Tin tức
SMC đang tích cực trao đổi với Novaland, quyết xử lý triệt để công nợ trong năm nay

SMC đang tích cực trao đổi với Novaland, quyết xử lý triệt để công nợ trong năm nay

29/04/2024

Banner PHS

SMC đang tích cực trao đổi với Novaland, quyết xử lý triệt để công nợ trong năm nay

Ngày 27/04 tại Phú Mỹ, một doanh nghiệp chuyên thương mại và gia công thép đã tổ chức đại hội giữa bối cảnh kinh tế toàn cầu còn bấp bênh và ngành thép vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục rõ ràng.

Mở đầu đại hội, Tổng Giám đốc Đặng Huy Hiệp cho rằng trong năm 2024, ba từ khóa “rủi ro, bất định, thận trọng” vẫn tiếp diễn và khiến kinh tế thế giới có thể tăng trưởng chậm hơn khoảng 2.4%. Với ngành thép, ông Hiệp nhận định sự hồi phục sẽ diễn ra chậm rãi, chủ yếu diễn ra vào nửa cuối năm 2024, do các thách thức từ thị trường bất động sản và áp lực từ thị trường thép nhập khẩu.

Trước tình hình này, SMC đã đề ra mục tiêu thận trọng cho năm 2024 với việc tập trung vào tinh gọn hoạt động kinh doanh, tiết kiệm chi phí và tăng cường quản trị rủi ro.

Công ty đặt mục tiêu doanh thu 13,500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 80 tỷ đồng, với tổng sản lượng tiêu thụ dự kiến ở mức 900 ngàn tấn. Trong đó, thép dài khoảng 350 ngàn tấn và thép dẹt khoảng 550 ngàn tấn. “Trong đó, sản lượng thép dài tăng đôi chút so với năm trước do ngành bất động sản đã chớm một số dấu hiệu phục hồi, dù còn rất chậm”, ông Hiệp chia sẻ thêm.

Lãi hơn 200 tỷ đồng từ bán cổ phiếu NKG

Tại đại hội, vị Tổng Giám đốc chia sẻ SMC lãi ròng 183 tỷ đồng trong quý 1/2024, nhưng chủ yếu nhờ khoản lợi nhuận 215 tỷ đồng từ thương vụ bán cổ phiếu NKG.

Ông Hiệp cho biết tình hình kinh doanh vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Trong quý 1/2024, mảng thương mại thép của SMC tiếp tục gặp khó khăn vì ảnh hưởng từ thị trường bất động sản, và công ty phải điều chỉnh chiến lược kinh doanh.

"Trước đây, thế mạnh của SMC là làm công trình, nhưng hiện tại chúng tôi đã chuyển sang mảng dân dụng. Mảng này hiệu quả không cao. Chúng tôi hoạt động chủ yếu để duy trì thị phần và khách hàng", ông cho biết. "Mảng sản xuất ống thép, thép mạ đang ghi nhận lỗ và đang thu hẹp quy mô sản xuất".

Mảng gia công là mảng ổn định nhất tại SMC. "Sản lượng tương đương với năm ngoái, gần 80,000 tấn, đã đóng góp lợi nhuận 8 tỷ trong quý 1/2024. Hiệu quả của mảng này tuy chưa cao, nhưng đã có cải thiện so với trước đó", ông Hiệp chia sẻ.

Trong quý 1/2024, mảng gia công thép đóng góp 65% vào tổng doanh thu của SMC, trong khi mảng thương mại thép xây dựng và sản xuất thép đóng góp tương ứng 10% và 25%.

Ảnh: Vương Đông

Nhìn sang quý 2, ban lãnh đạo cũng tiết lộ sẽ có thêm lợi nhuận từ việc chuyển nhượng toà nhà văn phòng của công ty ở Điện Biên Phủ. "Thương vụ này dự kiến hoàn tất trong quý 2/2024, với giá chuyển nhượng là 170 tỷ. Sau khi trừ đi các khoản chi phí, SMC dự kiến ghi nhận lợi nhuận khoảng 100 tỷ đồng từ toà nhà này", bà Nguyễn Ngọc Ý Nhi, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc SMC, cho biết.

