Tăng lãi suất: Nguyên nhân và hậu quả?
Những ngày cuối tháng 7, đầu tháng 8, người ta chứng kiến tình hình nhiều ngân hàng thương mại cổ phần, ngân hàng liên doanh tăng lãi suất huy động cả VND và USD...
Những ngày cuối tháng 7, đầu tháng 8, người ta chứng kiến tình hình nhiều ngân hàng thương mại cổ phần, ngân hàng liên doanh tăng lãi suất huy động cả VND và USD.
Các ngân hàng thương mại Nhà nước và các công ty tài chính tuy không tuyên bố tăng lãi suất, nhưng cũng chào mời các loại chứng từ có giá với mức lãi suất cao hơn mức lãi suất tiết kiệm cùng kỳ hạn và khuyến mãi kèm các giải thưởng.
Nguyên nhân của tình trạng này là gì?
Chúng ta hãy xem xét từ thực tiễn ở Hà Nội và Tp. HCM (hai địa bàn chiếm đến 70% tổng vốn huy động và hơn 50% dư nợ cho vay của toàn hệ thống ngân hàng). Đến cuối tháng 7/2006, số dư vốn huy động từ các tổ chức kinh tế-xã hội và dân cư của các tổ chức tín dụng Hà Nội đạt trên 175.000 tỷ đồng nhưng dư nợ cho vay chỉ gần 92.000 tỷ đồng.
Còn tại Tp.HCM, liên tục trong 7 tháng đầu năm hoạt động tăng trưởng tín dụng trên địa bàn có tốc độ tăng trưởng chậm hơn so với các năm trước đây trong khi huy động vốn tiếp tục đạt tốc độ tăng trưởng cao. Tỷ lệ sử dụng vốn cho vay trực tiếp nền kinh tế trên vốn huy động của các ngân hàng thương mại tại Tp. HCM hiện chỉ trên 80% (trước đây có lúc lên trên 90%).
Nhìn vào hiện tượng trên thì có vẻ đúng là lãi suất tăng không phải do sức ép cung-cầu vốn, nhưng tại sao không cần vốn mà các ngân hàng vẫn tăng lãi suất huy động.
Có thể đưa ra một số lý giải sau.
Cơ cấu tiền gửi của các ngân hàng thương mại chưa vững chắc
Phần lớn vốn sử dụng để cho vay của các ngân hàng là từ nguồn tiền gửi của các tổ chức và tiền gửi tiết kiệm của dân cư. Tiền gửi tiết kiệm tuy phải trả lãi suất cao hơn nhưng đặc điểm của nguồn này có tính ổn định, vững chắc.
Hiện nay, 55,4% vốn huy động của các ngân hàng thương mại ở Hà Nội là của các tổ chức kinh tế-xã hội và các định chế tài chính (không phải các tổ chức tín dụng). Tỷ lệ này ở Tp.HCM là 51%.
Bên cạnh đó, tiền gửi của các doanh nghiệp, đặc biệt là các tổng công ty lớn (từ hàng chục đến hàng ngàn tỷ đồng) cũng đều là nguồn vốn không kỳ hạn hoặc ngắn hạn, bất cứ lúc nào cũng bị rút đột ngột.
Một chi nhánh Ngân hàng Công thương trên địa bàn Hà Nội có hơn 3.000 tỷ vốn huy động, trong đó 1.000 tỷ là tiền gửi ngắn hạn của một tổng công ty Nhà nước. Ngân hàng này luôn nơm nớp lo nếu vì lý do nào đó tổng công ty này rút số tiền trên thì ngay lập tức nguồn vốn huy động của chi nhánh này giảm 1/3 và hậu quả của nó đối với việc cân đối vốn thì ai cũng rõ.
Tác động từ việc tăng lãi suất của FED
Đến ngày 29/6/2006 FED tăng lãi suất cơ bản lên mức 5,25%/năm, đây là lần tăng thứ 17 trong vòng 2 năm qua kể từ tháng 6/2004. Lãi suất của thị trường tài chính của các nước luôn tác động lẫn nhau. Lãi suất huy động ngoại tệ trong nước lần lượt tăng theo các lần điều chỉnh của FED. Hiện lãi suất huy động USD kỳ hạn 12 tháng cao nhất của ngân hàng thương mại đã đến mức 5,1%/năm.
