Sẽ có thêm những đợt cắt giảm lãi suất mới trên toàn cầu trong tháng 12
Các thị trường tài chính ngày càng gia tăng dự đoán về những hành động phối hợp của các ngân hàng trung ương chủ chốt trên thế giới trong việc cắt giảm lãi suất hơn nữa. Đây là tín hiệu cho thấy sự hỗn loạn của thị trường tài chính toàn cầu đã tác động nhiều hơn tới nền kinh tế thế giới.
Tháng trước Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) đã hạ lãi suất từ 0,5% xuống 0,3%, lần cắt giảm đầu tiên trong hơn 7 năm trở lại đây. BoJ cho rằng các điều kiện tín dụng hiện đang phù hợp và Thống đốc Masaaki Shirakawa cho rằng cắt giảm tiếp lãi suất sẽ gây tác động tiêu cực tới nền kinh tế Nhật. Nhưng theo các nhà quan sát, rất khó cho BoJ khi một mình quyết định đứng ngoài bất cứ hành động phối hợp nào với các ngân hàng trung ương chủ chốt thế giới trong việc hạ lãi suất.
Các ngân hàng trung ương ở Mỹ và châu Âu đã thể hiện quyết tâm chống lại sự hỗn loạn tín dụng bằng cách hạ lãi suất. Ngày 6/10 Ngân hàng Trung ương Anh đã hạ lãi suất 1,5 điểm phần trăm xuống còn 3%, mức thấp nhất trong hơn nửa thế kỷ qua. Cùng ngày Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng theo đó cũng giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm còn 3,25%, và Chủ tịch Jean-Claude Trichet không loại trừ khả năng sẽ có một đợt cắt giảm lãi suất nữa trong tháng 12.
Tại Mỹ, nơi chi tiêu cá nhân sụt giảm mạnh và tỷ lệ thất nghiệp đã tăng lên mức cao nhất trong 15 năm qua vào tháng 10/08, Cục Dự trữ Liên bang (FED) đã hạ lãi suất xuống 1% và dự đoán FED có thể còn đưa lãi suất xuống 0,5% vào tháng tới.
Trong khi nền kinh tế thế giới sa sút nhanh hơn dự đoán, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã dự báo kinh tế Mỹ, châu Âu và Nhật Bản đều sẽ tăng trưởng âm trong năm tới và sẽ là giai đoạn tăng trưởng âm lần đầu tiên kể từ Chiến tranh Thế giới lần thứ II. Trước tình hình đó các nhà lãnh đạo các nền kinh tế phát triển và mới nổi sẽ nhóm họp tại Oasinhtơn vào cuối tuần này để thảo luận biện pháp giải quyết khủng hoảng tín dụng.
Ông Yasunari Ueno, nhà kinh tế trưởng của Mizuho Securities Co nhận định ngày càng có thêm dự đoán về các đợt cắt giảm thêm lãi suất trên toàn cầu một phần là do nỗi lo giá cả tăng lùi dần sau khi giá hàng hoá và dầu mỏ đã dịu bớt gần đây.
Kyodo