Một tin tích cực khác là nhà máy SMC Phú Mỹ - chuyên gia công vỏ máy giặt và vỏ tủ lạnh cho Samsung - dự kiến sẽ bắt đầu mang lại hiệu quả từ tháng 4/2024.

Theo ông Hiệp, SMC là nhà cung ứng nội địa 100% cho Samsung và là một bước tiến vào chuỗi sản xuất toàn cầu. Theo kế hoạch, nhà máy này sẽ sản xuất 2 triệu sản phẩm trong năm nay và bắt đầu vào giai đoạn “hái quả” từ tháng 4/2024. Ngoài ra, SMC cũng đã bắt đầu tìm kiếm các khách hàng mới cho nhà máy này.

Quyết tâm xử lý dứt điểm công nợ với Novaland trong năm nay

Bên cạnh việc làm ăn kinh doanh, các cổ đông cũng đặt nhiều câu hỏi liên quan việc trích lập và giải quyết công nợ khó đòi, nhất là với Novaland.

Theo Phó Chủ tịch Ý Nhi, trong quý đầu năm, SMC chưa phải trích lập dự phòng thêm cho các khoản công nợ. Tuy nhiên, nếu không xử lý được khoản nợ, SMC sẽ phải trích lập dự phòng thêm 90 tỷ đồng trong quý 2 và tổng cộng gần 300 tỷ trong cho cả năm 2024. "Khoản trích lập này sẽ ảnh hưởng tới lợi nhuận, do đó SMC đang làm việc quyết liệt với Novaland và các đối tác khác", bà nói.

Bà Ý Nhi khẳng định rằng SMC nhất định phải xử lý trong năm nay, có thể là trước thời điểm ngày 30/06. "Các phương án xử lý nợ bao gồm cả thu bằng tiền, hoán đổi cổ phiếu, nhận tài sản để cấn trừ công nợ. Nếu khả thi, SMC đều chấp nhận. Mục tiêu là phải xử lý trong năm nay để không phải trích lập thêm", bà Ý Nhi chia sẻ.

Về khoản nợ 105 tỷ đồng của HBC, bà Nhi cho biết SMC đã ký văn bản thoả thuận về việc hoán đổi công nợ sang cổ phiếu. Với hơn 105 tỷ, SMC sẽ nhận hơn 10 triệu cổ phiếu HBC với giá chuyển đổi là 10,000 đồng.

Phát hành riêng lẻ 73 triệu cp

Ngoài việc xử lý công nợ, SMC cũng muốn huy động thêm 730 tỷ đồng từ việc chào bán riêng lẻ 73 triệu cổ phiếu với giá 10,000 đồng/cp. Cổ phiếu phát hành riêng lẻ sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong 1 năm và chỉ được chào bán cho tối đa 20 nhà đầu tư.

Đi kèm với kế hoạch trên, Doanh nghiệp cũng quyết định loại bỏ 5 ngành nghề kinh doanh để tạo điều kiện thuận lợi cho việc nhà đầu tư nước ngoài tăng tỷ lệ sở hữu trong đợt phát hành lần này.

Bà Ý Nhi giải thích thêm: “Với các ngành nghề hiện tại, tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài tại SMC bị giới hạn ở mức 25% và đợt phát hành sắp tới có khả năng làm tăng tỷ lệ sở hữu nước ngoài vượt mức 25%. Do đó, công ty muốn loại bỏ một số các ngành nghề ràng buộc room ngoại ở mức thấp”.

Vương Đông

FILI

Banner PHS
Logo PHS

Trụ sở: Tầng 21, Phú Mỹ Hưng Tower, 08 Hoàng Văn Thái, Phường Tân Phú, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh 

1900 25 23 58
support@phs.vn
Kết nối với chúng tôi:

Đăng ký nhận tin

Tải app PHS-Mobile Trading

Công ty Cổ phần Chứng khoán Phú HưngCông ty Cổ phần Chứng khoán Phú Hưng