T. Geithner: Châu Âu cần phải nhất quán và minh bạch hơn
Kể từ khi bùng nổ, cuộc khủng hoảng này đã làm dấy lên nỗi sợ hãi về nguy cơ xảy ra suy thoái kép và khiến thị trường chứng khoán (TTCK) toàn cầu sụt giảm mạnh. Dù các TTCK châu Á đã phục hồi từ mức thấp 9 tháng trong phiên giao dịch ngày Thứ Tư tuy nhiên đồng EUR vẫn còn bị đè nặng bởi tâm lý bi quan khi chi phí vay mượn đồng USD giữa các ngân hàng lên mức cao nhất trong 10 tháng qua.
Điều này chứng tỏ, nhà đầu tư vẫn chưa thực sự tin tưởng vào các biện pháp đưa ra từ trước đến nay, bao gồm lệnh cấm bán khống “vô căn cứ” của Đức, kế hoạch cắt giảm chi tiêu nghiêm khắc của một số quốc gia gặp khó khăn của eurozone. Thậm chí, gói giải cứu 1,000 tỷ USD cũng có thể chưa đủ để ngăn chặn các tác động của các trở ngại này đến đà phục hồi kinh tế toàn cầu.
Sau khi tham gia các cuộc đàm phán trong khuôn khổ Đối thoại Kinh tế và Chiến lược Mỹ-Trung tại Trung Quốc, hiện ông Geithner đang có mặt tại Luân Đôn “để thảo luận về tình hình kinh tế khu vực cũng như các biện pháp cần phải thực hiện nhằm khôi phục niềm tin toàn cầu và sự ổn định tài chính, từ đó thúc đẩy đà tăng trưởng của nền kinh tế.”, trích lời ông Geithner trong một thông báo.
Đồng thời theo hãng tin CNBC, ông cũng thôi thúc các quan chức châu Âu tiến hành cuộc kiểm tra sức khỏe của lĩnh vực ngân hàng.
Tuy nhiên, cũng theo CNBC các cuộc kiểm tra này sẽ khác với đợt kiểm tra mà Mỹ tiến hành trong quý I/2009, bởi châu Âu không có quỹ cứu trợ khổng lồ trị giá 700 tỷ USD từ Chương trình Giải trừ Tài sản xấu (TARP) để bù đắp các khoản thiếu hụt trong quá trình thực hiện.
Ông Geithner và các quan chức khác trong Bộ Tài chính sẽ đề cập đến hiệu quả của cuộc kiểm tra sức khỏe của 19 ngân hàng hàng đầu tại Mỹ trong việc mở cửa cho nguồn vốn tư nhân trở lại hệ thống tài chính. Ngoài ra, động thái đó còn trấn an thị trường trước những căng thẳng do khủng hoảng tài chính gây nên.
Dự kiến, Bộ trưởng Geithner sẽ gặp Bộ trưởng Tài chính Anh George Osbourne và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh Mervyn King trước khi sang Đức tham dự cuộc họp với Thống đốc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Jean-Claude Trichet và Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble.
Được biết vào hôm Thứ Ba, Đức đề xuất mở rộng phạm vi áp dụng lệnh cấm bán khống vô căn cứ đối với tất cả các cổ phiếu. Một quan chức cấp cao của Bộ Tài chính Mỹ tỏ ra không hài lòng với động thái đơn phương của Đức và cho rằng lệnh cấm sẽ phản tác dụng.
Cũng trong ngày Thứ Ba, nội các Ý phê chuẩn kế hoạch cắt giảm chi tiêu bớt 24 tỷ EUR nhằm hạ thấp thâm hụt ngân sách xuống dưới mức trần của EU là 3% GDP vào năm 2012.
Phạm Thị Phước (Theo CNBC, BBC)