Thủ tướng chỉ đạo tổng lực phát triển vận tải đường thủy, giảm chi phí logistics
Ngày 19/07, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Công điện số 113/CĐ-TTg, yêu cầu triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm phát triển vận tải thủy nội địa và vận tải ven biển, thúc đẩy phát triển logistics và kinh tế vùng.
![]() Tỷ trọng vận tải hàng hóa bằng đường thủy nội địa và ven biển có xu hướng ngày càng tăng - Ảnh minh hoạ
|
Theo công điện, Việt Nam có hệ thống sông ngòi dài khoảng 42,000 km và đường bờ biển trên 3,260 km, là điều kiện thuận lợi để phát triển phương thức vận tải chi phí thấp, thân thiện môi trường, có khả năng chuyên chở khối lượng hàng hóa lớn. Tuy nhiên, kết cấu hạ tầng còn thiếu đồng bộ, năng lực đội tàu và cơ chế chính sách chưa theo kịp khiến tiềm năng này chưa được khai thác hiệu quả.
Tập trung rà soát quy hoạch, ưu tiên đầu tư hạ tầng trọng điểm
Thủ tướng giao Bộ Xây dựng khẩn trương hoàn thành trong tháng 9/2025 việc rà soát, sửa đổi các văn bản pháp luật liên quan ngành hàng hải, đường thủy, tập trung vào chính sách khuyến khích đầu tư xã hội hóa, phát triển hạ tầng, phương tiện và nguồn nhân lực. Đồng thời, cập nhật quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông thủy nội địa, cảng biển, đảm bảo đồng bộ với các phương thức vận tải khác.
Bộ này cũng được yêu cầu xây dựng danh mục ưu tiên đầu tư các cảng thủy nội địa và cảng biển tại các vùng kinh tế trọng điểm như Bắc Bộ, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, hoàn thành trước tháng 9/2025. Đề án tổng thể phát triển hạ tầng và dịch vụ vận tải thủy nội địa giai đoạn 2026-2035 phải được trình trong tháng 10/2025.
Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính chủ trì cân đối, bố trí vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030 cho các dự án trọng điểm phát triển hạ tầng đường thủy, cảng biển. Đồng thời, cần nghiên cứu đề xuất chính sách ưu đãi thuế, phí cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này và cơ chế hỗ trợ vốn vay, tín dụng ưu đãi cho hoạt động đóng mới, cải hoán phương tiện thủy phù hợp tiêu chuẩn kỹ thuật, môi trường.
Phối hợp liên ngành và địa phương để khơi thông nguồn lực đầu tư
Công điện yêu cầu các bộ ngành khác vào cuộc đồng bộ:
Bộ Quốc phòng chỉ đạo Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn nghiên cứu đầu tư một số cảng nội địa, cảng biển trọng điểm.
Bộ Công an đảm bảo an ninh, trật tự tại các tuyến đường thủy.
Bộ Công Thương xây dựng chính sách khuyến khích doanh nghiệp xuất nhập khẩu sử dụng dịch vụ vận tải thủy để giảm chi phí chuỗi cung ứng.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường rà soát thủ tục về đất đai, nạo vét, đánh giá tác động môi trường, điều chỉnh quy định liên quan đê điều để tạo thuận lợi đầu tư cảng tại khu vực ngoài đê.
UBND các tỉnh, thành phố được giao rà soát, cập nhật quy hoạch sử dụng đất, bố trí quỹ đất phát triển hạ tầng vận tải thủy; phối hợp xử lý vi phạm hành lang bảo vệ luồng tuyến để đảm bảo thông suốt, an toàn.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà được Thủ tướng giao trực tiếp chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ nêu trong công điện. Văn phòng Chính phủ chủ trì phối hợp Bộ Xây dựng theo dõi, đôn đốc và tổng hợp báo cáo định kỳ hàng quý về kết quả thực hiện.
Tùng Phong