Sao Trung Quốc phải có trách nhiệm với thế giới?
Các đòi hỏi về "trách nhiệm của Trung Quốc" nguy hiểm như một dạng "giết chết Trung Quốc bằng những lời tâng bốc"... Nó nhằm phục vụ chiến lược của phương Tây trong việc ngăn chặn sự phát triển của Trung Quốc - Góc nhìn của Giám đốc Viện nghiên cứu thương mại và kinh tế quốc tế thuộc Bộ Thương mại Trung Quốc.
LTS: Nước càng lớn càng phải gánh trách nhiệm lớn với thế giới. Cùng với sự trỗi dậy của Trung Quốc, thế giới đang đặt vấn đề về trách nhiệm toàn cầu của Trung Quốc và đòi hỏi nước này đóng vai "một cổ đông có trách nhiệm" trong cộng đồng quốc tế. Bản thân lãnh đạo Trung Quốc cũng nhiều lần tuyên bố nước này sẵn sàng gánh vác trách nhiệm toàn cầu.
Thế nhưng, mới đây, trong bài trả lời phỏng vấn tờ Nhân dân Nhật Báo, Giám đốc Viện Nghiên cứu Thương mại và Kinh tế Quốc tế thuộc Bộ Thương mại Trung Quốc lại có quan điểm ngược lại, "phủi tay" trách nhiệm với thế giới. Tuần Việt Nam giới thiệu góc nhìn của vị học giả này để độc giả cùng suy ngẫm.
Phương Tây thiên vị và "đổ lỗi"
Các nước phương Tây có một cái nhìn thiên vị đối với Trung Quốc. Kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, Chính phủ Trung Quốc đã áp dụng một loạt biện pháp đối phó với tác động của khủng hoảng và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, và đã đạt được những thành tựu đáng kể. Cùng lúc, một số nước phát triển lại phổ biến cái mà họ gọi là "trách nhiệm của Trung Quốc", cho rằng Trung Quốc cần phải chịu trách nhiệm "chỉnh sửa sự mất cân bằng toàn cầu" và cứu nền kinh tế thế giới.
Trong một bài trả lời phỏng vấn tờ Nhân dân Nhật báo, Giám đốc Viện Nghiên cứu Thương mại và Kinh tế Quốc tế thuộc Bộ Thương mại Trung Quốc, ông Huo Jianguo cho biết các nước phương Tây có một cái nhìn thiên vị đối với Trung Quốc. Theo ông, Trung Quốc là một trong những nạn nhân của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Nguyên nhân trực tiếp của cuộc khủng hoảng là sự sụp đổ của Phố Wall và sự đầu cơ tài sản phái sinh. Sự buông lỏng quản lý thái quá của Chính phủ Mỹ, cùng với đó là sự bóp méo đồng USD trong dài hạn dẫn tới bong bóng tài chính trên thị trường toàn cầu, là những nguyên nhân cơ bản. Ngoài ra, một cơ chế kinh tế toàn cầu bất cân bằng và thiếu sự phối hợp toàn cầu đã làm tình hình tồi tệ hơn.
Cá nhân tôi cho rằng sự bất cân bằng thực sự của nền kinh tế được phản ánh trong sự phát triển không đồng đều giữa các nền kinh tế phát triển và đang phát triển, cũng như sự bất cân bằng trong phân phối lợi nhuận toàn cầu do đầu cơ của các thể chế tài chính trên thị trường vốn, chủ yếu ở Mỹ, bất chấp tình trạng thực của nền kinh tế.
Đánh giá về các nỗ lực đối phó với các thách thức của khủng hoảng và thúc đẩy sự phục hồi kinh tế toàn cầu, theo tôi, trong những năm gần đây, các hành động của Trung Quốc cho thấy đây là một nước có trách nhiệm, tích cực nỗ lực nhằm thúc đẩy hòa bình và phát triển trên thế giới.
Trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, Trung Quốc đã giữ cho đồng nhân dân tệ ổn định, vững vàng là trụ cột trong sự phục hồi của khu vực và đóng góp hơn ¼ tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Sau khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay, cách đối phó nhanh của Trung Quốc được thể hiện trong sự tham gia tích cực của nước này trong các nỗ lực phối hợp đa phương chống khủng hoảng trong khuôn khổ nhóm Các nước mới nổi và phát triển (G-20), chính sách tài chính tiên phong và các chính sách nới lỏng tiền tệ nhằm duy trì tăng trưởng kinh tế và kích cầu.
Là một nền kinh tế lớn có trách nhiệm, Trung Quốc đã đóng một vai trò lớn trong sự phục hồi của kinh tế toàn cầu.
