Thế giới thừa thép, nhưng không ai muốn ngừng sản xuất
Giá thép toàn cầu vẫn trên đà giảm kéo dài, chủ yếu do Trung Quốc tăng sản xuất và Mỹ áp thuế nhập khẩu cao. Điều này đang đe dọa nghiêm trọng ngành công nghiệp thép - từ lâu được coi là biểu tượng sức mạnh quốc gia.
![]() Các phiến thép đang được cắt tại nhà máy sản xuất của Tata Steel ở IJmuiden, Hà Lan. Ảnh: Trích từ video của Desiré Van Den Berg
|
Tại nhà máy Tata Steel ở IJmuiden, ngoại ô Amsterdam, từng vạc thép nóng đỏ như dung nham được rót vào các khay dài, mỏng. Khi nguội lại, chúng đông cứng thành những phiến thép đồng nhất với kích thước 40 x 4 ft.
Dù vậy, các sản phẩm cuối cùng lại mang giá trị như những món hàng “thời trang cao cấp”. Tất cả đều được sản xuất theo yêu cầu riêng: Từ vỏ pin chống rò rỉ, linh kiện ô tô ở vùng hấp thụ va chạm giúp giảm lực tác động trong các vụ tai nạn, cho tới những chiếc lon có thể bảo quản thực phẩm an toàn trong nhiều năm.
Hiện nay, chỉ có rất ít doanh nghiệp trên thế giới đủ khả năng sản xuất loại thép cao cấp như vậy. Tuy nhiên, ngay cả Tata cũng đang chịu chung sức ép đang đè nặng lên toàn ngành: Các nhà máy đều sản xuất vượt xa nhu cầu tiêu thụ của thế giới.
Theo ước tính của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), đến năm 2027, lượng thép dư thừa toàn cầu có thể lên tới 721 triệu tấn.
Một giải pháp dễ thấy là giảm sản lượng sản xuất. Thế nhưng, không quốc gia nào muốn mình là nước đầu tiên ngừng sản xuất một loại vật liệu được coi là sống còn đối với an ninh kinh tế và quốc phòng.
Từ lâu, ngành thép đã giữ một vị thế nổi bật, được xem là biểu tượng sức mạnh kinh tế cũng như uy tín của mỗi quốc gia. Thép là nền tảng không thể thiếu của đời sống hiện đại: Từ xây dựng, giao thông, ô tô, tủ lạnh, thiết bị điện tử, dao nĩa, ốc vít… đến những lĩnh vực then chốt như sản xuất vũ khí, xe tăng hay máy bay chiến đấu.
Tại châu Âu, việc nhận ra Mỹ giờ đây không còn giữ vai trò “người bảo trợ an ninh chủ chốt” càng làm nổi bật tầm quan trọng chiến lược của ngành thép đối với quốc phòng khu vực.
“Thép là nền tảng cho sức mạnh công nghiệp của Anh, là yếu tố đảm bảo an ninh quốc gia cũng như vị thế cường quốc toàn cầu của chúng ta”, Bộ trưởng Kinh doanh và Thương mại Anh Jonathan Reynolds khẳng định trước Quốc hội hồi tháng 4, khi chính phủ thông qua luật khẩn cấp kiểm soát hai lò cao cuối cùng còn hoạt động tại nước này.
![]() Nhà máy sản xuất của Tata Steel. Doanh nghiệp này đang chịu cùng một áp lực như các nhà sản xuất thép khác: Các nhà máy sản xuất nhiều thép hơn nhu cầu sử dụng toàn cầu. Ảnh: Desiré van den Berg cho The New York Times
|
![]() Nhưng không quốc gia nào muốn là người ngừng sản xuất một loại vật liệu được coi là thiết yếu với kinh tế và an ninh quốc gia. Ảnh: Desiré van den Berg cho The New York Times
|
Lò cao tại Tata Steel. Trong thập kỷ qua, làn sóng thép giá rẻ khổng lồ từ Trung Quốc đã thay đổi thị trường toàn cầu. Nay, các nhà sản xuất thép châu Âu còn phải đối mặt với mức thuế nặng nề từ Mỹ. Ảnh: Desiré van den Berg cho The New York Times
|
Không quốc gia nào có thể tự sản xuất mọi thứ mình cần, theo bà Elisabeth Braw, chuyên gia cấp cao tại Hội đồng Đại Tây Dương (Atlantic Council). “Thế nhưng, nếu phải liệt kê những sản phẩm mà bất kỳ quốc gia nào cũng muốn luôn đảm bảo nguồn cung sẵn có, thì thép chính là một trong số đó”, bà khẳng định.
