Tin tức
Thị trường chứng khoán toàn cầu biến động mạnh

Thị trường chứng khoán toàn cầu biến động mạnh

20/06/2006

Banner PHS

Thị trường chứng khoán toàn cầu biến động mạnh

Thị trường chứng khoán thế giới tiếp tục chao đảo sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Ben Bernanke cảnh báo về nguy cơ lạm phát và tăng lãi suất của nền kinh tế lớn nhất thế giới...

Thị trường chứng khoán thế giới tiếp tục chao đảo sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Ben Bernanke cảnh báo về nguy cơ lạm phát và tăng lãi suất của nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Sự cảnh báo của FED đã làm các nhà đầu tư quốc tế hoảng loạn bán ồ ạt các chứng khoán và trái phiếu, biến động này làm đồng USD giảm giá hơn nữa so với các đồng tiền mạnh khác.

Tại thị trường chứng khoán New York, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm xuống dươí mức 11.000 điểm lần đầu tiên kể từ tháng 3 năm nay; chỉ số chứng khoán Nasdaq giảm 0,57%, xuống 2.157,15 điểm; chỉ số Standard & Poor của 500 công ty lớn nhất nước  Mỹ giảm 0,37% xuống còn 1.260,61 điểm.

Toshihirro Atae, nhà phân tích chứng khoán thị trường Tokyo cho rằng các nhà đầu tư lo ngại triển vọng kinh tế Mỹ đã tác động tới kinh tế toàn cầu. FED có thể tăng lãi suầt nhiều đợt nữa, sau lần tăng lãi suất thứ 16 ngày 10/5 lên mức 5%, mức cao nhất trong 2 năm qua để kiềm chế lạm phát.

Các thị trường chứng khoán châu Âu cũng tiếp tục giảm mạnh. Chỉ số FTSE 100 của thị trường chứng khoán Luân Đôn giảm 1,6%; chỉ số chủ chốt DEX tại thị trường chứng khoán Đức giảm 2,11% và chỉ số chứng khoán CAC-40 của Pháp giảm 2,4% trong ngày 6/6/2006.

Hầu hết các thị trường chứng khoán ở châu Á cũng chao đảo. Giá trị các chứng khoán ở Ấn Độ đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 3 tháng qua, các chỉ số chứng khoán chủ chốt của Ấn Độ giảm tới 2,5%. Chỉ số Nikei 225 của Tôkyo giảm 1,81% và chỉ số chứng khoán của thị trường Australia giảm 1,6%. Chỉ số chứng khoán Hang Seng của Hồng Công giảm 1%...

Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) ngày 8/6 đã tăng lãi suất chuẩn thêm 0,25% lên 2,75% trong một động thái nhằm kiềm chế lạm phát. Hiện nay 1 Euro đổi 1,2675 USD, so với mức 1,2794 USD/ Euro ngày 7/6.

Chủ tịch ECB, ông Jean- Claude Trichet cam kết sẽ theo dõi chặt chẽ những diễn biến của thị trường chứng khoán và tiền tệ có thể ảnh hưởng tới sự ổn định của giá cả. Lạm phát Eurozone tăng từ 2,2% trong tháng 3 năm nay tăng lên 2,4% trong tháng 4/2006, vượt mức cho phép của ECB phải dưới 2%. Tỷ lệ lạm phát trong tháng 5 vẫn cao do giá dầu leo thang.

Holger Schmieding, nhà kinh tế thuộc Ngân hàng Bank of America tại London cho rằng, quyết định tăng lãi suất 0,25% của ECB có thể giúp ổn định thị trường chứng khoán thế giới đang biến động kể từ khi FED thông báo có thể sắp diễn ra những đợt tăng lãi suất nữa.

Cuộc họp thường niên các bộ trưởng tài chính khu vực sử dụng đồng Euro vừa diễn ra tại Luxemburg trong bối cảnh thâm hụt ngân sách của một số nước thành viên vẫn cao hơn quy định chung và trong khi đồng Euro tiếp tục lên giá.

Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Luxemburg, Jean-Claude Juncker nói việc đồng Euro tăng giá làm cho 12 nước thành viên Eurozone đối mặt với nhiều khó khăn, xuất khẩu giảm, khả năng cạnh tranh hàng hoá của khu vực này khó khăn trên thị trường thế giới.

Nguyên nhân làm cho đồng Euro tăng giá là do kinh tế Mỹ yếu kém và dự báo ECB tăng lãi suất. Bộ trưởng Tài chính Tây Ban Nha, ông Pedro Solbes lo ngại về việc đồng Euro lên giá, theo ông, 1 Euro đổi gần 1,3 USD không phải là một tỷ giá có lợi cho Eurozone.

Thâm hụt ngân sách vẫn là bài toán đau đầu của các nhà lãnh đạo kinh tế EU. Hiện nay, 5 nước thành viên: Pháp, Đức, Italia, Bồ Đào Nha và Hy Lạp chưa có biện pháp ngăn chặn thâm hụt ngân sách xuống dưới mức 3% GDP như Hiệp định tăng trưởng và ổn định châu Âu (SGP) quy định. Thâm hụt ngân sách của Italia dự báo ở mức 4,5% GDP và nợ ở mức 107%.

Thủ tướng Italia, Romano Prodi cam kết nước này sẽ nỗ lực giảm nợ công khoảng 21,5 tỷ Euro, tương đương 1,6% GDP vào cuối năm 2007. Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cảnh báo năm nay thâm hụt ngân sách của Italia sẽ tăng lên 4,2% GDP và năm tới vẫn cao hơn ở mức 4,6% GDP, nếu nước này không có các biện pháp khẩn cấp.

Các bộ trưởng cho rằng giá năng lượng và giá các dịch vụ tăng là nguyên nhân chính khiến lạm phát Eurozone gia tăng. Uỷ ban châu Âu (EC) thừa nhận giá năng lượng tăng đã tác động tới giá các mặt hàng thiết yếu và chi phí dịch vụ tăng, đẩy lạm phát lên cao hơn. Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) khuyến cáo ECB cân nhắc kỹ trước việc tăng lãi suất quá nhanh sẽ tác động tới triển vọng kinh tế khu vực này năm 2007. Theo IMF, năm nay kinh tế Eurozone có thể tăng 2%, nhưng năm tới triển vọng kinh tế không sáng sủa.

Ngân hàng trung ương Hàn Quốc vừa nâng lãi suất chủ chốt trong một nỗ lực nhằm giảm bớt áp lực lạm phát; lãi suất ngắn hạn liên ngân hàng trong tháng 6/2006 tăng 0,25%, lên 4,25%, do áp lực lạm phát đang gia tăng. Giá dầu mỏ ở mức cao và giá bất động sản đang leo thang. Sau khi tuyên bố tăng lãi suất, giá cổ phiếu giảm mạnh. Chỉ số KOSPI giảm hơn 2%. Tháng 5/2006, giá hàng ở Hàn Quốc tăng nhanh hơn dự kiến. Chỉ số giá tiêu dùng (CPD) tăng 2,4% trong tháng 5 so với 2% trong tháng 4/2006.

Áp lực lạm phát đã xuất hiện khi nền kinh tế lớn thứ 4 ở châu Á dự kiến tăng 5% năm nay, so với mức tăng 4% năm ngoái. Bộ trưởng Tài chính và kinh tế Hàn Quốc Han Duck-Soo nói nền kinh tế nước này đang trong quá trình tăng trưởng, bất chấp tăng giá dầu mỏ và đồng Won trong năm nay. Vừa qua, Hàn Quốc đã công bố mức thâm hụt tài khoản vãng lai lớn nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997.

Thâm hụt tài khoản vãng lai tăng hơn 3 lần, lên tới 1,53 tỷ USD, so với mức 426,8 triệu USD trong tháng 3/2006, khiến tổng thâm hụt tài khoản vãng lai trong 4 tháng đầu năm nay lên tới 1,06 tỷ USD.

