TGĐ Quỹ Warburg Pincus hứng khởi trước những cơ hội sắp tới tại Việt Nam
Trong buổi phỏng vấn đặc biệt diễn ra tại Hội nghị đầu tư quốc tế Techcombank 2025 (Techcombank Investment Summit 2025), ông Jeffrey David Perlman – Tổng Giám đốc Quỹ đầu tư Warburg Pincus nhận định Việt Nam đang đứng trước bối cảnh chuyển mình với sự đồng hành của Chính phủ và doanh nghiệp. Bản thân ông tỏ ra rất phấn khởi với những cơ hội và tiềm năng sắp tới.
Háo hức trước các cơ hội đầu tư mới
Theo ông Perlman, giới đầu tư đang ở trong một bối cảnh kinh tế vĩ mô rất phức tạp, với chủ nghĩa bảo hộ và lãi suất đã tăng cao sau chu kỳ 40 năm, trong đó 25 năm trước lãi suất rất thấp. Tuy nhiên, với kinh nghiệm 60 năm của Warburg Pincus, ông cho rằng mấu chốt vấn đề là đầu tư với khối lượng bằng nhau và liên tục trong nhiều năm.
![]() Ông Jeffrey David Perlman – Tổng Giám đốc Quỹ đầu tư Warburg Pincus
|
“Chính trong những thời điểm phức tạp như hiện nay, nếu chúng ta có thể nhìn ra ngoài những hạn chế hiện tại và liên tục thực hiện những khoản đầu tư mang tính chất ổn định và dài hạn, có tính đến các yếu tố kinh tế, địa lý, chính trị, thì chắc chắn sẽ mang lại lợi nhuận”, theo TGĐ Warburg Pincus.
Chia sẻ về thị trường Việt Nam, ông nhận định đất nước đã trải qua một hành trình rất dài. Khi nhìn vào các chỉ số như GDP trên đầu người hay khối lượng giao dịch được thực hiện, rõ ràng là những chỉ số này đã gia tăng và cải thiện rất tốt. Bên cạnh đó, cộng đồng khởi nghiệp tại Việt Nam đang ngày càng phát triển.
“Tôi thấy rõ sự cam kết của doanh nghiệp và Chính phủ trong việc phát triển đất nước, và hệ thống quy định pháp lý cũng rất ủng hộ và tạo điều kiện tốt cho cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam. Từ góc độ cá nhân, tôi rất hứng khởi với những cơ hội và tiềm năng sắp tới tại thị trường Việt Nam”.
Tuy nhiên, việc đầu tư tại Việt Nam cần một số lưu ý. Ông Perlman cho biết, một thách thức lớn tồn tại không chỉ ở Việt Nam mà còn tại ASEAN là việc thị trường vốn ở còn khá "nông" (hay chưa đủ sâu), khiến nhà đầu tư có xu hướng rời đi vào thời điểm quan trọng. Để thu hút dòng vốn, bản thân các nhà đầu tư cần được tạo ra cơ hội nhiều hơn và phải thấy được sự năng động từ thị trường vốn của quốc gia đó, từ đó tạo tâm lý tích cực để họ đưa ra quyết định đầu tư về tài chính và chiến lược.
“Chúng tôi đã tham gia các phiên IPO lớn của Vingroup và Techcombank, và đối với các nhà đầu tư, câu hỏi quan trọng nhất vẫn luôn là liệu thị trường này có đủ năng lượng hay không, và sự ổn định về chính sách cũng như sự hỗ trợ từ Chính phủ có đủ tốt hay không”.
Mức thuế quan 20% là khởi đầu khá cạnh tranh
Chia sẻ về mức thuế sau đàm phán với Hoa Kỳ, ông Perlman cho rằng đến thời điểm hiện tại khá tích cực.
“Mức thuế quan 20% cá nhân tôi nghĩ rằng Việt Nam vẫn sẽ có thể làm tốt. Tôi thấy nhiều dây chuyền sản xuất đang dần dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam, và Việt Nam có thể được hưởng lợi từ điều đó. Nhìn chung, tôi nghĩ rằng 20% là điểm khởi đầu khá cạnh tranh so với mức 40-50% ở các quốc gia khác” - trích lời ông Perlman.
Bên cạnh đó, ông tin rằng nếu Việt Nam muốn thu hút nhiều nhà đầu tư hơn để đón đầu sự dịch chuyển này, điều quan trọng là nguồn lao động, cũng như tư duy và tầm nhìn, sẽ cần phải thay đổi nhiều hơn để thực sự có thể thích ứng.
Nhận xét về quan hệ kinh doanh giữa Mỹ cùng khối ASEAN và Việt Nam nói riêng, ông Perlman cho rằng Việt Nam đang cho thấy sự cam kết và tinh thần phát triển kinh doanh rất quyết liệt, đồng thời giải quyết những vấn đề mà thị trường Mỹ từng lo lắng. Việt Nam đang nỗ lực gắn kết và đào sâu mối quan hệ với Mỹ, đặc biệt sau những thay đổi trong hoạt động ngoại giao giữa Trung Quốc và Mỹ, và có thể hưởng lợi từ các chính sách đặc biệt.
“Việt Nam đang ở trong một trạng thái, tình thế rất tốt và lạc quan. Chính phủ Việt Nam có thể xây dựng những đường hướng rất cụ thể để xử lý những thay đổi trong thời gian tới, và chúng ta nên tiếp tục lạc quan và đẩy mạnh tăng trưởng. Việt Nam có nhiều tiềm năng tăng trưởng ở các lĩnh vực như cho vay mua nhà, đào tạo, giáo dục, nhà ở, chăm sóc sức khỏe và du lịch. Chúng ta đang có một nền kinh tế rất đa chiều và có thể hợp tác với rất nhiều quốc gia khác nhau”.
Châu An