Tin tức
Tiêu thụ, xuất khẩu cao su: Nhiều cơ hội và thách thức

Tiêu thụ, xuất khẩu cao su: Nhiều cơ hội và thách thức

06/11/2010

Banner PHS

Tiêu thụ, xuất khẩu cao su: Nhiều cơ hội và thách thức

Theo thống kê của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (Vietnam Ruber Group-VRG), chỉ trong 10 tháng đầu năm 2010 tổng kim ngạch xuất khẩu cao su đạt trên 1,6 tỷ USD và dự kiến hết năm 2010 sẽ đạt kim ngạch trên 2 tỷ USD.

Tuy nhiên bên cạnh những cơ hội to lớn cho xuất khẩu, cao su Việt Nam vẫn tiềm ẩn những thách thức không nhỏ khi cao su nước ta còn phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc (chiếm hơn 50% tổng sản lượng cao su xuất khẩu của Việt Nam).

Cơ hội và thách thức.

Theo VRG, tình hình sản xuất và tiêu thụ cao su thiên nhiên thế giới hiện đang có nhiều thuận lợi cho xuất khẩu cao su của Việt Nam. Hiện sản xuất cao su ở các nước châu Á chiếm 94% sản lượng cao su thiên nhiên thế giới trong đó đứng đầu là Thái Lan (3,27 triệu tấn), kế tiếp là Indonesia (2,59 triệu tấn), Malaysia (1 triệu tấn), Ấn Độ (879 ngàn tấn) và Việt Nam đứng thứ 5 (770 ngàn tấn).

Đáng chú ý là Malaysia và Ấn Độ đứng thứ 3 và thứ 4 thế giới về sản lượng cao su nhưng lại là nước tiêu thụ cao su lớn trên thế giới. Lượng cao su Malaysia nhập khẩu nhiều hơn lượng mà nước này xuất khẩu. Còn Ấn Độ với nền công nghiệp ô tô giá rẻ đang phát triển cực nhanh đã khiến nước này tiêu thụ cao su vượt qua cả Mỹ, đứng thứ 2 trên thế giới chỉ sau Trung Quốc. Năm 2010 Ấn Độ dự kiến nhập khẩu 120 ngàn tấn cao su và ngành công nghiệp ô tô của Ấn Độ dự kiến tăng trưởng 15% trong năm nay, trong khi đó từ năm 2009 sản xuất cao su thiên nhiên ở nước này đã giảm 6,9%. Và dự báo năm 2011, Ấn Độ sẽ tiêu thụ 1 triệu tấn cao su thiên nhiên, so với sản lượng trong nước Ấn Độ sẽ phải nhập khẩu trên 100 ngàn tấn cao su.

Riêng Trung Quốc, đứng thứ 6 trên thế giới về sản lượng cao su (660 ngàn tấn, thấp hơn Việt Nam) nhưng là nước tiêu thụ cao su thiên nhiên lớn nhất thế giới. Mỗi năm Trung Quốc nhập khẩu khoảng 2,6 triệu tấn cao su các loại, trong đó cao su thiên nhiên chiếm 1,6 triệu tấn. Năm 2010, nhu cầu cao su của nước này tiếp tục tăng bởi công nghiệp ô tô Trung Quốc phát triển nhanh và dự kiến bán được gần 16 triệu xe trong năm nay, tăng 20% so với 2009, đây cũng là thị trường xe hơi lớn nhất thế giới. Trong khi đó tỷ lệ vườn cây cao su già gia tăng, ảnh hưởng đến năng suất cao su của Trung Quốc.

Một yếu tố nữa tạo thuận lợi cho cao su Việt Nam đó là việc Chính phủ Thái Lan áp dụng phụ thu mới cho tái canh (cess) trước đây là 1,4 Baht/kg nay có thể lên tới 5 Baht/kg. Điều này sẽ tác động lên giá cao su thiên nhiên vì Thái Lan là nhà sản xuất cao su thiên nhiên lớn nhất thế giới nên sẽ tác động lên giá của nhiều quốc gia sản xuất cao su thiên nhiên khác.

Bên cạnh những thuận lợi trên thì tiêu thụ và xuất khẩu cao su Việt nam hiện nay vẫn tiềm ẩn những rủi ro và thách thức không nhỏ khi phụ thuộc quá nhiều vào thị trường biên mậu. Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, lượng cao su Việt Nam xuất qua Trung Quốc chiếm trên 50% tổng lượng cao su xuất khẩu của cả nước. nhưng xuất chính ngạch qua Trung Quốc chỉ chiếm khoảng 9%. Xuất khẩu biên mậu có những lợi ích nhất định vì được phía Trung Quốc áp dụng thuế suất nhập khẩu thấp hơn so với xuất khẩu chính ngạch nên tạo lợi thế cho cao su Việt Nam so với các nước. Hơn nữa Trung Quốc là một thị trường dễ tính không đòi hỏi cao về chất lượng, bao bì đóng gói nên hàng chất lượng nào cũng bán được..

Tuy nhiên thị trường biên mậu lại gặp rất nhiều rủi ro về thanh toán và giá cả, không khuyến khích các doanh nghiệp cao su cải tiến chất lượng, bao bì sản phẩm... đạt tiêu chuẩn xuất khẩu để hàng hóa có thể xuất khẩu vào các thi trường khác khi tình hình biên giới bị bế tắc hay ép giá; doanh nghiệp không nâng cao ý thức kinh doanh chuyên nghiệp như các nghiệp vụ đàm phán, ký kết hợp đồng, thanh toán quốc tế hoặc nâng cao thương hiệu của mình trên thị trường.