Là nhà nhập khẩu lớn thứ hai thế giới, Trung Quốc đã tăng kim ngạch nhập khẩu 11% trong năm 2009 trong khi cùng năm tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa toàn cầu giảm 23%, riêng của Mỹ giảm tới 26%. Năm 2010, kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc tiếp tục tăng mạnh (40% hàng tháng) trong khi thặng dư thương mại của nước này giảm.
Điều tôi muốn nhấn mạnh là USD là đồng tiền dự trữ và thanh toán chính trên thị trường toàn cầu. Nhưng nhiều năm qua, đặc biệt trong một thập kỷ trở lại đây, Chính phủ Mỹ vẫn thực hiện một chính sách tiền tệ cực kỳ lỏng lẻo, liên tục phát hành USD để bù vào thâm hụt ngân sách và thâm hụt cán cân thanh toán dài hạn của nước mình, dẫn tới những bong bóng giá nguy hiểm trên thị trường tài chính toàn cầu và cũng gây bất cân bằng trong phát triển kinh tế toàn cầu.
Mặc dù vậy, nhiều nước phương Tây vẫn đổ lỗi một cách vô lối tình trạng này cho chính sách tỷ giá hối đoái của đồng NDT. Kể từ khi bùng nổ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, đồng NDT của Trung Quốc đã khá ổn định với USD. Đây là một chính sách đặc biệt chống khủng hoảng mà Chính phủ Trung Quốc thực hiện trong các điều kiện đặc biệt, và sự phục hồi sớm của nước này đã thúc đẩy sự bật nảy của kinh tế toàn cầu. Ngược lại, một số nước cố phá giá đồng tiền của mình trong thời gian khủng hoảng.
Sau khủng hoảng, Trung Quốc đã tiến hành định giá lại NDT vào tháng 6/2010, nới lỏng biên độ biến động tỷ giá, phản ánh đúng hơn quy luật cung - cầu trên thị trường. Đây là một ví dụ khác cho thấy Trung Quốc có trách nhiệm với thế giới.
Đằng sau sự thổi phồng "Trách nhiệm của Trung Quốc"
Các vị nghĩ thế nào về các ý định thực sự và đằng sau việc các nước phương Tây thổi phồng "trách nhiệm của Trung Quốc"? Thực tế, họ nhằm nhiều mục đích.
Đầu tiên, những nước này muốn đánh lạc hướng sự chú ý của thế giới. Họ nói đến "trách nhiệm của Trung Quốc" và thậm chí nói "Trung Quốc được lợi nhiều nhất trong cuộc khủng hoảng tài chính". Đó chính là một chiến thuật đánh lạch hướng sự chú ý của cộng đồng quốc tế nhằm che đậy nguyên nhân thực sự của khủng hoảng tài chính và tránh trách nhiệm giải trình. Trung Quốc đạt được sự phát triển nhanh chóng và hướng tới xuất khẩu, khác với các nước phương Tây về hệ thống và các giá trị. Vì vậy các nước này đã chọn cách đổ lỗi cho Trung Quốc.
Thứ hai, họ định kêu gọi Trung Quốc chuyển hướng các chính sách theo ý muốn của họ. Các nước phát triển lớn đã bị tác động nặng nề bởi khủng hoảng tài chính. Năm 2009, tăng trưởng kinh tế ở các nước phát triển tụt xuống mức âm 0,6% trong khi các nước đang phát triển lớn vẫn duy trì mức tăng trưởng tương đối nhanh (Trung Quốc đạt 9,1%). Kết quả là các nước phương Tây bắt đầu cảm thấy ghen tị. Nhiều nước phát triển lớn đã xem lại các chiến lược phát triển kinh tế của mình và đánh giá lại vai trò của ngành công nghiệp tài chính trong phát triển kinh tế. Họ chú ý hơn tới vai trò của xuất khẩu trong sự phục hồi kinh tế và tăng việc làm.
Nhằm bảo vệ các lợi ích quốc gia của mình, Mỹ đã phát động kế hoạch tăng gấp đôi kim ngạch xuất khẩu trong 5 năm tới và tăng sức ép với Trung Quốc nhằm buộc Bắc Kinh nới lỏng hơn nữa biên độ giao động tỷ giá đồng NDT, vượt ra ngoài khả năng kinh tế của Trung Quốc. Mục đích là tăng xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc. Làm như vậy, liệu Mỹ có phải là một nước có trách nhiệm hay chưa?
