Thủ tướng: ĐBSCL cần đoàn kết hơn nữa, thần tốc hơn nữa
Phát biểu tại hội nghị sáng 13/07 tại Cần Thơ, Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) siết chặt đoàn kết, đẩy nhanh tiến độ và bứt phá mạnh mẽ để hoàn thành mục tiêu năm 2025, nhất là trong triển khai mô hình chính quyền địa phương hai cấp, các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm và Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp.
Về mô hình chính quyền địa phương hai cấp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết quá trình triển khai từ ngày 01/07 đến nay diễn ra suôn sẻ, không phát sinh trục trặc lớn. Các địa phương đã nhanh chóng ổn định bộ máy, phân công cán bộ hợp lý, đảm bảo việc phục vụ người dân và doanh nghiệp không bị gián đoạn. TPHCM và Cần Thơ là hai địa phương tiêu biểu trong việc vận dụng sáng tạo để xử lý thủ tục hành chính, thể hiện tinh thần trách nhiệm, quyết liệt và hiệu quả.
Thủ tướng đánh giá cao những kết quả này, nhưng đồng thời yêu cầu các cơ quan tiếp tục rà soát, triển khai đồng bộ, chuyên nghiệp hơn, hướng tới vận hành thông suốt và thuận lợi hơn nữa. Mục tiêu trong những tháng còn lại của năm là hoàn thiện mô hình này một cách “hoàn hảo nhất có thể”.
Ở lĩnh vực hạ tầng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh thông tin, vùng phía Nam đang triển khai 21 dự án giao thông trọng điểm, trong đó có 13 dự án hoàn thành trong năm 2025. Đặc biệt, cầu Rạch Miễu 2 là một điểm sáng khi hoàn thành sớm 6 tháng, giúp giảm chi phí gần 50%. Với dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, các nhà thầu cam kết sẽ hoàn thành đúng hạn ngày 19/12 theo chỉ đạo của Thủ tướng.
![]() Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: ĐBSCL cần đoàn kết hơn nữa, bứt phá, thần tốc hơn nữa - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
|
Bên cạnh giao thông đường bộ, các lĩnh vực hàng không, đường sắt cũng được thúc đẩy. Cảng hàng không Cà Mau dự kiến khởi công khu bay vào tháng 8. Đường sắt TPHCM - Cần Thơ đang trong giai đoạn hoàn tất báo cáo tiền khả thi, sẽ trình lên Thủ tướng vào tháng 9. Thủ tướng yêu cầu các công trình hạ tầng, nhất là các dự án phục vụ APEC 2027 tại Phú Quốc, phải được triển khai nhanh, đẹp, xứng tầm vị thế quốc gia.
Tại hội nghị, Thủ tướng nhiều lần nhấn mạnh tinh thần “vượt nắng thắng mưa, không thua bão gió”, “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, kêu gọi toàn hệ thống chính trị vào cuộc. Ông cũng chỉ rõ, việc đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, huy động vật liệu và hợp tác với các doanh nghiệp địa phương là điều kiện tiên quyết để giữ tiến độ.
Với Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, đến nay đã có 12/12 tỉnh vùng ĐBSCL đăng ký tham gia, tổng diện tích hơn 1.015 triệu ha. Kết quả từ 7 mô hình thí điểm cho thấy hiệu quả rõ rệt: chi phí sản xuất giảm mạnh, năng suất tăng 2.4-7%, lợi nhuận tăng đến 7.6 triệu đồng/ha so với canh tác truyền thống, lượng nước tưới và phân bón giảm đáng kể. Đặc biệt, các mô hình đã góp phần cắt giảm 2-12 tấn CO2 tương đương/ha.
Các địa phương cũng đã triển khai thêm hơn 100 mô hình quy mô lớn, gắn với hợp tác xã và doanh nghiệp. Đến nay, gần 200 doanh nghiệp đăng ký tham gia, trong đó 40% có liên kết vùng từ 200ha trở lên. Lô hàng 500 tấn “gạo Việt xanh phát thải thấp” đã xuất khẩu sang Nhật Bản đầu năm nay mở ra triển vọng lớn về thương hiệu gạo Việt.
Thủ tướng đánh giá Đề án là chương trình đầu tiên trên thế giới xây dựng mô hình lúa chất lượng cao, phát thải thấp quy mô 1 triệu ha, vừa đảm bảo an ninh lương thực, vừa nâng cao chất lượng nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế. Ông chỉ đạo hoàn thiện quy hoạch liên quan trong quý 3, mở rộng các thương hiệu gạo mới bên cạnh ST25, đẩy mạnh tín dụng ưu đãi, kết nối chuỗi cung ứng, đổi mới công nghệ và nâng cao giá trị nông sản.
Đối với các mục tiêu chung, Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh 4 trọng tâm trong nửa cuối năm: duy trì tăng trưởng GDP đạt 8%, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô; đảm bảo quốc phòng - an ninh; vận hành hoàn chỉnh mô hình chính quyền hai cấp; và hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát trên toàn vùng trước ngày 31/08, trong đó hoàn tất hỗ trợ nhà ở cho người có công trước 27/07.
Thủ tướng khẳng định “ai có gì giúp nấy, ai có công giúp công, ai có của giúp của”, kêu gọi tinh thần đoàn kết cộng đồng để thực hiện chính sách an sinh này một cách hiệu quả.
Riêng với dự án Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ - công trình khởi công từ 2017 nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành, Thủ tướng yêu cầu thanh tra toàn diện dự án, giao TP Cần Thơ làm chủ đầu tư và yêu cầu hoàn thành trong năm 2026. Bộ Tài chính sẽ bố trí vốn đầu tư công để khởi động lại.
Chốt lại hội nghị, Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ cùng các bộ, ngành tổng hợp, tiếp thu ý kiến và sớm ban hành Thông báo kết luận để triển khai đồng bộ trên toàn vùng. Với tinh thần “biến không thành có, biến khó thành dễ”, Thủ tướng một lần nữa nhấn mạnh yêu cầu các địa phương trong vùng phải siết chặt đoàn kết, đẩy nhanh hơn nữa, thần tốc hơn nữa để ĐBSCL không chỉ bắt kịp mà còn vươn lên mạnh mẽ.
Tử Kính