Tin tức
Thủ tướng: "Nếu ĐB điện thoại, tôi sẽ trả lời ngay"

Thủ tướng: "Nếu ĐB điện thoại, tôi sẽ trả lời ngay"

27/11/2006

Banner PHS

Thủ tướng: "Nếu ĐB điện thoại, tôi sẽ trả lời ngay"

Thủ tướng hoan nghênh sáng kiến trả lời trực tuyến của bộ trưởng TNMT và cho biết ông sẽ đối thoại trực tuyến với cử tri qua website Đảng Cộng sản.

Thời gian chất vấn chiều nay bị chậm gần 20 phút do Thường vụ QH phải hội ý lại, bởi còn 8 ý kiến đại biểu muốn chất vấn tiếp Chánh án TAND Nguyễn Văn Hiện. Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng xin ý kiến các đại biểu có nên tiếp tục chất vấn Chánh án Nguyễn Văn Hiện, lùi thời gian chất vấn của Thủ tướng Chính phủ xuống hay không?

Tuy nhiên, cả hội trường nhất trí là giữ nguyên lịch ban đầu, tức là vẫn chất vấn Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng. Đây là phiên cuối cùng khép lại đợt chất vấn tại kỳ họp thứ 10 QH khoá XI.

Khó đạt tốc độ tăng trưởng 8,2%

Sau đây, có 3 nhóm nội dung mà các đại biểu chất vấn:

1 - Ý kiến của đại biểu QH nêu (đại biểu Phạm Quang Dự) vì sao tốc độ tăng trưởng kinh tế vượt kế hoạch (8%), duy trì ở mức cao (8,2%) nhưng thấp hơn mức đã đạt được của năm 2005? Vì sao chất lượng, hiệu quả tăng trưởng chưa có chuyển biến đáng kể? Có đúng như nhận định của Ủy ban Kinh tế - Ngân sách “đóng góp vào tăng trưởng kinh tế vẫn chủ yếu là yếu tố vốn (trên 60%) và lao động...”, xuất khẩu tài nguyên thiên nhiên (dầu thô, than đá, nông lâm hải sản)? 

Cái này đã có trong văn bản trả lời, nhưng Thủ tướng CP nói thêm:

Trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập, kinh tế đạt tăng trưởng cao, bền vững là mục tiêu cao và yêu cầu rất khó. Chúng ta có thời cơ lớn, nhưng thách thức không nhỏ. Sau 20 năm đổi mới, thế và và lực của đất nước được nâng lên nhưng còn nhiều bất cập, yếu kém, do vậy để đạt mục tiêu yêu cầu cần bền bỉ, đồng bộ các giải pháp. Trong đó, có cải cách thủ tục hành chính, môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, kiện toàn nâng cao hiệu lực bộ máy nhà nước. 

Yêu cầu đặt ra, Thủ tướng nhấn mạnh, là phát triển nhanh giáo dục có hiệu quả và KHCN - khâu đột phá để tăng năng suất, tính cạnh tranh của sản phẩm và của cả nền kinh tế. Có nhiều nguyên nhân, trong đó có do năng suất lao động. Lao động đã qua đào tạo hết 2006 mới đạt 27%. Dừng lại một lúc, Thủ tướng nói tiếp, ở đây chưa nói đến chất lượng. Việt Nam phấn đấu đạt 30% lao động được đào tạo vào 2007 và 40% vào 2010.

Trong khi đó, các nước đang phát triển ngay trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương lao động qua đào tạo đã đạt trên 50%, còn các nước phát triển cao hầu hết lao động đã qua đào tạo nghề. Chúng ta muốn đạt con số cao còn phải phấn đấu quyết liệt. Năng suất phụ thuộc nhiều vào KHCN, trong điều kiện KHCN đã trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp. Nó tác động vào kinh tế 23-27%, trong khi các nước phát triển cao là 80-90% còn các nước đang phát triển là 50-60%. Để có tăng trưởng cao cần tăng trưởng đi liền phát triển biền vững, số lượng đi liền nâng cao chất lượng mới tạo sự chuyển biến, chưa nói đến yếu tố về vốn, quản trị, tài nguyên.

Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, chúng ta phải có chiến lược để tạo ra chuyển biến nhanh. "Đại biểu có hỏi là nhận định của ủy ban kinh tế cho là tăng trưởng của nền kinh tế, yếu tố vốn chiếm 40% có đúng không, nhận định này về cơ bản phù hợp với nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và đầu tư. 

Với câu hỏi: Vì sao xác định tăng trưởng GDP năm 2006 là 8,2 % tuy tăng vượt kế hoạch nhưng thấp hơn 2005 là 8,47%. Thủ tướng chỉ rõ mấy nguyên nhân:

Thứ nhất, năm 2005 GDP tăng trưởng đạt đỉnh cao nhất trong các năm nên rất khó khăn để vượt qua.

Thứ hai, tốc độ tăng trưởng ba khu vực dịch vụ, công, nông năm 2006 đều thấp hơn năm ngoái.

Nông nghiệp năm 2005 tăng 5% năm nay dự kiến hơn 4% nhưng vẫn kém bởi các lý do, dịch rầy nâu và bệnh vàng lùn, chiếm diện tích hơn 400 nghìn hec ta, thiệt hại khoảng 900 nghìn tấn lúa, khoảng 2000 tỷ đồng. Thủ tướng giải thích, tuy Việt Nam kiềm chế được dịch cúm gia cầm nhưng ngành nông nghiệp vẫn chưa phục hồi, gia cầm thấp hơn. Do đó, tăng trưởng nông nghiệp năm 2006 thấp hơn năm 2005 là 0,77%.

Công nghiệp, giá trị sản xuất tăng khá cao, nhưng về GDP năm ngoái tăng 10,65 % còn năm nay 10, 43%

Lý do, thứ nhất, khó có khả năng đạt 17,1 triệu tấn dầu thô.

Thứ hai, nhà máy phân đạm Phú Mỹ đã được đưa vào dùng rất đáng vui mừng, vừa rồi chúng ta dã phải ngừng 3 tháng để bảo hành, thiệt hại rất lớn

Thứ ba, do giá cả nên thiếu nguyên liệu cho sản xuất, sản lượng đường năm nay giảm gần 200 ngàn tấn,  các lĩnh vực khác có tăng lên nhưng 3 yếu tố này lại giảm xuống.

Dịch vụ năm 2005 tăng 8,5, năm nay tăng 8,25%.

Quy mô kinh tế lớn hơn nhưng tốc độ tăng trưởng đòi hỏi 8,2% là rất khó khăn, đòi hỏi nỗ lực lớn trong mấy tháng cuối năm.

Riêng kiến nghị của các đại biểu QH về chỉ tiêu tăng trưởng GDP của 2007, chúng ta nên xác định ở mức từ 8,2-8,5% như báo cáo của CP trước QH vì CP đã thảo luận kỹ, xin ý kiến Bộ Chính trị xuất phát từ thực tiễn tình hình kinh tế - xã hội năm 2006. 

Cải cách hành chính phải là khâu đột phá cho phát triển kinh tế

Về cải cách hành chính chậm, nhiều vướng mắc, gây phiền hà cho người dân và DN, Thủ tướng CP cho rằng, Chương trình cải cách hành chính Chính phủ đề ra 2001-2010, hiện đang triển khai giai đoạn 2 trên cả 4 nội dung lớn: thể chế và thủ tục hành chính, bộ máy, cán bộ công chức và nền tài chính công.

Theo Thủ tướng, công tác này đã có chuyển biến tích cực, nhưng nhìn chung, vẫn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu và đòi hỏi chính đáng, làm cản trở, phiền hà cho người dân mà thời gian tới cần cải tiến nhiều hơn, mạnh mẽ hơn, là khâu đột phá cho phát triển kinh tế, nhất là khi ta đã là thành viên WTO. 

