Tin tức
Tiền xu bị tẩy chay: có phải tại người dân?

Tiền xu bị tẩy chay: có phải tại người dân?

26/09/2005

Banner PHS

Tiền xu bị tẩy chay: có phải tại người dân?

Đồng tiền xu của Việt Nam vừa ra đời đã rơi vào quên lãng. Bên cạnh các lý do như dễ rơi vãi, nặng túi, khó tiêu, nguy hiểm với con trẻ... còn một điều rất quan trọng là ít thứ có thể mua bằng tiền xu. Tiền xu đang thiếu cơ hội được trưng dụng tại Việt Nam...

Đồng tiền xu của Việt Nam vừa ra đời đã rơi vào quên lãng. Bên cạnh các lý do như dễ rơi vãi, nặng túi, khó tiêu, nguy hiểm với con trẻ... còn một điều rất quan trọng là ít thứ có thể mua bằng tiền xu. Tiền xu đang thiếu cơ hội được trưng dụng tại Việt Nam.

 

Tiền xu bị tẩy chay vì thói quen cất giữ

 

Mặc dù chưa đến 5 giờ sáng, chợ Long Biên (chợ đầu mối của Hà Nội) đã nhộn nhịp. Sau một núi dưa hấu, chị Nguyễn Thị Hà đang cười méo mó với một khách hàng: "Cô thông cảm, chị không nhận tiền xu đâu, bất tiện lắm". "Em cũng biết vậy nhưng không còn đồng tiền lẻ nào cả". "Đưa đồng tiền giấy đây chị đổi lại cho". Vừa buộc lại sọt dưa, người mua dưa tên Nga nói: "Có vài đồng tiền xu 5.000, từ sớm đến giờ, ’gạ’ gần chục chủ hàng và một anh xe ôm mà chẳng ai chịu nhận".

 

Chị Nguyễn Thị Tú và chị Ngô Thị Khá là chủ quầy hàng khô ở chợ Ngã Tư Sở có vẻ rất quyết liệt trong việc không nhận đồng tiền xu, nhất là không bán được hàng. Chị Tú chìa lòng bàn tay có 2 đồng tiền xu mệnh giá 2 nghìn đồng nói: "Đây này, nếu mình bán hàng mà lấy của khách thì khi mua hàng trả lại khách họ không cầm. Bọn chị cũng không bán hàng nếu khách trả chị bằng tiền xu. Không tin em cứ đi vòng quanh chợ mà xem".

 

Nhưng không phải ai cũng ghẻ lạnh với tiền xu. Bác Trần Văn Quỳnh (tổ 8, phường Định Công, quận Hoàng Mai) làm đại lý bưu điện. "Từ đầu năm đến giờ có một số khách gọi điện trả tiền xu tôi không thích nhưng vẫn nhận". Vừa dứt lời, bác rút từ trong ngăn kéo một gói tiền bọc bằng giấy báo rồi giở ra cho tôi xem. Cả thảy hơn 200 nghìn đồng. "Phải gói thế mới giữ được. Mà có trả lại họ cũng không lấy đâu. Gói thế này để hôm nào... ra ngân hàng đổi".

 

Những lý do chủ yếu được người dân nêu ra là tiền xu dễ rơi vãi, nặng túi, khó tiêu, nguy hiểm với con trẻ... 

 

Ít cơ hội vì thiếu phương tiện sử dụng

Tiền tệ là một thứ tài sản quốc gia, người dân tiêu dùng có trách nhiệm với đồng tiền theo tinh thần của luật pháp. Tuy nhiên, đồng tiền cũng là một thứ hàng hóa trao đổi, nó cũng phải chịu ảnh hưởng của quy luật cung cầu và trao đổi hàng hóa. Một khi nó đáp ứng được nhu cầu, thuận lợi cho tiêu dùng thì nó tồn tại và trở thành thiết yếu; còn một khi nó không có khả năng đáp ứng nhu cầu thì tự bản thân nó cũng đi vào quá trình đào thải.

Tại Trung Quốc, đồng xu 1 nhân dân tệ (tương đương 2.000 VND) được sử dụng rất rộng rãi, dù nước này vẫn có đồng tiền giấy 1 Tệ. Rất nhiều thứ người dân phải mua hàng ngày phải sử dụng đồng 1 tệ, như lon nước, bánh mỳ, bát mỳ trộn, vé xe bus, một cuộc điện thoại 1 phút... 1 gói kẹo, một cân hoa quả (3-5 tệ)... Nhiều người trước khi ra khỏi nhà thường phải kiểm tra xem đã có vài đồng xu trong túi chưa.

 

Bởi những tiện ích của tiền xu được phát huy nhờ hệ thống bán hàng tự động. Trong khi đó, hệ thống này tại Việt Nam vẫn phát triển èo uột.

Lý giải về sự thịnh vượng của đồng tiền xu ở các nước phát triển so với sự "ỉu xìu" tại Việt Nam, các chuyên gia cho rằng, điều quan trọng nhất hậu thuẫn cho sự thịnh vượng của tiền xu là mãi lực của tiền xu và tuổi thọ mãi lực phải dài. Nhưng tại Việt Nam chưa làm được điều ấy.

