Tin tức
Sẽ đến bước ngoặt chứng khoán?

Sẽ đến bước ngoặt chứng khoán?

09/05/2005

Banner PHS

Sẽ đến bước ngoặt chứng khoán?

Những doanh nghiệp đăng ký giao dịch tại Trung tâm Giao dịch chứng khoán Hà Nội sẽ được ưu đãi thuế như các doanh nghiệp niêm yết trên sàn tại Tp.HCM. Người đại diện phần vốn nhà nước trong các công ty cổ phần phải sử dụng quyền cổ đông đưa công ty ra niêm yết, đăng ký giao dịch...

Những doanh nghiệp đăng ký giao dịch tại Trung tâm Giao dịch chứng khoán Hà Nội sẽ được ưu đãi thuế như các doanh nghiệp niêm yết trên sàn tại Tp.HCM. Người đại diện phần vốn nhà nước trong các công ty cổ phần phải sử dụng quyền cổ đông đưa công ty ra niêm yết, đăng ký giao dịch. Nếu họ không thực hiện được điều này thì sẽ bị thay thế ngay lập tức bằng những cán bộ khác.

 

Đó là hai trong số những biện pháp mạnh mà Bộ Tài chính đề xuất lên Chính phủ nhằm tạo bước ngoặt cho hàng hóa chứng khoán.

 

Nền tảng

 

Theo Cục Tài chính doanh nghiệp, đến cuối năm 2004 cả nước có 2.307 đơn vị đã cổ phần hóa với tổng vốn điều lệ trên 22.000 tỉ đồng, cộng thêm khoảng 70 doanh nghiệp đã chuyển thành công ty cổ phần trong quí 1-2005. Chừng 25% doanh nghiệp trong số này có vốn trên 5 tỉ đồng, kinh doanh có lãi hai năm liền 2003 - 2004, đủ điều kiện niêm yết, đăng ký giao dịch trên sàn.

 

Tuy vậy, rất ít công ty muốn lên sàn. Điều tra của Cục Tài chính doanh nghiệp cho thấy ngoài tư tưởng ngại công khai, minh bạch tình hình tài chính, các công ty chỉ muốn khép kín, không muốn có cổ đông bên ngoài tham gia vào doanh nghiệp.

 

Mặt khác, sau khi cổ phần hóa, các công ty này hầu như không lập phương án huy động vốn cho đầu tư phát triển hoặc nếu có, vẫn dựa vào vốn vay ngân hàng. Nghĩa là tư duy điều hành, quản trị doanh nghiệp trước và sau cổ phần hóa gần như không thay đổi.

 

Trên nền tảng như vậy, Bộ Tài chính đề nghị Chính phủ cho thực hiện hai “cú hích”: ưu đãi thuế và phát huy vai trò của người đại diện phần vốn nhà nước trong doanh nghiệp. Từ trước đến nay công ty niêm yết được miễn giảm thuế trong hai năm. Bây giờ doanh nghiệp không cần niêm yết, chỉ cần đăng ký giao dịch tại sàn Hà Nội cũng sẽ được giảm thuế y như vậy.

 

Chưa kể, Bộ Tài chính đang nghiên cứu mở rộng thời hạn và nâng tỷ lệ được miễn giảm cho các công ty niêm yết, và do đó các công ty đăng ký giao dịch cũng sẽ được “ăn theo”.

 

Một trong những giải pháp thuế mà Bộ xem xét là trước năm 2008 doanh nghiệp càng niêm yết, đăng ký giao dịch sớm thì thời hạn ưu đãi thuế càng dài. Sau thời hạn trên mới niêm yết thì có thể sẽ không có ưu đãi thuế.

 

Phần lớn doanh nghiệp có tên trong danh sách thuộc đối tượng xem xét niêm yết, đăng ký giao dịch, bán bớt cổ phần Nhà nước vẫn trong giai đoạn được hưởng ưu đãi thuế sau cổ phần hóa, nhưng thời gian ưu đãi còn lại không nhiều. Họ buộc phải tính lại bài toán hiệu quả kinh doanh khi hết thời hạn ưu đãi thuế. Nếu họ muốn được tiếp tục ưu đãi thuế, niêm yết hay đăng ký giao dịch là con đường lựa chọn.

 

Thay thế

 

Trong suốt tiến trình đổi mới doanh nghiệp, chỉ có Nghệ An, Hà Tĩnh cắt chức giám đốc những doanh nghiệp không hoàn thành nhiệm vụ cổ phần hóa. Tp.HCM đã nhiều lần đề cập đến việc thay thế giám đốc nếu doanh nghiệp không cổ phần hóa xong như kế hoạch, nhưng thực tế chưa một giám đốc nào “ra đi” dù số doanh nghiệp không hoàn tất cổ phần hóa khá nhiều.

 

Liệu lần này biện pháp phát huy vai trò của người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong niêm yết có thực sự hiệu quả khi mà người đại diện chủ yếu lại là các giám đốc?

