Thêm 2 ngân hàng Mỹ sập tiệm
Cơ quan bảo hiểm tiền gửi liên bang (FDIC) đã tiếp quản ngân hàng St. Stephen State Bank ở bang Minnesota (với 24,7 triệu USD tài sản và 23,4 triệu USD tiền gửi) và ngân hàng Town Community Bank and Trust, trụ sở tại Antioch, Illinois (với 69,6 triệu USD giá trị tài sản và 67,4 triệu USD tiền gửi).
Ngân hàng First State Bank of St. Joseph ở bang Minnesota đã đồng ý gánh vác số tài sản và tiền gửi của St. Stephen State Bank. Trong khi ngân hàng First American Bank có trụ sở ở Elk Grove Village, Illinois đang mua lại số tiền gửi và 67,6 triệu USD giá trị tài sản của Town Community Bank and Trust. Số còn lại FDIC sẽ giữ lại để bán.
Thêm vào đó, FDIC đã đồng ý cùng First State Bank of St. Joseph chia sẻ những khoản thua lỗ 20,4 triệu USD từ các khoản cho vay và tài sản khác của St. Stephen State Bank; đồng thời cùng First American Bank thỏa thuận chia sẻ những khoản lỗ 56,2 triệu USD của Town Community Bank and Trust.
Vụ sụp đổ của St. Stephen State Bank dự kiến sẽ khiến quỹ bảo hiểm tiền gửi liên bang tiêu tốn 7,2 triệu USD, trong khi vụ ngân hàng Town Community Bank and Trust sẽ chi hết 17,8 triệu USD.
Tuần trước, ngân hàng Horizon có trụ sở tại bang Washington có tài sản trị giá 1,3 tỷ USD và tổng tiền gửi khoảng 1,1 tỷ USD đã trở thành nhà băng đầu tiên của Mỹ bị đóng cửa trong năm 2010. Vụ đổ vỡ của ngân hàng này khiến quỹ bảo hiểm tiền gửi bị giảm hơn 539 triệu USD.
Tất cả 18 chi nhánh của ngân hàng này sẽ được ngân hàng Federal Savings & Loan Association đóng tại cùng bang tiếp quản. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, giống như nhiều ngân hàng quy mô nhỏ khác ở Mỹ, Horizon bị sụp đổ do có quá nhiều khoản cho vay bất động sản khó đòi.
Do kinh tế yếu kém, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, giá nhà đất sụt giảm và tình trạng vỡ nợ bùng nổ, số vụ ngân hàng phá sản tăng nhanh hơn và tiêu tốn hàng tỷ USD của quỹ bảo hiểm tiền gửi liên bang. Năm 2009, quỹ này đã rơi vào tình trạng thâm hụt.
Các nhà chức trách Mỹ đã phải đóng cửa 140 ngân hàng trong 2009, cao nhất kể từ năm 1992. Để giải quyết những vụ phá sản này, cơ quan bảo hiểm tiền gửi liên bang đã tiêu tốn hơn 30 tỷ USD.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia phân tích, số ngân hàng phá sản trong năm 2010 sẽ còn tăng hơn nữa. FDIC dự kiến chi phí giải quyết những vụ việc này có thể tăng lên khoảng 100 tỷ USD trong vòng 4 năm tới.
*Việt Hà (theo AP)
VIETNAMNET