 

Mãi lực của một đồng tiền được hiểu nôm na là khả năng sử dụng của đồng tiền đó. Để một đồng tiền có khả năng sử dụng cao, một trong những yêu cầu quan trọng là phải có nhiều mặt hàng, nhiều chủng loại hàng hoá phù hợp với mệnh giá đồng tiền. Người dùng ít phải đổi sang loại mệnh giá khác và không thể dùng đồng tiền khác thay thế.

 

Trên Thời báo kinh tế Sài Gòn, một chuyên gia cũng cho rằng tiền xu Việt Nam hiện có mệnh giá lớn nhất là 5.000 đồng, nhỏ nhất là 200 đồng. Trong khi rất ít loại hàng hóa tại Việt Nam có giá dưới 1.000 đồng/đơn vị. Và chắc là không có đơn vị hàng hóa nào có giá 200 đồng. Chính vì không có mãi lực nên ông này cho rằng, không chóng thì chầy, tiền xu mệnh giá 200 đồng cũng sẽ bị cáo chung như tiền mệnh giá 100 đồng hiện nay hoặc như tiền xu mệnh giá 1 xu của Australia. Đồng tiền giấy 100 đồng của Việt Nam hiện đã mất hẳn trên thị trường bởi nó không còn mua được thứ gì.

 

Hai năm kể từ khi tiền xu ra đời được nhiều người cho rằng là thời gian quá đủ để chúng ta "thực tập" thói quen dùng tiền xu. Song, đồng tiền nhỏ lại đang là vấn đề lớn bởi thách thức tạo ra một môi trường kinh tế, xã hội cũng như một thị trường hàng hoá phù hợp với nó lại là điều không dễ thực hiện ngay.

 

Thiếu tiền lẻ - tại người dân?

Trao đổi với VietNamNet, ông Nguyễn Văn Toản - Phó Cục trưởng Cục Phát hành và Kho quỹ, Ngân hàng Nhà nước Việt
Nam - cho rằng, chuyện thiếu tiền lẻ ở nhiều chợ là do chính người bán và người mua gây ra. Người mua và người bán đã tự đưa mình vào một tình huống bất lợi trong giao dịch. Nếu cả hai bên đều chấp nhận trả và nhận bằng tiền kim loại thì sẽ đơn giản hơn nhiều.

 

Ông này cũng khẳng định, việc thiếu tiền lẻ chỉ là cục bộ, không phải ở tất cả các địa phương.

 

Tại các chợ, những đồng tiền giấy loại 200, 500 đồng hay thậm chí 1.000 đồng cũ nát được chuyền tay nhau. Thay vì phải bị thu hồi thì người dân vẫn chấp nhận những đồng tiền này dù chúng đã cũ nát. Ông Toản thừa nhận, hàng tháng vẫn có một lượng khá lớn tiền giấy mệnh giá nhỏ được thu hồi về, song tốc độ chậm hơn so với trước đây.

 

Lý giải về hiện tượng tiền xu bị xa lánh, ông Toản cho rằng Việt Nam vẫn lưu hành song song hai loại tiền là tiền giấy và tiền kim loại mệnh giá nhỏ, trong khi người dân vốn có thói quen xài tiền giấy từ lâu nên không mặn mà với tiền xu. "Chúng tôi hiểu rằng để thay đổi một thói quen không phải là chuyện ngày một ngày hai. Hơn nữa, bản thân tiền kim loại cũng nặng và khó cất giữ hơn tiền giấy nên trong điều kiện còn lưu hành song song như hiện nay, người dân thích tiền giấy là điều khó tránh khỏi", ông cho biết.

 

"Đồng tiền xu có rất nhiều ưu điểm về lợi ích kinh tế xã hội như tiết kiệm chi phí ngân sách, tuổi thọ cao, trao tay tiện lợi, thời gian bảo quản dài lâu, môi trường sạch sẽ, không bị thấm hút như tiền giấy. Tiếc rằng, Hà Nội là trung tâm chính trị kinh tế, văn hoá lớn của cả nước lại có bước chuyển biến chậm chạp", ông than phiền.

 

"Ngân hàng Nhà nước thời gian tới sẽ tổ chức tuyên truyền, vận động, giải thích trong công chúng. Đồng thời, chủ động nắm vững cơ cấu lưu thông tiền tệ để bố trí phù hợp với nhu cầu của xã hội. Sử dụng tiền xu thể hiện sự văn minh nhân loại, ý thức pháp luật trong các loại hình giao dịch dân sự và Nhà nước nên mỗi người dân phải đặt quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của mình trong bối cảnh tổng thể theo xu hướng vận động chung của toàn xã hội", ông Toản nói.  

VNN

Banner PHS
Logo PHS

Trụ sở: Tầng 21, Phú Mỹ Hưng Tower, 08 Hoàng Văn Thái, Phường Tân Phú, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh 

(Giờ làm việc: 8h00 - 17h00 hàng ngày - trừ thứ 7, chủ nhật và các ngày lễ) 

1900 25 23 58
support@phs.vn
Kết nối với chúng tôi:

Đăng ký nhận tin

Tải app PHS-Mobile Trading

Công ty Cổ phần Chứng khoán Phú HưngCông ty Cổ phần Chứng khoán Phú Hưng