CP cũng đã trình bày toàn diện giải pháp, đồng thời đã chuẩn bị xong đề án cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả bộ máy nhà nước trình BCH TW Đảng lần 4 trong tháng 12. Đây là động lực, thành công trong cải cách hành chính. Trước mắt, CP tiếp tục hoàn thiện thể chế chính sách, cải cách thông qua xây dựng pháp luật, đẩy nhanh nâng cao chất lượng pháp luật đã ban hành. Tháng 7 CP còn nợ 135 nghị định, hết tháng 11/2006 chỉ còn 63 NĐ, tháng 12 ban hành tiếp 20 NĐ.

Song song đó, rà soát, bổ sung luật cho phù hợp thực tiễn, giảm tối đa phiền hà trong quản lý đất đai, ngân sách, tài sản công, quy hoạch, cải cách nhà nước.

CP cũng yêu cầu các cấp, ngành xây dựng, niêm yết công khai trình tự, quy trình, thời gian giải quyết công việc theo chức trách, nhất là trong việc thành lập DN, cải tạo môi trường kinh doanh, cấp phép xây dựng, thế chấp quyền sử dụng đất, giao đất cấp sở hữu nhà, thủ tục hải quan, công chứng, chứng nhận... ngoài ra, tiến hành thanh tra, kiểm tra thực hiện, tránh gây phiền hà, nhũng nhiễu cho dân và DN, đây là việc làm cụ thể nhưng thiết thực.

Thứ hai đối với nông dân mà đăng ký thế chấp sổ đỏ thì không thu lệ phí để giảm bớt khó khăn phiền hà, đối tượng khác có thu, thu bao nhiêu do hội đồng nhân dân tỉnh thành phố quyết định.

Thuỷ lợi  phí có thể xem là  thành tựu 20 năm đổi mới góp phần cải thiện đời sống nông dân, nhưng phải thẳng thắn nhìn nhận là sau 20 năm đổi mới, do nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan, nông thôn và nông dân là đối tượng được hưởng lợi ít nhất, sắp tới đây, khi hội nhập càng sâu rộng, sản phẩm của nông dân rát dễ bị tổn thương và dễ bị thua thiệt

Chủ trương, các Bộ ngành phải rà soát lại để giảm tối đa đóng góp cho nông dân. Trên tinh thần đó, vấn đề thủy lợi phí được quan tâm xem xét. Nếu thu đủ cũng khoảng 1200 tỷ, còn như năm nay khoảng 800 tỷ, nhưng liên quan đến doanh nghiệp quản lý thủy nông. Đã kiến nghị giao cho Bộ tài chính chủ trì để xem phương án giảm hoặc miễn thu thuỷ lợi phí, trên tinh thần giảm tối đa đóng góp của nông dân. Phương án cụ thể sẽ báo cáo sau.

Về quy hoạch treo, Thủ tướng chính phủ đã giao Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường và xây dựng

Quy hoạch treo là có thật theo nghĩa không sát không phù hợp thực tế nhưng vẫn kéo dài, đây là hạn chế của chính quyền các cấp. Để hạn chế, tháng 10 /06 Chính phủ đã ban hành quy hoạch.

Chính phủ cũng dự định qua thực tế sẽ xây dựng thành luật về quy hoạch và quản lý quy hoạch, yêu cầu bộ, ngành UBND các địa phương rà soát, sửa đổi bổ sung các loại quy hoạch để vừa phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội vừa xóa bỏ quy hoạch treo, không khả thi.

Thủ tướng đề nghị ĐBQH giám sát chống tham nhũng

Trong chất vấn Thủ tướng, đại biểu nêu Chính phủ đã đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, cần giải pháp như thế nào? 

TW Đảng đã có Nghị quyết về phòng chống tham nhũng, QH đã ban hành Luật Phòng chống tham nhũng, CP có Ban chỉ đạo TW phòng chống tham nhũng. Đến nay, CP và các bộ ngành đều đã có Nghị quyết, có chương trình hành động phòng chống tham nhũng.

