Thêm một lời cảnh báo trong giao dịch tiền tệ
Các ngân hàng nên cẩn trọng trước những lừa đảo tinh vi |
Trong khi thị trường ngân hàng chưa bớt “nóng” về cuộc đua lãi suất thì sự kiện một khách hàng lừa Ngân hàng SHB bằng một khoản tiền gửi tiết kiệm 10.000 tỷ đồng và đòi hoa hồng là một cuốn sổ tiết kiệm trị giá 50 tỷ đồng đã làm xôn xao thị trường trong những ngày qua.
Tuy chưa có thiệt hại nào xảy ra nhưng đây là bài học được rút ra cho các ngân hàng trong việc quản lý nhân viên cũng như thực hiện nghiêm túc những quy tắc, nghiệp vụ ngân hàng trong giao dịch.
Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã nhiều lần phát đi lời cảnh báo các tổ chức tín dụng phải cảnh giác trước những lời đề nghị gửi tiền với số lượng lớn lãi suất thấp. Thực tế, các ngân hàng thương mại cũng có những văn bản quy định cụ thể đối với những giao dịch bất thường kiểu này. Tuy nhiên, sự việc đáng tiếc tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn- Hà Nội vẫn xảy ra. Đầu tháng 11/2010, ông Vũ Xuân Lai (sinh năm 1957, thường trú ở khu tập thể 13, khóm 6, xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, Hà Nội) tiếp cận nhân viên kiểm soát Chu Thị Hằng Nga và kế toán viên Nguyễn Thị Trúc Kiều của Chi nhánh SHB Khánh Hòa và đề nghị được làm trung gian để một đơn vị gửi vào ngân hàng này 10.000 tỉ đồng với lãi suất 3,5%/năm, thời hạn gửi 10 năm. Đổi lại, SHB Khánh Hòa phải chi cho ông Lai khoản hoa hồng 50 tỷ đồng bằng sổ tiết kiệm.
Bất chấp lời khuyến cáo của lãnh đạo chi nhánh SHB về việc không nên tin vào lời đề nghị của khách hàng này vì chắc chắn sẽ không có khoản tiền nào lớn như vậy nhưng hai nhân viên vẫn tự ý làm khống sổ tiết kiệm trị giá 50 tỷ đồng (có đầy đủ dấu, chữ ký nhưng chưa vào sổ sách của hệ thống) và dự định khi ông Lai chính thức ký hợp đồng gửi tiền vào ngân hàng sẽ đưa cho ông Lai sổ tiết kiệm. Sáng 8/12, khi vừa đưa cho vị khách hàng “cò mồi” xem sổ tiết kiệm để lấy lòng tin thì ông Lai đã cướp lấy luôn và không trả lại. Sự việc lập tức được báo với Công an tỉnh Khánh Hòa và cuốn số tiết kiệm khống 50 tỷ đồng đã được thu hồi về.
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Văn Lê, Tổng giám đốc SHB, cho biết: Những lời mời gửi tiền ngân hàng với thời hạn cao, lãi suất thấp và đổi lại phải chi cho khách giới thiệu khoản tiền hoa hồng lớn đã xuất hiện từ cách đây vài năm và chúng tôi cương quyết “nói không” với mọi lời đề nghị này. Trường hợp tại SHB Khánh Hòa cũng vậy, khi được giám đốc chi nhánh báo cáo về khách hàng trên chúng tôi đã khẳng định đây là sự lừa đảo và chỉ đạo không tiếp những khách hàng như thế mà nên tập trung vào chuyên môn để nâng cao hiệu quả kinh doanh. Đáng tiếc là hai nhân viên của chi nhánh đã tự ý lập số tiết kiệm giả để đưa cho khách. Mục đích của vụ việc vẫn đang được cơ quan điều tra xem xét, cuốn số khống đã được thu hồi ngay và ngân hàng chưa hề bị thiệt hại một đồng nào.
Đầu năm 2010, thị trường tiền tệ cũng chứng kiến một vụ lừa đảo trong lĩnh vực tài chính có sự thông đồng của các nhân viên ngân hàng khi một nhân viên của Vietcombank đã mang sổ tiết kiệm gửi tại ngân hàng này, sửa số dư tài khoản lên cao hơn giá trị thực của sổ và đem cầm cố tại BIDV, rút ra hàng trăm tỷ đồng.
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng, tội phạm ngành tài chính ngày càng tinh vi và phức tạp, tuy nhiên với sự quản lý chặt chẽ của hệ thống sổ sách, thống kê thì nếu không có sự thông đồng của nhân viên ngân hàng thì sẽ khó thực hiện. Khi đối tượng có sổ tiết kiệm khống nêu trên cũng không thể rút được tiền hay cầm cố ở một ngân hàng khác bởi hoạt động của liên ngân hàng có chính sách bảo mật cao.
Trở lại với vụ việc của SHB Khánh Hòa, việc phát hành một chiếc sổ tiết kiệm cũng phải tuân theo những quy trình cụ thể đã được quy định, tuy nhiên hai nhân viên này đều nằm trong “nhóm” được thực hiện và ký sổ tiết kiệm nên mới xảy ra sự việc trên.
Thế nhưng, ông Lê cũng khẳng định: Thực tế cuốn sổ tiết kiệm khống này chỉ tồn tại vài giờ đồng hồ. Vào cuối mỗi ngày làm việc các chi nhánh đều kiểm tra kho quỹ và SHB Khánh Hòa cũng đã phát hiện mất một phôi trắng của chiếc sổ tiết kiệm vào cuối ngày và đã truy ra nhân viên làm giả, cùng lúc hai nhân viên này báo về vụ viêc bị cướp sổ như đã nêu trên.
Ông Lê chia sẻ thêm: Rủi ro liên quan đến đạo đức cán bộ là vấn đề cần báo động. Với một quy trình chặt chẽ như vậy mà nhân viên vẫn thông đồng để làm thì rất cần nâng cao ý thức của nhân viên.
Thiệt hại chưa xảy ra và thực tế SHB cũng chỉ là nạn nhân của trò lừa đảo này, mục đích của sự việc thế nào thì công an tỉnh Khánh Hòa vẫn đang tiếp tục điều tra làm rõ. Bài học rút ra cho các ngân hàng chính là việc cẩn trọng trong các giao dịch, nhất là ý thức của mỗi nhân viên ngân hàng trước những lời chào mời đường mật không có thật.
Được biết, sau sự cố này, SHB đã đình chỉ công tác của giám đốc chi nhánh và hai nhân viên liên quan; cảnh báo trên toàn hệ thống không tiếp xúc với những đối tượng chào mời gửi tiền với số lượng lớn, thời gian dài. Ngân hàng cũng tiến hành kiểm tra lại toàn bộ hoạt động của các chi nhánh và đưa thêm quy định kiểm soát nội bộ của ban tổng giám đốc sẽ tham gia việc kiểm kê kho quỹ của hệ thống nhằm hạn chế tối đa những rủi ro.
Thùy Linh
công thương