Một dẫn chứng cụ thể về rủi ro của thị trường biên mậu khi Trung Quốc đóng cửa thị trường này vào cuối tháng 5/2010 đã khiến hàng loạt các công ty cao su Tây Nguyên và duyên hải miền Trung rơi vào thế bị động, hàng bị ứ đọng không tiêu thụ được (có doanh nghiệp tồn đọng tới 800 tấn tại Móng Cái). Vì vậy, theo ông Trần Ngọc Thuận, Tổng giám đốc tập đoàn VRG: Cho dù hiện đang là giai đoạn giá cao su tốt nhất trong lịch sử, có lúc giá cao su Việt Nam đạt tới mức kỷ lục trên 4.000 USD/tấn (tương đương trên 80 triệu đồng/tấn), nhưng trong tương lai cần phải tính đến chiến lược thị trường lâu dài nếu không sẽ lúng túng trong vấn đề tiêu thụ cao su khi cung cầu cao su thế giới thay đổi có thể thiếu hoặc thừa.

Giải pháp nào cho tiêu thụ và xuất khẩu cao su bền vững?

Việc Trung Quốc đóng cửa mậu biên cuối tháng 5 vừa qua khiến xuất khẩu cao su trong tháng 5 sụt giảm chỉ bằng một nửa những tháng trước đó. Tuy nhiên từ tháng 6 tới nay, xuất khẩu cao su tăng mạnh trở lại, trong đó đỉnh điểm là tháng 8 lượng cao su xuất khẩu đạt khoảng 100 ngàn tấn. Theo bà Trần Thúy Hoa, Tổng thư ký Hiệp hội cao su Việt Nam (VRA), sở dĩ xuất khẩu cao su tăng mạnh là do các doanh nghiệp đã chú trọng nhiều hơn sang thị trường các nước khác. Đó cũng là lý do khiến các thị trường khác đều có mức tăng trưởng đáng kể so với cùng kỳ như Malaysia tăng 61%, Hàn Quốc tăng 17%, Đài Loan tăng 37%, Đức tăng 41%...

Nhiều năm qua, VRG là đơn vị tiên phong trong việc mở rộng thị trường xuất khẩu sang 30 nước trên thế giới, trong đó có nhiều thị trường tiềm năng như Nga, Đông Âu và Mỹ. Theo ông Hồ Ngọc Hà Thi, trưởng bộ phận marketing của VRG, ngoài việc mở rộng thị trường xuất khẩu chính ngạch để giảm thiểu rủi ro ở thị trường biên mậu, nên chú ý đến việc phát triển sang những thị trường mới nổi như Ấn Độ chẳng hạn. Ông Thi cho biết, khoảng 5 tháng trở lại đây, Ấn Độ đã sang Việt Nam đặt vấn đề nhập khẩu cao su với số lượng khoảng hơn 100 ngàn tấn. Đây là tin vui cho các doanh nghiệp xuất khẩu cao su Việt Nam.

Tại Hội nghị bàn về biện pháp tiêu thụ và xuất khẩu cao su cho các doanh nghiệp Tây Nguyên và duyên hải miền Trung do VRG tổ chức mới đây tại Gia Lai, ông Nguyễn Thành Tường, Phó Tổng giám đốc công ty cao su Dầu Tiếng, đã chia sẻ kinh nghiệm về thực hiện các hợp đồng xuất khẩu dài hạn. Từ năm 1993, công ty này đã xây dựng thị trường xuất khẩu chính ngạch bền vững và từ năm 1996, nay Dầu Tiếng luôn ký hợp đồng dài hạn từ 65-90% tổng sản lượng xuất khẩu. Tuy nhiên theo ông Tường, để vừa có thể tiêu thụ ổn định, vừa có giá bán tốt, nên xuất khẩu bằng hợp đồng dài hạn 60-70% sản lượng, phần còn lại tham gia thị trường chuyến để không mất cơ hội khi giá lên .

Chuyển đổi cơ cấu sản phẩm cho phù hợp với cơ cấu thị trường cũng là một kinh nghiệm đẩy mạnh xuất khẩu của công ty cao su Đồng Phú, Phước Hòa, Tây Ninh..

Theo bà Trần Thúy Hoa, một trong những biện pháp quan trọng nhằm tăng cường tính bền vững cho việc xuất khẩu và tiêu thụ cao su là cần tăng cường cung cấp nguyên liệu cho các nhà công nghiệp chế biến cao su trong nước. Nhu cầu cao su thiên nhiên trong nước dự kiến từ 16% hiện nay sẽ tăng lên 30% vào những năm 2020 tương đương khoảng 300- 400 ngàn tấn/năm; Thứ hai là các doanh nghiệp cần đảm bảo chất lượng và bao bì đóng gói theo tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế để có thể mở rộng thị trường, chuyển sang xuất khẩu chính ngạch là chủ yếu kể cả thị trường Trung Quốc.

Minh Long- Tuấn Anh

công thương

Banner PHS
Logo PHS

Trụ sở: Tầng 21, Phú Mỹ Hưng Tower, 08 Hoàng Văn Thái, Phường Tân Phú, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh 

(Giờ làm việc: 8h00 - 17h00 hàng ngày - trừ thứ 7, chủ nhật và các ngày lễ) 

1900 25 23 58
support@phs.vn
Kết nối với chúng tôi:

Đăng ký nhận tin

Tải app PHS-Mobile Trading

Công ty Cổ phần Chứng khoán Phú HưngCông ty Cổ phần Chứng khoán Phú Hưng