Vấn đề đặt ra là hành động như thế nào, nói phải đi đôi với làm, trước hết là ở đơn vị mình, ngành mình, địa phương mình. Cần tự giác hành động, kiên quyết và nghiêm túc phòng chống lãng phí, tham nhũng từ bản thân mình, cơ quan, đơn vị mình. Yếu tố quyết định trong việc phòng chống tham nhũng thành công là lãnh đạo và người đứng đầu phải gương mẫu, đi đầu trong chịu trách nhiệm phòng chống tham nhũng.

Ai không làm được, hoặc làm không hiệu quả, để tham nhũng kéo dài không xử lý được phải bị thay thế theo đúng pháp luật. Phải làm rõ và xử lý nghiêm những người cơ hội, chỉ lớn tiếng phê phán nơi này nơi nọ tham nhũng, trong khi ngay ở cơ quan mình thì để tham nhũng kéo dài không xử lý, hoặc bản thân mình cũng có liên quan, bao che, hoặc đứng sau đối tượng tham nhũng.

Nếu đồng lòng, kiên quyết, tình trạng tham nhũng sẽ giảm bớt. Thủ tướng CP cũng đề nghị các đại biểu QH giám sát nhiệm vụ trọng tâm này.

Chất vấn trực tiếp: Tôi sẵn sàng đứng chờ câu hỏi của ĐB

Sau khi Thủ tướng Chính phủ trả lời xong phần văn bản, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng mời ông ngồi nghỉ chờ câu hỏi chất vấn trực tiếp của ĐBQH. Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vui vẻ nói:"tôi vẫn còn đứng được". Ông nói: "Tôi sẵn sàng đứng đây chờ câu hỏi của các ĐBQH"

ĐB Đỗ Trọng Ngoạn (Bắc Giang): Tôi không hỏi về thành tựu quy hoạch, chỉ hỏi là Thủ tướng đánh giá thế nào sự thiệt hại to lớn quy hoạch treo? Thực trạng vốn ODA bị rút khá nhiều trong những năm qua, TT có thể nói là thu hồi được không, những ai sai phạm sẽ phải xử lý thế nào? Về chuyện tăng giá điện, TT cho biết: do bất khả kháng là phải tăng giá điện, do quản lý yếu kém ngành điện nên phải tăng? Nếu chưa tăng giá điện, chúng ta tiến hành biện pháp khác hỗ trợ cho điện được không? Tăng giá các ngành xa xỉ như thuốc lá, bia, khách sạn, ô tô xịn... được không? Thu hồi từ những nguồn lãng phí để không phải tăng giá điện, được không?

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (cười): Trong đời phải thấy cái được trước cái chưa được. Cái được của quy hoạch là rất lớn, chúng ta phải công nhận điều đó, nhưng, bên cạnh cái được là cái yếu kém. Tư duy quy hoạch của chúng ta là từ nền kinh tế bao cấp, và khi chuyển qua nền kinh tế thị trường, qui hoạch chưa sát thực tế, không theo kịp phát triển dẫn đến qui hoạch treo, kéo dài, gây phiền nhiễu cho dân.

Trách nhiệm thì tôi đã nói rõ, là người đứng đầu Chính phủ, tôi phải chịu trách nhiệm. Thủ tướng CP đã thấy rõ, nghiêm khắc kiểm điểm. Còn việc ai làm sai, thì chúng ta đều xử lý, sai đến đâu xử lý đến đó.

Về việc rút vốn ODA trong xây dựng cơ bản, đây là tình trạng tiêu cực, tham nhũng, chúng ta đã bàn nhiều. Trách nhiệm của Chính phủ là quản lý Nhà nước, và phát hiện ai tham nhũng, thì phải xử lý nghiêm khắc. Nếu ĐB có phát hiện ở đâu, ai có dấu hiệu "rút ruột" thì xin báo cáo lại, để chúng tôi nhanh chóng xử lý.

