Sự bất ổn của thị trường gây rủi ro cho kinh tế toàn cầu
Các ngân hàng trung ương Châu Âu và Nhật Bản mới đây cảnh báo rằng sự biến động trên các thị trường có thể đe dọa đà tăng trưởng của kinh tế toàn cầu, đồng thời phản ánh sự thiếu tin tưởng của các nhà đầu tư vào triển vọng kinh tế thế giới...
Các ngân hàng trung ương Châu Âu và Nhật Bản mới đây cảnh báo rằng sự biến động trên các thị trường có thể đe dọa đà tăng trưởng của kinh tế toàn cầu, đồng thời phản ánh sự thiếu tin tưởng của các nhà đầu tư vào triển vọng kinh tế thế giới.
Thống đốc Ngân hàng Tây Ban Nha, Jaime Caruana, cho rằng giá dầu mỏ và giá hàng hóa tăng cao đã tạo ra nguy cơ cho các nhà hoạch định chính sách. Trong khi đó, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) Toshihiko Fukui và người đồng nhiệm Phần Lan, Erkki Liikanen, nhận xét: sự sụt giá mạnh gần đây của thị trường chứng khoán là do "các nhà đầu tư lo ngại về triển vọng kinh tế chứ không phải do sự điều chỉnh trên thị trường" như nhiều người tưởng.
Ông Fukui cho hay, các nhà đầu tư không chắc chắn rằng liệu ngân hàng trung ương các nước có thể kiềm chế lạm phát mà không làm ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế hay không. Thêm một dấu hiệu nữa cho thấy sự mất cân đối toàn cầu khiến cho đồng USD hôm 15/6 giảm là báo cáo của Chính phủ Mỹ cho hay, trong tháng 4/06 luồng vốn chảy vào Mỹ ở mức 46,7 tỷ USD đã không đủ để làm dịu khoản thâm hụt ngân sách khổng lồ tới 63,4 tỷ USD.
Trong nhiều năm qua, các nhà hoạch định chính sách toàn cầu đã cảnh báo rằng nếu các nhà đầu tư ngừng rót tiền vào các tài sản của Mỹ, đồng USD sẽ xuống giá mạnh, đồng thời lãi suất sẽ tăng lên, thậm chí đẩy kinh tế Mỹ vào nguy cơ suy thoái.
Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Jean-Claude Trichet tuần qua cũng nói rằng các cuộc khủng hoảng tài chính trong quá khứ và sự biến động gần đây của thị trường tài chính và tiền tệ thế giới cho thấy cần phải cải thiện cơ chế phòng chống và đối phó với những vấn đề này.
Trong khi đó, theo các nhà phân tích, sức ép lạm phát gia tăng, đà tăng trưởng nhanh chóng của kinh tế toàn cầu trong thời gian qua cùng với giá dầu mỏ tăng cao đã tạo ra xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ trên toàn cầu. Cụ thể, trong 2 năm qua, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã tăng lãi suất thêm 4%; lãi suất tái cấp vốn của khu vực đồng euro tăng 0,75 % ; BOJ cũng bãi bỏ chính sách lãi suất 0% và đang rục rịch tăng lãi suất; ngay cả Ngân hàng Nhân dân Trung Hoa cũng tăng lãi suất thêm 0,27%.
TTXVN