung cấp các công cụ này từ lâu.
Do đó, Thượng Hải cảm thấy rất phấn khích khi tự mình thành lập một trung tâm tài chính có thể cạnh tranh với Hồng Kông và thậm chí là New York. Thành phố này cũng đang xây dựng một trung tâm tài chính khổng lồ tại quận Phố Đông nhằm thu hút giới tài chính Phố Wall và ưu tiên cho các hãng chứng khoán tư nhân thành lập văn phòng tại đây.
* Margin Trading với cách hiểu đơn giản nhất, là phương thức giao dịch cho phép nhà đầu tư mượn tiền của nhà môi giới (công ty môi giới) để mua chứng khoán, trong trường hợp họ không đủ tiền để mua. Có thể hiểu, nó giống như một khoản vay thông thường có thế chấp, do một cá nhân thực hiện, để có tiền đáp ứng cho nhu cầu đầu tư. Theo một định nghĩa khác, Margin trading là một cách thức giao dịch có sử dụng đòn bẩy với một hệ số bẩy rất lớn. Số tiền nhà đầu tư vay mượn của nhà môi giới có thể rất lớn so với số ký quỹ ban đầu, làm cho khả năng mua chứng khoán của nhà đầu tư vụt lên cao hơn rất nhiều so với khả năng thực sự của họ. Tuy nhiên rủi ro thua lỗ cũng cao. Người sử dụng Margin Account thường là những nhà đầu tư dày dặn kinh nghiệm và có khả năng chịu lỗ. Họ dùng đòn bẩy trong Margin để mua được loại chứng khoán mà mình cần, rồi sau đó bán đi khi có lời. Do đó, mục đích sử dụng Margin thường là để mua đi bán lại, hưởng chênh lệch giá, trong ngắn hạn, bởi vì người sử dụng Margin phải chi trả đồng thời các khoản phí : Tiền lãi khoản vay + Hoa hồng cho nhà môi giới và có thể có thêm các khoản phí khác. Vì vậy khi sử dụng Margin Account nhà đầu tư nên cân nhắc, nếu mục tiêu đầu tư là đầu tư dài hạn thì nhà đầu tư không nên sử dụng Margin Account. |
Phạm Thị Phước (Theo CNBC, New York Times)