Đóng cửa thị trường:
Tiến 273 điểm, Dow Jones vượt mốc 10,000
Báo cáo cho thấy kim ngạch xuất khẩu Tháng 5 của Trung Quốc tăng mạnh gần 50% so với cùng kỳ năm ngoái cũng như sự phục hồi của đồng tiền chung châu Âu EUR đã giúp nhà đầu tư bớt lo ngại về khủng hoảng nợ châu Âu và những tác động của nó lên nền kinh tế toàn cầu.
Sau cuộc họp chính sách ngày 10/06, Thống đốc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Jean-Claude Trichet, cho biết sẽ giữ nguyên các chính sách tiền tệ. Động thái này cũng với các nhận định của ông Trichet đã giúp đồng EUR vượt mốc 1.2 USD/EUR lần đầu tiên trong tuần qua khi tăng 1.4% lên 1.2142 USD/EUR.
Đáng chú ý, cuộc đấu giá 3.9 tỷ EUR trái phiếu kỳ hạn 3 năm tại Tây Ban Nha đã nhận được lực cầu mạnh, một dấu hiệu tích cực đối với những nhà đầu tư đang lo lắng về nợ của các quốc gia khó khăn tại châu Âu.
Tại Mỹ, trước giờ mở cửa, chính phủ công bố số người nộp đơn xin nhận trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần giảm ít hơn dự báo, trong khi thâm hụt thương mại Tháng 4 mở rộng. Hai số liệu này đều cho thấy sự phục hồi khiêm tốn của nền kinh tế.
Sau phiên rớt giá ngày hôm qua, nhóm cổ phiếu ngành năng lượng cũng hồi sinh mạnh mẽ khi dầu thô tăng giá. Theo đó, hợp đồng dầu thô tương lai tăng 1.5% (tương đương 1.10 USD/thùng) lên 75.48 USD/thùng sau khi Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) nâng dự báo nhu cầu dầu thô năm 2010.
Chỉ số S&P 500 năng lượng bứt phá 4.9%, đặc biệt, cổ phiếu BP giao dịch trên sàn New York nhảy vọt 12.3% lên 32.78 điểm, cổ phiếu Baker Hughes tiến 10.6% sau khi được JPMorgan nâng mức khuyến nghị đầu tư.
Nhóm cổ phiếu ngành nhà ở cũng có phiên tỏa sáng khi lãnh đạo phe đa số trong Thượng viện Mỹ, Harry Reid, đề xuất mở rộng chương trình tín thuế dành cho người mua nhà.
Ở diễn biến ngược lại, cổ phiếu Goldman Sachs rớt giá 2.2% xuống 133.77 USD/cp và là cổ phiếu giảm điểm mạnh nhất trong S&P 500. Một nguồn tin thân cận cho biết Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) đang tiến hành điều tra một thương vụ liên quan đến các chứng khoán thế chấp do Goldman thực hiện.
Nguồn: Reuters |
Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số Dow Jones tăng vọt 273.28 điểm (2.76%) lên 10,172.53 điểm. Chỉ số S&P 500 tiến 31.15 điểm (2.95%) lên 1,086.84 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng mạnh 59.86 điểm (2.77%) đóng cửa tại 2,218.71 điểm.
Các chỉ báo kỹ thuật của S&P 500 hiện rất lạc quan khi đường MACD phát đi tín hiệu “mua”. Trong khi đó, cả S&P 500 và Dow Jones đóng cửa trên đường trung bình 14 ngày, một dấu hiệu lạc quan trong ngắn hạn.
Trên sàn New York, số cổ phiếu tăng giá vượt số cổ phiếu giảm giá theo tỷ lệ 7:1, tỷ lệ này trên sàn Nasdaq là 11:2.
Tuy nhiên, khối lượng giao dịch trên ba sàn New York, American Stock Exchange và Nasdaq đạt 9.16 tỷ cổ phiếu, thấp hơn so với mức trung bình hàng ngày năm ngoái 9.65 tỷ cổ phiếu.
Trên thị trường châu Âu, chỉ số FTSE 100 của Anh tăng 0.9%, chỉ số DAX của Đức cộng 1.2% và chỉ số CAC 40 của Pháp tiến 2%.
Tại thị trường châu Á, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 1.1%, chỉ số Kospi của Hàn Quốc cộng 0.3%, tuy nhiên chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc lại đánh mất 0.8%.
Phạm Thị Phước (Theo Reuters, CNN Money)