Social Commerce mở lối cho doanh nghiệp SME tại Việt Nam
Trong kỷ nguyên số, một chiếc điện thoại và vài mét vuông không gian livestream có thể giúp doanh nghiệp nhỏ tiếp cận hàng triệu khách hàng. Social Commerce - mô hình bán hàng tích hợp trên nền tảng mạng xã hội - không còn là trào lưu mà đang trở thành chiến lược sống còn với các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ (SME) tại Việt Nam.
![]() Talkshow “Nâng tầm doanh nghiệp Việt” diễn ra tối ngày 08/07/2025
|
Social Commerce đang trở thành cơ hội
Tại Việt Nam, hơn 97% doanh nghiệp đang hoạt động là doanh nghiệp SME – lực lượng được ví như “xương sống” của nền kinh tế. Tuy nhiên, phần lớn SME vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận thị trường, mở rộng kênh phân phối và tăng trưởng bền vững. Chi phí mặt bằng, nhân lực, quảng cáo… là các rào cản vẫn hiện hữu.
Thế nhưng, làn sóng Social Commerce đã mang đến một hình thức kinh doanh đơn giản, chi phí thấp, nhưng khả năng tiếp cận và tăng trưởng vượt xa mong đợi. Chỉ cần một tài khoản mạng xã hội, một chiếc smartphone và một người đủ kiên trì, SME có thể tiếp cận trực tiếp tới hàng triệu người dùng mỗi ngày thông qua các nền tảng như TikTok, Facebook, Zalo...
Chia sẻ tại talkshow “Nâng tầm doanh nghiệp Việt” tối ngày 08/07/2025, ông Nguyễn Lâm Thanh - Giám đốc Đại diện TikTok Việt Nam nhận định: “Người Việt đang dành hơn 6 giờ mỗi ngày trên Internet, trong đó phần lớn thời gian là cho mạng xã hội. Đó là lý do vì sao Social Commerce không phải trào lưu nhất thời, mà là tương lai của bán lẻ”.
Dẫn ví dụ TikTok Shop - nền tảng tích hợp thương mại vào ứng dụng TikTok - sau chưa đầy 3 năm đã thu hút gần 4 triệu nhà bán hàng và tiếp cận hơn 30 triệu người dùng tại Việt Nam. Điều này mở ra cơ hội lớn cho các SME tận dụng nguồn lực tối giản để phát triển kinh doanh.
Không còn cần đến cửa hàng khang trang, biển hiệu hoành tráng hay đội ngũ bán hàng hùng hậu, nhiều người bán hiện nay chỉ cần vài mét vuông, một chiếc giá đỡ điện thoại và một góc livestream được dàn dựng sáng tạo. Câu chuyện bán hàng được kể bằng giọng thật, mặt thật, hàng thật và cảm xúc thật sẽ tạo nên sự gần gũi và niềm tin mạnh mẽ từ người tiêu dùng.
Theo ông Nguyễn Lâm Thanh, livestream là một hình thức bán hàng “gợi mở nhu cầu” thay vì đợi khách chủ động tìm kiếm như thương mại điện tử truyền thống. Người xem vốn không có nhu cầu mua sắm vẫn có thể trở thành khách hàng nếu bị cuốn hút bởi nội dung, cách nói chuyện duyên dáng hoặc thông tin sản phẩm hấp dẫn.
Hình thức này không chỉ giúp SME bán hàng mà còn xây dựng thương hiệu cá nhân, nuôi dưỡng cộng đồng khách hàng trung thành và phản hồi trực tiếp để hoàn thiện sản phẩm.
“Đây là cuộc cách mạng tiếp cận khách hàng chưa từng có trong lịch sử thương mại”, ông Thanh khẳng định.
Ngân hàng không đứng ngoài cuộc chơi số hóa
Không chỉ dừng lại ở nền tảng công nghệ, hệ sinh thái hỗ trợ từ ngân hàng đang trở thành bệ phóng vững chắc cho SME bước vào cuộc chơi Social Commerce.
