Tàu hỏa ở đâu trong bản đồ giao thông cao điểm?
Mỗi mùa lễ lớn, khi vé máy bay vừa khan hiếm vừa đắt đỏ, tàu hỏa lại được nhắc đến như phương án thứ 2. Nhưng không phải ai cũng chọn tàu vì bất đắc dĩ. Đằng sau mỗi quyết định lên tàu là một câu chuyện, và không phải câu chuyện nào cũng giống nhau.
![]() Chuyến tàu khởi hành từ Hà Nội đến TP HCM dịp Tết Ất Tỵ - Ảnh: Giang Huy
|
Khi vé máy bay và tàu hỏa đều khan hiếm
Cả 2 kỳ nghỉ lớn trong năm 2025 là Tết Nguyên đán và lễ 30/04-01/05 đều chứng kiến làn sóng di chuyển ồ ạt. Vé máy bay không chỉ tăng giá mạnh mà còn "cháy vé" trên nhiều chặng. Giá vé nội địa dịp lễ lên tới 2.9 triệu đến hơn 4 triệu đồng/chiều, có nơi tăng gấp đôi. Đặc biệt dịp Tết, chặng TPHCM đi các tỉnh miền Trung, miền Bắc hầu như kín chỗ sớm, giá phổ thông dao động từ 3.6-7.7 triệu đồng, tăng gấp 3 lần so với ngày thường.
Tàu hỏa cũng không nằm ngoài cơn sốt vé. Tính tới 15/01/2025, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) báo cáo bán hơn 300,000 vé phục vụ Tết Ất Tỵ, với nhiều chặng chiều về sau Tết "cháy" hoàn toàn, thậm chí sớm hơn cả vé máy bay trên cùng tuyến. Đến kỳ nghỉ 30/04-01/05, hơn 50% vé tàu đã được bán hết trước ngày cao điểm.
Vé tàu tuy khan hiếm ở những ngày cao điểm nhưng vẫn có phần dễ thở hơn. Chặng TPHCM - Hà Nội dịp Tết 2025, giá vé giường nằm mềm có lúc chạm mốc 3.2 triệu đồng - cao hơn nhiều so với ngày thường - nhưng vẫn "mềm" hơn vé máy bay, chưa kể hành trình kéo dài tới 30-35 tiếng so với việc chỉ mất 2 tiếng bay. Không ít người vẫn chấp nhận đánh đổi thời gian để đổi lấy chi phí phù hợp hơn.
Chị Mai Thanh, nhân viên làm đẹp ngụ ở phường Thủ Đức (TPHCM), kể lại chuyện đã chủ động săn vé tàu Tết 2025 từ giữa tháng 9/2024 cho chuyến về Đà Nẵng ngày 25 Âm lịch, nhưng vẫn không kịp. "Tàu hết vé, máy bay hết giờ đẹp, mà giá thực tế sau thuế phí cũng chẳng rẻ chút nào. Nhà 5 người, bay khứ hồi mất gần... nửa lượng vàng", chị nói nửa đùa nửa thật.
Không chỉ là "kế hoạch B"
Sự gia tăng nhu cầu đi tàu không đơn thuần là sự bị động. Trên thực tế, nhiều hành khách cho biết, họ chọn tàu vì trải nghiệm, không phải chỉ vì giá.
Anh Trung Dũng, nhân viên một hãng hàng không, thú nhận: "Tôi làm trong ngành bay, nhưng nếu có thời gian thì vẫn chọn tàu làm phương tiện chính khi du lịch, kể cả trong nước lẫn nước ngoài". Với anh, tàu hỏa không chỉ là phương tiện mà còn là một phần của chuyến đi: An toàn, thoải mái, và quan trọng nhất là ngắm được trọn vẹn đất nước từ ô cửa sổ.
Cùng góc nhìn này, anh Đình Hà ngụ ở phường Bình Tân (TPHCM) kể lại chuyến tàu xuyên Việt đầu năm 2025 với nhiều ngạc nhiên tích cực: Dịch vụ tốt, nhân viên thân thiện, khoang ăn uống ngắm cảnh, và đặc biệt "rất nhiều khách nước ngoài chọn đi tàu để trải nghiệm chiều dài đất nước".
