Tháng 3/2010 quỹ ngoại hối chung ASEAN +3 chính thức hoạt động
Từ 24/3/2010, ASEAN và ba đối tác Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật (ASEAN + 3) sẽ đưa vào hoạt động quỹ tài chính khu vực (CMIM) với số vốn lên đến 120 tỉ USD, theo thoả thuận sáng kiến Chiang Mai năm 2000.
Quỹ CMIM sẽ trợ giúp cho các quốc gia thành viên khi gặp khó khăn về cán cân thanh toán hoặc thanh khoản ngắn hạn. Lần đầu tiên lãnh thổ Hong Kong cũng được tham gia quỹ tài chính khu vực ASEAN + 3. Tháng 5/2009, ASEAN + 3 đã nhất trí nâng tổng vốn quỹ này từ 78 tỉ USD lên 120 tỉ USD. Nhật và Trung Quốc (gồm cả lãnh thổ Hong Kong) mỗi nước sẽ đóng góp vào quỹ 38,4 tỉ USD (32% tổng số vốn), Hàn Quốc góp 19,2 tỉ USD (16% tổng vốn).
Ba nước đối tác Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhậtchiếm đến 80% số vốn của CMIM. Các nước thành viên ASEAN góp 24 tỉ USD (khoảng 20% số vốn). Các nước thành viên góp vốn còn có thể hoán đổi tiền tệ (swap) của nước họ sang USD tuỳ theo mức vốn góp, hay được quyền vay theo hệ số vay tính theo số vốn góp.
Các nước Nhật Bản , Trung Quốc được hoán đổi tiền Yên và Nhân dân Tệ sang USD với mức bằng 50% số vốn góp, tức được vay đến 19,2 tỉ USD mỗi nước. Indonesia góp 4,77 tỉ USD được hoán đổi tiền rupiah ra USD theo tỉ lệ 2,5, tức được vay đến 11,93 tỉ USD. Tỉ lệ 2,5 này cũng áp dụng cho Thái Lan, Malaysia, Philippines, Singapore. Với Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar, Brunei được hoán đổi tiền mỗi nước sang USD gấp 5 lần mức cam kết góp vốn. Như vậy Việt Nam với 1 tỉ USD góp vốn sẽ được vay đến 5 tỉ USD.
Số tiền từ quỹ này được tính theo lãi suất thị trường liên ngân hàng London (Libor), được giải ngân trong vòng 1 tuần khi có yêu cầu trợ giúp từ các thành viên, khoản vay sẽ kéo dài đến 720 ngày (2 năm).
Thanh Huyền
DIỄN ĐÀN DOANH NGHIỆP