Ông Huy Nguyễn - Giám đốc Khối khách hàng Doanh nghiệp vừa và nhỏ của Ngân hàng Quốc tế VIB (HOSE: VIB) chia sẻ, trong hành trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, ngân hàng không chỉ cung cấp vốn mà còn cung cấp giải pháp toàn diện về quản trị tài chính, vận hành, chuyển đổi số.
“Với ứng dụng VIB Business, các SME có thể phát hành hóa đơn điện tử, quản lý thu chi, tích hợp thanh toán bằng mã QR, SoftPOS, theo dõi dòng tiền theo thời gian thực... Tất cả đều nhằm giúp doanh nghiệp hoạt động gọn nhẹ, tiết kiệm và minh bạch”, ông Huy cho biết.
Ngoài ra, VIB còn hợp tác với các đơn vị cung cấp phần mềm kế toán, hóa đơn điện tử, chữ ký số… để SME có thể tiếp cận các giải pháp chuyển đổi số miễn phí hoặc chi phí thấp. Mục tiêu là thúc đẩy số hóa toàn diện cho doanh nghiệp vừa và nhỏ mà không đẩy họ vào áp lực tài chính.
Chuyển đổi số không còn là “lựa chọn”
Hành trình chuyển đổi số không hề dễ dàng. Đầu tiên là rào cản tư duy. Nhiều chủ hộ kinh doanh vẫn loay hoay với cách vận hành thủ công, chưa quen với việc sử dụng công nghệ.
Bên cạnh đó, còn áp lực về tài chính, vận hành: từ việc đầu tư thiết bị livestream, chi phí quảng bá nội dung, quản lý đơn hàng, đến xử lý vận chuyển, tất cả đòi hỏi các doanh nghiệp SME phải có chiến lược rõ ràng nếu muốn mở rộng quy mô.
Chưa kể từ tháng 4/2025, các nền tảng thương mại điện tử như TikTok Shop, Shopee, Lazada… có nghĩa vụ khấu trừ và nộp thuế thay cho người bán. Từ đó, đòi hỏi doanh nghiệp cá nhân phải rõ ràng hơn về hóa đơn, chứng từ và báo cáo thu nhập.
Chính vì vậy, minh bạch tài chính đang trở thành tiêu chuẩn bắt buộc, không chỉ để tuân thủ pháp luật mà còn giúp SME dễ dàng tiếp cận nguồn vốn và các dịch vụ hỗ trợ từ ngân hàng, nền tảng công nghệ và đối tác.
Ông Nguyễn Lâm Thanh chia sẻ: “TikTok cũng đang làm việc chặt chẽ với cơ quan quản lý và cộng đồng bán hàng để đảm bảo chất lượng sản phẩm, hạn chế hàng giả, hàng nhái, và nâng cao trải nghiệm người tiêu dùng. Muốn đi đường dài, người bán phải trung thực, có trách nhiệm và đầu tư bài bản vào nội dung”.
Từ phía ngân hàng, VIB cũng thiết lập các tiêu chuẩn để cấp tín dụng cho các hộ kinh doanh hoạt động online. Những khách hàng có dòng tiền ổn định, sử dụng hóa đơn điện tử, vận hành minh bạch sẽ dễ dàng được duyệt vay, thậm chí được cung cấp hạn mức tín dụng quay vòng để tối ưu vốn lưu động.
Tựu trung lại, Social Commerce không phải là xu hướng ngắn hạn hay trào lưu nhất thời. Đó là tương lai của bán lẻ, là cơ hội để doanh nghiệp SME Việt Nam cắt giảm chi phí, tiếp cận khách hàng nhanh hơn và phát triển linh hoạt hơn trong một thế giới luôn thay đổi.
Tuy nhiên, để bước chân vào cuộc chơi này, doanh nghiệp cần tư duy cởi mở, sẵn sàng học hỏi, và đặc biệt là xây dựng sự minh bạch trong mọi khâu, từ sản phẩm, bán hàng đến vận hành tài chính.
Cát Lam