Thứ ba, các nước phương Tây hăm hở thúc đẩy Trung Quốc tỏ ra có trách nhiệm hơn trong nền kinh tế thế giới. Ngay từ tháng 2/2006, Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ nói trong một báo cáo về quan hệ thương mại và kinh tế Mỹ - Trung rằng Trung Quốc nên là một cổ đông có trách nhiệm hơn và thực hiện các nghĩa vụ ghi trong các thỏa thuận khi gia nhập WTO.
Tháng 10/2006, Ủy ban châu Âu (EC) ban hành văn bản thứ sáu về các chính sách của Trung Quốc, trong đó khuyến cáo quan hệ đối tác Trung Quốc - EU nên chuyển từ "chín muồi" sang "thắt chặt hơn" khi hai bên bắt đầu tập trung gánh vác các trách nhiệm và nghĩa vụ lớn hơn các lợi ích và thách thức chung. Năm 2001, GDP Trung Quốc chưa bằng 1/10 GDP của Mỹ, nhưng đến 2009, con số này đã lên tới 1/3.
Các nước phương Tây có ý định buộc Trung Quốc chịu trách nhiệm và đòi Trung Quốc phải hành động theo các chuẩn mực của phương Tây về phát triển năng lượng, chống biến đổi khí hậu và đầu tư ra nước ngoài, với cái cớ là Trung Quốc đã thoát khỏi khủng hoảng nhanh nhất.
Thứ tư, các âm mưu nhằm buộc Trung Quốc chịu "trách nhiệm" nhiều hơn là nhằm phục vụ chiến lược của phương Tây trong việc ngăn chặn sự phát triển của Trung Quốc.
Trung Quốc khác với các nước phát triển phương Tây về các giá trị cũng như hệ tư tưởng. Đây là lý do quan trọng dẫn tới những khác biệt giữa hai bên. Nói về tăng trưởng nhanh của Trung Quốc, phương Tây ghen tị và viện cớ này để chất gánh nặng "trách nhiệm" lên vai Trung Quốc.
Một số người cho rằng "trách nhiệm của Trung Quốc" sẽ trở thành một công cụ thường xuyên để các nước phương Tây bẻ cong đường phát triển của Trung Quốc theo các luật lệ của họ và ngăn chặn sự nổi lên của nước này trong thời kỳ hậu khủng hoảng.
Lo cho người Trung Quốc và lợi ích quốc gia Trung Quốc là đóng góp lớn nhất với thế giới
Theo các vị, chúng ta phải đối mặt với điều này như thế nào?
Đúng. Cái gọi là "trách nhiệm của Trung Quốc" có thể sẽ được nhắc lại nhiều lần. Chúng ta phải nhận thức rõ rằng các đòi hỏi về "trách nhiệm của Trung Quốc" nguy hiểm như một dạng "giết chết Trung Quốc bằng những lời tâng bốc", và chúng ta phải cảnh giác.
Các nhân tố bên ngoài có thể thúc đẩy Trung Quốc có trách nhiệm nhằm làm tổn hại tới các lợi ích của Trung Quốc. Trung Quốc vẫn là một nước đang phát triển phải đối mặt với nhiều thách thức lớn trong quá trình phát triển.
Với các đặc trưng của một nước đang phát triển và một nền kinh tế lớn đang tăng trưởng, Trung Quốc luôn bất đồng với các nước khác về quy chế quốc gia của mình trong thế giới. Các nước phát triển muốn Trung Quốc là một nền kinh tế lớn đang tăng trưởng. Một mặt, họ ghen tị với Trung Quốc về khả năng nắm bắt cơ hội phát triển trong khi hội nhập vào toàn cầu hóa. Mặt khác, vì các nước phát triển giờ đây không thể phối hợp nỗ lực quốc tế để chỉnh sửa sự bất cân bằng toàn cầu, họ hy vọng Trung Quốc sẽ có trách nhiệm hơn.
Sau cùng, Trung Quốc phải có trách nhiệm với người dân Trung Quốc và các lợi ích quốc gia để duy trì mức tăng trưởng bền vững của kinh tế đất nước. Đây cũng là sự đóng góp lớn nhất của Trung Quốc trên thế giới. Trung Quốc sẽ xem xét chịu trách nhiệm nhiều hơn trên cơ sở này nhằm phấn đấu vì một trật tự kinh tế thế giới mới, hợp lý và công bằng hơn, một mô hình phát triển mới vì lợi ích chung thông qua hợp tác và góp một phần lớn hơn cho nền kinh tế thế giới./.
Quốc Thái (Theo tờ điện tử BeijingReview)
Tuần Việt Nam