Bên cạnh đó, lãi suất ngoại tệ tăng gây sức ép lên lãi suất nội tệ. Nhiều ngân hàng lo ngại người dân sẽ chuyển từ gửi nội tệ sang ngoại tệ khiến ngân hàng thiếu hụt vốn nội tệ nên cũng phải tăng lãi suất nội tệ lên ở mức tương đối có lợi cho người gửi tiền để duy trì nguồn vốn này.
Sức ép cạnh tranh và mở rộng kinh doanh
Chúng ta đều biết tiền gửi là đầu vào sống còn trong hoạt động của ngân hàng. Trong giới ngân hàng có câu: "Ai có nguồn vốn lớn, người ấy chiếm lĩnh thị trường".
Sức ép cạnh tranh để giữ và phát triển nguồn vốn là rất gay gắt. Một số ngân hàng thương mại cổ phần Hà Nội cho biết tại thời điểm này tuy không thiếu vốn nhưng họ vẫn phải tăng lãi suất huy động vì sợ khách hàng rút tiền sang các ngân hàng khác có lãi suất cao hơn.
Phó tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần nói: "Qua theo dõi tình hình hiện nay, tôi thấy cứ chi nhánh nào có nguồn tiền gửi từ tổ chức kinh tế- xã hội và dân cư lớn thì chi nhánh đó lỗ vì lãi suất huy động cao, cho vay lại khó khăn, vốn thừa vẫn phải trả lãi cho tiền gửi. Nhưng tính chung cả hệ thống thì chúng tôi vẫn phải tăng lãi suất vì sụt giảm tiền gửi không những hoạt động tín dụng trở nên bấp bênh mà còn mất khách hàng với những nhu cầu sử dụng các dịch vụ khác của ngân hàng".
Bù đắp cho rủi ro trong hoạt động tín dụng
Trong bối cảnh nền kinh tế đang trong chặng đầu của tiến trình hội nhập, rủi ro tín dụng ngày càng tăng. Tỷ lệ nợ từ nhóm 3 đến nhóm 5 thể hiện trên bản cân đối của các ngân hàng thương mại hiện phần lớn ở mức dưới 5%/tổng dư nợ, nhưng các khoản nợ nhóm 2 (các khoản nợ quá hạn dưới 90 ngày và các khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ trong hạn theo thời hạn nợ đã cơ cấu lại...) đang có xu hướng tăng. Một vài ngân hàng thương mại Nhà nước tỷ lệ nợ nhóm 2 đến nhóm 5 đã trên mức 20%/tổng dư nợ cho vay.
Theo phản ánh của một số ngân hàng, các khoản cho vay đối với doanh nghiệp Nhà nước đang có dấu hiệu tiếp tục tăng do khối xây dựng, giao thông đã hết thời hạn cơ cấu lại nợ nhưng vẫn không thanh toán được nợ. Nợ xấu cũng xuất hiện một số doanh nghiệp xuất khẩu nhạy cảm với những biến động của thị trường. Bên cạnh đó nợ đọng trong cho vay lĩnh vực bất động sản cũng không phải là ít...
Tình hình này có thể cũng là một trong những nguyên nhân khiến các ngân hàng tiếp tục tăng cường thu hút tiền gửi để bù đắp phần vốn đang nợ đọng và đảm bảo khả năng thanh khoản của mình.
Hậu quả có thể xảy ra
Trong việc quản lý tiền gửi, chi phí và quy mô là hai vấn đề mà các nhà quản lý ngân hàng luôn phải tìm cách giải quyết. Đúng ra việc quản lý này về cơ bản phải theo những quy luật của cung-cầu vốn và chiến lược kinh doanh của ngân hàng. Nhưng hiện nay một số ngân hàng Việt
Hậu quả của tình hình này là lợi nhuận ngân hàng sẽ giảm, thậm chí có ngân hàng sẽ lỗ hoặc các ngân hàng phải tăng mạnh lãi suất cho vay để bù đắp chi phí tiền gửi quá lớn.
TBKTVN