Thị trường máy móc, thiết bị điện: Sẽ bình đẳng và sòng phẳng hơn
Mục tiêu đạt khoảng 200 tỷ kWh điện vào năm 2015, cao gấp đôi so với thực hiện năm 2010 đang mở ra những cơ hội mới cho các nhà cung cấp máy móc, thiết bị vào ngành điện.
Việc phát điện Tổ máy số 1, Dự án thủy điện Sơn La vào cuối năm 2010, sớm hơn 1 năm so với kế hoạch và toàn nhà máy phấn đấu sớm hơn 2 năm so với Nghị quyết của Quốc hội đã giúp các nhà cung cấp thiết bị chính cho Dự án này như Alstom ghi điểm rất lớn với chủ đầu tư, bởi mỗi năm hoạt động sớm sẽ làm lợi tới cả tỷ USD. Dĩ nhiên, tiếng tăm của các nhà cung cấp thiết bị cho những dự án về đích đúng tiến độ và sớm hơn tiến độ với chất lượng tốt, sẽ không chỉ dừng lại trong phạm vi dự án, mà còn thu hút được chú ý của nhiều nhà đầu tư khác vào lĩnh vực điện.
Nhưng không phải nhà cung cấp thiết bị điện nào cũng có thể ghi điểm với chủ đầu tư như các nhà thầu cung cấp thiết bị tại Dự án Thủy điện Sơn La. Tại hàng loạt dự án nhiệt điện than khác như Uông Bí mở rộng, Cao Ngạn, Na Dương, Sơn Động, Cẩm Phả, Hải Phòng do Tập đoàn Điện lực (EVN), Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) và các công ty cổ phần là chủ đầu tư đã phải chấp nhận chậm tiến độ. Thậm chí còn chậm tiến độ tới cả 2 năm mà lý do chủ yếu là do thiết bị chính không phát huy được như mục tiêu của dự án đặt ra.
Chính vì vậy, với khối lượng đồ sộ các dự án sẽ đầu tư được đưa ra tại Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020, có xét đến năm 2030 (Tổng sơ đồ 7) ban hành cuối tháng 7/2011, việc cạnh tranh giữa các nhà cung cấp thiết bị điện để lọt vào “mắt xanh” của các chủ đầu tư dự án điện không chỉ nằm trên những lời chào mời, mà còn được xem xét cả góc độ các công trình thực tế đã triển khai.
Theo Tổng sơ đồ 7, sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu năm 2015 sẽ đạt khoảng 194-210 tỷ kWh, tới năm 2020 là khoảng 330-360 tỷ kWh và tới năm 2030 đạt từ 695-834 tỷ kWh. Vẫn theo Tổng sơ đồ 7, tới năm 2020, tổng công suất các nhà máy điện sẽ đạt khoảng 75.000 MW, gấp 3,5 lần so với tổng công suất nguồn hiện có tại thời điểm này. Trong đó thủy điện chiếm 23,1%; thủy điện tích năng 2,4%; nhiệt điện than 48%; nhiệt điện khí đốt 16,5%; nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo 5,6%; điện hạt nhân 1,3% và nhập khẩu điện 3,1%. Tổng công suất các nhà máy điện cũng sẽ tăng lên khoảng 146.800 MW vào năm 2030 với cơ cấu thủy điện tích năng chiếm 3,9%, nhiệt điện than 51,6%, nhiệt điện khí đốt 11,8%, điện sử dụng năng lượng tái tạo 9,4%, điện hạt nhân và nhập khẩu 4,8%.
Để đạt được mục tiêu về tổng công suất và sản lượng điện đặt ra tại Tổng sơ đồ 7, dự báo nhu cầu vốn đầu tư từ nay đến năm 2020 là 48,8 tỉ USD, tức là gần 5 tỷ USD/năm. Nhu cầu đầu tư lớn về nguồn điện này cũng khiến thị trường thiết bị, phụ tùng cho ngành điện trở nên sôi động. Không chỉ có các tên tuổi lớn như Alstom, Siemens, GE, Mitsubishi... đã rất quen thuộc với chủ đầu tư các dự án điện ở Việt Nam và đã khẳng định được chất lượng cũng như tiến độ của công trình ở các dự án điện lớn như Trung tâm nhiệt điện Phú Mỹ, Thủy điện Sơn La, Cà Mau 1& 2, Nhơn Trạch 1, cuộc cạnh tranh giờ còn xuất hiện nhiều tên tuổi mới đến đến từ Hàn Quốc và đặc biệt là từ Trung Quốc.
Mặc dù không có lợi thế về tên tuổi với nhiều năm kinh nghiệm như các nhà sản xuất các thiết bị chính cho nhà máy điện đến từ các nước G7, nhưng các nhà cung cấp thiết bị Trung Quốc lại có những lợi thế khác trong việc tìm kiếm nguồn tài chính cho quá trình triển khai dự án điện.
Theo báo cáo của EVN, trong tổng số 9 gói thầu được triển khai xây dựng theo hình thức chìa khóa trao tay (EPC) thì có 6 nhà thầu Trung Quốc giành được các hợp đồng xây dựng. Tại Vinacomin, nhà thầu Trung Quốc cũng giành được 6/7 hợp đồng xây dựng nhà máy nhiệt điện đốt than do đơn vị này là chủ đầu tư hoặc quản lý. Dĩ nhiên, khi doanh nghiệp Trung Quốc là tổng thầu EPC của các dự án điện thì các phần việc để thực thi gói thầu EPC này, mà cụ thể là việc chế tạo thiết bị của nhà máy điện sẽ do các doanh nghiệp Trung Quốc cung cấp không phải xa lạ.
Với thực tế thiếu vốn trong quá trình triển khai các dự án của ngành điện trong khi nhu cầu cung cấp điện ngày càng lớn và cấp bách, một số dự án điện đã chấp nhận giải pháp vay vốn từ các ngân hàng của Trung Quốc. Bởi vậy câu chuyện phải lựa chọn nhà thầu từ quốc gia cho vay vốn gần như là thông lệ trên thế giới. Dĩ nhiên, với các dự án được vay vốn từ Nhật Bản hay các nước khác thì ưu thế thuộc về các nhà nhà thầu, nhà cung cấp thiết bị chính của nước đó là tương tự.
Dẫu vậy, với cơ chế giá điện theo thị trường đã bắt đầu có hiệu lực, sẽ nâng dần giá điện lên đạt bình quân 8-9 UScents/kWh vào năm 2020, việc tìm vốn cho các dự án điện cũng được kỳ vọng đỡ gian chuân và khó khăn như thời gian qua. Điều này cũng đồng nghĩa với việc chủ đầu tư các dự án điện có thể tự cân đối được phương án tài chính để huy động được vốn thực hiện dự án. Việc chủ động được phần lớn nguồn vốn của dự án cũng sẽ giúp chủ đầu tư chủ động lựa chọn được các nhà thầu xây dựng, nhà cung cấp thiết bị chính cho dự án như mong muốn, đảm bảo được đồng thời các yếu tố chất lượng và tiến độ công trình điện. Như vậy, cơ hội cho các nhà cung cấp thiết bị cũng bình đẳng và sòng phẳng hơn.
Hoàng Nam
Đầu tư