Thống đốc: Cần mở rộng thu hút vốn ngoại, tránh phụ thuộc quá nhiều vào vốn ngân hàng như hiện nay
Phát biểu giải trình thêm về các vấn đề Đại biểu Quốc hội quan tâm lĩnh vực tài chính, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho rằng với chỉ tiêu nợ nước ngoài, nợ công trong ngưỡng an toàn hiện nay, còn dư địa để mở rộng thu hút vốn ngoại, tránh việc nguồn vốn trong nước phụ thuộc lớn vào tín dụng ngân hàng như hiện nay.
Sáng 19/6, Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tài chính.
![]() Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng. Ảnh: QH
|
Tham gia chia lửa với Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng tại phiên chất vấn, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng, nhìn nhận từ góc độ đầu tư cho thấy tăng trưởng của nền kinh tế của ta dựa vào vốn rất lớn, tuy nhiên hiệu quả chưa cao. Điều này phản ánh qua chỉ số ICO của Việt Nam cao hơn nhiều so với các nước trên thế giới và khu vực.
“Chúng ta cũng chưa tận dụng được nhiều lợi thế về nguồn vốn, về chuyển giao công nghệ, về kỹ năng quản trị và chưa có sự kết nối của khu vực này với khu vực trong nước” – bà Hồng nêu quan điểm và cho rằng cần làm mới trong chiến lược thu hút vốn FDI trong giai đoạn tới.
Theo Thống đốc, vốn nước ngoài có thể đa dạng như thu hút vốn FDI, đầu tư gián tiếp, vay nợ nước ngoài và với các chỉ tiêu nợ nước ngoài, nợ công hiện nay chúng ta có dư địa để chúng ta mở rộng thu hút nước ngoài.
Bà Hồng nhận xét: Vốn trong nước phụ thuộc rất lớn vào vốn tín dụng ngân hàng và ngay kể cả vốn trung và dài hạn. Dư nợ tín dụng trên GDP hiện nay ở mức là 134% vào cuối năm 2024.
“Nếu tiếp tục dựa vào nguồn vốn ngân hàng sẽ tiềm ẩn rủi ro của hệ thống và có thể gây hệ lụy cho nền kinh tế” – bà Hồng nói và nhấn mạnh nếu muốn tăng trưởng cao, bền vững thì các bộ, các ngành, cả Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước phải lưu ý khi cân đối các nguồn vốn cho các mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh năm 2025 khi đất nước chuyển hướng tăng tốc, bứt phá để đạt được tăng trưởng từ 8% trở lên trở lên, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 16%.
“Chúng tôi có thể điều chỉnh, phù hợp nếu như lạm phát vẫn đang trong tầm kiểm soát” – bà Hồng nói thêm.
Không thu hút FDI bằng mọi giá
Cũng liên quan đến vấn đề vốn ngoại, trả lời đại biểu Mai Văn Hải về vấn đề liên quan đến thu hút FDI trong bối cảnh mới, ông Thắng cho hay xu hướng đầu tư toàn cầu hiện nay tập trung vào lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ lõi, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, năng lượng tái tạo...
Khu vực Đông Nam Á nổi lên là ưu tiên hàng đầu của một số quốc gia nhờ khu vực này có tăng trưởng tích cực. Việt Nam được đánh giá là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn đầu tư quốc tế nhờ chiến lược thu hút FDI phù hợp. Việt Nam có chính trị ổn định, vị thế cao, môi trường đầu tư thuận lợi.
Dòng vốn FDI vào Việt Nam được duy trì "rất tích cực", bất chấp tác động bất lợi từ bên ngoài. Tính đến 31/5, cả nước có 44,000 dự án FDI, tổng vốn đăng ký đạt 517 tỷ USD; vốn thực hiện lũy kết đạt 331.5 tỷ USD. Khu vực FDI đóng góp 20.5 tỷ USD vào ngân sách nhà nước năm 2024. "Đây là con số đóng góp rất đáng kể", Bộ trưởng Thắng cho hay.
Về định hướng thu hút FDI thời gian tới, để đạt được mục tiêu đặt ra là xây dựng đất nước thành quốc gia phát triển năm 2045, "cần chuyển dịch trọng tâm thu hút FDI có chọn lọc". Cụ thể, Việt Nam sẽ ưu tiên dự án công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, giá trị gia tăng cao, thân thiện môi trường, thay vì chạy theo số lượng bằng mọi giá.
Nhóm đối tác chiến lược của Việt Nam như G7, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Đài Loan, Mỹ, EU... là trọng tâm xúc tiến thu hút đầu tư gắn với các lĩnh vực Việt Nam đang khuyến khích phát triển.
Doanh nghiệp FDI sẽ phải chuyển giao công nghệ
Đại biểu Lê Thị Ngọc Linh nêu vấn đề, kinh tế tư nhân là một trong những đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước. Tuy nhiên, thời gian qua nhiều doanh nghiệp tư nhân còn gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn, công nghệ và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Bộ trưởng có chính sách đột phá nào khuyến khích kinh tế tư nhân đầu tư vào nghiên cứu, phát triển đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số thay vì chỉ tập trung vào các lĩnh vực truyền thống. Liệu có cơ chế tài chính đặc thù để hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân đầu ngành vươn tầm khu vực và quốc tế hay không, bà Linh đặt câu hỏi.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng trả lời phần lớn doanh nghiệp tư nhân, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam hiện nay vẫn đứng ngoài hoặc tham gia ở tầng giá trị thấp trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Thực trạng này xuất phát từ ba nguyên nhân chính, trước hết là năng lực nội tại của doanh nghiệp tư nhân trong nước còn hạn chế, chưa đáp ứng được tiêu chuẩn khắt khe của các chuỗi cung ứng toàn cầu. Mặt khác doanh nghiệp FDI khi vào Việt Nam thường mang theo hệ sinh thái từ nước ngoài, nên không mở được không gian hợp tác cho doanh nghiệp trong nước. "Chính sách khuyến khích doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam, nói thật là chưa đủ mạnh để các doanh nghiệp lớn hoặc doanh nghiệp FDI hỗ trợ, dẫn dắt doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng phát triển", Bộ trưởng Thắng nói.
Vì vậy, Bộ Tài chính đang tích cực thực hiện 5 nhóm giải pháp, trước hết là phát triển chuỗi liên kết ngành giá trị cao, đặc biệt trong công nghiệp hỗ trợ, công nghệ thông tin, công nghiệp sáng tạo. Doanh nghiệp FDI được khuyến khích dẫn dắt chuỗi cung ứng nội địa, kết nối với doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Chính sách ưu đãi đầu tư sẽ được điều chỉnh trong đó có ràng buộc điều kiện chuyển giao công nghệ. Các dự án FDI lớn cần có kế hoạch sử dụng chuỗi cung ứng từ doanh nghiệp nội địa, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước. "Trong quá trình thu hút đầu tư, tất cả các vấn đề này phải được đặt ra và có yêu cầu cụ thể, có tính pháp lý để các doanh nghiệp FDI phải tuân thủ, tránh như thời gian vừa qua", Bộ trưởng Thắng khẳng định.
Giải pháp tiếp theo ông Thắng nêu là rà soát sửa đổi chính sách thuế để các doanh nghiệp lớn hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, như là cho phép doanh nghiệp lớn được tính vào chi phí được trừ để xác định chi phí chịu thuế với chi phí đào tạo và đào tạo lại nhân lực doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia chuỗi.
Doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng được hỗ trợ đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đầu tư máy móc, thiết bị..
Nhật Quang