Về giá điện, cũng phải được vận hành trong cơ chế thị trường. Chúng ta đã bàn nhiều, phải đưa giá điện vào tính đúng, tính đủ. Hiện nay, nếu mua ở ngoài Tổng công ty (15%, trong đó có mua của Trung Quốc), thì sau khi bán ra thì lỗ hơn 3.000 tỷ đồng/năm, nếu đến năm sau, giữ giá này thì lỗ hơn 4.000 tỷ.

Nếu chúng ta tiếp tục mua cao bán thấp thế này thì không thể chịu nổi, hoạch toán sẽ không đúng nguyên tắc. Việc giảm tổn thất điện năng, giảm chi phí quản lý đã tiến hành thành công từng năm nhưng vẫn không thể bù đắp nổi. Tiếp tục bao cấp không thể cân đối kinh tế, gây ra lợi nhuận ảo cho những ngành khác.

Từ đó, mới có phương án tăng giá điện. Chúng tôi cũng biết rằng giá điện ảnh hưởng rất lớn đến đời sống nên chúng tôi đã lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị các cấp.

Giá điện không bao cấp cho các đơn vị sản xuất kinh doanh, phải tính đúng tính đủ. Tuy nhiên, chúng tôi đã tính toán đến phương án có trợ cấp hợp lý cho hộ nghèo và khu vực nông thôn. Hiện nay, số hộ nghèo ở khu vực nông thôn chiếm khoảng 75% tổng số hộ, sử dụng  14,5% tổng sản lượng điện, 5% hộ nghèo ở đô thị có chỉ số sử dụng điện không quá 100kw/tháng, chiếm khoảng 5,7% tổng sản lượng điện.

Hai thành phần này cộng lại là khoảng 21% sản lượng điện tiêu dùng nhưng liên quan đến 80% dân số, nên chăng chưa tăng giá điện với đối tượng này? Còn lại 79% sản xuất kinh doanh thì phải tính đủ chứ? Hộ nào khá giả, tiêu dùng nhiều thì việc phải chi trả nhiều hơn cũng là hợp lý. Việc tính toán tăng giá điện thì cũng phải hợp lý ở điểm vừa đáp ứng cho nền kinh tế thị trường, vừa có những chính sách XH phù hợp.

Tôi đã nêu ý kiến này để các đồng chí ở ngành điện tính toán, tìm ra phương thức thực hiện.

Đại biểu Phạm Quang Dự hỏi thêm 3 vấn đề liên quan đến chính sách khai thác, sử dụng dầu khí như thế nào cho phù hợp? chất lượng tăng trưởng liệu sang năm  2007 có gì nổi bật không, có thực hiện được như vậy không?-Hiện tại, đóng góp chủ yếu của nền kinh tế là yếu tố vốn. Sắp tới, nhiều nguồn vốn gián tiếp, dễ vào và dễ ra, Chính phủ có lường trước được khả năng này không và sẽ giải quyết thế nào?

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói rằng, chiến lược dầu khí thì ông nghĩ với tư cách nguyên là Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Dầu khí, đại biểu Phạm Quang Dự đã thuộc hết rồi. Chiến lược này rất công phu, gắn  liền với chiến lược phát triển đất nước. Hàng năm, Chính phủ trong quá trình triển khai thực hiện có điều chỉnh, bổ sung cần thiết theo tinh thần hiệu quả, bền vững, không chỉ là vấn đề phát triển kinh tế mà còn là an ninh năng lượng quốc gia.

Việc nâng cao chất lượng tăng trưởng phụ thuộc vào nhiều yếu tố, kể cả phần cứng và phần mềm như đã làm tăng trưởng phải là vốn, lao động, tài nguyên, KHCN, nhưng còn cơ chế chính sách, yếu tố hết sức quan trọng. Cho nên, để cải thiện nhanh chất lượng cần giải pháp đồng bộ, cần coi trọng đẩy mạnh năng suất lao động, mà quyết định là nhờ yếu tố đào tạo nghề. Chúng ta đi từ số 0 lên 27% lao động được qua đào tạo, chưa nói đến chất lượng. Kế hoạch 5 năm phải làm nhanh việc này. Mong muốn có tốt đẹp, lãng mạn đến mấy cũng phải tính khả năng nguồn lực, do vậy chúng ta đề ra mục tiêu đạt 40% vào 2010. Đề cao quá nghe thì thích nhưng làm không được. 

