Tin tức
Thông tin ngân hàng sẽ mở cửa

Thông tin ngân hàng sẽ mở cửa

14/04/2006

Banner PHS

Thông tin ngân hàng sẽ mở cửa

Cuộc phỏng vấn ông Kiều Hữu Dũng, Vụ trưởng Vụ các Tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước, bắt đầu bằng một trong những vấn đề đang thời sự: ngân hàng quốc doanh công khai báo cáo tài chính.

Cuộc phỏng vấn ông Kiều Hữu Dũng, Vụ trưởng Vụ các Tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước, bắt đầu bằng một trong những vấn đề đang thời sự: ngân hàng quốc doanh công khai báo cáo tài chính.

Sự công khai đó liên quan tới nhiều khía cạnh khác như cổ phần hóa Vietcombank, giá cổ phiếu ngân hàng và sự hiện diện của dòng vốn nước ngoài trong cơ cấu vốn của các tổ chức tín dụng hiện nay.

Một thời gian dài, do tính chất nhạy cảm của việc công khai báo cáo tài chính của ngân hàng quốc doanh, công chúng đã không thể có được thông tin chính xác về nợ, về hiệu quả kinh doanh của các đơn vị này. Bây giờ phải chăng là lúc mở cánh cửa thông tin về ngân hàng quốc doanh?

Tình hình tài chính của các ngân hàng quốc doanh trong thời gian qua đã được cải thiện đáng kể, thể hiện ở năm chỉ tiêu: (1) tốc độ tăng trưởng tín dụng duy trì ở mức cao, trung bình 20%/năm; (2) nợ xấu được kiểm soát hiện là 7,7% tổng dư nợ; (3) tỷ lệ an toàn vốn trung bình 4,5%; (4) vốn điều lệ, vốn tự có tăng lên, trung bình khoảng 4.500 tỉ đồng; (5) kinh doanh có lãi.  

Con số nợ xấu 7,7% có thể tin cậy đến đâu, thưa ông?

Chuẩn mực kế toán quốc tế (IAS39 International Accounting Standard 39) không có định nghĩa rõ ràng về nợ xấu, chỉ có định nghĩa mức rủi ro, tổn thất và dự phòng rủi ro. Ở các nước, nợ xấu tính theo ngày, quá hạn 90 ngày là tính vào nợ xấu. Theo chuẩn Việt Nam, quá 90 ngày kể từ ngày đáo hạn cũng được tính là nợ xấu. Tuy nhiên, có những khoản đáo hạn dưới 90 ngày, nhưng chất lượng xấu thì vẫn phải trích dự phòng rủi ro.

Thí dụ ở Ngân hàng Công thương, kiểm toán của Công ty Ernst & Young năm 2004 cho thấy nợ từ nhóm 3 đến nhóm 5 theo IAS39 là 34%, nhóm 4 đến 5 khoảng 7-8%. Tương tự, ở Ngân hàng Kỹ thương, nợ từ nhóm 3 đến nhóm 5 khoảng trên 30%. Vấn đề là ở chỗ nợ xấu lấy từ nhóm nào. Theo chúng tôi, phải từ nhóm 4-5 mới được xem là nợ xấu. Hiện chưa có tiêu chuẩn thống nhất nào về nợ xấu. Việc áp dụng chuẩn quốc tế, vì vậy, phải phù hợp với điều kiện Việt Nam, nếu không sẽ có cái nhìn phiến diện về nợ.

Theo tôi, nợ như thế nào nên để cho thị trường đánh giá. Ngay cả với những ngân hàng sắp cổ phần hóa, giá trị cổ phiếu do thị trường quyết định dựa trên sự đánh giá của thị trường về nợ, về hiệu quả của ngân hàng đó.

Nhưng khi Vietcombank, BIDV hay MHB bán cổ phần, niêm yết ở nước ngoài, thì việc đánh giá các ngân hàng theo chuẩn Việt Nam liệu có thể được giới đầu tư quốc tế chấp nhận?

Tôi đã nói chuyện với một số nhà đầu tư chiến lược muốn đầu tư vào Vietcombank, họ hoàn toàn chấp nhận Quyết định 493 do Ngân hàng Nhà nước ban hành năm 2005 về phân loại nợ và tiêu chí đánh giá nợ của Vietcombank.

Vậy nợ xấu của Vietcombank thực chất là bao nhiêu?

Dưới 3% tổng dư nợ, thấp nhất trong khối ngân hàng quốc doanh.

Đề án cổ phần hóa Vietcombank, theo chúng tôi được biết, phải đến tháng 10/2006 mới được trình Chính phủ. Vì sao chậm như vậy?