 

Một quan chức Bộ Tài chính khẳng định nếu Chính phủ cho phép, bộ sẽ phối hợp với từng cơ quan chủ quản, từng địa phương chỉ đạo người đại diện phần vốn nhà nước phải thực hiện bằng được việc đưa doanh nghiệp lên sàn. Trường hợp người đại diện không thực hiện được yêu cầu, họ sẽ bị thay thế ngay. Với những doanh nghiệp có tên trong danh sách, giải pháp bước đầu mà bộ dự định là vận động, thuyết phục niêm yết. Một khi thuyết phục không thành, giải pháp tiếp theo sẽ là bắt buộc và cưỡng chế thực hiện, nhất là những đơn vị mà Nhà nước đang nắm giữ cổ phần chi phối.

 

Việc bán bớt cổ phần nhà nước tại những doanh nghiệp lớn được nhìn nhận là khả thi và là một nguồn cung hàng hóa dồi dào cho thị trường chứng khoán. Chẳng hạn hiện Nhà nước còn sở hữu 900 tỉ đồng vốn của Vinamilk, 96,7 tỉ đồng của Công ty Dầu thực vật Tường An, 70 tỉ đồng của Công ty Nhựa Bình Minh, 60 tỉ đồng của Công ty Nhựa Tân Tiến, 88 tỉ đồng của Công ty Cáp và Vật liệu viễn thông, 130 tỉ đồng của Công ty Gas Petrolimex, 127 tỉ đồng của Công ty Hóa dầu… Số cổ phần nói trên được đấu giá qua thị trường chứng khoán sẽ mang về cho Nhà nước nguồn thu không nhỏ.

 

Một điều đáng quan tâm khác là dự kiến trong quí 2/2005, Chính phủ sẽ ban hành nghị định sửa đổi bổ sung Nghị định 144 ngày 28/11/2003 theo hướng mở rộng đối tượng tham gia giao dịch trên thị trường chứng khoán đối với các tổ chức tài chính như bảo hiểm xã hội, tiết kiệm bưu điện; ban hành nghị định mới về phát hành trái phiếu, cổ phiếu doanh nghiệp quốc doanh. Hai quyết định 36/2003/QĐ-TTg ngày 11/3/2003 và 146/2003/QĐ-TTg ngày 17/7/2003 liên quan đến việc góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài cũng sẽ được chỉnh sửa. Tỷ lệ tham gia mua cổ phiếu tại một doanh nghiệp của người nước ngoài sẽ được nâng lên trên mức 30%.

 

Đưa tất cả 300 doanh nghiệp trong danh sách tham gia thị trường chứng khoán dù dưới hình thức này hình thức kia trong năm 2005 là một tham vọng không thực tế. Nhưng nếu chỉ 30%, thậm chí 10-15% trong số 300 này có niêm yết, đăng ký giao dịch, thì quy mô của thị trường chứng khoán Việt Nam đã tăng gấp đôi so với hiện tại và bước nhảy của thị trường năm nay có thể ngang bằng những bước đi của cả bốn năm 2000-2004 cộng lại.

 

Với những động thái vừa qua từ phía Bộ Tài chính, người đầu tư có thể hy vọng…

 

Tăng nguồn trái phiếu

Năm 2005, số lượng trái phiếu bằng nội tệ được phát hành tổng cộng sẽ là 38.000 tỉ đồng, tăng 62% so với năm ngoái. Trong đó bao gồm 25.500 tỉ đồng trái phiếu Chính phủ do Kho bạc Nhà nước phát hành, 6.500 tỉ đồng trái phiếu Chính phủ do Quỹ Hỗ trợ phát triển phát hành, 3.000 tỉ đồng trái phiếu chính quyền địa phương của Đồng Nai, Đà Nẵng, Hà Nội, 3.000 tỉ đồng trái phiếu công ty nhà nước của Tổng công ty Xi măng, Tổng công ty Điện lực, Tổng công ty Đường cao tốc, Tổng công ty Đường thủy, Tổng công ty Vinaconex.

 

Tất cả số trái phiếu nói trên đều có khả năng niêm yết, giao dịch trên thị trường chứng khoán. Được biết khối lượng trái phiếu niêm yết giao dịch tại Trung tâm Giao dịch chứng khoán Tp.HCM hiện nay là 20.300 tỉ đồng. Còn khoảng 27.000 tỉ đồng trái phiếu đã phát hành trước đây nhưng chưa niêm yết do không có ngày đáo hạn thống nhất.

TBKTSG

Banner PHS
Logo PHS

Trụ sở: Tầng 21, Phú Mỹ Hưng Tower, 08 Hoàng Văn Thái, Phường Tân Phú, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh 

(Giờ làm việc: 8h00 - 17h00 hàng ngày - trừ thứ 7, chủ nhật và các ngày lễ) 

1900 25 23 58
support@phs.vn
Kết nối với chúng tôi:

Đăng ký nhận tin

Tải app PHS-Mobile Trading

Công ty Cổ phần Chứng khoán Phú HưngCông ty Cổ phần Chứng khoán Phú Hưng