Hay đổi mới công nghệ là cần có chính sách, định hướng thông tin để DN đổi mới công nghệ, rút ngắn khoảng cách. Trong tổng kết kinh tế - xã hội 5 năm, yếu tố KHCN chỉ đạt 13,5%. Việc đạt con số này cũng là cố gắng lớn, không chỉ DN mà cả thể chế chính sách. Hướng chung là tạo điều kiện thuận lợi thông qua vận hành kinh tế thị trường để nâng cao năng suất chất lượng hiệu quả. 

Về vấn đề vốn, trong điều kiện hội nhập thì rất thiếu vốn. Đầu tư gián tiếp nước ngoài, khi hoạch định chính sách, chúng ta luôn tính đến điều này. Tiềm lực kinh tế có tăng nhưng quy mô nhỏ làm sao hội nhập phát triển? Thách thức trong điều kiện hội nhập là làm sao chính sách vĩ mô vừa đảm bảo cân đối lớn của nền kinh tế, vừa làm sao bảo đảm ổn định. Hiện nhà đầu tư nước ngoài chỉ được mua cổ phần trong ngân hàng hoặc chứng khoán không quá 30% chính vì điều đó. 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Trong giờ giải lao, tôi có hội ý với các đồng chí lãnh đạo bên ngoài hành lang, đ/c Nông Đức Mạnh nói, nên nói với đại biểu là chúng ta phải tiết kiệm điện, đây là chương trình lớn trong điều chỉnh giá điện , chính phủ đã có đề án tiét kiệm giá điện. Năm ngoái giảm được 50% sản lượng điện chiếu sáng công cộng, giảm 10 phần trăm ở công sở

Ông Trần Đức  Lương nói, giá điện chúng ta thấp nhất thế giới, bao cấp tràn lan như thế là không chịu được nổi đâu, mong đồng bào nhân dân cả nước cùng chia sẻ. Mong các đb ủng hộ 

ĐB Nguyễn Lân Dũng (Đăk Nông)

- Nói hộ cử tri Đak Nông. Sau những sự kiện vừa xảy ra,nhân dân tin tưởng là  triển vọng sắp tới của đất nước rất lớn. Nhưng tại sao làm nên lịch sử là nông dân, vậy nhưng thiệt hại lớn nhất lại vẫn là nông dân. Thành quả nông nghiệp với số người lớn như vậy nhưng đóng góp ngân sách ít. Thủ tướng đã trình bày 5 chủ trương lớn nhưng đây là những chủ trương đã noi lâu rôi, vậy có cách nào để tạo điều kiện cho nông dân gia nhập vào dịch vụ và công nghiệp

Chính phủ đã phân công ai vạch lộ trình và làm cách nào để tạo điều kiện cho KHKT đi vào đời sống.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Câu hỏi của ĐB cũng chính là câu trả lời (cười). Tôi xin nói thêm, là chủ trương nào đi vào thực tế cũng có thời gian, Chúng ta cũng không thể có phép thần nào hô một ngày một buổi mà xong. Về vấn đề KHKT, ngay việc giống trong nông nghiệp cũng đã nhờ khoa học mà cải tiến được nhiều, nếu không cải tiến  thì sao giá gạo chúng ta có tính cạnh tranh như hiện nay, Rồi cà phê xuất khẩu là số 1, cao su số 2 thế giới. Đây là điều mà như chúng tôi nói là đưa nhanh KHKT vào nông nghiệp, góp phần tăng năng suất, tăng hiệu quả. Còn nhiều vấn đề còn tiếp tục chứ không dừng lại ở chủ trương, chính phủ nêu nhiều vấn đề lớn là để thực hiện được. Mong các đại biểu tăng cường giám sát.