Xung quanh việc cổ phần hóa Vietcombank hiện đang có hai ý kiến. Thứ nhất là tìm một nhà đầu tư chiến lược, nâng chất lượng quản trị của Vietcombank lên, sau đó tiến hành đấu giá lần đầu ra công chúng (IPO). Thứ hai là cổ phần hóa từng bước, mỗi lần bán ra 10% giá trị doanh nghiệp. Vietcombank đang cân nhắc bước đi. Tuy nhiên, quan trọng là phải chọn được nhà tư vấn.

Hình như các nhà tư vấn mà Vietcombank mời chào đã nộp phương án của họ?

Bốn nhà tư vấn quốc tế đã nộp hồ sơ hai tuần trước đây. Vietcombank cần khoảng 3-4 tuần để xem xét các hồ sơ đó. Sau khi tư vấn được chọn, họ sẽ vào đánh giá toàn bộ Vietcombank, đưa ra lộ trình cổ phần hóa, tiêu chí lựa chọn đối tác chiến lược phù hợp...

Nếu thế, đề án cổ phần hóa mà Vietcombank và Ngân hàng Nhà nước soạn thảo, sẽ trình Chính phủ, có dựa trên đánh giá của tổ chức tư vấn không, hay riêng biệt?

Đề án của Vietcombank đưa ra những nguyên tắc cơ bản, nhưng vì Vietcombank là ngân hàng đầu tiên cổ phần hóa, nên trong quá trình thực hiện sẽ có những chỉnh sửa cho phù hợp. Còn đề án của nhà tư vấn sẽ đề cập tới tất cả những vấn đề mà ngân hàng có thể gặp phải trong quá trình thực hiện, tạo ra cơ sở pháp lý cũng như định hướng cổ phần hóa Vietcombank.

Ở trên, ông nói rằng giá cổ phiếu Vietcombank và các ngân hàng nên để cho thị trường quyết định. Ông có nghĩ giá cổ phiếu ngân hàng hiện nay đã mang tính thị trường?

Khó có thể nói đã hoàn toàn mang tính thị trường, nhưng ít ra nó phản ánh một phần cung-cầu. Ở các nước, cổ phiếu ngân hàng có khi gấp 2-3 lần mệnh giá, có khi 8-9 lần, có khi 15 lần. Ở Việt Nam, hiện giá cổ phiếu ngân hàng cao gấp 6-7 lần hoặc 3-4 lần tùy từng ngân hàng.

Có thể thấy giá đó phản ánh kỳ vọng của nhà đầu tư vào hoạt động ngân hàng. Mặt khác, quy mô các ngân hàng Việt Nam còn nhỏ, nhu cầu tăng vốn cao, vì thế nhà đầu tư khi mua cổ phiếu ở mức giá gấp 6-7 lần, họ còn nhìn vào khả năng được mua thêm cổ phiếu bằng mệnh giá ở những đợt phát hành sau.

Trong tương lai, tỷ lệ tối đa số cổ phần nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu trong các ngân hàng hiện là 30% có thể được sửa đổi không?

Trước mắt đến năm 2008, tỷ lệ 30% vẫn sẽ giữ nguyên. Một trong những vấn đề mà các nhà đầu tư nước ngoài gần đây thường đề cập là liệu đầu tư vào nhiều, Việt Nam có tiêu thụ hết không và tiền vào nhanh, thì cũng có thể ra nhanh.

Một khi ngoại tệ vào nhiều, Ngân hàng Trung ương phải phát hành thêm tiền đồng để mua ngoại tệ và như vậy dự trữ ngoại hối sẽ tăng thêm, cơ sở tiền tệ tăng gây áp lực lên lạm phát. Do đó câu hỏi đặt ra là dự trữ ngoại tệ bao nhiêu là hợp lý. Dự trữ ngoại hối không phải càng nhiều càng tốt.

Xin cảm ơn ông.

TBKTSG

Banner PHS
Logo PHS

Trụ sở: Tầng 21, Phú Mỹ Hưng Tower, 08 Hoàng Văn Thái, Phường Tân Mỹ, Thành phố Hồ Chí Minh
(cũ: Phường Tân Phú, Quận 7)

(Giờ làm việc: 8h00 - 17h00 hàng ngày - trừ thứ 7, chủ nhật và các ngày lễ) 

1900 25 23 58
support@phs.vn
Kết nối với chúng tôi:

Đăng ký nhận tin

Tải app PHS-Mobile Trading

Công ty Cổ phần Chứng khoán Phú HưngCông ty Cổ phần Chứng khoán Phú Hưng