Tin tức
Thời điểm gia nhập WTO: “Rất khó nói”

Thời điểm gia nhập WTO: “Rất khó nói”

11/10/2005

Banner PHS

Thời điểm gia nhập WTO: “Rất khó nói”

Theo nhận định của các thành viên Đoàn đàm phán Chính phủ và đại diện các tổ chức quốc tế, mục tiêu gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) của Việt Nam vào tháng 12 tới có thể sẽ không thực hiện được...

Theo nhận định của các thành viên Đoàn đàm phán Chính phủ và đại diện các tổ chức quốc tế, mục tiêu gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) của Việt Nam vào tháng 12 tới có thể sẽ không thực hiện được.

 

Lịch trình thay đổi liệu có tác động đến quá trình đàm phán tiếp theo? Ông Hà Huy Tuấn, Phó trưởng đoàn đàm phán Chính phủ đã trao đổi với báo giới xung quanh nội dung này. 


Thưa ông, lý do nào khiến chúng ta chưa thể kết thúc đàm phán?

 

Đây là vấn đề khá nhạy cảm. Nhưng tôi có thể nói rằng, lý do chưa thể kết thúc đàm phán phần lớn thuộc về phía đối tác.

 

Bản chất của đàm phán là căng thẳng, mà ai thì cũng muốn giành thuận lợi về phía mình. Yêu cầu và đòi hòi của đối tác phải ở mức độ chịu đựng được của chúng ta. Không thể mong họ hiểu chúng ta hoàn toàn, nhưng thực tế là có đối tác không hiểu gì về Việt Nam và đưa ra những yêu cầu hết sức bất hợp lý. Họ đặt lên bàn đàm phán những yêu cầu mà họ đã đặt ra cho nước nào đó.

 

Tôi nghĩ, cần phải có một quá trình vận động và giải thích để cho họ hiểu chúng ta hơn nữa.

 

Trong lĩnh vực tài chính, cụ thể là về thuế quan, quá trình đàm phán gặp những vướng mắc gì?

 

Điểm khác biệt lớn nhất trong đàm phán về thuế quan trong WTO với các đàm phán trong ASEAN, ASEAN+, cũng như Hiệp định Dệt may với EU, Mỹ là đàm phán trong WTO không đi theo các công thức cắt giảm thuế quan sẵn có để áp dụng và điều chỉnh vào trường hợp của Việt Nam.

 

Trong đàm phán song phương của WTO, các nước đối tác chủ yếu căn cứ theo lợi ích thương mại thực chất của họ để có các yêu cầu cắt giảm thuế cụ thể đối với những mặt hàng mà họ quan tâm. Các nước đối tác luôn đặt ra những yêu cầu rộng nhất và mức độ cao nhất.

 

Vì vậy, trong đàm phán WTO, Việt Nam cần đáp ứng yêu cầu cụ thể của từng nước đối tác, nhưng cũng phải cân đối với khả năng chịu đựng trong nước, đồng thời phải phù hợp với tình hình đàm phán, với các thỏa thuận với các thành viên WTO khác.

 

Theo ông, thời điểm nào chúng ta có thể chính thức gia nhập WTO?

 

Rất khó nói, bởi mục tiêu này phụ thuộc rất nhiều vào đối tác bên ngoài. Đã là đàm phán thì phải có sự chấp thuận của cả hai bên. Việc gia nhập sớm hay muộn phải nhìn vào lợi ích của chúng ta. Nếu chậm lại một chút mà hợp lý thì cũng nên chậm.

 

Hơn nữa, việc đặt ra thời điểm cụ thể sẽ không có lợi cho tiến trình đàm phán. Ở đây phải thấy rằng, gia nhập WTO không phải là mục tiêu, mà là bước đi của chúng ta trong quá trình cải cách kinh tế. Nếu bây giờ đặt vấn đề WTO là cái đích hướng tới sẽ tạo ra những khó khăn cho sau này.

 

Tôi nghĩ, gia nhập WTO chỉ là một nội dung của cải cách kinh tế.

 

Một số ý kiến cho rằng, thách thức lớn nhất trong việc Việt Nam gia nhập WTO chính là khả năng cạnh tranh thấp kém của khu vực doanh nghiệp Nhà nước. Việc lùi thời điểm gia nhập WTO liệu có giúp các doanh nghiệp này có thêm thời gian cải thiện tình hình?

 

Quỹ thời gian 6 tháng hay một năm rất ngắn ngủi, không thể làm thay đổi được điều gì to tát. Về ý kiến trên, tôi nghĩ phải xem lại. Nếu nói năng lực cạnh tranh của toàn bộ doanh nghiệp Nhà nước kém thì chưa hoàn toàn đúng. Phải nhìn vào con số cụ thể mới nói chuyện được.

 

Tôi không phủ nhận những khó khăn mà các doanh nghiệp Nhà nước đang gặp phải, nhưng hãy nhìn vào kết quả xuất khẩu trong thời gian qua, rõ ràng không thể phủ nhận vai trò của doanh nghiệp Nhà nước trong xuất khẩu lúa gạo, hạt điều, thủy sản...

 

Nhưng con số 95% doanh nghiệp trong Tp.HCM “mù mờ” về những cơ hội và thách thức khi Việt Nam gia nhập WTO khiến chúng ta phải giật mình lo ngại?

 

Đấy là con số mà ông Võ Trí Thành, Viện Quản lý Kinh tế Trung ương đưa ra tại Hội thảo Quốc gia về gia nhập WTO. Có nhiều cách để làm điều tra, thống kê lắm. Tôi muốn biết cái mẫu điều tra để có được con số đó thế nào, liệu có phản ánh đúng không?

 

Qua tiếp xúc với doanh nghiệp, tôi thấy họ đã rất sẵn sàng rồi. Tuy vậy, việc tuyên truyền để cho họ hiểu biết sâu sắc hơn về WTO cũng không bao giờ là thừa. 

Đầu tư

Banner PHS
Logo PHS

Trụ sở: Tầng 21, Phú Mỹ Hưng Tower, 08 Hoàng Văn Thái, Phường Tân Phú, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh 

(Giờ làm việc: 8h00 - 17h00 hàng ngày - trừ thứ 7, chủ nhật và các ngày lễ) 

1900 25 23 58
support@phs.vn
Kết nối với chúng tôi:

Đăng ký nhận tin

Tải app PHS-Mobile Trading

Công ty Cổ phần Chứng khoán Phú HưngCông ty Cổ phần Chứng khoán Phú Hưng