ĐB Lương Thị Giang (Bắc Ninh)

Trước đây, đồng chí Nguyễn Văn Linh có đề ra những việc cần làm ngay, sau đó chúng ta đã tiến hành các cải cách hành chính như lập đưòng dây nóng. Mới đây, Bộ TNMT lại tổ chức nhiều cuộc giao lưu trực tuyến với nhân dân, đây là bước tiến của thực hiện chính phủ điện tử, tiến tới cải cách hành chính tốt hơn nữa. Vậy Thủ tướng có chỉ đạo các ban ngành thực hiện hình thức như thế hay không?

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Hoan ngênh câu hỏi của ĐB Giang và hoan nghênh Bộ TNMT. CHúng tôi đã yêu cầu văn phòng Chính phủ để đối thoại trực tiếp với dân, chính phủ phải gần dân, để lắng nghe kịp thời, sẵn sàng đối thoại với dân.

Bất kỳ đồng chí nào cũng có thể đối thoại trực tiếp với dân, kể cả phó thủ tướng và các Bộ trưởng. Ngay như các phiên chất vấn này, chúng tôi cũng đã yêu cầu những đồng chí không trả lời chất vấn cũng nên có mặt để khi cần sẽ hỗ trợ trả lờik chất vấn cũng là giám sát, hình thức tốt đẻ trình bày chủ trương của mình và để người dân kiến nghị.

ĐB Trần Luân Kim (Phú Yên): Về việc chỉ đạo xét xử các vụ án lớn, thất thoát lãng phí của Chính phủ cử tri rất đồng tình, ông Kim xin  rút lại chất vấn về phòng chống tham nhũng. Vậy Thủ tướng nêu biện pháp xử lý, lộ trình thực hiện trong cải cách hành chính, trên nói dưới không nghe và sự chồng chéo về lĩnh vực hiện nay?.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Kỷ luật hành chính là để nâng cao hiệu quả bộ máy hành chính, cả về xây dựng thể chế và tổ chức bộ máy (liên quan đến chức năng nhiệm vụ, bộ máy công chức). Để có bộ máy hành chính nghiêm, mạnh cần quá trình tích cực trong cải cách. CP đề ra cả chương trình, đề án cải cách giai đoạn 2, đi liền đó là yêu cầu xây dựng và niêm yết công khai quy trình quy định việc giải quyết thủ tục của dân và giám sát thực hiện. 

Nhân dân yêu cầu phải làm tốt việc cải cách hành chính.

Chính phủ là cơ quan cao nhất về quản lý. Tất nhiên, một số việc liên quan đến nhiều bộ ngành khác nhau. Trong quá trình vận hành, sắp hết nhiệm kỳ thì Chính phủ phát thiện một số lĩnh vực phân công không rõ, không rạch ròi trách nhiệm. Chính phủ sẽ rà soát lại, sửa đổi trong nhiệm kỳ sắp tới. Như chương trình VSATTP rất quan trọng, vừa qua Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế làm đề án về việc này. Thủ tướng nhắc lại vấn đề hôm trước các đại biểu chất vấn Bộ trưởng Bộ NN-PTNT về nước sạch, nếu theo tiêu chí mới có tới 21 tiêu chuẩn thì nước sạch cho nông thôn chỉ đạt 30%, trong khi theo tiêu cuhẩn của Bộ NN là 60%. Yêu cầu của cuộc sống tăng lên thì các tiêu chí cũng tăng.

- Đại biểu Nguyễn Thị Hằng Nga chúc mừng Chính phủ về thành công APEC. Bà nói, do hậu quả quy hoạch treo, người dân đang không an cư nhưng vấn đề này Thủ tướng đã trình bày kỹ, nhưng cả Thủ tướng, Bộ Xây dựng đều chưa nói rõ về nhà công vụ. Nếu việc bán nhà chưa đúng, chưa đảm bảo, một số người được hưởng lợi qua việc này xử lý như thế nào?

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cảm ơn lời chúc mừng của đại biểu, nhưng nói thêm thành công của APEC là nhờ sự nỗ lực của toàn nhà nước, nhân dân ta.