Số liệu cũng phần nào phản ánh xu hướng đó. Trong năm 2024, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) ghi nhận hơn 9,784 tỷ đồng doanh thu, tăng 11% so với năm 2023. Riêng vận tải hành khách và hàng hóa chiếm gần một nửa, với mức tăng trưởng 13%. Lợi nhuận sau thuế đạt 132 tỷ đồng - mức cao nhất kể từ năm 2019, thời điểm trước dịch.
Dù cuộc chơi chưa cân sức…
Dẫu vậy, không phải hành khách nào cũng hài lòng tuyệt đối với trải nghiệm đường sắt. Một số ý kiến vẫn cho rằng, sự lựa chọn tàu hỏa hiện tại mang tính "bất đắc dĩ" nhiều hơn là tự nguyện.
Bích Thủy - một du khách trẻ yêu thích khám phá - thẳng thắn: "Tôi chỉ đi tàu khi vé máy bay quá đắt hoặc sợ xe khách. Chứ hiện tại, tốc độ tàu còn chậm, chất lượng toa xe chưa đồng đều, tiện nghi không ổn định". Theo cô, sức hút của đường sắt Việt Nam vẫn chủ yếu do sự khác biệt với các phương tiện khác chứ chưa đủ để giữ chân khách bằng nội lực.
Chị Chi Đỗ, làm việc trong ngành dịch vụ tại Đà Nẵng, đồng tình: "Ngành đường sắt có cải thiện, nhưng chưa gọi là vượt trội. Toa xe ở nhiều tuyến vẫn cũ, hành trình thì kéo dài. Thủ tục mua vé online còn rườm rà, khó tiếp cận thông tin".
Với góc nhìn của chủ đại lý bán vé, ông Phan Tú ở Hà Nội chia sẻ thêm: "Tôi mừng vì đường sắt có lãi, nhưng hệ thống đã cũ kỹ. Biên lãi gộp chỉ 10.8% thì khó có dư địa nâng cấp toàn diện. Thực tế, mức lợi nhuận 132 tỷ đồng sau thuế vẫn còn khá khiêm tốn so với doanh thu gần 10,000 tỷ đồng. Chi phí vận hành, nhân sự đang ngốn phần lớn, khiến khả năng cạnh tranh về giá và chất lượng còn hạn chế".
… tàu hỏa vẫn có chỗ đứng riêng
Có lẽ không thể so sánh trực tiếp tàu hỏa với máy bay, khi một bên đánh đổi tốc độ lấy chi phí, bên kia ngược lại. Nhưng điều chắc chắn là, tàu hỏa không còn là phương án thứ 2 trong mắt tất cả mọi người.
Anh Cường Cao, cư dân tại phường Cửa Nam (Hà Nội), nhìn nhận tàu hỏa như "xương sống" của hệ thống vận tải quốc gia: "Nếu tàu êm ái, không trễ giờ, thủ tục nhanh gọn, nhà ga gần trung tâm thì dù lâu hơn máy bay một chút mà giá hợp lý, tôi vẫn chọn. Đừng để nó chỉ cạnh tranh với hàng không, mà hãy xem là giải pháp bổ sung".
Đồng quan điểm, ông Thành Phát - chủ một tiệm điện máy nhỏ ở phường Hòa Hưng (TPHCM) - chia sẻ, khi vé máy bay quá đắt, ai cũng phải tính đến phương án khác, nhưng ông vẫn chủ động chọn đi tàu không chỉ vì giá rẻ mà còn vì "không nhồi nhét, không kẹt đường, không delay, rất đúng giờ và cực kỳ an toàn - cảm xúc này không phương tiện nào sánh bằng".
Thực tế, tàu hỏa không chỉ là "phương án chống cháy". Dịp Tết 2025, nhiều chặng tàu hết vé sớm hơn máy bay, cho thấy nhu cầu thực sự từ hành khách - không chỉ vì giá rẻ, mà còn vì sự an toàn, thuận tiện, hay thậm chí là sở thích cá nhân.
Trong bức tranh giao thông nội địa, tàu hỏa không chỉ bổ sung cho hàng không và đường bộ mà còn mang giá trị riêng, không dễ thay thế giữa lúc hạ tầng hàng không chưa theo kịp nhu cầu dịp cao điểm. Chặng đường phục hồi và phát triển của ngành đường sắt vẫn còn dài, nhưng có lẽ khi thị trường hàng không bình ổn giá trở lại, việc giữ chân hành khách sẽ là bài toán mà ngành cần sớm có lời giải.
Thế Mạnh