Trong suốt thập kỷ qua, làn sóng thép giá rẻ tràn ngập từ Trung Quốc đã làm biến đổi hoàn toàn cục diện thị trường toàn cầu. Hệ thống các nhà máy khổng lồ của Trung Quốc - một phần được xây dựng nhờ sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Chính phủ, nhiều nơi lại không tuân thủ các quy định chặt chẽ về môi trường như ở châu Âu - sản xuất lượng thép và nhôm vượt xa tổng sản lượng của phần còn lại thế giới cộng lại. Khi kinh tế Trung Quốc bắt đầu chậm lại, lượng lớn các kim loại này tiếp tục được xuất khẩu ra thị trường quốc tế với mức giá cạnh tranh khốc liệt.
Hệ quả là giá thép lao dốc, lợi nhuận của các nhà sản xuất co hẹp, công nhân đứng trước nguy cơ mất việc làm. Tính theo đơn vị kilôgam, thép hiện thậm chí còn rẻ hơn cả nước đóng chai. Doanh thu sụt giảm cũng đồng nghĩa các doanh nghiệp càng có ít nguồn lực đầu tư vào công nghệ giảm phát thải mới, yếu tố then chốt để châu Âu thực hiện các mục tiêu về khí hậu, theo cảnh báo của OECD hồi tháng 5 vừa qua.
Thực tế này đặt các Chính phủ vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Họ vừa muốn bảo vệ việc làm và duy trì một ngành công nghiệp thép được xem như xương sống của an ninh quốc gia, vừa phải tìm cách giảm chi phí, hạn chế việc phải hỗ trợ bằng các khoản trợ cấp lớn. Song song đó, các quốc gia cũng mong đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng xanh, nhưng đồng thời không thể để ngành thép đánh mất lợi thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Hàng loạt tấn thép phế liệu đang được nung chảy tại Tata. Rất hiếm công ty trên thế giới có thể sản xuất loại thép cao cấp như vậy. Ảnh: Video của Desiré Van Den Berg
|
“Đây là một trong những vấn đề nan giải nhất còn sót lại sau thời kỳ hoàng kim của toàn cầu hóa”, bà Braw, Chuyên gia thuộc Hội đồng Atlantic nhận định. Bà cho biết, trước đây không ai tưởng tượng nổi thị trường toàn cầu lại có thể bị bóp méo sâu sắc như hiện nay, đặc biệt là theo cách tác động trực tiếp tới lợi ích an ninh quốc gia. “Nhưng đó chính là thực trạng mà chúng ta đang phải đối mặt”.
Mùa xuân năm nay, tập đoàn Tata của Ấn Độ đã buộc phải cắt giảm 1,600 lao động tại nhà máy IJmuiden. Năm ngoái, các doanh nghiệp sản xuất thép ở 27 nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã đồng loạt thông báo cắt giảm tổng cộng 18,000 việc làm, đồng thời đóng cửa 9 triệu tấn công suất sản xuất.
Chỉ trong nửa đầu năm nay, sản lượng thép của Đức - quốc gia sản xuất thép lớn nhất châu Âu - đã giảm tới 11.6%, tương đương hơn 17 triệu tấn so với cùng kỳ năm 2024.
Mặc dù EU đã ban hành các biện pháp thương mại nhằm ngăn chặn thép giá rẻ từ Trung Quốc tràn vào thị trường, nhưng thực tế, nguồn thép giá rẻ này vẫn tiếp tục đổ sang. Điều này còn kéo theo hàng loạt quốc gia vốn không nổi bật về xuất khẩu thép như Hàn Quốc, Nhật Bản cũng phải chen chân vào cuộc đua tìm kiếm khách hàng trên quy mô toàn cầu.
“Đó chính là hiệu ứng domino”, bà Lucia Sali, Giám đốc truyền thông Hiệp hội Thép châu Âu nhận xét.
Chưa dừng lại ở đó, ngoài gánh nặng chi phí năng lượng và lao động cao, công nghệ lạc hậu cùng sức ép cạnh tranh khốc liệt từ phía Trung Quốc, các doanh nghiệp thép châu Âu hiện còn phải đối mặt với những đòn thuế trừng phạt từ phía Mỹ. Chỉ riêng tháng trước, Tổng thống Trump đã tăng mức thuế lên 50% đối với gần như toàn bộ mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu - gấp đôi con số mà ông từng công bố hồi tháng 3 - với mục tiêu bảo vệ và thúc đẩy ngành sản xuất nội địa.
Thép có thể được dùng để sản xuất nhiều thứ, từ vỏ pin chống rò rỉ, linh kiện hấp thụ va chạm của ô tô, đến các lon thực phẩm bảo quản lâu năm. Ảnh: Desiré van den Berg cho The New York Times
|
Các biện pháp áp thuế của ông Trump không chỉ làm giảm đáng kể lượng thép mà châu Âu có thể xuất khẩu sang Mỹ, mà còn khiến lượng thép dư thừa trên toàn cầu đổ dồn về thị trường châu Âu, khiến môi trường cạnh tranh ngày càng gay gắt.