Ngân hàng dự trữ Ấn Độ đã quyết định tăng 0,25% lãi suất ngắn hạn từ mức 5,5% lên 5,75% nhằm kiềm chế lạm phát trong bối cảnh giá nhiên liệu tăng tới 9%. Lãi suất dài hạn vẫn giữ ở mức 6% trong suốt 3 thập kỷ qua. Lạm phát có xu hướng gia tăng trong những tuần qua, lên 4,75%. Ngân hàng trung ương tăng lãi suất ngắn hạn lần thứ 3 trong 3 quý vừa qua trong bối cảnh thị trường chứng khoán Ấn Độ sụt giảm mạnh do tâm lý lo ngại làn sóng tăng lãi suất toàn cầu có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế nước này.
Kinh tế Ấn Độ đã đạt mức tăng trưởng ngoạn mục 8,4% trong tài khoá vừa kết thúc. GDP quý I/2006 tăng 9,3%.

Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Palaniappan Chidambaram cho biết lạm phát sẽ được giữ ở mức 5%. Các nhà giao dịch chứng khoán cho rằng những con số về tăng trưởng kinh tế đưa ra vẫn không làm vơi đi nỗi lo về những biến động thị trường chứng khoán nước này do thị trường chứng khoán Mỹ và châu Á suy giảm, các quỹ nước ngoài tiếp tục bán tháo cổ phiếu, đồng Rupee bị sức ép giảm xuống còn 46,5 Rupee/1 USD, mức thấp nhất trong 3 năm qua.

Ngân hàng thế giới (WB) cảnh báo các nước đang phát triển có thể đứng trước thời kỳ giống như thời kỳ xẩy ra cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997- 1998. WB vừa công bố nghiên cứu cho biết các nước đang phát triển ngày càng phụ thuộc vào nguồn vốn đầu tư nước ngoài.

Năm 2005, các nhà đầu tư đã rót lượng vốn kỷ lục 491 tỷ USD vào các thị trường chứng khoán, trái phiếu tại các nước đang phát triển, tăng 94 tỷ USD so với năm 2004. Nguồn vốn đầu tư này tuy đã giúp các nước nghèo phát triển kinh tế, nhưng vẫn tiềm ẩn những nguy cơ lớn về cơn lốc tiền tệ có thể xẩy ra bất cứ lúc nào, ví như bùng phát dịch cúm gia cầm trên diện rộng hoặc Mỹ tăng đột biến lãi suất.

Vừa qua thị trường chứng khoán nhiều nước đang phát triển chao đảo và các đồng tiền châu Á giảm giá mạnh. WB khuyến cáo, các nhà đầu tư có thể quyết định rút vốn ồ ạt khỏi các nước đang phát triển để bảo toàn nguồn vốn, sẽ tái diễn tình hình giống như trước khi xẩy ra cuộc khủng hoảng tài chính châu Á cuối thập kỷ 90, đẩy nhiều nước vào tình trạng nợ nần và khủng hoảng tài chính.

Theo WB, các nước đang phát triển cần thận trọng trước tình hình nhậy cảm hiện nay và khẩn cấp thực hiện các biện pháp phòng ngừa, trong đó cần tăng dự trữ ngoại tệ để có thể kịp thời bù đắp khi thâm hụt buôn bán.

TBKTVN

Banner PHS
Logo PHS

Trụ sở: Tầng 21, Phú Mỹ Hưng Tower, 08 Hoàng Văn Thái, Phường Tân Phú, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh 

(Giờ làm việc: 8h00 - 17h00 hàng ngày - trừ thứ 7, chủ nhật và các ngày lễ) 

1900 25 23 58
support@phs.vn
Kết nối với chúng tôi:

Đăng ký nhận tin

Tải app PHS-Mobile Trading

Công ty Cổ phần Chứng khoán Phú HưngCông ty Cổ phần Chứng khoán Phú Hưng