“Thời điểm tốt để bán cổ phần cho nước ngoài”
Với sự chấp thuận của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, vừa qua Ngân hàng Á Châu (ACB) đã chính thức ký hợp đồng bán 8,56% cổ phần cho Standard Chartered Bank (Anh)...
Với sự chấp thuận của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, vừa qua Ngân hàng Á Châu (ACB) đã chính thức ký hợp đồng bán 8,56% cổ phần cho Standard Chartered Bank (Anh).
Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ tịch Hội đồng Quản trị ACB, người trực tiếp tham gia thương lượng bán cổ phần, trong cuộc trả lời phỏng vấn dưới đây đã “bật mí” chuyện hậu trường của giao dịch này.
Thưa ông, ACB bắt đầu có ý định gọi vốn của ngân hàng nước ngoài từ bao giờ? Và hiện nay có phải là thời điểm tốt để bán cổ phần?
Các ngân hàng đều ý thức rõ hội nhập quốc tế đang rất gần và đều phải xây dựng một chiến lược riêng cho sự hội nhập đó, dựa trên mục tiêu, tiềm lực tài chính, khả năng cạnh tranh.
Từ nhiều năm trước, chúng tôi đã xác định chọn nhà đầu tư nước ngoài để họ hỗ trợ trong cuộc cạnh tranh sắp tới khi lĩnh vực tài chính mở cửa. Nói ngắn gọn là ACB không tự làm hết mọi việc để cạnh tranh, nhưng cũng không bán toàn bộ ngân hàng, mà bán một phần.
Khi đã quyết định chọn đầu tư nước ngoài, ACB làm thế nào để “bày tỏ” ý định với các đối tác để họ lắng nghe và thành thật với mình?
Việc đầu tiên là quảng bá ý định vào một thời điểm thích hợp. Năm nay, theo tôi, là thời điểm tốt để bán cổ phần cho nước ngoài, có thể nói là thời điểm tốt nhất từ trước đến nay do mối quan tâm đến Việt Nam ngày càng lớn của giới đầu tư tài chính.
Sau khi quảng bá, chúng tôi tạo điều kiện cho các nhà đầu tư vào khảo sát tình hình ở ngân hàng. Khoảng 10 quỹ đầu tư, ngân hàng nước ngoài đã tham gia khảo sát. Chẳng hạn, Citibank đã cử một đoàn 50 chuyên gia đến đánh giá ACB.
Điều đáng nói là nhận định của các quỹ, các ngân hàng nước ngoài về ACB tương đối giống nhau và họ đưa giá chào mua từ 5 triệu đồng/cổ phần trở lên.
Năm triệu đồng/cổ phần có phải là mức giá các ông trông đợi không?
Giá là một yếu tố trong tiêu chí chấm điểm chọn đối tác của chúng tôi, nhưng không phải là yếu tố quyết định. Trên thang điểm mười, giá chỉ có một điểm, một điểm nữa dành cho tiêu chí vị thế toàn cầu, uy tín tại châu Á của đối tác. Tám điểm được dành cho yếu tố hỗ trợ kỹ thuật. Chúng tôi thảo luận rất kỹ về các hợp đồng hỗ trợ kỹ thuật với từng người mua để có thể hiểu họ mong muốn, kỳ vọng gì ở ACB.
Hỗ trợ kỹ thuật có nhiều mức độ, từ quản trị rủi ro, thiết kế các sản phẩm bán lẻ đến đào tạo, kể cả đào tạo trong trường lớp, trong công việc thực tế, cử người sang làm việc cùng. Chúng tôi coi hỗ trợ kỹ thuật của đối tác như một khoản đầu tư lâu dài của họ.
Trong khi tổ chức đánh giá sơ bộ từng đối tác dựa trên đề xuất của họ, chúng tôi chú ý đến văn hóa kinh doanh. Nhà đầu tư được chọn cần có văn hóa kinh doanh không quá khác biệt với văn hóa kinh doanh ở Việt
Thí dụ, ACB vẫn được xem là ngân hàng bảo thủ trong tín dụng. Mọi quyết định tài trợ tín dụng đều mang tính tập thể. “Văn hóa” tín dụng ACB, do đó, có tính bảo thủ. Một đối tác có “văn hóa” tín dụng cấp tiến sẽ không thích hợp cho ACB.
Làm sao ACB có thể kiểm tra được sự khác biệt, nếu có, giữa các cam kết của người mua và tiềm lực tài chính thực tế của họ? Việc chọn đối tác dựa trên đề xuất của họ, tiêu chí của mình liệu có thật sự hiệu quả?
Trước khi quyết định chính thức chọn ai, chúng tôi đi khảo sát từng đối tác ở nước ngoài xem họ hoạt động thực tế như thế nào, thậm chí nghiên cứu những cam kết mà họ đã từng làm khi mua cổ phần của những ngân hàng ở Đông Nam Á.
Thực tế có sức thuyết phục lớn, giúp chúng tôi đánh giá các cam kết một cách chính xác hơn. So với các ngân hàng, các quỹ đầu tư chấp thuận yêu cầu của ACB nhanh, cam kết hỗ trợ mạnh, nhưng về kinh nghiệm kinh doanh tiền tệ, họ không thể bằng các ngân hàng.
Sau cuộc thương thảo ở London cuối tháng 4/2005, ACB đã chọn Standard Chartered Bank. Ông đã có mặt trong cuộc đàm phán kết thúc đó. Điều gì tác động đến sự chọn lựa của ACB, thưa ông?
Tới đây, với sự hỗ trợ của Standard Chartered Bank, ACB sẽ phát triển kênh bán lẻ qua mạng và tung ra những sản phẩm bán lẻ mới liên quan đến cho vay tiêu dùng cá nhân, hộ gia đình, mua bán nhà đất.
Trong tài trợ mua bán nhà, chúng tôi sẽ cho vay kỳ hạn dài, lãi suất cố định (hiện nay cho vay dài hạn các ngân hàng đều áp dụng lãi suất thả nổi - NV) và tham gia chứng khoán hóa các dự án bất động sản (phát hành cổ phiếu các dự án kinh doanh nhà đất).
Thay bằng đầu tư vào nhà, đất, người dân có thể đầu tư mua bán cổ phiếu của các dự án đó.
Standard Chartered Bank có phải là ngân hàng trả giá mua cổ phần cao nhất không?
Không. Một số quỹ đầu tư, ngân hàng chào giá mua cao hơn mức giá 6,2 triệu đồng/cổ phần của Standard Chartered Bank. Standard Chartered Bank mua 56.000 cổ phần với giá 348 tỉ đồng. Số tiền này chúng tôi sẽ dành để tăng vốn điều lệ từ 600 tỉ đồng hiện nay lên 950 tỉ đồng vào quí 3. Cổ đông ACB sẽ được thêm cổ phiếu mà không phải đóng tiền, kể cả Standard Chartered Bank.
TBKTVN