Về nhà công vụ, Thủ tướng cho biết sẽ rà soát lại việc quản lý nhà công vụ hiện nay. Việc cho thuê, bán nhà theo NĐ 61 ai làm sai, tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ xử lý. Tinh thần là như vậy. NĐ 61 quy định nhà này là để ở, cho thuê, khi bán phải được Thủ tướng đồng ý, ai làm không đúng bị xử lý và phải thu hồi lại. Trong NĐ của CP cũng quy định, nhà công sở mà chuyển sang nhà ở chỉ Thủ tướng CP mới có quyền quyết định.

Lịch sử nhà công vụ là cả một vấn đề lâu dài. Cần có cơ quan thẩm định trình CP phê duyệt, nếu đúng là bán lại nhà gần công vụ đang cho thuê gần giá thị trường, ai mà bán phải đóng thuế, ai không đóng cũng bị xử lý. Không thể lấy quy định hiện hành để xem xét lại các căn nhà trước đây đã bán như thế nào, bởi qua mỗi giai đoạn đã khác. Gần đây, Hạ viện Hoa kỳ có Nghị quyết khuyến nghị Nhà nước Việt Nam trả lại nhà công vụ cho người dân. Điều này xâm pham thô bạo vào công việc nội bộ của Việt Nam, cần bác bỏ.

Nguyễn Đình Lộc (TP.HCM) băn khoăn của một số người. Báo chí đưa tin Việt Nam sắp nhập khẩu than từ nước ngoài do nguồn trong nước cạn và nhu cầu lớn, trong khi chúng ta xuất khẩu than thô và giá trị không lớn (đại biểu phân tích dài quá, Chủ tịch QH đề nghị đại biểu nói ngắn lại). Cân đối khai thác tài nguyên nói chung, phục vụ sản xuất nói riêng thế nào cho thoả đáng?

- Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Tôi đã giảm chủ trương giảm xuất khẩu than. Phải để than để phục vụ sản xuất trong nước  Tôi đề nghị năm nay chỉ xuất 16 triệu tấn, trong khi ta vẫn xuất khẩu 20 triệu tấn. Tuy nhiên, hiện các nhà máy của ta tiêu thụ than 4 là chủ yếu, còn than 1,2,3 hoặc 5,6 đều không sử dụng được. Than phải đào lên mới phân loại ra được, còn những loại trên không xuất khẩu thì để đâu được? 

Cho nên, đầu tư quyết liệt để các nhà máy nhiệt điện sớm phát, do vậy, việc bán than sang Trung Quốc cũng không phải khó hiểu. Hiện chúng ta mới có Nhiệt điện Na Dương sử dụng được than hiệu quả thấp. Nhưng muốn có nhà máy có tiền, vốn, đi liền với phát triển kinh tế. Các nhà máy nhiệt điện xây hàng loạt gần đây để tiết kiệm than. Biết là dùng than sản xuất điện tiết kiệm hơn, nhưng chúng ta cũng phải có lộ trình. 

Còn 8 vị đại biểu muốn chất vấn Thủ tướng nhưng đã hết thời gian. Trước khi kết thúc phần trả lời chất vấn, Thủ tướng CP Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các đại biểu không chờ đến khi họp, khi chất vấn tại QH khi cần có thể gọi điện thoại, Thủ tướng sẽ trả lời ngay. Cả hội trường vỗ tay. Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng nói rất hoan nghênh tinh thần này của Thủ tướng.

VietNamNet

Banner PHS
Logo PHS

Trụ sở: Tầng 21, Phú Mỹ Hưng Tower, 08 Hoàng Văn Thái, Phường Tân Phú, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh 

(Giờ làm việc: 8h00 - 17h00 hàng ngày - trừ thứ 7, chủ nhật và các ngày lễ) 

1900 25 23 58
support@phs.vn
Kết nối với chúng tôi:

Đăng ký nhận tin

Tải app PHS-Mobile Trading

Công ty Cổ phần Chứng khoán Phú HưngCông ty Cổ phần Chứng khoán Phú Hưng