Thủ tướng Chính phủ ra công điện "thúc tiến độ" giải ngân vốn đầu tư công 2025
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc vừa ký ban hành Công điện số 60/CĐ-TTg, thay mặt Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương khẩn trương thúc đẩy tiến độ phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công năm 2025. Động thái này được đưa ra trong bối cảnh tỷ lệ giải ngân sau 4 tháng đầu năm tiếp tục ở mức thấp.
Theo công điện, tính đến hết tháng 4, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương mới giải ngân được khoảng 15.56% kế hoạch vốn đầu tư công được Thủ tướng giao. Con số này không chỉ thấp so với yêu cầu mà còn giảm so với cùng kỳ năm trước (16.64%). Đáng chú ý, hiện vẫn còn 9 bộ, cơ quan trung ương chưa giải ngân đồng nào; 15 bộ giải ngân dưới 5%; 12 địa phương chưa đến 10%.
Về phân bổ vốn, tính đến ngày 15/03, tỷ lệ phân bổ chi tiết đạt 93.69% và đến cuối tháng 4 đã nâng lên 99%. Tuy nhiên, vẫn còn hơn 8,263 tỷ đồng chưa được phân bổ, buộc Chính phủ phải yêu cầu các đơn vị liên quan sớm trình phương án xử lý, chậm nhất là ngày 15/05.
Công điện nhấn mạnh, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu biến động phức tạp, đặc biệt là các biện pháp thuế quan đối ứng của Hoa Kỳ, việc đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công không chỉ là giải pháp ngắn hạn thúc đẩy tăng trưởng, mà còn mang ý nghĩa chiến lược, nhằm bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.
Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành và địa phương xem giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị hàng đầu, cần lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt. Lãnh đạo các đơn vị sẽ phải chịu trách nhiệm trực tiếp nếu không đạt tiến độ theo kế hoạch.
Các yêu cầu cụ thể được đưa ra gồm: hoàn tất phân bổ vốn đúng quy định, tránh dàn trải; lên kế hoạch giải ngân chi tiết từng dự án theo tháng, quý; đẩy nhanh giải phóng mặt bằng, thi công, xử lý vướng mắc pháp lý; chủ động điều chuyển vốn khỏi các dự án chậm giải ngân sang dự án có khả năng giải ngân tốt hơn.
Chính phủ cũng yêu cầu thực hiện nguyên tắc “6 rõ”: rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thẩm quyền, rõ thời gian, rõ kết quả. Cùng với đó là tăng cường kỷ luật, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân làm chậm tiến độ; chống tiêu cực, lãng phí trong đầu tư công.
Với các dự án ODA, chủ đầu tư phải thường xuyên bám sát tiến độ, chủ động phối hợp với Bộ Tài chính và các nhà tài trợ để tháo gỡ vướng mắc. Các địa phương cần tăng tốc thu ngân sách, đặc biệt từ nguồn sử dụng đất, để kịp phân bổ vốn theo kế hoạch.
Riêng với các chương trình mục tiêu quốc gia, Công điện yêu cầu rà soát toàn diện, tháo gỡ ngay những vướng mắc, đặc biệt ở cấp cơ sở, tránh để tình trạng vốn có nhưng không tiêu được vì ách tắc thủ tục. Các chủ đầu tư cũng phải khẩn trương tạm ứng, hoàn thiện hồ sơ thanh toán để đẩy nhanh quá trình thi công và thanh quyết toán.
Tử Kính