So với nhiều quốc gia khác, Anh đang có lợi thế hơn nhờ được ông Trump miễn trừ mức thuế bổ sung 25% đối với thép và nhôm, đồng thời cam kết sẽ từng bước loại bỏ phần thuế còn lại trong thời gian tới.
Dẫu vậy, phần lớn các nhà máy lạc hậu tại Anh vẫn đang phải vật lộn để tồn tại.
Mùa xuân năm nay, Chính phủ Anh đã buộc phải tiếp quản tổ hợp British Steel tại Scunthorpe - khu vực công nghiệp lớn phía bắc đất nước, sau khi tập đoàn Trung Quốc Jingye, chủ sở hữu nhà máy, dọa sẽ đóng cửa do thua lỗ lên đến 700,000 Bảng mỗi ngày (tương đương khoảng 940,000 USD). Hai lò cao ở tổ hợp này là những lò cuối cùng tại Anh vẫn còn sản xuất thép từ quặng sắt và than thay vì chỉ dùng thép phế liệu tái chế.
Năm ngoái, Chính phủ cũng đã phải cứu trợ Tata Steel bằng khoản hỗ trợ 500 triệu Bảng nhằm giúp nhà máy lớn tại Port Talbot, xứ Wales chuyển đổi sang công nghệ lò hồ quang điện, cho phép sử dụng thép tái chế và thân thiện hơn với môi trường.
Còn tại Hà Lan, nhà máy Tata Steel ở IJmuiden đang hoạt động hiệu quả hơn. Khu vực này có diện tích tương đương 1,100 sân bóng đá, nằm cạnh bãi biển công cộng, là một trong những nơi tạo nhiều việc làm công nghiệp nhất cả nước và cũng là nhà máy thép lớn thứ hai châu Âu.
Toàn cảnh khu vực nổi bật với những ống khói cao vút và các dãy núi nhỏ được hình thành từ các đống quặng sắt và than. Tata Steel có kế hoạch chuyển đổi nhà máy từ sử dụng than sang vận hành bằng hydro tái tạo vào năm 2030, và hiện đang đàm phán với Chính phủ Hà Lan để nhận được các khoản trợ cấp phù hợp.
Các bộ phận ô tô bằng thép đang được quét kiểm tra tại trung tâm đổi mới của Tata Steel. Ảnh: Desiré van den Berg cho The New York Times
|
Đống quặng sắt tại Tata Steel. Phần màu đỏ là quặng ngoài trời, phần màu xám được khai thác dưới lòng đất. Ảnh: Desiré van den Berg cho The New York Times
|
Ống khói Tata Steel nổi bật phía sau bãi biển Wijk aan Zee tại Hà Lan. Ảnh: Desiré van den Berg cho The New York Times
|
Tập đoàn vẫn không ngừng đầu tư vào thế hệ lao động trẻ, mỗi năm tuyển chọn từ 150 đến 200 người tham gia vào học viện đào tạo của mình.
Tuy nhiên, nhà máy IJmuiden cũng đang đối mặt với không ít khó khăn. Các cơ quan quản lý Hà Lan nhiều lần đưa Tata Steel ra tòa xoay quanh các mức xử phạt và nguy cơ phải đóng cửa lò luyện than cốc do phát thải độc hại. Việc chuyển đổi sang công nghệ sản xuất thân thiện với môi trường hơn sẽ tiêu tốn hàng tỷ USD và cần khá nhiều thời gian để hoàn thành.
Hiện nay, sản xuất thép bằng hydro xanh thông qua lò hồ quang điện cùng các phương pháp công nghệ xanh khác giúp giảm mạnh lượng khí thải, nhưng chi phí lại cao hơn từ 30 đến 60% so với quy trình truyền thống, theo nhiều nhận định.
Bên cạnh đó là bài toán thuế xuất nhập khẩu. Tata cho biết hiện có khoảng 12% doanh thu đến từ thị trường Mỹ và phần lớn mức thuế 25% có hiệu lực từ tháng 3 vừa qua đều đã được chuyển sang cho các khách hàng Mỹ, trong đó có những tên tuổi lớn như Ford Motor, Chrysler, Caterpillar và Duracell.
Dù vậy, doanh nghiệp vẫn lo ngại với mức thuế 50% hiện tại, sản phẩm thép của họ có thể trở nên quá đắt đỏ và khó lòng cạnh tranh trên thị trường.
Quốc An (Theo NYTimes)